Bản sắc văn hóa người Mông ở Hà Giang
Văn hoá truyền thống Mông có tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hoá tinh thần người Mông. Tuyệt đại đa số người Mông là nông dân. Xã hội Mông vẫn là một xã hội nông nghiệp truyền thống mang nặng tính chất tự cung tự cấp. Trong xã hội Mông, ý thức cộng đồng vẫn chi phối nếp sống người Mông. Văn hoá truyền thống Mông chi phối mọi quá trình sản xuất, nhu cầu, phổ biến và tiêu dùng văn hoá ở xã hội người Mông.
Người Mông ở Hà Giang có gần 200.000 người, là dân tộc có số dân đông nhất chiếm trên 31% các dân tộc trong tỉnh, với 2 nhóm chính là Mông trắng và Mông hoa sinh sống chủ yếu ở các Huyện phía bắc: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc và hai huyện phía tây Hoàng Su phì, Xín Mần. Người Mông cư trú xen kẽ với các dân tộc: Dao, Lô Lô, Pu Péo, Cờ Lao, Tày, Nùng … Người Mông ở đây nổi tiếng với truyền thống canh tác nương đá, trồng lúa, ngô và các loại hoa màu khác. Sản xuất thủ công của đồng bào Mông đạt đến trình độ khá cao như dệt, đan lát, làm đồ gỗ, rèn đúc… Trang phục truyền thống của phụ nữ Mông rất độc đáo. Một bộ nữ phục bao gồm váy, áo cánh, áo xẻ ngực có yếm lửng, thắt lưng, khăn quấn đầu, xà cạp… Váy thường là hình nón cụt, xếp nếp xoè rộng, cũng có khi là váy ống, khi mặc xếp ở hai bên hông. Nhà của người Mông làm bằng đất, có 3 gian, gian giữa đặt bàn thờ tổ tiên. Các cửa chính và cửa phụ đều mở về phía trong. Văn hoá truyền thống người Mông là một kho tàng hết sức phong phú với những phong tục tập quán, lễ nghi, tín ngưỡng. Các dòng họ người Mông có cách thờ cúng tổ tiên không giống nhau. Một số lễ cúng chính như cúng ma cửa (xia mình), ma lớn mụ (đa trung) với số lượng, nội dung các bài cúng, bài trí, sắp xếp nơi cúng, nơi ăn uống đa dạng và phức tạp. Văn học nghệ thuật Mông thể hiện tâm lý, ý thức của cộng đồng, các vấn đề về tự nhiên, xã hội và lịch sử. Nổi bật trong đó là những khúc hát về tình yêu, được thể hiện bằng khèn, sáo, đèn môi, kèn lá. Hoa văn trang trí trên váy là các hình bướm, rắn, hoa, răng bừa, mắt chim, chân lợn… màu sắc hài hoà. Tất cả là những tài sản vô giá của cộng đồng người Mông được lưu giữ từ lâu đời.
Múa Khèn của dân tộc Mông
Người Mông ở Hà Giang thích nghi với đời sống trên các dãy núi cao từ 800m đến 1700m so với mặt nước biển. Núi bao quanh người Mông và người Mông gắn bó với núi non trong mọi đời sống: Sinh hoạt, tình cảm, tập tục và tâm linh. Di cư đến Hà Giang đã gần 300 năm, giờ đây người Mông coi Hà Giang là quê hương, người Mông truyền nhau:
“… Con chim có tổ
Người Mông ta cũng có quê
Quê ta Mèo Vạc … “
Mèo vạc tiêu biểu cho các khu định cư của cộng đồng dân tộc Mông ở Hà Giang. Người Mông quan niệm về vũ trụ: Sở dĩ có trời và đất là do Vua trời cử ông Chày sinh ra bầu trời và cử bà Chày sinh ra mặt đất, lúc mới được tạo ra mặt đất hình vuông, 4 góc phẳng phiu, còn bầu trời tròn và nhỏ hơn mặt đất. ông Chày bèn bảo bà Chày hãy co bớt mặt đất lại để nhỏ bằng mặt trời, bà Chày co lại và đã làm cho mặt đất lồi lõm: Chỗ cao thành núi, chỗ thấp thành đồng bằng, chỗ hằn sâu thành sông, suối, ao, hồ, chỗ lõm sâu thành biển cả … và sau đó con người được sinh ra đó là quan niệm thô sơ, ban đầu của người Mông cũng như một số dân tộc khác khi giải thích về vũ trụ thời kỳ trước đây.
Tập quán canh tác và chăn nuôi của Người Mông
Người Mông sống ở độ cao 800 đến 1700m so với mặt nước biển cho nên nước rất hiếm vì vậy người Mông chủ yếu sống bằng nghề làm nương rẫy và ngô là nương thực chính của người Mông. Ngoài trồng Ngô, người Mông còn trồng các cây khác: Đậu tương, khoai, dong giềng… Cây ăn quả: Mận, Táo, Lê, Đào… và các cây dược liệu như Xuyên khung, ý dĩ…Nương của người Mông có hai loại: Luân canh và quản canh. Về thời vụ: trước kia người Mông trồng độc canh cây ngô, sau này do áp dụng khoa học kỹ thuật người Mông đã chuyển từ một vụ sang trồng 2 – 3 vụ. Do đất ít, chủ yếu canh tác trong các hốc đá nên người Mông có kỹ thuật thâm canh, xen canh khá cao: Trong một nương ngô người Mông có thể trồng cả bí, dưa .
Ngoài các cây trồng trên, người Mông còn rất chăm chút đến một loại cây trồng nữa đó là cây lanh. Cây lanh được người Mông dành cho vạt đất tốt nhất, cho nhiều phân chuồng nhất để gieo hạt, sợi lanh dai và bền hơn sợi đay. Phụ nữ Mông dùng sợi lanh để dệt vải, may váy. Đã là phụ nữ Mông thì hầu hết không ai là không biết nghề dệt vải truyền thống. Bên cạnh làm nương rẫy người Mông còn chú ý đến công việc chăn nuôi gia súc, gia cầm vì kinh tế của người Mông chủ yếu là tự cấp, tự túc. Chuồng gia súc người Mông làm ngay trước cửa nhà, có lát ván và làm vệ sinh hàng ngày. Người Mông quan niệm: Vạn vật đều có hồn, đối với vật nuôi trong nhà đều có “đá chỏ” (ma tổ) vì vậy khi mua vật về nuôi đều phải làm lễ, lễ rất đơn giản: Một nén hương, bát nước, một mụn vải đỏ buộc vào chuồng nơi con vật ở.
Vật nuôi của người Mông là con bò, con ngựa.., bò dùng để làm sức kéo (cày nương), ngựa dùng để cưỡi và thồ hàng. Khi bán và đổi ngựa người Mông giữ lại bộ yên cương vì họ cho rằng, có giữ lại bộ yên cương thì mua con ngựa sau mới tốt. Bên cạnh đó người Mông còn nuôi dê, lợn, gà, ngan, ngỗng…Những vật nuôi này người Mông thường để làm thức ăn dần trong gia đình, rất ít khi mang đi bán. Còn một loại vật nuôi là đặc sản quý của người Mông đó là nuôi ong. Ong vùng núi cao hít thở khí trời trong lành và hương hoa núi rừng nên cho một thứ mật sánh xanh, ngọt thơm – Đây là loại dược liệu qúy dùng chữa nhiều bệnh tật của người Mông.
Tập quán ăn và ở
Lương thực chính của người Mông là ngô, người Mông chế biến thành hai loại một là mèn mén (dùng thay cơm), hai là làm bánh trong những ngày lễ tết, hội hè.
Mèn mén: Là ngô bột được say nhỏ bằng cối đá, sau đó người Mông sàng xẩy thật sạch rồi cho nước vừa phải để nhào trộn thật tơi, xốp cho vào chõ để đồ, khi hơi toả đều trên mặt chõ, lại đổ ra nia nhào nước và cho vào chõ đồ lần thứ hai đun cho tới khi chín. Vì bận công việc nương rẫy, hơn nữa làm mèn mén mất nhiều thời gian nên người Mông thường đồ một chõ đầy, đủ ăn cả ngày.
Bánh ngô được làm bằng ngô nếp hoặc ngô tẻ non, nếu là ngô non bà con chọn quả ngô bánh tẻ, bấm ra sữa, chưa tẽ được, lấy dao mỏng lát lấy hạt ngô, sau đó cho vào cối say được thứ nước quánh đặc như sữa. Gói bột ngô đó vào lá cho vào chõ đồ thành bánh. Đối với ngô nếp bà con say bột rồi ủ nước, sau đó được thứ bột giống bột gạo người Việt làm bánh phở, tiếp đó gói lại cho lên bếp đồ. Ngoài ra bà con còn dùng bột ngô nếp để làm bánh trôi.
Thức ăn hàng ngày của người Mông gồm rau cải, đậu, bí đỏ. Ngày mùa, ngày tết, ngày lễ có thêm thịt gà, thịt dê, thịt lợn hoặc thịt bò. Thịt lợn có thể là thịt lạp treo trên bếp làm thức ăn dần; thịt bò có thể là thịt khô treo gác bếp, người Mông làm thức ăn thường ninh nhừ, ít có món xào, gia vị thường có ớt, gừng. Bình thường không có khách cả nhà người Mông ngồi ăn chung, nếu có khách thì đàn ông và khách ăn trước, phụ nữ, trẻ em ăn sau.
Ngoài ra người Mông còn có một món ăn trong các phiên chợ, ngày hội, đó là món thắng cố, là món thịt thái to, cả xương, lòng gia súc gồm: thịt dê hoặc thịt bò hầm nhừ trong chảo, dùng ăn nóng.
Ăn và ở của người Mông cũng như các dân tộc khác gắn liền nhau trong cuộc đời. Nhà ở của người Mông khá khang trang: Nhà gỗ lợp tranh, lá, phên vách hoặc nhà trình tường lợp ngói âm – d ương . Trong nhà thường có gác để cất giữ lương thực, thực phẩm và đồ dùng trong nhà. Nhà người Mông làm thống nhất theo một khuôn mẫu nhất định dù là nhà tranh, phên vách hay trình tường đều theo dáng chữ đinh. Mỗi vì nhà có 3 cột, một xà, nhà to hay nhỏ đều làm ba gian.
Tập quán hôn nhân
Hôn nhân của dân tộc Mông cũng giống các dân tộc khác trong nước về cơ bản là một vợ một chồng. Tình yêu trai gái từ bao đời đã được thể hiện trong ca dao, dân ca với khát vọng yêu đương và tự do lựa chọn bạn đời. Song hôn nhân của người Mông lại lệ thuộc vào nhiều lễ nghi, nhiều tập tục từ xưa để lại. Trong tập tục ấy có nhiều nét đẹp, song cũng có ít nhiều hạn chế. Hôn nhân của người Mông tiến hành theo ba bước: Dạm ngõ; Lễ hỏi; Lễ cưới.
Tập tục tang ma
Khi nhà có người chết, chủ nhân báo tin cho hàng xóm, anh em họ mạc, bằng cách bắn 3 phát súng kíp lên trời. Con cháu trong nhà đi mời gọi anh em, chú bác, mời thầy cúng, thầy kèn, trống. Tang chủ cùng anh em họp bàn tổ chức tang lễ: cử một người trong họ làm chủ quản, điều hành mọi việc trong những ngày có tang. Trong khi thầy cúng, thầy kèn chưa tới trong nhà không ai được khóc, người nhà đun một nồi nước nóng cắt một mảnh vải lanh mới ( không được dùng vải nào khác) làm khăn rửa mặt và tắm rửa cho người chết. Lau rửa xong, thay quần áo cho người chết, quần áo cổ truyền của dân tộc Mông may bằng vải lanh, vải tà pủ. Đầu người chết cuốn khăn tròn, không được dùng khăn vuông. Dù là đàn ông hay đàn bà đều được thắt ba tấm lưng: Xanh, đỏ, vàng , không để nút thắt sau lưng mà quay ra đằng trước, đàn ông đi tất, đàn bà quấn thêm xà cạp. Mặc cho người chết một chiếc áo bằng vải lanh dài bằng váy áo của dân tộc Tày. Khi thầy cúng đến đọc bài chỉ đường cho người đã khuất, lúc này trong nhà người thân mới được khóc.
Người chết đặt nằm trên một tấm ván giữa nhà, đầu hướng lên bàn thờ, chân hướng ra cửa chính, áo quan cho người chết được chọn loại gỗ tốt, không mối mọt vì người Mông không có tục lệ bốc mả như các dân tộc khác. Thầy cúng đánh ba hồi trống to để báo hiệu cho anh em, họ hàng, láng giềng biết tin, sau đó treo trống lên cột cái gian bếp, lấy giấy bản che bàn thờ tổ tiên lại. Khi thầy cúng làm xong các thủ tục ban đầu, thầy kèn, thầy trống bắt đầu thổi, vừa thổi, vừa múa.
Sau đó thầy cúng gọi hai người đến đưa con ngựa gỗ hóa cho người chết đi đường bằng cách đưa ra cửa chính đập ba lần vào cửa và hô ba lần: Hố! Hố! Hố! gửi người chết về với tổ tiên. Tiếp đó anh em, họ hàng, con cháu đến phúng viếng lạy tạ người chết. Mỗi một lễ, thầy cúng có một bài riêng để đọc, rồi đến hàng xóm, láng giềng đến viếng và lạy tạ.
Trước đây đám ma người Mông kéo dài từ 3 – 4 ngày, từ khi thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Ch í nh khóa VIII về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, giờ đây đã giảm xuống còn 1 – 2 ngày.
Đám ma người Mông không buồn bã, thê thảm như một số dân tộc khác, đám ma người Mông có hơi hướng hội. Những người đến dự đám ma, khi thầy trống, thầy khèn múa thì tất cả có thể nhảy múa theo. Bởi người Mông quan niệm: Chết là về thế giới thực vì “Sống gửi, thác về” nên cần phải múa hát tiễn đưa người chết về với thế giới của họ. Sau 1 – 2 ngày, thầy cúng chọn giờ lành để đưa người chết đi chôn. Thường người chết được đưa ra khỏi nhà từ sáng sớm tinh mơ. Chọn hai người đàn ông ra sau nhà bẻ ba cành đào mang vào nhà đập vào phên vách ba lần, bảy lần hoặc chín lần để đuổi ma người chết ra khỏi nhà, không được về nhà quấy nhiễu người thân.
Sau khi chôn cất được 13 ngày, 1 hoặc 2 tháng nhà nào có điều kiện thì làm ma khô cho người chết – Những nhà chưa có điều kiện làm ngay có thể để sau 6 tháng, 1 hoặc 2 – 3 năm.
Sau khi chôn cất được 13 ngày, 1 hoặc 2 tháng nhà nào có điều kiện thì làm ma khô cho người chết – Những nhà chưa có điều kiện làm ngay có thể để sau 6 tháng, 1 hoặc 2 – 3 năm.
Lễ tết – Hội của người Mông
Tết nguyên đán có thể coi là ngày hội lớn của người Mông, đồng bào chuẩn bị cho những ngày tết rất chu đáo, cẩn thận. Ngày tết không chỉ là ngày nghỉ ngơi, ăn uống thoả thích mà là ngày tụ họp, gặp gỡ gia đình, đón người thân đi công tác, học hành, đi làm ăn xa trở về. Ngày của người sống, người chết gặp nhau: Con cháu làm lễ cúng viếng tổ tiên, chào mừng ngày âm dương giao hoà và người Mông cũng cầu mong cho mọi sự được bình an, tốt đẹp. Người Mông cũng như các dân tộc khác coi ngày tết là những ngày quan trọng, ngày họ có thể làm tròn nghĩa vụ với anh em, họ hàng, láng giềng, với tổ tiên, với các vị thần mà họ tôn thờ. Người Mông chuẩn bị giấy xanh, đỏ, giấy bản, gà trống, trứng gà, ngô, rượu, nước, những gia đình khá giả có thể mổ lợn, dê, bò … làm lễ cúng tết. Đặc biệt ngày 30 tết là ngày trọng đại nhất: Họ làm lễ cúng đêm 30 rất cẩn thận và chu đáo. Sau giao thừa, người đàn ông mới được đi lấy nước, họ cầm 3 thẻ hương, 3 tờ giấy bản, cắm đốt ở đầu nguồn nước, khấn xin được lấy nước, nước lấy về qua cửa chính: 2 lần ra, 3 lần vào, sau đó đổ lên các chén trên bàn thờ làm nước cúng. Nước sáng mùng 1 là nước tinh khiết, uống vào người sẽ khoẻ mạnh và trừ được ma quỷ, vì thế họ đổ vào đun một ấm để uống.
Mùng một họ làm cơm mới, thịt mới, nước mới cúng tổ tiên. Mùng 2, mùng 3 tết họ lấy cơm thịt của ngày mùng 1 đi nhét vào các cây ăn quả quanh nhà để lấy phúc cho cây, cây sẽ sai quả cho mùa bội thu.
Ngoài tết nguyên đán, người Mông còn ăn tết rằm tháng giêng (15 – 1 âm), tết thanh minh (3-3), tết đoan ngọ (5-5), rằm tháng 7 (15-7), tết trùng cửu (9-9) … giống các dân tộc khác trong nước.
Các lễ hội khác: Lễ hội Gầu Tào; Lễ cúng mưa, cúng cơm mới người Mông làm rất đơn giản và gọn nhẹ. Đặc biệt người Mông có phiên chợ tình (chợ Phong lưu) Khâu vai (huyện Mèo Vạc), mỗi năm có một phiên tổ chức vào ngày 27/3 âm. Chợ tình – người đến chợ không phải để bán mua mà là để gặp lại bạn tình xưa. Cả nhà: Ông, bà, cha, mẹ, con cái cùng đi, không có sự ghen tuông, nghi kỵ, những đôi lứa yêu nhau dù đã lên ông, lên bà, dù đã có vợ, có chồng đều có thể gặp lại bạn xưa để tâm tình công khai, tha thiết. Tan chợ ai về nhà nấy, còn quyến luyến, vấn vương gì thì lại đợi ngày này phiên chợ năm sau. Đây là một hình thức sinh hoạt độc đáo, mang tính nhân văn sâu sắc. Ngoài ra chợ tình cũng như phiên chợ thường, đều trở thành tụ điểm sinh hoạt văn hoá lành mạnh với các điệu múa khèn, xoè ô, đua ngựa, thổi kèn lá … Chợ tình chính là ngày hội lớn của người Mông Hà Giang.
Giữ gìn bản sắc văn hoá người Mông trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Văn hoá người Mông rất đa dạng và phong phú với những làn điệu dân ca cổ truyền, những truyện cổ dân gian, những nhạc cụ truyền thống và các lễ hội độc đáo như: đón Tết, cưới xin, hát giao duyên, chợ tình … Với các trang phục váy, áo sặc sỡ đó là nền văn hoá tiêu biểu trong 54 loại hình văn hoá của các dân tộc Việt Nam.
Trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước chúng ta khuyến khích các dân tộc (trong đó có dân tộc Mông) phát triển kinh tế, đưa đời sống của các dân tộc ngày càng đi lên, song chúng ta không quên việc bảo tồn các giá trị văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần của các dân tộc.
Bên cạnh những tiến bộ, những ưu điểm của văn hoá Mông cần phát huy như: Bảo tồn các nhạc cụ dân tộc, các lễ hội (tết, chợ tình) của người Mông nhưng những mặt hạn chế cần được sửa đổi dần dần và huỷ bỏ một vài điểm như: Tang ma kéo dài ngày, ăn uống lãng phí, tảo hôn và hôn nhân cận huyết…
Từ khi tỉnh Hà Giang được tái lập, đặc biệt trong các Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, XIV, XV đã đề cập và quan tâm đến vấn đề đào tạo cán bộ là dân tộc thiểu số. Các dân tộc Hà Giang nói chung, dân tộc Mông nói riêng đã được ưu tiên, khuyến khích cho đi học chuyên môn ở ngoài tỉnh và học văn hoá ở các Trường Dân tộc nội trú trong tỉnh. Những năm gần đây, cán bộ là dân tộc thiểu số đã dần gia tăng ở Hà Giang và nhiều cán bộ là người Mông có trình độ sau đại học. Người Mông đã biết vận dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chăn nuôi. Đời sống vật chất và tinh thần của người Mông đã có những bước tiến bộ nhất định. Với chính sách hỗ trợ kinh tế của tỉnh cho các hộ gia đình vùng cao như: Mỗi hộ được 1 mái nhà prôximăng, 1 bể nước xây, 1 con bò và những hồ treo trên những sườn đá… Giờ đây đến các xã người Mông nhà cửa khang trang và sáng sủa không còn những ngôi nhà tranh dột nát, vách đất như xưa nữa. Song để phát triển đi lên cùng thời đại, người Mông cần nỗ lực và phát huy chính khả năng, trí tuệ, cố gắng học hỏi, sửa bỏ những mặt hạn chế trong đời sống về kinh tế và văn hoá của mình. Bên cạnh đó cần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá đích thực để cùng cả nước tiến bước vững chắc trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá nhằm đạt tới mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ văn minh. Bên cạnh đó các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể cần quan tâm, giúp đỡ tạo điều kiện nâng cao đời sống kinh tế và đời sống văn hoá tinh thần cho dân tộc Mông nói riêng và các dân tộc thiểu số vùng núi phía bắc Hà Giang nói chung.