Bản tin phân tích thị trường Lúa gạo tháng 12/2018
Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 12 năm 2018 ước đạt 414 nghìn tấn với giá trị đạt 203 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo năm 2018 ước đạt 6,1 triệu tấn và 3,04 tỷ USD, tăng 4% về khối lượng và tăng 15,3% về giá trị so với năm 2017.
Trong 11 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 23,7% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 11 tháng đầu năm 2018 đạt 1,31 triệu tấn và 670,3 triệu USD, giảm 42,9% về khối lượng và giảm 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Mười một tháng đầu năm 2018, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Indonesia (gấp 61,6 lần), Irắc (tăng 94%), Philippin (tăng 56,4%) và Hồng Kông (tăng 46,1%). Giá gạo xuất khẩu bình quân 11 tháng đầu năm 2018 đạt 503 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Về loại gạo xuất khẩu, trong 11 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 50% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 32%; gạo nếp chiếm 12% và gạo Japonica, gạo giống Nhật chiếm 5%. Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Indonesia (22%), Phillipines (19%) và Cuba (12%). Với gạo Jasmine và gạo thơm, thị trường xuất khẩu lớn nhất Trung Quốc (24%), Ghana (21%) và Bờ Biển Ngà (14%). Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu gạo nếp lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 82% tổng khối lượng gạo nếp xuất khẩu của Việt Nam. Với gạo Japonica và gạo giống Nhật, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Papua New Guinea (56%) và Trung Quốc (12%).
Trong tháng 12/2018, giá lúa gạo tại khu vực ĐBSCL giảm nhẹ, mặc dù nguồn cung đang khan hiếm và nhu cầu cải thiện.Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, tại An Giang, lúa IR50404 giảm 200 đ/kg, từ 5.400 đ/kg xuống 5.200 đ/kg, lúa chất lượng cao OM 5451 giảm 200 đ/kg, từ 5.500 đ/kg xuống 5.300 đ/kg, gạo tẻ IR50404 ở mức 10.000 đ/kg; gạo chất lượng cao ở mức 13.000 đ/kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 14.000 đ/kg. Tại Vĩnh Long, lúa IR50404 khô giảm 100 đ/kg xuống 5.800 đ/kg; gạo IR50404 ở mức 12.000 đ/kg; gạo jasmine ở mức 14.000 đ/kg. Tại Bạc Liêu, giá lúa khô OM 5451 bán buôn Công ty Lương thực tỉnh ổn định ở mức 6.150 – 6.200 đ/kg. Tại Kiên Giang, lúa IR50404 ổn định ở mức 6.100 – 6.300 đ/kg; lúa OM 4218 ở mức 6.400 – 6.600 đ/kg; lúa OM 6976 ở mức 6.500 – 6.600 đ/kg; lúa Jasmine giảm 200 đ/kg xuống còn 7.000 – 7.200 đ/kg.
Tính chung trong cả năm, giá lúa gạo diễn biến tăng do nhu cầu tiêu thụ tăng để đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu, với giá lúa thường IR50404 tăng từ 200 – 300 đ/kg, đạt mức phổ biến từ 5.400 – 5.500 đ/kg, tháng 11 đạt mức cao nhất trong năm là 5.600 – 5.700 đ/kg; lúa chất lượng cao tăng khoảng 300 – 400 đ/kg, đạt mức phổ biến 5.700 đ/kg.
Dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo trong quý I/2019 sẽ tăng nhẹ tại các thị trường truyền thống như Phillipines, Indonesia do hai nước này vừa bị ảnh hưởng mạnh bởi thiên tai. Bên cạnh đó, sau khi Phillipines gỡ bỏ chính sách hạn chế nhập khẩu, đã có 166 công ty Phillipines nộp đơn xin mua 1 triệu tấn gạo, trong đó có nhiều đơn hàng gạo Việt Nam. Theo chính sách mới của Phillipines, tất cả gạo nhập khẩu sẽ được đánh thuế ở mức 35% nếu có nguồn gốc từ ASEAN và 50% với các nước ngoài ASEAN. Do đó, tuy việc xuất khẩu gạo sang Phillipines sẽ dễ dàng hơn nhưng Việt Nam lại không có lợi thế hơn các nước xuất khẩu gạo khác trong khu vực như Campuchia, Myanmar và Thái Lan. Nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc, thị trường truyền thống của Việt Nam, có thể tiếp tục giảm do Trung Quốc thay đổi chính sách quản lý biên mậu và tăng cường đầu từ sản xuất gạo tại các trong khu vực như Campuchia, Myanmar và Thái Lan.
IPSARD/MARD