Bàn về hệ thống chỉ tiêu phân tích hiệu quả hoạt động tại các doanh nghiệp kinh doanh du lịch – VAA
Hiệu quả hoạt động không những là
thước đo phản ánh trình độ tổ chức, quản lý kinh doanh mà còn là vấn đề sống
còn của doanh nghiệp(DN). Vì khi quá trình hội nhập của nền kinh tế ngày càng
sâu, rộng, nó đòi hỏi các DN muốn tồn tại, muốn vươn lên thì trước hết phải
hoạt động kinh doanh (HĐKD) có hiệu quả. Tuy nhiên, do HĐKD du lịch chịu sự tác
động của nhiều nhân tố đặc thù của ngành có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả hoạt
động như: Giá trị và cơ cấu đầu tư cho tài sản, cơ cấu chi phí trong doanh thu,
tính chất mùa vụ trong kinh doanh, lịch sử – văn hóa – chính trị – địa lý,… Cho
nên, việc DN xác định các chỉ tiêu phân tích, tiến hành phân tích, đánh giá
hiệu quả hoạt động chính xác, đầy đủ để có phương hướng, chiến lược kinh doanh
phù hợp là việc làm hết sức cấp bách và cần thiết.
Khi tiến hành phân tích hiệu quả
hoạt động nói riêng và phân tích kinh doanh nói chung. Việc xác định nội dung
và chỉ tiêu cần phân tích là vấn đề quan trọng hàng đầu, đối với các nhà phân
tích. Vì trên cơ sở nội dung cần phân tích, các nhà phân tích mới có thể tiến
hành xác định các công việc khác của việc phân tích như: Hệ thống chỉ tiêu phân
tích, phương pháp và trình tự phân tích, loại hình phân tích, báo cáo phân
tích,…
Tuy nhiên, do có nhiều cách tiếp
cận khác nhau về hiệu quả hoạt động và quan điểm đánh giá hiệu quả hoạt động
nên nội dung phân tích về hiệu quả hoạt động tại các DN không giống nhau, tùy
thuộc vào quan điểm của các nhà phân tích. Có thể khái quát nội dung phân tích
hiệu quả hoạt động tại các DN, theo các khía cạnh sau:
– Thứ nhất: Quan điểm phân tích
hiệu quả hoạt động theo hiệu suất hoạt động, hiệu năng hoạt động và hiệu quả
hoạt động
Theo quan điểm này, tác giả
Nguyễn Văn Công (1, tr.281-313; 2, tr.206-207) cho rằng nội dung phân tích hiệu
quả hoạt động được thể hiện thông qua ba nội dung được xếp theo ba cấp độ từ
thấp đến cao là hiệu suất hoạt động, hiệu năng hoạt động và hiệu quả hoạt động.
Trong đó, hiệu suất hoạt động phản ánh cường độ hoạt động, thể hiện tương quan
giữa kết quả sản xuất đầu ra với lượng chi phí hay yếu tố đầu vào được sử dụng
để sản xuất ra đầu ra. Chỉ tiêu này giúp các nhà quản lý biết được kết quả sản
xuất mà DN đã làm trong một khoảng thời gian nhất định hay kết quả sản xuất mà
một đơn vị chi phí đầu vào hay một đơn vị yếu tố đầu vào mang lại. Nó là cơ sở,
điều kiện tiền đề để bảo đảm HĐKD mang lại hiệu quả. Tiếp theo, là hiệu năng
hoạt động, hiệu năng hoạt động thể hiện khả năng hoạt động mà DN có thể đạt
được khi sử dụng các yếu tố đầu vào hay khi tiến hành từng hoạt động (mua, bán,
thanh toán,… Thường được thể hiện thông qua các chỉ tiêu phản ánh tốc độ vòng
quay (số vòng quay) của các yếu tố đầu vào hay số vòng quay của từng hoạt động
mà DN tiến hành. Đây cũng là, một trong những điều kiện cần thiết để đảm bảo
cho HĐKD có hiệu quả nhưng được xếp sau hiệu suất hoạt động. Vì DN chỉ đạt được
hiệu năng hoạt động khi và chỉ khi hiệu suất hoạt động cao. Cuối cùng, biểu
hiện cao nhất là hiệu quả hoạt động, là kết quả cuối cùng, đích thực của HĐKD
mang lại và được đo bằng lợi nhuận mang lại trên một đơn vị yếu tố đầu vào hay
lượng lợi nhuận mang lại trên một đơn vị chi phí đầu vào hoặc trên một đơn vị
đầu ra phản ánh kết quả sản xuất. ở góc độ này, tác giả cho rằng hiệu quả hoạt
động phản ánh khả năng sinh lợi của DN. Hiệu quả hoạt động, là biểu hiện cao
nhất của hiệu quả kinh doanh, vì mục đích cuối cùng của kinh doanh là lợi
nhuận. Hiệu quả hoạt động chỉ có thể đạt được kết quả cao khi DN có hiệu suất
hoạt động và hiệu năng hoạt động cao.
Quan điểm này cho thấy, cách đánh
giá hiệu quả hoạt động khá toàn diện. Tuy nhiên, giữa nội dung phân tích về
hiệu suất hoạt động và hiệu năng hoạt động có những nội dung phân tích bị trùng
lắp như: Khi phân tích hiệu suất hoạt động thông qua các chỉ tiêu phản ánh sức
sản xuất bằng cách lấy giá trị các yếu tố đầu ra là doanh thu thuần hay doanh
thu thuần từ HĐKD hay tổng luân chuyển thuần chia cho giá trị bình quân của các
yếu tố đầu vào như: Tổng tài sản, tài sản ngắn hạn, tài sản dài hạn, hàng tồn
kho, các khoản phải thu,… Cũng chính là chỉ tiêu phản ánh vòng quay của các đối
tượng khi phân tích hiệu năng hoạt động. Như vậy, hiệu suất hoạt động hay hiệu
năng hoạt động cũng chỉ là nội dung thể hiện năng lực hoạt động của các nguồn
lực, phản ánh mức độ hoạt động cũng như cường độ hoạt động của các nguồn lực
được sử dụng vào quá trình kinh doanh.
– Thứ hai: Quan điểm phân tích
hiệu quả hoạt động theo phân tích khả năng sinh lợi
Theo cách tiếp cận này, điển hình
là các tác giả Josette Peyrard [3, tr.215-222], Ngô Thế Chi, Nguyễn Trọng Cơ
[4, tr.407-414] và Nguyễn Tấn Bình [5, tr.218-225] cho rằng, kết quả hoạt động
cuối cùng của DN là lợi nhuận nên khi trình bày nội dung phân tích hiệu quả
hoạt động của DN chỉ chú trọng đến phân tích khả năng sinh lợi. Theo các tác
giả, khả năng sinh lợi của DN được phân tích, đánh giá thông qua các chỉ tiêu
về khả năng sinh lợi hoạt động, khả năng sinh lợi kinh tế và khả năng sinh lợi
tài chính. Trong đó, khả năng sinh lợi hoạt động chính là phân tích khả năng
sinh lợi của doanh thu, chỉ tiêu này cho biết một đồng doanh thu thuần của DN
tạo ra mang lại mấy đồng lợi nhuận sau thuế. Còn khả năng sinh lợi kinh tế phản
ánh khả năng sinh lợi của tổng tài sản mà DN hiện đang quản lý và sử dụng, chỉ
tiêu này được tính bằng cách lấy lợi nhuận sau thuế (hoặc có thể sử dụng lợi
nhuận gộp hay lợi nhuận trước thuế) cộng với chi phí lãi vay so với tổng tài
sản bình quân. Cuối cùng, là khả năng sinh lợi tài chính được đánh giá thông
qua 2 chỉ tiêu là khả năng sinh lợi của vốn chủ sở hữu bằng cách lấy lợi nhuận
sau thuế chia cho vốn chủ sở hữu bình quân và khả năng sinh lợi của vốn thường
xuyên bằng cách lấy lợi nhuận sau thuế chia cho tổng vốn thường xuyên bình quân.
Quan điểm này, thể hiện khá rõ
việc phân tích hiệu quả hoạt động thông qua đánh giá khả năng tạo ra lợi nhuận
từ các yếu tố, nguồn lực như: Doanh thu thuần, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu,
nguồn vốn thường xuyên của DN. Tuy nhiên, hiệu quả hoạt động của DN thể hiện
trên nhiều mặt, hội tụ nhiều yếu tố như năng lực hoạt động, tần suất hoạt
động,… Và chịu sự tác động của nhiều yếu tố. Vì vậy, nếu chỉ chú trọng đến tập
trung đánh giá khả năng sinh lợi theo quan điểm nêu trên là chưa đầy đủ và
chính xác về hiệu quả hoạt động của DN.
– Thứ ba: Quan điểm phân tích
hiệu quả hoạt động theo sức sản xuất, sức sinh lợi và suất hao phí
Theo quan điểm này, điển hình là
các tác giả Nguyễn Văn Công [6, tr.499-500], Bùi Xuân Phong [7, tr.93-95], Phạm
Thị Gái [8, tr.220-229] và Nguyễn Ngọc Quang [9, tr.14-47] cho rằng, có thể
đánh giá hiệu quả hoạt động của DN thông qua phân tích về sức sản xuất, sức
sinh lợi và suất hao phí. Trong đó, chỉ tiêu sức sản xuất cho biết khả năng tạo
ra kết quả sản xuất như tổng giá trị sản xuất, doanh thu thuần hoạt động hoặc
tổng luân chuyển thuần,… Từ các yếu tố đầu vào như lao động, tài sản, vốn chủ
sở hữu, vốn vay,… Chỉ tiêu này càng cao, phản ánh hiệu suất sử dụng các yếu tố
đầu vào trong quá trình HĐKD cao dẫn đến hiệu quả kinh doanh cao. Ngược lại,
với nội dung phân tích sức sản xuất là phân tích về suất hao phí, suất hao phí
cho biết mức độ hao phí của các yếu tố đầu vào để tạo ra kết quả sản xuất kinh
doanh đầu ra. Chỉ tiêu này càng thấp thể hiện hoạt động càng hiệu quả. Còn phân
tích khả năng sinh lợi cũng giống như các quan điểm thứ nhất và thứ hai ở trên,
là đánh giá khả năng tạo ra lợi nhuận từ các yếu tố đầu vào sử dụng.
Quan điểm này, nội dung phân tích
hiệu quả hoạt động cũng khá toàn diện. Tuy nhiên, việc phân tích suất hao phí
cho hoạt động chính là xem xét nghịch đảo các chỉ tiêu phản ánh sức sản xuất
nên ít có nhiều ý nghĩa khi phân tích. Đồng thời, quan điểm này chưa đề cập đến
cường độ hoạt động của các nguồn lực trong quá trình sử dụng cho HĐKD.
Tóm lại, qua phân tích các quan
điểm khác nhau về phân tích hiệu quả hoạt động của các nhà kinh tế, các nhà
nghiên cứu. Quan điểm của tác giả, là hiệu quả hoạt động biểu hiện cao nhất, là
khả năng sinh lợi từ các hoạt động. Bởi vì, mục đích cuối cùng và quan trọng
nhất của DN là tạo ra lợi nhuận cho DN và mang lại lợi ích cho xã hội. Vì vậy,
khi phân tích hiệu quả hoạt động ta phải tập trung phân tích về khả năng sinh
lợi của các nguồn lực sử dụng cho hoạt động. Khả năng sinh lợi chỉ có thể đạt
được khi DN có năng lực hoạt động tốt, khả năng khai thác và quản lý các nguồn
lực của DN và xã hội đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, ngành du lịch là một ngành
đặc thù chịu sự tác động của nhiều nhân tố và đa dạng về HĐKD. Cho nên, để đánh
giá đầy đủ, chính xác hiệu quả hoạt động trong ngành kinh doanh du lịch, tác
giả cho rằng: Trước hết, cần phải đánh giá hiệu quả hoạt động của DN thông qua
các chỉ tiêu tạo doanh thu, khả năng (công suất) khai thác các nguồn lực, tiếp
đến đánh giá các chỉ tiêu về hiệu suất và hiệu năng sử dụng các nguồn lực phục
vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh và cuối cùng, đánh giá khả năng sinh lợi
của các nguồn lực. Từ đó, nội dung phân tích hiệu quả hoạt động của DN kinh
doanh du lịch sẽ bao gồm phân tích bốn nội dung chính là: Phân tích khả năng
khai thác các nguồn lực, phân tích năng lực hoạt động, phân tích khả năng sinh
lợi và phân tích hiệu quả xã hội.
– Phân tích khả năng khai thác
các nguồn lực:
Nguồn lực ở đây được hiểu là: Số
phòng, số giường, số chỗ ngồi, số đơn vị vận chuyển, số lượng lao động phục
vụ,… trong ngành du lịch. Phân tích khả năng khai thác các nguồn lực cho biết
năng lực khai thác và sử dụng các nguồn lực sẵn có của DN trong quá trình HĐKD
cũng như hao phí các nguồn lực vào các hoạt động để tạo ra nguồn thu cho DN.
Các chỉ tiêu phân tích bao gồm: Tổng doanh thu thu được từ các hoạt động, công
suất sử dụng các nguồn lực hiện có, tần suất khai thác các nguồn lực, thời gian
khai thác bình quân các nguồn lực, năng suất bình quân sử dụng các nguồn lực,
đơn giá bình quân một nguồn lực sử dụng và hao phí bình quân cho 1 đơn vị nguồn
lực sử dụng. Sau khi tính toán các chỉ tiêu trên, ta dựa vào ý nghĩa của các
chỉ tiêu và phương pháp so sánh, hồi quy để đánh giá khả năng khai thác các
nguồn lực của DN trong quá trình hoạt động.
Công thức chung, để xác định khả
năng khai thác các nguồn lực nêu trên được tính như sau:
+ Tổng doanh thu thu được từ các hoạt động:
Tổng doanh thu từ các hoạt động =
Số lượng nguồn lực sử dụng từ các hoạt động x Đơn giá phục vụ từ các hoạt động
(1.1)
Chỉ tiêu này cho biết, với số
lượng nguồn lực được sử dụng trong kỳ từ các hoạt động mang lại bao nhiêu giá
trị doanh thu từ các hoạt động. Chỉ tiêu này càng lớn thể hiện nguồn thu từ
khai thác các nguồn lực đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao hiệu suất
sử dụng và ngược lại.
+ Công suất sử dụng các nguồn lực
hiện có:
Công suất sử dụng các nguồn lực =
Tổng số nguồn lực sử dụng/Tổng số nguồn lực sẵn sàng cho sử dụng x 100 (1.2)
Chỉ tiêu này cho biết, trong tổng
số nguồn lực của DN sẵn sàng cho sử dụng có bao nhiêu phần trăm nguồn lực được
sử dụng. Chỉ số này tính ra càng cao chứng tỏ DN khai thác tốt các nguồn lực và
ngược lại.
+ Tần suất khai thác các nguồn
lực:
Tần suất khai thác các nguồn lực
= Tổng số lượng nguồn lực khai thác/Tổng số nguồn lực hiện có (1.3)
Chỉ số này cho biết, mức độ khai
thác được các nguồn lực trong kỳ so với số lượng nguồn lực hiện có của DN. Chỉ
số này càng cao càng tốt.
+ Thời gian khai thác bình quân
các nguồn lực:
Thời gian khai thác bình quân =
Tổng số thời gian khai thác các nguồn lực trong kỳ/ Tổng số lượng nguồn lực
khai thác (1.4)
Chỉ số này cho biết, mỗi một đơn
vị nguồn lực khai thác được sẽ được khai thác trong bao lâu. Chỉ tiêu này càng
cao, chứng tỏ nguồn lực DN được sử dụng trong thời gian dài hơn, hiệu quả hơn.
+ Năng suất bình quân sử dụng các
nguồn lực:
Năng suất bình quân sử dụng các
nguồn lực = Tổng giá trị doanh thu khai thác/Tổng số lượng nguồn lực sử dụng
(1.5)
Chỉ tiêu này cho biết, bình quân
một đơn vị nguồn lực sử dụng mang lại bao nhiêu đồng doanh thu. Chỉ tiêu này
càng cao chứng tỏ khả năng tạo ra doanh thu từ các nguồn lực lớn và ngược lại.
+ Đơn giá bình quân một nguồn lực
sử dụng:
Đơn giá bình quân một nguồn lực
sử dụng trong kỳ = Tổng doanh thu trong kỳ/Tổng số nguồn lực khai thác (1.6)
Chỉ tiêu này cho biết, bình quân
một đơn vị nguồn lực khai thác giá trị bao nhiêu.
+ Mức hao phí bình quân cho 1 đơn
vị nguồn lực sử dụng:
Hao phí bình quân một cho đơn
vị nguồn lực = Tổng chi phí trong
kỳ/Tổng số lượng nguồn lực khai thác (1.7)
Chỉ tiêu này cho biết, bình quân
một đơn vị nguồn lực khai thác được hao phí hết bao nhiêu đồng, chỉ tiêu này
càng thấp càng tốt.
– Phân tích năng lực hoạt động:
Năng lực hoạt động, thể hiện khả
năng sử dụng các nguồn lực và cường độ sử dụng các nguồn lực đầu vào để tạo ra
kết quả kinh doanh. Vì vậy, để phân tích năng lực hoạt động ta cần phân tích
các chỉ tiêu phản ánh hiệu suất hoạt động của từng nguồn lực đầu vào thông qua
số vòng quay của nguồn lực sử dụng và hiệu năng hoạt động thông qua thời gian
một vòng quay của các nguồn lực.
Công thức chung, để xác định năng
lực hoạt động được tính như sau:
+ Hiệu suất hoạt động (số vòng
quay) các nguồn lực:
Hiệu suất hoạt động (số vòng
quay) các nguồn lực = Đầu ra phản ánh kết quả/Nguồn lực đầu vào sử dụng (1.8)
Chỉ tiêu này cho biết, để thu
được một đơn vị đầu ra phải tiêu tốn bao nhiêu đơn vị nguồn lực đầu vào. Hay
nói cách khác, trong một kỳ hoạt động, nguồn lực đầu vào sử dụng luân chuyển
được bao nhiêu lần. Chỉ số này càng lớn, phản ánh số vòng chu chuyển các nguồn
lực đầu vào cao, hiệu suất hoạt động cao và ngược lại.
+ Thời gian 1 vòng quay của từng
nguồn lực:
Thời gian 1 vòng quay của từng
nguồn lực = Thời gian của kỳ nghiên cứu/Số vòng quay của từng đối tượng nguồn
lực (1.9)
Chỉ tiêu này cho biết, khoảng
thời gian để nguồn lực đầu vào luân chuyển được 1 vòng là bao lâu. Chỉ tiêu này
càng nhỏ thể hiện các nguồn lực đầu vào sử dụng càng có hiệu quả và ngược lại.
– Phân tích khả năng sinh lợi từ
hoạt động:
Khả năng sinh lợi, thể hiện khả
năng tạo ra lợi nhuận từ các nguồn lực đầu vào, chi phí đầu vào hay đầu ra phản
ánh kết quả sản xuất của DN.
Công thức chung, để xác định khả
năng sinh lợi của từng nguồn lực như sau:
Hệ số khả năng sinh lợi của từng
nguồn lực = Đầu ra phản ánh lợi nhuận/Nguồn lực đầu vào, chi phí đầu vào hay
đầu ra phản ánh kết quả sản xuất (1.10)
Chỉ tiêu này cho biết, để tạo ra
một đơn vị đầu ra phản ánh lợi nhuận DN phải tốn bao nhiêu đơn vị nguồn lực đầu
vào, chi phí đầu vào hay đầu ra phản ánh kết quả sản xuất. Chỉ tiêu này càng
cao, chứng tỏ khả năng sinh lợi của DN càng cao, hiệu quả hoạt động của DN cao
và ngược lại.
– Phân tích hiệu quả xã hội:
Hiệu quả xã hội phản ánh mức độ
ảnh hưởng của các kết quả đạt được đến xã hội và môi trường. Các chỉ tiêu phản
ánh hiệu quả xã hội về cơ bản được xác định như sau:
+ Mức đóng góp vào tổng sản phẩm
quốc nội
Mức đóng góp vào tổng sản phẩm
quốc nội thể hiện giá trị sản xuất của DN đóng góp vào chỉ tiêu tăng trưởng
chung của nền kinh tế quốc dân và kinh tế địa phương, nơi DN đóng trú. Chỉ tiêu
giá trị sản xuất càng cao thể hiện mức đóng góp càng lớn và ngược lại.
+ Mức đóng góp vào ngân sách Nhà
nước.
Khi giá trị chỉ tiêu đóng góp vào
Ngân sách Nhà nước càng lớn chứng tỏ DN hoạt động có hiệu quả và ngược lại.
+ Số lượng lao động sử dụng và
thu nhập bình quân lao động.
Khi các chỉ tiêu này tăng lên cho
biết DN đang mở rộng hoạt động, tạo thu nhập cho người lao động và ngược lại.
+ Ngoài ra, còn một số tiêu chí
đánh giá định tính khác như: Cải thiện môi trường sống, phát triển trình độ
chuyên môn người lao động, phát triển dân trí, kích thích tiêu dùng xã hội, duy
trì cân bằng cuộc sống,…
Tài liệu tham khảo
1. Nguyễn Văn Công (2009), Giáo
trình Phân tích kinh doanh, NXB Đại học KTQD, Hà Nội.
2. Nguyễn Văn Công (2010), Phân
tích Báo cáo tài chính, NXB Giáo dục, Hà Nội.
3. Josette Peyrard (2005), Phân
tích tài chính DN, NXB Tổng hợp Tp.Hồ Chí Minh.
4. Ngô Thế Chi, Nguyễn Trọng Cơ
(2008), Phân tích tài chính DN, NXB Tài chính, Hà Nội.
5. Nguyễn Tấn Bình (tái bản lần
thứ 9, 2010), Phân tích hoạt động DN, NXB Thống kê,
6. Nguyễn Văn Công (2005), Chuyên
khảo về báo cáo tài chính và lập, đọc, kiểm tra, phân tích báo cáo tài chính,
NXB Tài chính, Hà Nội.
7. Bùi Xuân Phong (2004), Phân
tích HĐKD, NXB Thống kê, Hà Nội.
8. Phạm Thị Gái (2004), Giáo
trình phân tích hiệu quả HĐKD, NXB Thống kê, Hà Nội.
9. Nguyễn Ngọc Quang (2008), Hoàn
thiện phân tích hiệu quả kinh doanh trong các DN Việt Nam, Đề tài nghiên cứu
khoa học cấp bộ, Hà Nội.
Ths.NCS. Nguyễn Ngọc Tiến
Đại học Quy Nhơn
Theo (Tạp chí Kế toán và Kiểm toán)