Bàn về tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả của xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu giá tài sản
TÓM TẮT:
Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu giá tài sản nhằm mục đích duy trì và bảo đảm trật tự quản lý hành chính của nhà nước, bảo đảm trật tự kỷ cương xã hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đấu giá tài sản. Bài viết nghiên cứu vấn đề bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý hành chính nhà nước đối với vực đấu giá tài sản là rất cần thiết và vô cùng quan trọng.
Từ khóa: đấu giá tài sản, xử phạt vi phạm hành chính, tiêu chí đánh giá, xử phạt.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm và đặc điểm tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả của xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản
Theo Từ điển Tiếng Việt (Trung tâm Từ điển, Nxb. Khoa học Xã hội, 1994): tiêu chí là “tính chất, dấu hiệu làm căn cứ để nhận biết, xếp loại một sự vật, một khái niệm”; hiệu quả là “kết quả đích thực”; còn hiệu lực là sự đem lại “công dụng, tác dụng tốt và kết quả mĩ mãn trong thực tiễn”. Trong Tiếng Anh, từ “effect” có nghĩa là tác dụng, hiệu quả, hiệu lực. Trên thực tế, việc phân định một cách rõ ràng giữa hiệu lực và hiệu quả là không đơn giản, hay nói cách khác, ranh giới giữa hiệu lực và hiệu quả mang tính tương đối. Hiệu quả và hiệu lực là hai cách diễn đạt ngôn ngữ, ám chỉ những kết quả, tác dụng, tác động tích cực đạt được từ một hoạt động nào đó. Như vậy, việc phân định đâu là tiêu chí đánh giá hiệu lực và đâu là tiêu chí đánh giá hiệu quả mang tính tương đối. Chúng ta có thể hiểu chung rằng, tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả của xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC) là tập hợp những tính chất, dấu hiệu làm căn cứ để nhìn nhận, đánh giá kết quả, tác động của từng quyết định XPVPHC cụ thể, hoặc cả quá trình thực hiện XPVPHC trong từng giai đoạn cụ thể.
Đánh giá hiệu lực, hiệu quả XPVPHC trong lĩnh vực đấu giá tài sản (ĐGTS) là xem xét, đánh giá quyết định XPVPHC có được thực thi trên thực tế hay không, các nguồn lực dành cho hoạt động XPVPHC trong lĩnh vực ĐGTS có phù hợp với tầm quan trọng, những kết quả đích thực đạt được; việc XPVPHC trong lĩnh vực ĐGTS có bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, đúng người, đúng pháp luật hay không;…
Việc đánh giá hiệu lực, hiệu quả XPVPHC trong lĩnh vực ĐGTS một cách chính xác, toàn diện là rất khó khăn. Chúng ta không thể dựa vào sự so sánh thuần túy về số học giữa kết quả XPVPHC với những chi phí đầu vào sử dụng trong quá trình thực hiện XPVPHC để đánh giá hiệu quả của hoạt động XPVPHC. Hơn nữa, kết quả hoạt động XPVPHC trong lĩnh vực ĐGTS thường phát huy tác dụng vào một thời gian dài, không chỉ trực tiếp ngăn chặn ngay hành vi vi phạm, mà còn có tác dụng phòng ngừa sai phạm trong tương lai; khó có thể đánh giá một cách đầy đủ tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động XPVPHC trong lĩnh vực ĐGTS tại một thời điểm nào đó. Những khó khăn khách quan này tác động đến quá trình đánh giá hiệu quả, hiệu lực hoạt động XPVPHC trong lĩnh vực ĐGTS; chi phối, tạo ra những đặc trưng của hệ thống tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả hoạt động XPVPHC trong lĩnh vực ĐGTS:
Một là, hệ thống tiêu chí sử dụng để đánh giá hiệu lực, hiệu quả XPVPHC trong lĩnh vực ĐGTS bao gồm tiêu chí định tính và tiêu chí định lượng; trong đó tiêu chí định tính là chủ yếu. Tiêu chí định lượng là những chỉ số đầu vào và đầu ra của hoạt động có thể tính toán được bằng số lượng cụ thể để so sánh về mặt số học. Tiêu chí định tính là những dấu hiệu, mức độ, biểu hiện,… không thể đo đếm được bằng số lượng, không thể so sánh được về mặt số học giữa trước và sau khi tiến hành hoạt động XPVPHC. Hoạt động XPVPHC trong lĩnh vực ĐGTS là một biện pháp quản lý nhà nước với mục tiêu chủ yếu là ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với lĩnh vực ĐGTS. Vì vậy, không thể không sử dụng những tiêu chí định tính nếu muốn đánh giá hiệu lực, hiệu quả XPVPHC trong lĩnh vực ĐGTS một cách đầy đủ, toàn diện.
Hai là, cơ sở để xây dựng các tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả hoạt động XPVPHC trong lĩnh vực ĐGTS chủ yếu là kinh nghiệm thực tiễn (khoa học thực chứng). Đánh giá hiệu lực, hiệu quả hoạt động XPVPHC trong lĩnh vực ĐGTS phải trên cơ sở tổng kết thực tiễn, dựa vào những kết quả đích thực mà hoạt động XPVPHC trong lĩnh vực ĐGTS mang lại hoặc những chuyển biến tích cực trong thực tiễn công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐGTS do tác động của XPVPHC trong lĩnh vực ĐGTS mang lại.
Ba là, các tiêu chí sử dụng để đánh giá hiệu lực, hiệu quả XPVPHC trong lĩnh vực ĐGTS chỉ có độ chính xác tương đối. Mỗi tiêu chí sử dụng để đánh giá hiệu lực, hiệu quả có giá trị khác nhau và tùy thuộc vào góc độ đánh giá khác nhau. Những tiêu chí về ngăn chặn kịp thời hành vi vi phạm pháp luật về ĐGTS thường có ý nghĩa quan trọng hơn đối với các cơ quan quản lý nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Nhưng những quyết định XPVPHC, các biện pháp khắc phục hậu quả không được thực thi trên thực tế hoặc việc XPVPHC được thực thi nhưng không có ý nghĩa răn đe, phòng ngừa thì hoạt động XPVPHC cũng không đạt được hiệu quả.
Từ những phân tích nêu trên cho thấy, việc xác định những tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả của XPVPHC trong lĩnh vực ĐGTS là khó khăn nhưng cần thiết cho việc xem xét, đánh giá kết quả và những tác động của XPVPHC đối với công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ĐGTS. Khi đánh giá hiệu lực, hiệu quả của XPVPHC trong lĩnh vực ĐGTS không chỉ phân tích các nhân tố ảnh hưởng, mà còn phải xem xét một cách tổng thể các tiêu chí đánh giá.
2. Các tiêu chí đánh giá hiệu lực, hiệu quả của xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản hiện nay
Từ quan niệm về hiệu lực, hiệu quả XPVPHC trong lĩnh vực ĐGTS, có thể đưa ra những tiêu chí sau đây để đánh giá hiệu lực, hiệu quả XPVPHC trong lĩnh vực ĐGTS:
2.1. Chất lượng giải quyết vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu giá tài sản
Hiệu lực, hiệu quả XPVPHC trong lĩnh vực ĐGTS, trước hết thể hiện qua chất lượng các vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS được giải quyết. Việc giải quyết các vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS chỉ có thể coi là đạt chất lượng khi quá trình và kết quả giải quyết vừa bảo đảm tính hợp pháp và tính hợp lý, cụ thể như sau:
– Tính hợp pháp
Tính hợp pháp của việc giải quyết vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS phải đáp ứng các yêu cầu sau:
Một là, giải quyết đúng thẩm quyền: Biên bản VPHC, Biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Quyết định XPVPHC phải lập, ban hành đúng thẩm quyền, trong phạm vi trách nhiệm do pháp luật quy định. Việc giải quyết vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS đúng thẩm quyền còn đòi hỏi người có trách nhiệm, quyền hạn không được lạm quyền hoặc lẩn tránh trách nhiệm.
Hai là, nội dung giải quyết phải đúng pháp luật: Trước hết việc giải quyết giải quyết vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS phải phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, không trái với Hiến pháp và tuân thủ pháp luật. Điều này có nghĩa là các văn bản phát sinh trong hoạt động XPVPHC và quyết định XPVPHC phải phù hợp và đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi của quy phạm pháp luật được chọn để áp dụng. Trong trường hợp cùng một vấn đề mà các văn bản có hiệu lực pháp lý khác nhau quy định khác nhau thì phải chọn văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Trong trường hợp văn bản do cùng một cơ quan ban hành, có hiệu lực pháp lý ngang nhau thì phải căn cứ vào văn bản ban hành sau để đánh giá, áp dụng. Yêu cầu về nội dung là yêu cầu quan trọng nhất của quyết định giải quyết vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS.
Ba là, hình thức quyết định XPVPHC phải đúng pháp luật: Quyết định XPVPHC phải tuân thủ quy định về hình thức văn bản, thể hiện trên những nội dung sau: quyết định XPVPHC phải đúng tên, loại văn bản, phù hợp với nội dung văn bản; quyết định ban hành phải tuân thủ thể thức và bố cục văn bản.
Bốn là, trình tự, thủ tục giải quyết phải đúng pháp luật: Biên bản VPHC phải được người có thẩm quyền lập biên bản VPHC trong lĩnh vực ĐGTS lập theo quy định tại Điều 82 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; Quyết định XPVPHC phải được ban hành theo trình tự, thủ tục, thẩm quyền do pháp luật quy định nhằm bảo đảm tính đúng đắn, thống nhất trong quản lý nhà nước. Hiện nay, theo quy định tại Điều 83, 84, 88 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP thì những người có thẩm quyền XPVPHC trong hoạt động ĐGTS gồm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Thanh tra viên, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, Chánh Thanh tra của Sở Tư pháp; Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành Tư pháp của Cục Bổ trợ Tư pháp, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Cục Bổ trợ tư pháp, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành Bộ Tư pháp, Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Chánh Thanh tra của Bộ Tư pháp; Những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của các cơ quan khác theo quy định của pháp luật.
– Tính hợp lý
Bên cạnh tính hợp pháp là phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật như đã phân tích ở trên, chất lượng giải quyết vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS còn được đánh giá trên cơ sở tính hợp lý của việc giải quyết. Trước hết phải khẳng định rằng: giải quyết vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS chỉ hợp lý khi nó hợp pháp, nghĩa là trước hết nó phải hợp pháp. Không thể vì lý do hợp lý, phù hợp với tình hình chính trị, nhu cầu địa phương, cơ sở, mà coi thường tính hợp pháp của việc giải quyết. Việc giải quyết vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS được coi là hợp lý khi đáp ứng các yêu cầu, như: bảo đảm tính hài hòa các mặt lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích cá nhân của người vi phạm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ việc; kết quả giải quyết phải cụ thể và phù hợp với từng vấn đề, từng địa phương, với các đối tượng có liên quan và đặc biệt là phải có tính khả thi cao.
2.2. Số lượng và tỷ lệ vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS được giải quyết
Không thể đánh giá việc giải quyết vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS của một địa phương, một quốc gia là có hiệu lực, hiệu quả khi mà số lượng vụ việc vi phạm không được phát hiện kịp thời hoặc phát hiện nhiều nhưng số lượng và tỷ lệ vụ việc được giải quyết đúng trình tự, thủ tục, thời hạn thì lại ít. Do đó, bên cạnh việc đảm bảo về mặt chất lượng như mục trên, hiệu quả giải quyết vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS còn thể hiện qua số lượng và tỷ lệ các vụ việc được giải quyết kịp thời, tức là đúng trong phạm vi thời hạn pháp luật quy định, không để tồn đọng. Số lượng vụ việc được giải quyết có chất lượng nhiều và chiếm tỷ lệ cao so với số vụ việc cần giải quyết, sẽ là một trong những tiêu chí để khẳng định tính hiệu quả của giải quyết vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS.
2.3. Mức độ hài lòng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
Xuất phát từ bản chất của VPHC trong lĩnh vực ĐGTS, ngoài xâm hại đến trật tự quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐGTS thì chủ yếu là ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người có quyền sở hữu tài sản, người có thẩm quyền xử lý tài sản đấu giá, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trong quá trình giải quyết vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS, hàng loạt các nhân tố liên quan đến mức độ hài lòng của người dân như trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện để cá nhân, tổ chức tiếp cận và thực hiện quyền giải trình, khiếu nại, tố cáo; điều kiện phục vụ, tiếp đón cá nhân, tổ chức đến giải trình, khiếu nại, tố cáo tại cơ quan có thẩm quyền; trình tự, thủ tục giải quyết; thái độ của người có thẩm quyền giải quyết và người tham gia giải quyết; tiến độ và kết quả giải quyết; tiếp nhận và xử lý thông tin phản hồi;… Tất cả các nhân tố này đều ảnh hưởng, thậm chí là ảnh hưởng lớn đến mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức, nhưng có thể nói kết quả giải quyết là yếu tố quan trọng nhất quyết định mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức vi phạm hoặc có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Mức độ hài lòng cao nhất của cá nhân, tổ chức về kết quả giải quyết là tất cả các hoạt động XPVPHC diễn ra họ đều đồng tình và tự giác chấp hành; quyền và lợi ích chính đáng của các cá nhân, tổ chức có liên quan được bảo vệ, bảo đảm; khi đó vụ việc được giải quyết dứt điểm, giải quyết xong. Ngược lại, khi lập biên bản VPHC hoặc ra quyết định xử phạt, cá nhân, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chưa được bảo vệ; việc xử phạt chưa đảm bảo đúng người, đúng hành vi vi phạm, đúng pháp luật thì họ sẽ chưa hài lòng. Có nhiều trường hợp, cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc đúng pháp luật, nhưng cá nhân, tổ chức bị xử phạt không nhất trí dẫn đến khiếu nại, khởi kiện gây tốn kém thời gian và chi phí của cả cá nhân, tổ chức và cơ quan nhà nước, thậm chí với thái độ gay gắt, bức xúc, có thể gây hậu quả phức tạp về an ninh, trật tự xã hội, nhất là những vụ việc đông người. Để giải quyết dứt điểm được những vụ việc này, các cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền phải xem xét đầy đủ các khía cạnh pháp lý và thực tế của vụ việc, xem xét tính hợp lý của quyết định XPVPHC, hành vi VPHC. Đặc biệt là giải quyết vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS, khi đã xem xét đầy đủ tính hợp pháp, hợp lý nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm được vụ việc, các cơ quan nhà nước còn phải vận dụng cả chính sách xã hội, tình hình kinh tế-xã hội địa phương để áp dụng hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể. Qua thực tiễn giải quyết những vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS cho thấy, vấn đề không phải là cơ quan nhà nước giải quyết đúng thẩm quyền, mà là giải quyết dứt điểm được vụ việc, chấm dứt vi phạm, khắc phục hậu quả kịp thời, có tính răn đe, phòng ngừa. Để đạt được mục đích này, đòi hỏi biện pháp giải quyết vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS phải có lý, có tình và khả thi.
2.4. Dư luận xã hội đối với việc giải quyết vụ việc VPHC trong lĩnh vực đấu giá tài sản
Việc giải quyết vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến những người tham gia hoạt động ĐGTS, mà còn ảnh hưởng nhất định đến toàn xã hội. Dư luận xã hội (hay công luận) là một hiện tượng đời sống xã hội quen thuộc mà mỗi cá nhân, tổ chức (bao gồm cả quốc gia), trong cuộc sống hàng ngày, thường phải quan tâm và tính toán đến. Dư luận xã hội là tập hợp các luồng ý kiến cá nhân trước các vấn đề, sự kiện, hiện tượng có tính thời sự, có liên quan đến lợi ích, các mối quan tâm của công chúng. Dư luận xã hội là những kênh thông tin phản hồi, phản ánh qua mối liên hệ ngược, thể hiện thái độ đánh giá, phán xét của công chúng đối với việc quản lý nhà nước trong lĩnh vực ĐGTS. Dư luận xã hội đối với giải quyết vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS có thể đúng, có thể sai, nhưng dù có sai đến đâu thì cũng có những hạt nhân, hợp lý không thể bỏ qua; dư luận xã hội cũng có thể chủ quan, nhưng cũng có tính khách quan. Dư luận xã hội rất nhạy cảm với các hành vi xâm phạm lợi ích của cá nhân, lợi ích của toàn xã hội, nhất là hành vi của các phần tử, các nhóm lợi ích cực đoan, lên án kịp thời và gay gắt các hành vi này; dư luận xã hội cũng rất quan tâm đến việc bảo vệ quyền, lợi ích của các cá nhân, tổ chức, nhất là việc bảo vệ quyền và lợi ích của những cá nhân, tổ chức bị XPVPHC, người sở hữu tài sản nhưng đã ủy quyền xử lý tài sản, người có vị thế yếu hơn trong các mối quan hệ pháp lý.
Các quyết định giải quyết vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS đúng pháp luật, hợp lý, bảo vệ trật tự quản lý nhà nước nước, bảo vệ quyền và lợi ích của người có quyền, lợi ích liên quan bị xâm phạm, sẽ được dư luận đánh giá tốt, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, qua đó củng cố lòng tin của quần chúng nhân với chính quyền, có sức lan tỏa trong xã hội, tức là đã đạt được hiệu quả. Ngược lại, việc giải quyết vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS có dư luận xấu, nhân dân bất bình thì không thể coi là đã đạt được hiệu quả.
Do đó, dư luận xã hội là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả của giải quyết vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS. Khi việc giải quyết vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS được những người tham gia quan hệ pháp luật nhất trí, tự giác chấp hành, dư luận xã hội đồng tình sẽ đạt được mục tiêu của việc giải quyết.
2.5. Mối tương quan với các nguồn lực, chi phí giải quyết vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu giá tài sản
Các nguồn lực bỏ ra cho hoạt động giải quyết vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS của cả bên Nhà nước và bên cá nhân, tổ chức như: công sức, tiền bạc, thời gian, các điều kiện vật chất,… cũng là một tiêu chí để đánh giá hiệu quả của việc giải quyết. Dù rằng, đối với hoạt động giải quyết vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS khó có thể tính toán rõ ràng được như hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng nếu để giải quyết một vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS mà tốn kém quá nhiều nguồn lực so với mục đích đạt được, trong khi vẫn có thể đạt được mục đó nhưng với chi phí nguồn lực ít hơn thì không thể coi là có hiệu quả.
Tiêu chí đánh giá này cần phải được xem xét một cách toàn diện và đặt trong mối quan hệ với các tiêu chí, phương diện khác bởi lẽ trên thực tế, nhiều trường hợp vì để bảo đảm sự ổn định chính trị – xã hội, uy tín của chính quyền, cơ quan nhà nước phải bỏ ra chi phí lớn về tiền bạc, điều kiện vật chất, thời gian, công sức để giải quyết vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS, chấm dứt hành vi vi phạm, khắc phục kịp thời hậu quả do hành vi vi phạm gây ra. Những trường hợp này là do để đạt được các mục đích về chính trị, xã hội, yêu cầu quản lý nhà nước… và không thể chi phí nguồn lực ít hơn được nữa thì vẫn có thể đánh giá rằng việc giải quyết là có hiệu quả.
2.6. Đánh giá của các tổ chức quốc tế đối với việc giải quyết vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực đấu giá tài sản
Có thể coi đánh giá, nhận xét của các tổ chức quốc tế là việc nhận xét, đánh giá tương đối độc lập, xem xét từ bên ngoài vào bên trong, nếu không xuất phát từ những động cơ chính trị xấu thì đây có thể coi là việc xem xét, xử lý một cách khách quan nhất, hoàn toàn độc lập, không bị ảnh hưởng bởi các bên trong vụ việc VPHC. Ngoại trừ các đánh giá mang tính thiên vị, định kiến, thì có thể coi đánh giá của các tổ chức quốc tế là một trong những tiêu chí để xem xét hiệu quả của giải quyết vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS. Đánh giá của các tổ chức quốc tế uy tín như Ủy ban Nhân quyền liên hiệp quốc, Tổ chức minh bạch quốc tế, Quỹ tiền tệ thế giới, Quỹ Châu Á, các tổ chức thương mại thế giới và khu vực… thường phản ánh tương đối khách quan, chính xác về thực trạng quản lý nhà nước và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ĐGTS ở nước ta và hiệu quả việc giải quyết vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS đó. Những đánh giá, nhận xét này cần được coi là một trong các tiêu chí để nhận xét, đánh giá về hiệu lực, hiệu quả của giải quyết vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS vụ việc VPHC trong lĩnh vực ĐGTS ở nước ta.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Quốc hội (2012), Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Quốc hội (2016), Luật Đấu giá tài sản.
- Chính phủ (2017), Nghị định số 97/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Chính phủ (2017), Nghị định số 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản.
- Bộ Tư pháp (2011), Thông tư số 23/2010/TT-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP, ngày 04/3/2010 về bán đấu giá tài sản.
- Nguyễn Quang Hòa (2012), Bán đấu giá tài sản một số nét về thực trạng, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, (Số chuyên đề).
- Đoàn Văn Hường (2014), Một số vấn đề về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bán đấu giá tài sản, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
EXAMINING THE EFFECTIVENESS AND EFFICIENCY OF HANDLING ADMINISTRATIVE VIOLATIONS IN PROPERTY AUCTION
Master. DOAN VAN HUONG
Deputy Inspector, Ministry of Justice
ABSTRACT:
Sanctions for administrative violations in property auctions are to ensure the state’s administrative management, detect and prevent violations. This paper examines the issue of ensuring the effectiveness and efficiency of handling administrative violations in property auctions.
Keywords: property auctions, sanctions for administrative violations, evaluation criteria, sanctions.