Bán xe ô tô chịu những loại phí, thuế gì?

Thưa luật sư: Tôi muốn bán xe ô tô ở Hà Nội thì phải chịu những loại phí nào? Có phải chịu thuế Thu nhập cá nhân không? Cảm ơn và mọng nhận được sự tư vấn chi tiết nhất từ Luật Minh Khuê.

>> Luật sư tư vấn pháp luật Thuế, gọi: 1900.6162

 

Luật sư tư vấn:

Căn cứ quy định của Luật thuế thu nhập cá nhân 2007 ( sửa đổi bổ sung năm 2012); Luật công chứng số 2014​ và Văn bản bản số 8811/UBND-KT ngày 17/10/2011 của UBND Thành phố Hà Nội có thể phân tích chi tiết như sau:

 

1. Khái niệm về thuế, phí và lệ phí

1.1 Thuế là gì?

Hiện nay Nhà nước ta sử dụng thuế là một trong những biện pháp để đảm bảo vào nguồn thu vào ngân sách Nhà nước, là nghĩa vụ mà công dân Việt Nam phải thực hiện. Theo đó, khái niệm thuế được xác định như sau:

Thuế là một khoản thu mang tính chất bắt buộc mà các cá nhân, tổ chức phải nộp cho Nhà nước khi có đủ những điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật, đây là một trong những khoản thu không phải bồi hoàn trực tiếp của Nhà nước đối với các tổ chức và các cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước với mục đích vì lợi ích chung.

 

1.2 Phí là gì?

Là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí 2015

 

1.3 Lệ phí là gì?

Là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí 2015.

 

2. Bán xe ô tô phải đóng các loại phí

Theo đó, một cá nhân bán xe ô tô cần đóng các loại phí là:

 

2.1 Phí công chứng và phí trước bạ

Phí công chứng: sau khi thảo xong hợp đồng, hai bên sẽ đến phòng công chứng để ký kết hợp đồng mua bán xe. Phí công chứng bằng 0,1% giá trị xe cộng với 300.000 VNĐ phí lưu giữ hồ sơ. Sau khi hoàn tất hợp động, người mua giao nốt số tiền còn lại và người bán sẽ giao xe và giấy tờ. Người trả có thể là bên bán hoặc bên mua.

Đóng phí trước bạ lần hai tương đường 2% giá trị xe: đây là khoản phí khi sang tên đổi chủ. Theo văn bản bản số 8811/UBND-KT ngày 17/10/2011 của UBND Thành phố Hà Nội ban hành, bảng giá tối thiểu tính lệ phí trước bạ với tài sản đã qua sử dụng, giá trị của chiếc xe sẽ được tính giá trị theo thời gian sử dụng kể từ năm sản xuất.

Theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 1 Nghị định 23/2013/NĐ-CP, với xe ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả tài xế) khi nộp lệ phí trước bạ từ lần thứ 2 trở đi, mức thuế suất sẽ là 2% giá trị của chiếc xe. Không phân biệt xe mới hay cũ, cứ mỗi lần đăng ký xe thay sang chủ mới thì người mua sẽ phải nộp thuế trước bạ.

 

2.2 Lệ phí đăng ký xe:

Sau khi nộp lệ phí trước bạ, bên nhận thực hiện thủ tục đăng ký, sang tên tại Phòng Cảnh sát giao thông cấp tỉnh. Theo thông tư số 15/2014/TT-BCA của Bộ Công an, hồ sơ đăng ký sang tên bao gồm: giấy khai đăng ký xe, giấy chứng nhận đăng ký xe, hợp đồng chuyển nhượng xe có công chứng và các loại giấy tờ chứng minh nhân thân của các bên như thẻ căn cước, chứng minh thư nhân dân, hộ khẩu…

 

2.3 Đăng kiểm và đổi sổ lưu hành:

Sau khi đã có giấy đăng ký ô tô mang tên mình, nếu người bán và người mua có cùng hộ khẩu thường trú cùng tỉnh, thành phố thì bạn có thể giữ nguyên biển số và sử dụng đến hết thời hạn lưu hành. Khi gần hết hạn thì đi đăng kiểm lại.Còn trong trường hợp, người mua và người bán khác vùng, nếu muốn đổi biển số thì bạn cần đến trạm đăng kiểm đổi sổ lưu hành cũng như đăng kiểm xe ngay.

 

3. Việc bán xe ô tô có phải chịu thuế TNCN không?

Căn cứ tại Điều 3 Luật thuế TNCN năm 2007 sửa đổi bổ sung năm 2012 để xem việc chuyển nhượng xe có thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân không.

“Điều 3. Thu nhập chịu thuế

Thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân gồm các loại thu nhập sau đây, trừ thu nhập được miễn thuế quy định tại Điều 4 của Luật này:

1. Thu nhập từ kinh doanh, bao gồm:

a) Thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ;

b) Thu nhập từ hoạt động hành nghề độc lập của cá nhân có giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật.

2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công, bao gồm:

a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công;

b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công, phụ cấp quốc phòng, an ninh, phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm, phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật, trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi, trợ cấp do suy giảm khả năng lao động, trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động, các khoản trợ cấp khác do Bảo hiểm xã hội chi trả, trợ cấp giải quyết tệ nạn xã hội;

c) Tiền thù lao dưới các hình thức;

d) Tiền nhận được từ tham gia hiệp hội kinh doanh, hội đồng quản trị, ban kiểm soát, hội đồng quản lý và các tổ chức;

đ) Các khoản lợi ích khác mà đối tượng nộp thuế nhận được bằng tiền hoặc không bằng tiền;

e) Tiền thưởng, trừ các khoản tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được Nhà nước phong tặng, tiền thưởng kèm theo giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế, tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận, tiền thưởng về việc phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Thu nhập từ đầu tư vốn, bao gồm:

a) Tiền lãi cho vay;

b) Lợi tức cổ phần;

c) Thu nhập từ đầu tư vốn dưới các hình thức khác, trừ thu nhập từ lãi trái phiếu Chính phủ.

4. Thu nhập từ chuyển nhượng vốn, bao gồm:

a) Thu nhập từ chuyển nhượng phần vốn trong các tổ chức kinh tế;

b) Thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán;

c) Thu nhập từ chuyển nhượng vốn dưới các hình thức khác.

5. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, bao gồm:

a) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất;

b) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở;

c) Thu nhập từ chuyển nhượng quyền thuê đất, thuê mặt nước;

d) Các khoản thu nhập khác nhận được từ chuyển nhượng bất động sản.

6. Thu nhập từ trúng thưởng, bao gồm:

a) Trúng thưởng xổ số;

b) Trúng thưởng trong các hình thức khuyến mại;

c) Trúng thưởng trong các hình thức cá cược, casino;

d) Trúng thưởng trong các trò chơi, cuộc thi có thưởng và các hình thức trúng thưởng khác.

7. Thu nhập từ bản quyền, bao gồm:

a) Thu nhập từ chuyển giao, chuyển quyền sử dụng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ;

b) Thu nhập từ chuyển giao công nghệ.

8. Thu nhập từ nhượng quyền thương mại.

9. Thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.

10. Thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán, phần vốn trong các tổ chức kinh tế, cơ sở kinh doanh, bất động sản và tài sản khác phải đăng ký sở hữu hoặc đăng ký sử dụng.”

Như vậy việc chuyển nhượng xe ô tô không thuộc đối tượng chịu thuế TNCN nên bạn sẽ không phải đóng thuế TNCN trong trường hợp này.

 

4. So sánh thuế là phí, lệ phí có điểm gì giống và khác nhau

4.1 Cơ sở pháp lý

  • Thuế: Được điều chỉnh bởi văn bản pháp luật có hiệu lực pháp luật do cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ban hành là Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo trình tự ban hành chặt chẽ (Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết)
  • Phí, Lệ phí: Được điều chỉnh bởi những văn bản dưới luật, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền ban hành.

 

4.2 Phạm vi áp dụng

  • Thuế: Áp dụng không có giới hạn, không có sự khác biệt giữa các đối tượng, các vùng lãnh thổ mà áp dụng hầu hết đối với các cá nhân, tổ chức.
  • Phí: Mang tính địa phương, địa bàn rõ ràng; và chỉ những cá nhân, tổ chức có thực hiện một dịch vụ mà pháp luật quy định
  • Lệ phí: Mang tính địa phương, địa bàn rõ ràng; và chỉ những cá nhân, tổ chức có thực hiện một dịch vụ mà pháp luật quy định.

 

4.3 Điểm giống nhau giữa thuế, phí và lệ phí:

  • Một là, cả thuế, phí và lệ phí đều là một trong những khoản thu bắt buộc của Nhà nước, đóng góp vào Ngân sách Nhà nước của quốc gia;
  • Những khoản mà cá nhân, tổ chức bắt buộc phải đóng;
  • Cá nhân, tổ chức chỉ phải đóng thuế, phí, lệ phí trong một số trường hợp và điều kiện nhất định theo quy định của pháp luật;
  • Cá nhân, tổ chức sẽ nộp các khoản tiền căn cứ vào các văn bản pháp luật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành đã được phê duyệt.
  • Có thể thấy rằng thuế, phí, lệ phí là ba khoản thu khác nhau của Ngân sách Nhà nước nhưng vẫn có những điểm chung, giống nhau nhất định.

 

4.4 Điểm khác nhau để phân biệt thuế, phí, lệ phí:

Để phân biệt những điểm khác nhau giữa thuế, phí và lệ phí thì chúng ta phân biệt dựa trên các tiêu chí sau đây:

Luật điều chỉnh:

Thuế được điều chỉnh bởi các văn bản quy phạm pháp luật có giá trị cao như Hiến pháp, Bộ luật, Luật. Mỗi một loại thuế khác nhau thì sẽ được điều chỉnh bởi các luật khác nhau tương ứng.

Riêng đối với phí và lệ phí được điều chỉnh bằng Luật phí và lệ phí 2015 và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Vị trí, vai trò:

Đối với thuế mục đích để Nhà nước thu là bổ sung vào nguồn vốn của ngân sách Nhà nước, từ đây là cơ sở cho việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sử dụng nhằm phục vụ các hoạt động chung của cả cộng đồng hay các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.

Đối với phí và lệ phí chỉ là những khoản thu phụ của ngân sách Nhà nước và cũng không phải là nguồn thu đáp ứng nhu cầu chi tiêu mọi mặt của Nhà nước, mà trước hết dùng để bù đắp các chi phí trong quá trình hoạt động của các cơ quan Nhà nước hoặc các cơ quan được Nhà nước giao thẩm quyền cung cấp cho xã hội một số dịch vụ công.

Tính bắt buộc:

Thuế mang tính chất bắt buộc áp dụng đối với tất cả các đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Đối với phí và lệ phí thì cũng mang tính chất bắt buộc nhưng chỉ bắt buộc khi cá nhân, tổ chức được cơ quan Nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền được Nhà nước giao quyền đáp ứng các dịch vụ công.

Như vậy, đối với trường hợp khi nộp phí, lệ phí thì chỉ áp dụng bắt buộc trong một số trường hợp nhất định.

Phạm vi áp dụng và người ban hành:

Đối với thuế được áp dụng trên phạm vi cả nước, đối với tất cả mọi người, không phân biệt đơn vị hành chính lãnh thổ hay phân biệt các công dân khác nhau.

Mức đóng thuế sẽ do Quốc hội hoặc các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương quyết định trong các luật hoặc văn bản quy phạm pháp luật dưới luật.

Đối với phí, lệ phí thì được áp dụng chỉ trong những trường hợp, lĩnh vực nhất định hoặc trong phạm vi lãnh thổ theo sự phân chia địa giới hành chính.

Mức đóng phí, lệ phí thường sẽ do cơ quan quản lý về lĩnh vực trong dịch vụ công ban hành hoặc do chính quyền địa phương ban hành.

Ví dụ như lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyến sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất sẽ do Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại gọi ngay số: 1900.6162 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác! Trân trọng./.

Xổ số miền Bắc