Bánh chưng ngày Tết của đồng bào các dân tộc Lào Cai | Đặc sản địa phương | Báo ảnh Dân tộc và Miền núi
Mục lục bài viết
Bánh chưng ngày Tết của đồng bào các dân tộc Lào Cai
Cũng làm từ gạo nếp, thịt lợn, đỗ xanh như bánh chưng vuông của người Kinh nhưng bánh chưng đen của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai lại khác biệt về hình dáng, màu sắc và mùi vị. Bánh chưng đen có hai đầu thon, phần giữa bánh phình to nên còn được gọi là bánh gù.
Điểm khác biệt của bánh chưng đen là đồng bào dùng toàn đặc sản địa phương như nếp bản địa, lợn đen của bản, hạt tiêu, thảo quả… để làm bánh. Ảnh: Quốc Khánh
Là người dành nhiều tâm huyết làm bánh chưng đen, bà Hoàng Thị Xóm, dân tộc Giáy ở tổ 11, phường Nam Cường, thành phố Lào Cai cho biết, công thức làm bánh chưng đen gần giống với bánh chưng vuông. Điểm khác biệt là bánh dùng toàn đặc sản địa phương: nếp bản địa, lợn đen của bản, hạt tiêu, thảo quả… Chỉ cần mở nồi vớt bánh là cả nhà thơm sực mùi ấm nóng của nếp, của miếng thịt lợn béo quyện nhân đỗ xanh, tiêu cay nồng và thảo quả. Vào những ngày giáp Tết, trung bình mỗi ngày bà Xóm bán được 500 cái bánh, ngày thường chỉ bán được từ 120 – 150 cái.
Gao nếp nương trộn với than lấy từ cây núc nác là nguyên liệu chính để đồng bào làm bánh chưng đen. Ảnh: Quốc Khánh
Bánh chưng đen là đặc sản của đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai. Ảnh: Quốc Khánh
Cuộc sống luôn biến động với nhiều đổi thay theo thời gian nhưng qua bao thế hệ, văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai vẫn vẹn nguyên theo nếp sống. Riêng với bánh chưng đen, bánh không đơn thuần là món ngon ngày Tết mà còn chứa đựng tinh hoa ẩm thực Tây Bắc, mạch nguồn văn hóa xuyên suốt chiều dài lịch sử các tộc người trên mảnh đất vùng cao biên cương Lào Cai.
Hương Thu – Quốc Khánh