Bánh chưng ngày tết

(LĐ online) – Ông bà ta có câu: “Thịt mỡ, dưa hành câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Đã từ rất lâu, bánh chưng được coi như một loại bánh truyền thống của dân tộc Việt Nam mỗi khi tết đến xuân về. Không có bánh chưng, có lẽ tết cũng mất đi bao phần ý nghĩa. Bởi vậy mà việc giữ gìn truyền thống gói bánh chưng ngày tết vẫn được nhiều gia đình duy trì như một nét đẹp truyền thống của người Việt.

 

Bánh chưng – Hương vị không thể thiếu ngày tết

Bánh chưng – Hương vị không thể thiếu ngày tết

 

Theo truyền thuyết “Bánh chưng, Bánh dày”, tục gói bánh chưng bắt nguồn từ đời vua Hùng Vương thứ 6. Nhân dịp Giỗ Tổ, vua Hùng đã triệu tập các con đến và truyền rằng: Người con nào tìm được lễ vật hợp ý sẽ được vua cha nhường ngôi.

 

Hầu hết các hoàng tử lên rừng, xuống biển tìm sản vật quý hiếm. Riêng Hoàng tử Lang Liêu là người con nghèo khó nhất, không có khả năng kiếm những đồ lễ quý hiếm, chàng đã dùng những nông sản hết sức quen thuộc như gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn và lá dong để tạo ra hai loại bánh: Bánh chưng và Bánh dày – Tượng trưng cho Trời và Đất để làm lễ vật dâng vua cha.

 

Chiếc bánh chưng của Hoàng tử Lang Liêu là tượng trưng cho Đất với sự đầy đủ, ấm no, bởi bên trong có cả động vật và thực vật là nếp, đậu xanh và thịt lợn. Chiếc bánh chưng vuông vức thơm ngon được dâng lên vua Hùng vào ngày đầu xuân rất ý nghĩa đã làm nhà vua hài lòng và cảm động. Nhà vua quyết định truyền ngôi cho Hoàng tử Lang Liêu. Kể từ đó, tục gói bánh chưng, bánh dày được lưu truyền trong nhân gian và là những lễ vật không thể thiếu khi dâng cúng tổ tiên mỗi dịp tết đến xuân về.

 

Năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng 23 – 24 tết trở lên, gia đình bà Phạm Thị Hường ở Phường 10, TP Đà Lạt lại tất bật, rộn ràng với việc gói bánh chưng. Đây cũng là dịp để gia đình bà sum họp nên bao giờ cũng đông người và rộn rã tiếng cười. Người lớn tỉ mỉ ngồi xếp lá, rải gạo để gói sao cho chặt tay, vuông bánh, còn trẻ con thì ngồi cạnh bên tò mò, háo hức xen lẫn nét ngạc nhiên, thích thú. Hình ảnh ấy vừa ấm cúng, vừa yên bình khiến không khí ngày giáp tết cũng trở nên ấm áp hơn. Những ồn ào, lo toan của cuộc sống bỗng chốc tan biến, chỉ còn lại sự hoan hỉ của mùa xuân mới đang về. 

 

Những chiếc bánh gói xong được buộc lạt từ cây tre trước khi chuẩn bị cho công đoạn luộc từ 10 đến 12 tiếng

Những chiếc bánh gói xong được buộc lạt từ cây tre trước khi chuẩn bị cho công đoạn luộc từ 10 đến 12 tiếng

 

Bà Hường chia sẻ: “Gia đình tôi năm nào cũng gói bánh chưng sớm để mang đi tặng cho họ hàng và những người khó khăn, nên cứ đến ngày 23 – 24 tết là mấy đứa con, đứa cháu trong nhà sẽ hỏi là mẹ có gói bánh chưng không? Tôi thấy gói bánh chưng không chỉ gợi lên nét đẹp của truyền thống của dân tộc mà còn giúp các thành viên trong gia đình gần gũi nhau hơn khi ngồi quây quần bên bếp lửa chờ bánh chưng chín. Nói chung việc gói bánh chưng ngày tết rất vui và có ý nghĩa”.

 

Những chiếc bánh tự tay bà Hường gói không chỉ mang ý nghĩa dâng lên ông bà, tổ tiên tấm lòng thơm thảo, sự biết ơn của con cháu, mà qua đó, còn là sự duy trì, nhắc nhớ đến thế hệ sau về nguồn cội, về văn hóa truyền thống ngàn đời của dân tộc.

 

Hiện nay, ở TP Đà Lạt, có không ít gia đình như gia đình bà Hường vẫn giữ được nếp sinh hoạt gói bánh chưng dịp tết. Theo anh Phạm Anh Tuấn ở Phường 2, TP Đà Lạt cho biết: Dù bận rộn nhiều công việc, nhưng năm nào mọi người trong gia đình anh vẫn dành thời gian chuẩn bị nguyên liệu để gói bánh. Ngoài việc gói cho gia đình, anh còn gói để đem biếu cho họ hàng. Dù không nhiều, nhưng khi nhận những chiếc bánh chưng tự tay anh gói, ai nấy đều trân trọng. Điều đó là niềm vui và là động lực khiến gia đình anh luôn duy trì nét đẹp gói bánh chưng ngày tết. 

 

Anh Tuấn cho biết thêm: “Theo tôi thấy, truyền thống của ông cha ta để lại, ngày tết phải có bánh chưng nên gia đình luôn gìn giữ phong tục gói bánh chưng. Sau một năm làm ăn vất vả, cả gia đình quây quần bên nồi bánh chưng cảm thấy rất là hạnh phúc, thể hiện được tinh thần đoàn kết, chúc nhau những lời chúc năm mới bình an và hạnh phúc”.

 

Còn gia đình chị Nguyễn Phương Mai, một người sinh ra và lớn lên tại TP Đà Lạt chia sẻ: Mỗi dịp tết đến xuân về, những đứa trẻ trong gia đình tôi rất háo hức được xem gói và luộc bánh chưng. Đây cũng là dịp gia đình tôi xum vầy, đầm ấm. Trong xã hội hiện đại ngày nay, nhiều trẻ em khi lớn lên không nhớ hình ảnh gói bánh chưng ngày tết. Vì vậy, tôi mong muốn, hàng năm gia đình tôi đều tổ chức gói bánh để nếp sống này luôn thấm nhuần trong mỗi đứa trẻ, để khi lớn lên chúng nó có thể hiểu và kế tục truyền thống ông cha. Với gia đình tôi, bánh chưng ngày tết còn dùng làm quà tặng, quà biếu và cũng là món ăn đặc sản mời khách, cả chủ và khách cùng ăn để lấy may mắn trong năm mới.

 

Khi cuộc sống với bao bộn bề lo toan, nhiều gia đình đã tìm đến các cơ sở làm bánh gia truyền để tìm mua những chiếc bánh chưng vừa nhanh chóng, vừa tiện lợi. Vì vậy, sự trân trọng gìn giữ và trao truyền nét đẹp truyền thống qua phong tục gói bánh chưng ngày tết của những người như bà Hường, anh Tuấn, chị Mai thật đáng quý. 

 

Nhắc đến bánh chưng, hẳn mọi người sẽ nhớ đến tết. Có lẽ, sự hoà quyện đó đã trở thành một biểu tượng cho văn hoá của dân tộc Việt – biểu trưng cho Tết Cổ truyền. Vì thế, việc gói bánh chưng mỗi khi tết đến xuân về sẽ mãi là một phong tục đẹp trong văn hoá Việt Nam được nhiều người gìn giữ.

 

Từ những nguyên vật liệu đã được chuẩn bị chu đáo, người gói thực hiện những công đoạn gói bánh

Từ những nguyên vật liệu đã được chuẩn bị chu đáo, người gói thực hiện những công đoạn gói bánh

 

Gói bánh chưng dịp Tết Nguyên đán rất ý nghĩa đối với mỗi gia đình

Gói bánh chưng dịp Tết Nguyên đán rất ý nghĩa đối với mỗi gia đình

 

Trong xã hội hiện đại ngày nay, nhiều phong tục truyền thống đã phần nào bị mai một, nhưng tục gói bánh chưng ngày tết vẫn được gìn giữ

Trong xã hội hiện đại ngày nay, nhiều phong tục truyền thống đã phần nào bị mai một, nhưng tục gói bánh chưng ngày tết vẫn được gìn giữ

BÌNH AN