Báo Mỹ chê xe VinFast đắt và pin kém: Hậu quả ra sao với VinFast?
Các xe ô tô điện của VinFast tại cảng ở Hải Phòng hôm 25/11/2022 chờ xuất đi Mỹ.
Ngày 25 tháng 11 năm 2022, hãng xe VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng xuất khẩu lô 999 xe điện VinFast đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ. Số xe điện VinFast nói trên chưa kịp cập cảng California thì đã bị báo chí của Mỹ chê rồi.
Truyền thông nắm vai trò cực kỳ quan trọng trên thương trường. Thậm chí truyền thông quyết định sự thành bại của một sản phẩm nào đó hay của cả một doanh nghiệp.
Năm 1994, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã nói về sức mạnh của truyền thông như sau: “Truyền thông nắm tới 50% chiến thắng trong tất cả các cuộc chiến. Một vấn đề bạn có thể nói một lần, hai lần, hay bao nhiêu lần đi chăng nữa, nhưng khi bạn chiến thắng rồi, bạn thấy mình nói vẫn chưa đủ.”
Đầu thập niên 1990 thì truyền thông chỉ bao gồm phát thanh, truyền hình và báo giấy mà sức mạnh của truyền thông đã lớn như vậy.
Ngày nay, với internet, truyền thông mạng xã hội và công nghệ số thì sức mạnh của truyền thông có thể nắm tới 80% chiến thắng trong tất cả các cuộc chiến, trong thương trường cũng như trên chiến trường.
Mẫu xe VF-8 của VinFast tại một phòng trưng bày ở Santa Monica, California ngày 18/7/2022. Ảnh AFP
Mục lục bài viết
Vậy báo chí của Mỹ đã chê xe VinFast những gì?
Theo hai bài báo được đăng hôm 13/12 trên trang MotorTrend chuyên về ô tô và trang dot.LA chuyên về công nghệ thì ô tô điện VF8 của hãng VinFast bị cho là khó cạnh tranh ở Mỹ,
Bài báo của tác giả David Shultz trên dot.LA cho hay, vào ngày 29/11, VinFast gửi email đến những người đã đặt cọc mua xe để thông báo rằng xe VF8 trong lô xuất khẩu ban đầu này là bản đặc biệt City Edition, có tầm xe chạy là 180 dặm (290 kilomet), thấp hơn so với các phiên bản có tầm chạy 260-292 dặm đã được quảng cáo trước đây.
Bài viết của ông Shultz cho biết những chiếc VF8 có giá 52.000 đô la.
Câu hỏi đặt ra là liệu VinFast có lừa dối những người đã đặt cọc mua xe VF8 trước đây?
Còn cây bút Christian Seabaugh viết trên trang MotorTrend, đặt câu hỏi “180 dặm có giá 55.000 đô la: Liệu chiếc SUV VinFast VF8 2023 có chen chân được vào nước Mỹ?”
Tác giả Seabaugh nhận định mức giá này nhiều khả năng là “viên thuốc khó nuốt” đối với những người đặt cọc mua xe VinFast. Kể cả xem xét đến các phiên bản khác của VF8, có thể có tầm chạy nhiều hơn, nhưng giá khởi điểm là khoảng 57.000 đô và vẫn phải chờ thêm vài tháng nữa mới có xe.
Để chứng minh cho nhận định rằng xe VinFast vừa đắt, chất lượng pin lại kém thì báo dot.LA đưa ra một số sản phẩm của các hãng khác để so sánh:
Hyundai Ioniq 5 đời 2023 chạy được 220 dặm, giá khởi điểm 42.745 đô la, loại chạy được 303 dặm có giá 60.000 đô la; Kia EV6 bản thấp nhất có giá 49.795 đô la, tầm chạy 206 dặm; hay Mustang Mach E có giá thấp nhất là 46.895 đô la, chạy được 224 dặm.
Tác giả Shultz kết luận trên dot.LA “Bạn sẽ rất khó tìm được một chiếc ô tô điện đời 2023 nào lại có tỷ lệ ‘giá bán trên tầm xe chạy’ lại kém hơn chiếc VF8 của VinFast”.
Cả hai hãng truyền thông đặt ở Mỹ, đều cho rằng với các thông số như nêu trên, VF8 sẽ có một sự khởi đầu khó khăn trên đất Mỹ.
Tác giả Shultz đưa ra quan sát rằng phản ứng của dư luận về tin tức này, đặc biệt là trong mạng xã hội Reddit, phần lớn là tiêu cực.
Như vậy, hãng xe VinFast đã nhận thất bại đầu tiên trên lĩnh vực truyền thông khi bước chân vào thị trường Hoa Kỳ.
Bởi vì những người tiêu dùng khi mua xe ô tô, họ thường vào các tờ báo hay tạp chí chuyên về ô tô và công nghệ để xem và so sánh các sản phẩm của các hãng trước khi đưa ra quyết định mua xe loại gì và của hãng nào.
Khi người tiêu dùng Mỹ thấy những đánh giá tiêu cực về giá cả đắt, chất lượng pin kém của xe VinFast. Đồng thời hãng xe VinFast chưa bao có kinh nghiệm cũng như trải nghiệm ở thị trường Hoa Kỳ. Chắc chắn, người tiêu dùng Mỹ sẽ không lựa chộn xe ô tô điện VinFast.
Dây chuyền lắp ráp xe VinFast tại Hải Phòng chụp ngày 7/4/2022. Ảnh AFP
Vậy hậu quả gì sẽ đến với ô tô điện VinFast và hãng xe VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng?
Thứ nhất, Xe ô tô điện VinFast không tiêu thụ được ở thị trường Mỹ sẽ ảnh hưởng tới quyết định của Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) khi xem xét hồ sơ của hãng đăng ký bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng trên sàn Nasdaq.
Thứ hai, ảnh hưởng tới tham vọng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng trong việc huy động vốn để xây dựng nhà máy VinFast ở Mỹ.
Thứ ba, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc VinFast phải trả các khoản nợ khổng lồ. Bản cáo bạch của VinFast nộp cho SEC ngày 6/12 cho thấy hãng có tổng tài sản hơn 4,4 tỷ đô la, nhưng đang nợ tổng cộng xấp xỉ 8,8 tỷ đô la và bị lỗ lũy kế lên đến gần 4,7 tỷ đô la.
VinFast đang đối mặt với những khó khăn nói trên, tương lai tăm tối đang chờ đợi VinFast?
* Bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.