Báo cáo phân tích cổ phiếu LPB

ĐIỂM NHẤN ĐẦU TƯ

 LienVietPostBank là ngân hàng tư nhân có quy mô tài sản tương đối lớn, thuộc top 9 các ngân hàng tư nhân niêm yết trên sàn CK Việt Nam, đồng thời sở hữu hệ thống chi nhánh/PGD rộng khắp, bao phủ tại 63 tỉnh thành, giúp cho ngân hàng này sở hữu tiềm năng mở rộng nguồn dư nợ tín dụng hằng năm tốt;

 Kết quả kinh doanh quý 1/2021 ấn tượng, với mức NIM tăng lên 3,4%, thuộc mức cao nhất 3 năm. Thu nhập lãi thuần tăng 42,6% cùng kì, đạt 2.051 tỷ đồng; Tổng thu nhập hoạt động tăng 57,1% cùng kì, 2.349 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế và sau thuế lần lượt đạt 1.112 tỷ đồng và 877 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 80 – 84%. Nhờ vậy, Ngân hàng đã hoàn thành 34,2% kế hoạch lợi nhuận cho cả năm chỉ trong quý đầu tiên;

 Tăng trưởng tài sản và tăng trưởng tín dụng dương, chất lượng tài sản hiện đang duy trì ở mức tốt. Tổng tài sản của LPB tại 31/03/2021 tiếp tục tăng lên 245.208 tỷ đồng (+1,2% ytd), chủ yếu nhờ tăng trưởng vốn chủ sở hữu thông qua tăng lợi nhuận. Tổng mức cho vay khách hàng sở hữu mức tăng trưởng tích cực, trung bình 23%/năm, qua đó đã tăng 3,5% so với đầu năm lên mức 182.740 tỷ đồng (đứng thứ 12 toàn hệ thống). Tỷ lệ CAR cải thiện từ 8,35% năm 2019 lên 11% năm 2020 cho thấy chất lượng tài sản đang ở mức tốt, đạt yêu cầu của NHNN.

RỦI RO ĐẦU TƯ

 Rủi ro nợ nhóm 5 có khả năng tiếp tục gia tăng gây ảnh hưởng tới lợi nhuận. Với tốc độ tăng nhanh của dư nợ tín dụng, giá trị nợ nhóm 3-5 của LPB cũng tăng theo, song đáng chú ý là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) ngày một lớn, hiện đã tăng 23,8% trong năm 2020 và 5,8% chỉ trong 3 tháng đầu năm. Tình trạng tăng nhanh của nhóm nợ này cho thấy rủi ro làm giảm chất lượng tài sản của LPB trong năm 2021, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh trở lại tác động tiêu cực tới khả năng trả nợ của nhiều khách hàng. Trong trường hợp nhóm nợ này tăng mạnh, LPB sẽ phải trích lập dự phòng nhiều hơn, làm giảm lợi nhuận của Ngân hàng;

 Nguồn vốn chi phí thấp huy động được từ CASA ngày một giảm. Tỉ lệ CASA của LPB tụt dốc kể từ 2018 và không có dấu hiệu hồi phục, hiện đang ở mức 9,42% tại 31/03/2021. Nguồn vốn chi phí thấp từ tiền gửi không kì hạn bị thu hẹp sẽ làm tăng chi phí vốn trung bình của Ngân hàng, trực tiếp làm giảm lợi nhuận của Ngân hàng trong tương lai. Ngoài ra, tình trạng này cũng phản ảnh khả năng cạnh tranh còn yếu kém của LPB trong công cuộc cải thiện tệp khách hàng và trên nền tảng số hóa;

 Kế hoạch tăng vốn lớn có khả năng pha loãng giá trị cổ phiếu. Trong năm 2021, LPB đã thống nhất kế hoạch phát hành tổng cộng khoảng 5.000 tỷ đồng cổ phiếu để nâng vốn điều lệ lên 15.700 tỷ đồng (+46%) thông qua nhiều kênh khác nhau như: phát hành thêm, phát hành riêng lẻ cho NĐT nước ngoài, phát hành CP ESOP, chia cổ tức bằng CP,… Tốc độ tăng vốn nhanh chỉ trong một năm trong bối cảnh sự phục hồi của nền kinh tế bị gián đoạn bởi đại dịch trong quý 2/2021 có thể gây ra hiệu ứng pha loãng giá trị của CP LPB;

 Giá CP LPB đã tăng khá mạnh so với thời điểm đầu năm, khoảng 59% từ nền giá 12.300đ/CP trong tháng 1/2021, lên tới vùng giá 30.000đ/CP ở thời điểm hiện tại.

VỊ THẾ NGÂN HÀNG

 Quy mô tài sản của LPB đứng thứ 12 trên danh sách các ngân hàng niêm yết trên sàn CK tại Việt Nam, trong đó đứng thứ 9 trong top các ngân hàng tư nhân có tổng tài sản lớn nhất, xếp sau những cái tên như MBBank, Sacombank, Techcombank, VPBank,…;

 Tính đến thời điểm kết thúc năm 2020, mạng lưới hoạt động của LPB là tương đối rộng khắp với 480 phòng giao dịch, 76 chi nhánh, cùng với 613 phòng giao dịch Bưu điện, giúp Ngân hàng hiện diện tại toàn bộ 63 tỉnh thành trên cả nước. Tổng số cán bộ nhân viên lên tới 9.184 nhân viên;

 LienVietPostBank cũng được tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s nâng mức triển vọng từ “Tiêu cực” lên “Ổn định” vào tháng 3/2021, cùng với 6 ngân hàng tư nhân khác;

 Đối với mảng bancassurance, LPB có được sự hợp tác với Công ty Bảo hiểm nhân thọ Daichi Life Việt Nam, góp phần đóng góp vào tăng trưởng hoạt động dịch vụ của Ngân hàng.

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN 2021

 Kế hoạch tăng vốn: LPB dự kiến phát hành 265 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tương tương 2.650 tỷ đồng), phát hành 35 triệu cổ phiếu ESOP (tương tương 350 tỷ đồng), phát hành riêng lẻ 66,7 triệu cổ phiếu cho NĐT nước ngoài, nâng tỷ lệ sở hữu tối đa của NĐT nước ngoài lên 9,99%. Ngoài ra, Ngân hàng cũng sẽ phát hành thêm 129 triệu CP (1.290 tỷ đồng) để chi trả cổ tức năm 2020, tương ứng tỷ lệ 12%. Như vậy, vốn điều lệ của LPB dự kiến sẽ đạt hơn 15.700 tỷ đồng (+46%);

 Theo đó, kế hoạch kinh doanh của LPB bao gồm: Tăng tổng tài sản lên 282.600 tỷ đồng (+17% YoY); Huy động vốn từ thị trường 1 tăng 15% đạt 237.770 tỷ đồng; Tín dụng thị trường 1 tăng 20% lên 213.020 tỷ đồng; Thu thuần dịch vụ đạt 880 tỷ đồng; Tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến 10%; Lợi nhuận trước thuế tăng 32% đạt 3.200 tỷ đồng.

KẾT QUẢ KINH DOANH

Kết quả kinh doanh năm 2020: Năm 2020 là một năm kinh doanh tương đối thành công của LPB, với hầu hết các chỉ số doanh thu – lợi nhuận đều ghi nhận sự cải thiện, kể cả sau một năm đột biến KQKD như 2019.

 Tổng thu nhập hoạt động trong năm tăng 19,43%, trong đó thu nhập lãi thuần tăng trưởng 10,88%, đạt 6.720 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng chính trong cơ cấu thu nhập (hơn 85%, vượt 31% kế hoạch). Bên cạnh đó, hầu hết các khoản thu nhập khác cũng cải thiện mạnh mẽ, với hoạt động dịch vụ, mua bán chứng khoán đầu tư và xử lý nợ có những đóng góp đáng kể. Lợi nhuận trước thuế của LPB cũng hoàn thành vượt kế hoạch và vượt cùng kỳ 19%. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.862 tỷ đồng, tăng 16,35% so với cuối 2019. Đây là mức lợi nhuận cao nhất mà LPB từng đạt được trong 13 năm hoạt động, dù mức NIM có giảm đi khoảng 20 điểm phần trăm.

Kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm 2021: Giai đoạn đầu năm của LPB vẫn gặt hái được nhiều thành công. Cụ thể:

 Tổng thu nhập hoạt động tiếp tục nhảy vọt so với cùng kì, đạt 2.349 tỷ đồng (+57,1% yoy). Thu nhập lãi thuần đóng góp hơn 92% và tăng đến 42,6% so với cùng kì, đạt 2.051 tỷ đồng. Hầu hết các mảng còn lại cũng tương đối khả quan ở một số mảng chính: hoạt động dịch vụ tiếp tục mở rộng, ghi nhận 162 tỷ đồng (+68% yoy); kinh doanh ngoại hối & vàng tăng trưởng gấp 16 lần cùng kì và gấp đôi kết quả 2020, đạt 124,3 tỷ đồng. Trong khi đó, mua bán chứng khoán đầu tư và hoạt động khác gần như không ghi nhận nhiều doanh thu. Như vậy, LPB đã hoàn thành 18,4% kế hoạch về thu hoạt động dịch vụ. Dù vậy, nếu so với kết quả về thu nhập hoạt động của quý liền trước, kết quả quý này giảm nhẹ;

 Lợi nhuận trước thuế và sau thuế tăng gấp gần 2 lần cùng kì, với LNTT ghi nhận tương ứng 1.112 tỷ đồng (+84,2% yoy), LNST ghi nhận 877 tỷ đồng (+80,6%). Thu nhập hoạt động tích cực, kết hợp với mức chi dự phòng rủi ro tín dụng đã thấp hơn quý liền trước, góp phần giúp cho lợi nhuận của Ngân hàng cải thiện đáng kể, đạt khoảng 34,2% kế hoạch cả năm. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong 1 quý mà doanh nghiệp từng đạt được, giúp cho các chỉ số ROE và ROA (TTM) đều ở mức cao nhất trong 6 năm trở lại đây, lên đến lần lượt 16% và 1%;

 Biên lãi suất ròng (NIM) trượt tăng lên 3,39%, cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Tuy vậy, đây vẫn không phải là mức NIM quá cao nếu so với toàn hệ thống ngân hàng niêm yết, chỉ trên mức trung bình là khoảng 3,27%. Theo đó, lợi suất trung bình của TS sinh lời của LPB đạt 8,57%, cao hơn chi phí lãi tài chính đang ở mức 5,49%, tương ứng với mức lãi sinh lời chênh lệch 3,08%, cũng ở mức trên trung bình so với toàn hệ thống;

 Tỉ lệ chi phí/thu nhập (CIR) giảm đáng kể so với năm 2020, duy trì được đà giảm trong 2 năm trở lại đây. Hiện mức CIR quý 1 đang ở ngưỡng 43,7%, tuy đã giảm gần 20% so với cuối 2020, đây vẫn là tỉ lệ chi phí khá cao so với nhiều ngân hàng tư nhân khác.

TÌNH HÌNH TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP

 Tổng tài sản của Ngân hàng tăng đều đặn trong 5 năm liên tiếp. Tổng tài sản đạt 245.208 tỷ đồng tại thời điểm kết thúc quý 1/2021, tăng nhẹ so với đầu năm khoảng 1,2%. Vốn CSH tăng 6,2% ytd lên 15.109 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả gần như không đổi, ở mức 230.100 tỷ đồng. Với quy mô vốn – tài sản kể trên, LPB duy trì được vị trí top 9 về tổng tài sản trong số các ngân hàng tư nhân niêm yết tại Việt Nam, xếp sau các ngân hàng như MBBank, Techcombank,…;

 Tăng trưởng tín dụng dương. Tại 31/03/2021, dư nợ tín dụng ngân hàng LPB cán mốc 182.740 tỷ đồng (đứng thứ 12 toàn hệ thống), tăng 26,4% cùng kì và tăng 3,5% so với đầu năm nay. Thời gian gần đây khả năng mở rộng cho vay khách hàng của LPB đang tương đối tích cực, với mức tăng trung bình khoảng 23%/năm. Nhờ đó, dư nợ tín dụng của LPB hiện tại đã lọt top 8 trong hệ thống ngân hàng tư nhân niêm yết. Đồng thời, trích lập dự phòng cho khoản mục này cũng tăng lên 2.475,2 tỷ, cao hơn mức cuối năm ngoái 9,3%;

 Tỷ lệ CASA lao dốc kể từ 2018. Tỉ lệ CASA đến thời điểm kết thúc tháng 3/2021 của LPB chỉ còn 9,4%, giảm còn 1 nửa so với thời điểm cách đó 3 năm (18,2% năm 2018). Giá trị tiền gửi không kì hạn hiện đang ở mức 16.594,5 tỷ đồng, giảm gần 10.000 tỷ so với thời điểm đầu năm 2021. Như vậy, nguồn vốn huy động chi phí thấp từ các khoản tiền gửi khách hàng không kì hạn của LPB ngày một bị thu hẹp, cho thấy tín hiệu tiêu cực đối với chi phí lãi đầu vào, làm giảm kết quả kinh doanh trong tương lai. Ngoài ra, điều này phản ảnh khả năng cạnh tranh còn yếu kém của LPB trong công cuộc cải thiện tệp khách hàng và trên nền tảng số hóa;

 Tồn tại rủi ro biến động tài sản đối với danh mục chứng khoán đầu tư. Tổng giá trị chứng khoán đầu tư của LPB bắt đầu có xu hướng giảm từ năm 2018. Đến 31/03/2021, giá trị chỉ còn 31.819,2 tỷ đồng. Dù trái phiếu Chính phủ vẫn chiếm tỉ trọng chính (khoảng 71%), Ngân hàng vẫn đang nắm giữ các trái phiếu của các tổ chức kinh tế trong nước phát hành, tổng khoảng 398,1 tỷ đồng. Ngoài ra, chứng khoán nợ và vốn nắm giữ của các TCTD trong nước cũng có khối lượng lớn, lên tới 9.211 tỷ đồng, với chỉ 2.354 tỷ trong đó là được Nhà nước bảo lãnh. Do đó trong cơ cấu tài sản rủi ro đầu tư đáng lưu ý cho LPB trong trường hợp các tổ chức phát hành trên gặp khó khăn về dòng tiền;

 Chất lượng tài sản cải thiện trong năm 2020 với tỉ lệ CAR tăng lên 11%. Điều này có được là nhờ hoạt động phát hành tăng vốn điều lệ thêm hơn 2.000 tỷ đồng trong năm 2020 và giải quyết thành công 359 tỷ đồng trái phiếu của VAMC. Tỉ lệ CAR của LPB cải thiện mạnh mẽ từ mức 8,35% năm 2019 lên 11% sau 1 năm;

 Tỉ lệ nợ xấu ít thay đổi sau 3 năm, song nợ có khả năng mất vốn ngày một tăng. Cụ thể, tỉ lệ NPL tại thời điểm 31/03/2021 vẫn đang ở mức 1,43%, gần như không đổi kể từ 2018 dù dư nợ cho vay khách hàng đã tăng mạnh. Đáng chú ý, trong cơ cấu nợ nhóm 3-5, giá trị nợ xấu có khả năng mất vốn ngày một lớn theo thời gian, tăng đáng kể trong năm 2020 (+23,8%) và tăng tiếp 5,8% chỉ trong 3 tháng đầu năm (lên 1.868 tỷ đồng). Dù vậy, mức trích lập dự phòng cũng được đẩy mạnh, với tỉ lệ trích lập/tổng dư nợ tín dụng được mở rộng lên 1,35% tại 31/03/2021 (tổng giá trị 2.475 tỷ đồng, bằng 94,5% nợ xấu). Tỉ lệ trích lập này phần nào làm giảm bớt rủi ro tài sản đối với LPB, đưa Ngân hàng lọt vào top 8 các ngân hàng có tỉ lệ trích lập cao nhất hệ thống trong quý 1/2021. Chúng tôi vẫn lưu ý về xu hướng tăng của khoản nợ nhóm 5, trong trường hợp giá trị nhóm nợ này tiếp tục tăng cao sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản và làm giảm lợi nhuận của Ngân hàng.

Nguồn: ABS 

Xổ số miền Bắc