Báo động tình trạng xe ôm công nghệ vi phạm giao thông

Đỗ Hạnh – Gia Long

  –  

Thứ ba, 28/02/2023 06:28 (GMT+7)

Những năm gần đây, sự xuất hiện của dịch vụ xe ôm công nghệ đã phần nào thay đổi tư duy vận tải hành khách bằng xe 2 bánh và vận chuyển hàng hoá. Tuy nhiên, việc nhiều tài xế vừa chạy tốc độ cao, vừa sử dụng điện thoại đã tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông và gây bức xúc cho người đi đường.

Báo động tình trạng xe ôm công nghệ vi phạm giao thôngMột tài xế xe công nghệ đi ngược chiều và nghe điện thoại gây mất an toàn giao thông. Ảnh: Minh Hạnh

80% các vụ tai nạn giao thông là do tài xế mất tập trung

Vào khoảng 17h ngày 1.10.2022 trên đường Nghiêm Xuân Yêm, hướng từ Vành đai 3 trên cao xuống bán đảo Linh Đàm, Hà Nội, đã xảy ra vụ tai nạn giữa xe tải và xe máy công nghệ, khiến nam tài xế xe công nghệ tử vong.

Mới đây, vào khoảng 9h ngày 23.2.2023, tại làn dành cho xe ôtô trên đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh, TPHCM) đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông thương tâm, nạn nhân tử vong là một người đàn ông ngoài 50 tuổi làm shipper đang đi giao hàng.

Trên đây là số ít những vụ tai nạn liên quan tới các lái xe công nghệ và người làm nghề shipper giao hàng. Theo thống kê, khoảng 80% các vụ tai nạn xảy ra do tài xế bị mất tập trung (khoảng 3 giây) và do bấm số điện thoại (khoảng 5 giây) khiến cho chiếc xe có thể dễ dàng bị chệch hướng, dẫn tới va chạm với những phương tiện khác. Ghi nhận tại các khung giờ cao điểm nhất là vào buổi trưa, các tài xế, shipper thường chạy với tốc độ cao, đồng thời sử dụng điện thoại. Trong đó, không ít người còn vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

Cần thay đổi từ ý thức

Số vụ tai nạn giao thông do những người chạy xe giao hàng gây nên có xu hướng gia tăng. Nhiều tài xế, shipper còn bất chấp quy định, chạy xe vào đường cấm xe gắn máy (đường chỉ dành cho xe ôtô), đường một chiều và khi kẹt xe, thì không ngần ngại leo lên vỉa hè…

Chị Vi Minh Thuỷ (Khu đô thị Sông Đà, Phường Mỹ Đình 1, Quận Nam Từ Liêm) cho biết, một lần chị đặt xe công nghệ từ Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn về nhà và tài xế này đã chạy lên đường trên cao (đường dành riêng cho xe ôtô) rất nguy hiểm, từ đó chị không dám đi nữa vì cảm thấy không an toàn.

Ngoài việc chạy xe nhanh, vượt ẩu, một yếu tố khác cũng khiến cho các vụ tai nạn, va quệt giao thông của những người chạy xe ôm, người giao hàng ngày càng gia tăng, đó là thói quen sử dụng điện thoại trong lúc chạy xe.

Hiện điện thoại thông minh là “vật bất ly thân” đối với những người giao hàng, người chạy xe ôm công nghệ, khi mà hầu như lúc nào họ cũng “để ý” tới chiếc điện thoại để thực hiện thao tác nhận đơn hàng, trả lời khách, thông báo cho khách, chủ hàng… Và đại đa số các tài xế xe ôm công nghệ, shipper đều vừa chạy xe vừa thao tác điện thoại, lại phóng nhanh vượt ẩu, thiếu quan sát, nên rất dễ dẫn đến tai nạn giao thông.

Trao đổi với Báo Lao Động, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, theo quy định pháp luật, đã dùng điện thoại thì phải dừng xe. Cụ thể, Luật Giao thông đường bộ nghiêm cấm người điều khiển xe môtô hai bánh, xe môtô 3 bánh, xe gắn máy không được sử dụng điện thoại. Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định: “Phạt tiền từ 1-2 triệu đồng với người điều khiển xe dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường”. Ngoài ra, khi có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm, người vi phạm còn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo TS. Phan Lê Bình (chuyên gia giao thông), việc giải quyết tận gốc tình trạng này không dễ dàng, bởi nó bắt nguồn từ ý thức của chính mỗi tài xế trong việc đảm bảo an toàn cho hành khách. Liên quan tới vấn đề này, các hãng xe công nghệ cũng cần có trách nhiệm trong việc quản lý lái xe và đảm bảo sự an toàn cho hành khách.