Bao nhiêu Bitcoin đã bị thất lạc trên toàn cầu? Một giây bất cẩn khiến cả triệu USD “bay màu” là có thật
Stephan Thomas là một chàng trai thông minh. Anh là một chuyên gia tiền mã hoá và làm việc với chức danh CTO của Ripple trong 5 năm. Anh được trả bằng tiền mã hoá từ khi phần lớn người dùng chưa từng nghe về nó.
Có một lần, anh thực hiện công việc gì đó và được trả bằng Bitcoin. Cụ thể, Thomas được trả 7.002 Bitcoin. Thời điểm đó, 1 BTC có giá khoảng vài USD. Thomas lưu giữ toàn bộ số Bitcoin trong một ví điện tử. Sau đó, anh làm mất mật khẩu.
Thomas giữ mật khẩu của mình tại 3 nơi khác nhau. 2 vật lưu trữ đầu tiên đã hoàn toàn bị thất lạc. Vật thứ 3 là một ổ cứng mã hoá IronKey. Không ai có thể phá vỡ được lớp bảo mật của IronKey. Nó được thiết kế theo chuẩn quân đội, miễn nhiễm với mọi loại tấn công. Bạn cũng chỉ có đúng 10 lần để đoán mật khẩu của một chiếc IronKey. Sau 10 lần, chìa khoá mã hoá của nó sẽ bị xoá và mọi thông tin bên trong hoàn toàn không tìm ra được.
Một thập kỷ sau, giá của Bitcoin tăng chóng mặt lên mức 38.000 USD. Thomas vẫn sở hữu 7.0002 Bitcoin. Ở mức giá hiện tại, số coin của anh trị giá khoảng 265 triệu USD. Mật khẩu để mở khoá số tiền khổng lồ vẫn ở trong ổ cứng IronKey. Vấn đề là anh không thể nhớ mật khẩu của ổ cứng đó.
Một chiếc ổ cứng IronKey có giá khoảng 128 USD trên Amazon. Thomas đã thử 8 lần để mở khoá nó. Chỉ 2 lần mở sai nữa, IronKey sẽ xoá toàn bộ thông tin bên trong, đồng nghĩa mật khẩu cho ví điện tử (và toàn bộ số tiền) sẽ biến mất vĩnh viễn.
Thomas không phải là “triệu phú” duy nhất chỉ có thể “mơ” về khối tài sản của mình, mặc dù đang cầm nó trong tay. BBC từng đưa tin về trường hợp của James Howells khi anh này đã ném đi chiếc ổ cứng có chứa mật khẩu ví điện tử nắm giữ 7.500 Bitcoin, trị giá khoảng 300 triệu USD. Anh này từng muốn lục tung cả bãi rác thành phố lên với hy vọng tìm thấy chiếc ổ cứng nhưng không được chính quyền thành phố chấp nhận.
Khoảng 20% lượng cung Bitcoin trên toàn cầu đã không được giao dịch trong ít nhất 5 năm qua, theo công ty phân tích tiền số Chainalysis. Số lượng coin bị xác định là “thất lạc” lên đến 3,7 triệu đồng, trị giá 148 tỷ USD.
Biểu đồ giá BItcoin trong 3 tháng gần đây.
Đây là con số lớn khủng khiếp nếu so sánh với lượng tiền bị thất lạc. Vài năm trước, CNN cho biết chính quyền các bang, các cơ quan liên bang và tổ chức cá nhân đang nắm giữ khoảng 58 tỷ USD tiền mặt không rõ chủ nhân.
Một trong những lý do khiến Bitcoin bị thất lạc nhiều đến vậy là vì chỉ cách đây chục năm, giá trị của đồng tiền số này quá thấp, khiến nhiều người sở hữu nó không có ý thức mạnh mẽ trong việc nắm giữ lưu trữ cẩn thận. Họ chỉ “giật mình” sau khi giá Bitcoin tăng chóng mặt những năm gần đây.
Để tránh tình trạng quên mật khẩu các ví điện tử chứa Bitcoin, nhiều bên như Coinbase, Gemini hiện đã cung cấp dịch vụ lưu trữ giúp, giống với cách ngân hàng giữ tiền ở thế giới thật. Giải pháp của họ là các “ví nóng” (máy tính online) hoặc “ví lạnh” (máy tính offline).
Nhờ các dịch vụ này, bạn sẽ không lâm vào cảnh khủng hoảng tột độ khi chẳng may quên mật khẩu.
Cho đến nay, Bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số vẫn gây ra tranh cãi lớn trong cộng đồng. Tại một số nơi, thậm chí công ty lớn đã chấp nhận thanh toán bằng tiền kỹ thuật số. Trong khi đó, nhiều quốc gia lại không công nhận loại tiền điện tử này. Những con sóng Bitcoin cũng khiến các nhà đầu tư liên tục thấp thỏm trong năm nay. Những người tự tin thì vẫn cho rằng Bitcoin sẽ cán mốc giá 200.000 USD, thậm chí 500.000 USD/1 BTC trong tương lai.