Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

Bài viết

Di tích Quốc gia nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (1971 – 1973)

Đà Lạt không chỉ là thành phố của những cảnh quan thơ mộng, những công trình kiến trúc độc đáo, mà còn ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử, văn hóa tiêu biểu. Tọa lạc trên ngọn đồi cao gần thắng cảnh hồ Than Thở, nhìn về đỉnh núi Langbian hùng vĩ, có một di tích lịch sử cách mạng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích quốc gia vào ngày 22/6/2009. Đó chính là Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt, từng được chế độ cũ dựng lên với tên gọi mỹ miều: “Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt”.

Nha lao thieu nhi da lat

Di tích Quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt

 Từ một nhà lao đặc biệt…

“Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt” được thành lập vào đầu năm 1971. Chế độ cũ dùng hình thức mị dân để đánh lừa công luận, che đậy âm mưu thâm độc nhằm cách ly, đàn áp, tiến tới thủ tiêu tinh thần cách mạng của thế hệ trẻ miền Nam. Với tính chất đặc biệt, nên không giống như các Trung tâm giáo huấn khác ở miền Nam thời bấy giờ, Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt được tổ chức với quy mô lớn, trình độ tổ chức cao và đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tổng nha cảnh sát Sài Gòn. “Trung tâm” này thực chất chính là một nhà lao thiếu nhi, thể hiện đầy đủ bản chất của một nhà tù đế quốc. Nhà lao đặc biệt này đã từng giam giữ hơn 600 thiếu nhi từ 12 – 17 tuổi có tinh thần cách mạng, được tập trung từ tất cả các nhà tù ở miền Nam.

Nhà lao được thiết kế thành một khối chữ nhật khép kín với tường đá bao quanh. Hai dãy nhà dọc hai bên chủ yếu là các phòng giam, xà lim; các dãy nhà ngang tạo hai khoảnh sân ở giữa để phục vụ các hoạt động của tù nhân khi ra ngoài phòng giam. Những khi được cho ra sân tắm nắng, các tù nhân chỉ được phép di chuyển giới hạn trong các ô nhỏ kẻ vạch trên sân tiếp giáp cửa ra vào của mỗi phòng giam.

Nha lao thieu nhi da lat 2

Khu phòng giam tù nhân nam.

Án ngữ phía trước là khối nhà chữ A bình thường, đó là các phòng làm việc của bộ máy quản lý nhà lao. Mọi hoạt động của tù nhân thiếu nhi đều khép kín phía sau, trong những bức tường đá kiên cố, với rất nhiều cuộn dây kẽm gai ken dày trên mái, chỉ giao tiếp với bên ngoài thông qua 2 lớp cửa kiên cố nhưng hầu như lúc nào cũng đóng kín.

Qua 2 lớp cửa của khối nhà chữ A là khu vực sân cờ, cột cờ khi đó treo thường trực cờ của chính quyền Sài Gòn. Mỗi sáng đầu tuần, tất cả tù nhân thiếu nhi phải tập trung tại đây để chào cờ và hát quốc ca. Những ai chống đối, không chào cờ, không hát quốc ca sẽ bị tra tấn cho đến khi khuất phục. Có thể nói, sân cờ là ranh giới thể hiện rõ nhất cuộc đấu tranh quyết liệt của hai bên, là nơi thể hiện ý chí ngoan cường của các chiến sỹ cách mạng nhỏ tuổi.

Nha lao thieu nhi da lat 3

Khu vực sân chào cờ

Nhà lao có 8 phòng giam, chia thành 2 khu: khu giam tù nhân nam có 6 phòng và khu giam tù nhân nữ có 2 phòng. Diện tích mỗi phòng khoảng 30 m2, thường giam từ 60 – 70 tù nhân, có phòng lúc cao điểm giam gần 100 tù nhân. Cuối hành lang hai khu phòng giam là các dãy xà lim biệt giam những chiến sỹ chống đối. Đặc biệt, có một hầm đá xây khuất sau hành lang xà lim, không có mái che mà chỉ có lưới kẽm gai chăng dày bên trên để địch thực hiện hình phạt phơi sương, phơi nắng tù nhân.

Nha lao thieu nhi da lat 4Tái hiện cảnh tù nhân chịu cực hình trong hầm đá.

Đến tinh thần bất khuất của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi 

Ngày 23/4/1971, chính quyền Sài Gòn đưa 126 tù thiếu nhi từ nhà tù Kho đạn (Đà Nẵng) vào giam tại Trung tâm giáo huấn thiếu nhi Đà Lạt, đánh dấu hoạt động chính thức của nhà lao này. Sau đó, tù thiếu nhi từ Hội An, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Bến Tre… tiếp tục được chuyển về; đặc biệt cuối năm 1971, chính quyền Sài Gòn tập trung các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi giam cầm ở nhà lao Côn Đảo và nhà lao Chí Hòa về giam tại đây. Từ đây, các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi đã tập hợp lực lượng nòng cốt, thành lập bộ phận chỉ huy thống nhất, đề ra các yêu sách cụ thể để tiến hành các biện pháp đấu tranh liên tục, bền bỉ, xuyên suốt quá trình tồn tại của nhà lao.

Trong quá trình đấu tranh, dù còn nhỏ tuổi, các tù nhân thiếu nhi vẫn bị hành hạ, tra tấn dã man bằng nhiều hình thức: còng tréo, đánh bằng roi tết từ dây điện, dây kẽm gai, gậy hướng đạo, hay dùng bóng điện cao áp sáng nóng ấn vào mặt… Tại xà lim, giữa đêm Đà Lạt lạnh giá, nhiệt độ xuống dưới 15o C, kẻ địch còn dội nước lạnh để hành hạ các tù nhân biệt giam. Các chiến sĩ nhỏ tuổi phải ngủ trên nền xi măng, san sẻ cho nhau từng hạt cơm, ngụm nước, chỗ nằm… Chỉ có phẩm chất và lý tưởng cách mạng, ý chí kiên cường và niềm tin cháy bỏng vào tương lai tươi sáng mới giúp các chiến sĩ có sức chịu đựng mạnh mẽ, vượt qua đói rét, đòn roi của kẻ thù.

Nha lao thieu nhi da lat 5

Trong xà lim, các tù nhân bị hành hạ, dội nước lạnh hàng đêm giữa tiết trời giá lạnh.

Phong trào đấu tranh của tù nhân trong nhà lao diễn ra mạnh mẽ với nhiều sự kiện ghi dấu ấn sâu đậm. Ngày 21/11/1971, sau khi bàn bạc, thống nhất, tổ chức đã cử 5 đồng chí thực hiện kế hoạch mổ bụng ngay tại sân chào cờ để phản đối sự đàn áp của địch. Trong đó, có 3 đồng chí đã thực hiện được việc mổ bụng, còn 2 đồng chí chưa kịp hành động đã bị địch phát hiện và khống chế. Bằng ý chí kiên cường, những tù nhân nhỏ tuổi đã biến đớn đau da thịt thành hành động đấu tranh bất khuất khiến kẻ địch phải hoảng sợ.

Các chiến sĩ nhỏ tuổi cũng đã bảy lần tổ chức vượt ngục, thể hiện khát vọng tự do, mong muốn được trở về tiếp tục chiến đấu. Một sự kiện gây chấn động tại nhà lao thiếu nhi Đà Lạt vào tối ngày 23/01/1973 là các tù nhân thiếu nhi tổ chức tiêu diệt tên cai ngục Nguyễn Cương, kẻ cam tâm làm tay sai cho giặc. Đầu năm 1973, âm mưu biến các chiến sỹ cách mạng nhỏ tuổi thành tù thường phạm, địch chủ trương ép buộc các chiến sỹ lăn tay, chụp hình để thay đổi hồ sơ. Đứng trước tình hình đó, ngày 22/02/1973, cuộc đấu tranh làm chủ nhà lao đã nổ ra và giành nhiều thắng lợi. Chính phong trào đấu tranh gan dạ, bất khuất của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi đã làm thất bại âm mưu thâm độc của kẻ địch khi thành lập nhà lao này, buộc nó phải giải tán vào giữa năm 1973.

Nha lao thieu nhi da lat 6

Khách tham quan phòng giam nam. nơi diễn ra sự kiện vượt ngục.

Sáng mãi ngọn lửa truyền thống

Sau ngày thống nhất Tổ quốc năm 1975, các cựu tù nhà lao thiếu nhi Đà Lạt tản mạn về các địa phương, tiếp tục phát huy truyền thống đấu tranh bất khuất trong lao tù, tích cực góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Một số người đảm đương những chức vụ quan trọng trong hệ thống chính trị tại các địa phương. Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, năm 2009, tập thể cựu tù nhà lao thiếu nhi Đà Lạt đã được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Tập thể Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Chiến tranh đã lùi xa, những cựu tù nhà lao thiếu nhi Đà Lạt năm xưa nay nhiều người đã không còn. Hậu quả của chế độ lao tù khắc nghiệt, với những trận đòn tra tấn dã man, những cơ cực về thể xác, những căng thẳng về thần kinh đã lấy đi bao nhiêu nguồn nhựa sống của các cựu tù thiếu nhi. Thế nhưng, những con người đại diện cho một thế hệ trẻ ngày ấy vẫn luôn tâm niệm: “Chúng ta có một quá khứ đẹp, đáng tự hào, khi trong tay không một tấc sắt mà đã chiến thắng cả một đội quân hùng hậu, phá tan âm mưu thâm độc của kẻ thù… Nhưng muốn quá khứ ấy mãi đẹp, mãi có ý nghĩa với thời gian thì hôm nay, chúng ta, những người tù ngày ấy, phải sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình, với xã hội… làm sao để con cháu, để thế hệ sau mình tự hào và noi gương”.

Nha lao thieu nhi da lat 7

Các em học sinh tham quan phòng truyền thống tại di tích.

Di tích quốc gia Nhà lao thiếu nhi Đà Lạt (1971 – 1973) nay trở thành một địa điểm tham quan đầy ý nghĩa của tỉnh Lâm Đồng. Đây chính là một “địa chỉ đỏ” trong giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ. Tinh thần đấu tranh bất khuất, quên mình vì Tổ quốc của các chiến sĩ cách mạng nhỏ tuổi năm xưa sẽ tiếp tục được trao truyền để giữ cho ngọn lửa truyền thống mãi bừng cháy./.

Đào Hoa