Bảo tàng Lâm Đồng | Lam Dong Museum

Mục lục bài viết

Bài viết

Ấn Độ là một quốc gia Nam Á, nơi có nền văn hóa cổ xưa của nhân loại, là quê hương của các tôn giáo lớn: Balamon giáo (Brahmanism hay Hindu), Phật giáo. Balamon giáo được hình thành ở Ấn Độ khoảng 1.500 năm TCN. Đây là một tôn giáo chủ trương thờ đa thần, tam vị nhất thể là Brahma – Visnu – Siva trong thế giới của các thần linh (Madala) với nhiều vị thần khác nhau. Kinh thánh của đạo Balamon được viết bằng chữ Sanskrit. Bộ kinh Veda đã nêu lên tư tưởng chuyển đổi từ đa thần sang nhất thần, tin vào một đấng thượng đế tối cao sáng tạo ra vũ trụ, vị thần toàn năng siêu việt đó là Brahma.

Khi văn hóa Ấn Độ lan tỏa sang các khu vực lân cận, tôn giáo Ấn Độ cũng du nhập sang khu vực xung quanh thông qua các hoạt động thương mại bằng đường biển. Các quốc gia Champa, Phù Nam, Chân Lạp đã tự nguyện tiếp nhận nền văn hóa này. Giáo sư Tiến sĩ Phạm Đức Dương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, cho rằng: “Nền văn hóa Ấn Độ được lan tỏa sang Đông Nam Á bằng con đường truyền bá tôn giáo một cách hòa bình. Vì vậy nó được tiếp nhận một cách tự nhiên và để lại dấu ấn không thể phai mờ trong tiến trình lịch sử văn hóa Đông Nam Á. Chính nơi đây đã tiếp nối và làm sống dậy nền văn hóa Ấn Độ và đôi khi những thành tựu phát sinh của ngoại Ấn đã vượt cả nguyên bản”. Khu vực Đông Nam Á, nơi tiếp nhận văn hóa Ấn Độ rõ nhất là Campuchia với quần thể Angkor, Việt Nam với quần thể di tích tháp Chăm thuộc khu vực Nam Trung Bộ, di tích Óc Eo ở Nam Bộ, thánh địa Cát Tiên ở khu vực Nam Tây nguyên cũng chịu ảnh hưởng của đạo Balamon.

Đạo Balamon Ấn Độ được người Việt Nam tiếp nhận nguyên bản cả về giáo lý lẫn giới luật cũng như những chuẩn tắc của đạo. Ngay trong nghệ thuật điêu khắc cũng được tiếp nhận nguyên bản. Rất nhiều phù điêu, các chủ đề trang trí phong phú và đa dạng đã được sử dụng. Hình tượng hoa sen là một trong những chủ đề như thế. Ngoài làm biểu tượng thờ cúng, còn được điêu khắc làm hoa văn trang trí trên kiến trúc… Tại di tích Cát Tiên – nơi được mệnh danh là một thánh địa Balamon giáo, chúng ta bắt gặp hình tượng hoa sen được sử dụng khá phổ biến làm hoa văn trên kiến trúc (gạch, đá) và là một trong những đề tài (thảo mộc) trang trí trên hiện vật thờ, mà chủ yếu trên các hiện vật vàng.

Hình tượng hoa sen đã được nhiều tôn giáo khác nhau sử dụng, như đạo Balamon, đạo Phật… Phật giáo coi hoa sen là loài hoa thánh, thể hiện sự thuần khiết thánh thiện, là một biểu tượng đạt đến đỉnh cao của giá trị tâm linh. Trong tiếng Phạn, chữ “buồng sen” cũng trùng hợp với “tử cung”, đều được gọi là “ulteus”. Sen là một loài hoa thanh tao vừa có hương vừa có sắc, hương thơm của loài hoa này dịu dàng thư thái tượng trưng cho đời sống thanh cao, bởi vì tồn tại trong bùn nhơ nhưng không bị nhuốm bẩn, vẫn vươn lên tỏa hương khoe sắc.

Ở đạo Phật, chúng ta thấy tượng của các vị bồ tát thường được tọa trên tòa sen thể hiện sự trang nghiêm, thanh tịnh, thoát khỏi mọi hệ lụy cuộc đời. Các tín đồ phật giáo khi nhìn vào những bức tượng đó, họ sẽ giữ cho tâm hồn mình được lắng đọng, thanh cao trước mọi cám dỗ của cuộc đời.

Đối với đạo Balamon, thần thoại Ấn Độ đã kể nhiều câu chuyện liên quan đến loài hoa sen, chẳng hạn: Thần Brahma được sinh ra trong một bông sen mọc từ rốn của thần Visnu, trong khi thần Visnu đang nằm trầm tư trên lưng con rắn thiêng trôi bồng bềnh trên mặt biển vũ trụ. Nguồn gốc của sự sống và thần Brahma sinh ra từ bông sen (theo hình thức thể hiện tam vị nhất thể, thì thần Brahma – Visnu – Siva là một). Trong đó, thần Brahma là thần sáng tạo, thần Visnu là vị thần bảo tồn, thần Siva là thần hủy diệt (nhưng sự hủy diệt của thần Siva là hủy diệt cái cũ để sáng tạo ra cái mới mang ý nghĩa tái sinh). Do vậy, hoa sen ở thời điểm này mang ý nghĩa luân hồi. Ngay bản thân quá trình phát triển của loài hoa này cũng thể hiện được sự luân hồi, cánh hoa nở tượng trưng cho quá khứ, đài sen tượng trưng cho hiện tại và hạt sen tượng trưng cho tương lai. Mặt khác, sen có nhiều hạt, tựa như có nhiều con cái, có thể vì thế người xưa đã dùng biểu tượng hoa sen để biểu đạt ý nghĩa phồn thực, sự sinh đẻ siêu nhiên, con cháu đông vui. Người Ấn Độ cổ đại đã lấy hình tượng hoa sen tượng trưng cho nữ/âm (Yoni). Ngoài ra, hoa sen còn mang ý nghĩa về sự no đầy, phồn vinh, phúc lộc, trường thọ. Có lẽ, từ ý nghĩa như vậy, người Ấn Độ theo Balamon giáo khi vẽ Linga thường bố trí ở trên các cánh hoa sen hoặc dùng hoa sen để làm vật trang trí bên cạnh các thần như là một biểu tượng của Yoni (âm vật) để thể hiện sự hài hòa âm – dương… Từ trong tâm thức của người Ấn Độ như vậy, hình tượng hoa sen đã được đưa vào kiến trúc đền tháp, dùng làm biểu tượng thờ cúng.

Ở di tích khảo cổ Cát Tiên, hoa văn hoa sen kết dải được khắc tạc trực tiếp trên gạch tại ngôi đền làm hoa văn trang trí cho tường kiến trúc 2A. Tuy hiện chỉ còn lại một số phế tích kiến trúc, nhưng cũng dễ dàng nhận thấy hoa văn hoa sen đã được sử dụng tại đây. Ngăn cách đế và tường tháp là hai lớp gạch được xây nhô ra, hoa văn hình cánh sen được khắc tạc ở bên dưới đế tháp, bên trên trang trí hoa văn hình sọc dọc, một số ý kiến cho rằng đây là những nhụy sen được cách điệu. Nhìn từ xa đền giống như được mọc lên từ một bông sen khổng lồ. Các dấu vết khắc tạc hoàn toàn bằng thủ công khá mềm mại, tinh tế. Điều đó thể hiện trình độ điêu khắc của chủ nhân xưa.

bai hoa sen chung 1

 Hoa văn hình cánh hoa sen được trang trí trên tường kiến trúc đền 2A

Chúng ta còn thấy hoa văn hoa sen còn được thể hiện trên đá: mi cửa, cột đá. Mi cửa (nguyên vẹn) chạm hình năm bông sen hướng xuống, với cuống hoa khỏe khoắn, bát sen to tròn, nhiều hạt sen nhô hẳn lên, vây quanh là những cánh hoa sen mềm mại được khắc tạc đối xứng nhau. Xung quanh chạm nổi một số hình hoa lá và vân mây. Hai bên là hình lá lật uốn cong mềm mại, phía dưới là dải hoa văn uốn móc cong hình kỷ hà đối xứng nhau.

bai hoa sen chung 2

Mi cửa trang trí hình hoa sen tại kiến trúc 2A

Cột đá được chế tác hình tròn dài 2,27m, hai đầu cột có lỗ mộng nhô ra 0,1m để gá lắp vào đế. Trên thân có các gờ nấc tiện tròn, hai đầu có khắc tạc hoa văn cánh sen kết dải vây quanh thân cột, đăng đối nhau.

Kiến trúc đền số 3 được bố cục như những bông sen. Bình đồ kiến trúc được xây dựng theo hình dạng của một bông hoa sen. Mặc dù, có thể trên kiến trúc không sử dụng hoa văn của loài hoa này. Kiến trúc đền số 3 là một minh chứng rõ nhất, nếu nhìn từ trên xuống kiến trúc này giống như một bông hoa sen úp ngược.

bai hoa sen chung 3

Kiến trúc số 3

Trong 8 đợt khai quật khảo cổ đã thực hiện từ (1994 – 2006), có 7 mảnh vàng thể hiện hình hoa sen xuất hiện độc lập và hơn 30 hiện vật vàng có liên quan đến hình tượng hoa sen xuất hiện cùng với hình ảnh các vị thần, đôi khi là vật cầm tay của các vị thần hoặc là hình ảnh các vị thần ngồi trên tòa sen.

bai hoa sen chung 4

Các mảnh vàng có hình hoa sen tại di tích Cát Tiên

Như vậy tại di tích Cát Tiên, nhìn vào các kiến trúc đền, các chuẩn tắc của đạo, các biểu tượng thờ cúng, các hoa văn trang trí… cũng đã nói lên được mối liên hệ mật thiết giữa di tích khảo cổ Cát Tiên với Balamon giáo Ấn Độ. Quá trình tiếp nhận văn hóa Ấn Độ, chủ nhân di tích Cát Tiên xưa đã có những cải biến cho phù hợp với tín ngưỡng bản địa với những nét riêng độc đáo, xây dựng nên những công trình kiến trúc đồ sộ trên vùng Nam Tây Nguyên hyền bí.

Đinh Chung

Xổ số miền Bắc