Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

Kỳ II: Chiếc “chìa khóa vàng”

Khi đó ông Tăng Bá Hoành – Chủ tịch Hội sử học Hải Dương nhận được 7 trang gia phả của gia tộc nữ tài Bùi Thị Hý, ở trang Quang Ánh, huyện Gia Phúc, nay là thôn Quang Tiền, xã Hồng Quang, huyện Gia Lộc (Hải Dương) do ông Bùi Xuân Nhạn và Bùi Đức Lợi là hậu duệ cung cấp. Dưới đây là bản dịch: “Tháng giêng, đầu xuân, năm Bảo Đại Nhâm Thân (1932), hậu duệ 13 đời của họ Lý trưởng Bùi Đức Nhuận, sao y như bản cổ, thủy tổ là Bùi Đình Nghĩa, nguyên ở ẩn ở đất Minh Ngọc, Nam Xang, Bình Lục, Hà Nam, sinh năm Đinh Mão, thời Trần Đế Hiện Đại Vương, niên hiệu Xương Phù 11 (1387). Ông là con tướng quân Bùi Quốc Hưng, người phù tá Lê Thái Tổ bình giặc Ngô (Minh), nguyên quán ở làng Cống Khê, tổng Bột Xuyên, huyện Chương Đức, tỉnh Sơn Tây, nhập cư làng Quang Ánh năm Đinh Hợi, thời Trần Giản Định Vương, niên hiệu Hưng Khánh thứ nhất (1407).

Ông bà sinh 2 người con tại Quang Ánh: Con thứ nhất là Bùi Thị Hý, không có con nối, bà là người thợ có tài làm bình gốm. Con thứ hai là Bùi Đình Khởi, sinh năm Quý Mão, thời Bình Định Vương, năm thứ 1423. Thủy tổ Bùi Đình Nghĩa là người có chí lớn, dũng cảm, có tài phi ngựa, nổi tiếng mưu trí. Khi đất nước có biến, tổ phụng sự tổ quốc, tòng quân, khi lâm trận thì đi đầu đạo quân, khi vỡ trận thành Đông Quang, người chiến đấu oanh liệt, hy sinh lẫm liệt, về sau không tìm được mộ táng. Thủy tổ có công lớn trong chiến trận, sau được Lê Thái Tông điểm công danh, ban lộc quan điền 55 mẫu… Thuyết tích họ Bùi, trang Quang Ánh có nghề cổ làm sành sứ lâu đời, khởi nghệ là nữ tài Bùi Thị Hý. Bà là người có tài văn chương, chữ đẹp, kỳ tài về họa. Bà cải trang làm nam giới, thi tới tam trường, phạm quy, bị quan trường đuổi. Sau bà lấy chồng ở huyện Thanh Lâm, châu Nam Sách nhưng không có con.

Bí mật ngôi mộ cổ (Kỳ II), Tin tức trong ngày, gốm sứ, di vật, hội Sử học Hải Dương, gốm Chu Đậu, gia phả, nghệ nhân

Đĩa gốm Chu Đậu với 9 con rồng, biểu tượng cho 9 đời vua Nhà Lý

Người phụ nữ tài năng có nhiều con đường tiến thân, bà có nghề cùng với chồng là ông Đặng Sĩ, một chủ lớn về trang Quang Ánh vào năm Thái Hòa thập niên (1452) cùng em trai là Bùi Khởi chiêu tập người làm thuê, dựng lò, ở bắc trang, nơi ấy thuận đường thủy, gần sông Định Đào, giao thương với châu Nam Sách, chế tác những sản phẩm đặc biệt, cống hoàng triều, xuất cho nhiều thương nhân nước ngoài như: Trung Quốc, Nhật Bản, phương Tây, trao đổi gấm vóc, gỗ rừng, cá, gạo, vàng bạc. Từ đấy, nghề thịnh đạt, năm này qua năm khác tài lộc tăng nhiều, gia đình họ hàng giàu mạnh, cùng nhau khởi dựng trang. Đến thời đất nước loạn lạc, bọn hung tặc triệt phá, con cháu xiêu tán, không thể tác nghiệp, nghệ vinh suy vong, nghề hết”.

Gia phả viết gọn, súc tích, chính xác về năm tháng. Từ gia phả trên mà biết được lý lịch của người phụ nữ đặc biệt này từ gia cảnh, lịch sử, đặc biệt là học vấn, nghề nghiệp gốm sứ, tình hình giao thương vượt biển thế kỷ XV. Người lập gia phả cực kỳ trân trọng khi gọi Bùi Thị Hý là nữ tài. Gia phả viết năm Bảo Đại Nhâm Thân (1932), do cụ Bùi Đức Nhuận, cháu 13 đời, trưởng chi 3, sao từ một gia phả cổ. Vậy gia phả cổ liệu có còn?

Ngày 27/6, gia đình họ Bùi lại đem đến cho Hội Sử học đọc vài trang của gia phả cổ, viết năm Minh Mệnh 13 (1832) tức trước bản sao một thế kỷ, viết trên lụa. Đây là tư liệu rất quý, xác định cho sự chính xác của bản sao. Gia phả thứ hai này cho biết năm sinh (1420) của nữ tài Bùi Thị Hý và cho biết những tư liệu này sao từ một gia phả xưa và từ tấm bia cổ. Vậy một tấm bia cổ này nay liệu còn? Cuộc truy tìm cứ thế mà diễn tiến. Ông Hoàng nhớ lại: “Từ những dữ liệu này, chúng tôi suy ra một số vấn đề. Bà Bùi Thị Hý thi đến tam trường, phải chăng đây là kỳ thi tiến sĩ? Vậy kỳ thi tiến sĩ ấy vào năm nào? Từ năm 1442 đến 1450, khi bà đã là nghệ nhân làm gốm chỉ có hai khoa thi: Nhâm Tuất (1442) và Mậu Thìn (1448). Người phụ nữ thời phong kiến 29 tuổi đã yên bề gia thất từ lâu. Vậy bà chỉ có thể dự kỳ thi tiến sĩ đầu tiên của triều Lê sơ (1442). Kỳ thi này Nguyễn Trãi làm độc quyển. Một người có tri thức và biết tài làm đồ gốm như bà thì không thể chỉ có một mình văn (chữ viết) trên đồ gốm, có thể có nhiều mà nay chưa biết”.

Ngày 12/8/2006, nhân ngày giỗ thứ 507 của bà, Hội Sử học Hải Dương, kết hợp với UBND huyện Gia Lộc và xã Đồng Quang tổ chức hội thảo về nữ tài Bùi Thị Hý qua di vật ở nước ngoài và 2 cuốn gia phả của họ Bùi nhằm bước đầu khẳng định vai trò của bà và những chủ nhân gốm Chu Đậu, đồng thời thúc đẩy việc tiếp tục sưu tầm những di vật có liên quan. Các nhà khoa học đã nhắc nhở hậu duệ của bà và Bảo tàng tỉnh phải đặc biệt quan tâm đến những di vật có chữ Hán còn lưu trong gia đình và địa phương, nhất là đồ gốm, đồ gỗ, bia ký và sách vở xưa.

Bí mật ngôi mộ cổ (Kỳ II), Tin tức trong ngày, gốm sứ, di vật, hội Sử học Hải Dương, gốm Chu Đậu, gia phả, nghệ nhân

Nậm rượu hình rồng (Gốm Chu Đậu)

Công việc này được anh Bùi Đức Lợi là hậu duệ đời thứ 15 đặc biệt quan tâm và nhiệt tình sưu tầm. Sự tha thiết với tổ tiên của bậc cháu chắt ấy đã gặp những may mắn hiếm thấy. Sau một năm chờ đợi, ngày 16/5/2007 anh Lợi tìm được con nghê ở lò gốm cổ, nơi mà gia phả nơi là do Đặng Sĩ xây dựng năm Thái Hòa thập niên (1452), cao 22cm, dài 27cm, đế rộng 6,5cm, phía đuôi có chữ viết, mang cho các nhà sử học nghiên cứu. Hình dáng cũng như chất liệu của con nghê này không có gì lạ vì có một số hiện tượng tương tự ở những hố khai quật tại Chu Đậu và làng Cậy, điều quan trọng là 2 dòng chữ: “Quang Thuận nhất niên, Quang Ánh trang, Bùi Thị Hý tạo”, có nghĩa: hiện vật do Bùi Thị Hý, ở trang Quang Ánh, tạo vào năm Quang Thuận thứ 1460.

Đây là di vật vô cùng quan trọng để xác định vai trò của nữ tài Bùi Thị Hý, dù là các đại nho cũng không thể dịch là ông Bùi nào đó tạo chơi được! Nhưng vẫn may không dừng lại ở đó. Ngày 10/7/2007, anh Lợi lại mang cho các nhà khoa học chiếc đĩa còn sống men, vốn là một phế phẩm được người xưa loại bỏ ngay ở chân lò chứ không đưa vào buôn bán. Đĩa có đường kính trôn 14cm, chân cao 0,7cm, tạo dáng một bông hoa 12 cánh, hoa văn khắc chìm theo truyền thống Lý Trần. Giữa đáy có bông hoa 9 cánh, trong đường tròn đường kính 9cm. Trên sườn khắc hoa cúc liên hoàn, rất tinh tế, tỉa kỹ từng gân lá. Xương gốm vàng nhạt, hơi thô, men chưa chín nên thô ráp, chưa phản quang. Phía ngoài để trơn. Trôn quét sơn nâu nhạt. Đĩa này nếu nung chín sẽ có màu xanh nhạt, dễ nhầm với gốm Lý Trần. Hiện vật tương tự đã được ở lò Thanh Khơi (Trùng Khánh, Gia Lộc) ở Chu Đậu. Đặc biệt, dưới trôn của hiện vật này viết theo đường tròn sát đĩa 18 chữ Hán nét mảnh. (Diên Ninh nhất niên, Gia Phúc huyện, Quanh Ánh trang, tỷ Bùi Thị Hý, đệ Bùi Khởi tạo). Có nghĩa là: vào năm Diên Ninh thứ nhất (1454), tại trang Quang Ánh huyện Gia Phúc, chị là Bùi Thị Hý, em là Bùi Khởi tạo (chiếc đĩa này). Các hiện vật này chúng ta có thể biết được khả năng mỹ thuật của của nữ tài trên 3 loại hình: vẽ (hoa lam trên bình ở Thổ Nhĩ Kỳ), điêu khắc (con nghê-1460 và sau là con rồng lớn ở ngã ba sông Định Đào), và khắc chìm (trên đĩa-1454).

Tiếp đó, anh Lợi lại lễ mễ mang cho các nhà sử học chiếc mâm đồng đã han gỉ, đường kính 48cm, cháy một phần ở phía ngoài. Chiếc mâm vốn là đồ gia bảo, do bố anh Lợi cất giữ, thời chạy giặc Pháp, ngôi nhà xưa của gia đình bị đốt phá, chiếc mâm đồng bị một mảng tường đè lên, phía ngoài lửa liếm cháy nham nhở nhưng bên trong chữ còn nguyên vẹn. Sau khi cọ rửa và xát phấn, Hội Sử đếm có 18 dòng, gồm 379 chữ, trong đó có một số chữ nôm. Đây là một bản sao bia mộ chí, có những thông tin vô cùng quý.

TS Nguyễn Đình Chiến – Bảo tàng lịch sử Việt Nam: “Gốm hoa lam xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam ở đời Trần qua hiện vật phát hiện trong con tàu đắm thế kỉ XIV mà ngư dân Cà mau vớt được. Đến hiện vật của con tàu đắm tại Cù Lao Chàm là một phát hiện hết sức độc đáo bởi xuất hiện nhiều đồ gốm khớp với dòng gốm Bát Tràng, gốm Thăng Long, tất nhiên ở đó Chu Đậu vẫn chiếm đa số. Về việc giải mã mười mấy chữ Hán trên bình Hoa Lam tại Thổ Nhĩ Kỳ tôi vẫn nghiêng về cắt nghĩa chữ Bùi Thị Hý nghĩa là ông Bùi nào đó vẽ chơi chứ không phải Bùi Thị Hý là nghệ nhân nữ có tên Bùi Thị Hý”.

Việc khắc văn bia mộ chí vào mâm đồng không phải có nguồn gốc ở Việt Nam mà từ thời Thương Chu ở Trung Quốc (thế kỷ IX trước CN) người ta đã ghi tiểu sử nhà vua thứ năm của nhà Chu vào một mâm đồng, chôn trong huyệt mộ, người Trung Quốc gọi là bàn sử (sử viết trên mâm). Các nhà sử học khôi phục toàn bộ văn bản như bản gốc và bản phiên dịch.

Bản dịch mặt trước bia đá: “Mộ người vợ kỳ tài họ Bùi, tên húy là Hý”. Hai dòng bên phải bia ghi: “Ngày 10 tháng 10 năm Cảnh Thống Nhâm Tuất (1502), phu quân (chồng) là Đặng Phúc lập bia. Phu nhân, sinh năm Canh Tý (1420), thời Bình Định Vương Lê Lợi”. Dòng bên trái bia ghi: “…Sau Đặng Sĩ (chồng trước) cùng những người làm thuê gặp nạn, chết ở biển Đông. Phu nhân tái giá lấy đại gia Đặng Phúc, người trang Chu (Đậu). Phu nhân là một trang nữ tài võ, thông văn, làm chủ thương đoàn (đi) Nhật Bản, Trung Quốc, phương Tây, đến nước ngoài buôn bán đặc phẩm (gốm sứ).

Thật buồn thay, phu nhân kỳ tài làm bình gốm mà lại không con. Sau về trang Quang Ánh, hưng công làm chùa, đình làng, làm thí chủ xây dựng nhà thờ họ; hưng công bắc cầu đá Đôn Thư, Lâm Kiều (ở bản huyện). Đến đêm 12, tháng 8 năm Kỷ Mùi (1499), trời đất cuồng phong, mưa gió, sấm chớp. Lạ thay, phu nhân nằm trong bình phong mà phát ra ánh sáng hồng như con rồng bay lên. Đoạn phu nhân hóa. Sau rất thiêng, ai có tâm cầu cúng, tất hiển ứng”. Chú dẫn: Khi thời thế thay đổi, bia cổ huyệt tổ cô giữ ở đất thiêng, cấm chỉ mọi vi phạm”.

Bí mật ngôi mộ cổ (Kỳ II), Tin tức trong ngày, gốm sứ, di vật, hội Sử học Hải Dương, gốm Chu Đậu, gia phả, nghệ nhân

Bình chim Phượng (Gốm sứ Chu Đậu)

Gia phả chỉ cho biết bà lấy đại gia Đặng Sĩ, còn sau đó thế nào không rõ. Bia cho biết, ông Đặng Sĩ một lần chỉ huy đoàn tàu vượt biển buôn bán, gặp nạn, chết ở biển Đông cùng với thủy thủ đoàn. Sau đó bà tái giá lấy ông Đặng Phúc, một ông chủ lò gốm Chu Đậu. Bà thành chủ thương đoàn, vượt biển buôn bán với nhiều chuyến đi Trung Quốc, Nhật Bản và Tây phương bán đồ gốm. Chi tiết này vô cùng quan trọng về ngoại thương của Việt Nam ở thế kỉ XV.

Các nhà nghiên cứu kinh ngạc ở chỗ, trước họ nghĩ hàng hải Việt Nam xưa kém phát triển, chỉ có những thuyền thúng, thuyền mủng hay thuyền gỗ nhỏ loanh quanh gần bở gần vụng chứ ít dám nghĩ đến thương thuyền lớn với bộ sậu buồm, chèo khổng lồ có khả năng vượt biển Đông đến các quốc gia khác. Khi quan sát những sản phẩm gốm Chu Đậu có vẽ các chi tiết tàu vượt biển, họ thường đinh ninh đó là những hình ảnh do thủy thủ nước ngoài kể lại cảnh mình hay gặp trên biển cho thợ gốm Việt Nam nghe, sau đó các nghệ nhân ta tưởng tượng rồi vẽ lại.

Qua tư liệu này, có thể nói, đó là hình ảnh trực quan của thủy thủ và thương nhân Việt Nam trên đường vượt biển, buôn bán với nước ngoài, trong đó có nghệ nhân Bùi Thị Hý “kể” về những sóng gió, vất vả khi bôn ba cùng những con sóng bạc đầu, những trận cuồng phong thịnh nộ của biển cả hay những quái thú, quái ngư của ngàn khơi. Điển hình là một đĩa hoa lam đường kính 36cm, hiện lưu giữ trong một bộ sưu tập ở Adilaide, Nam Úc. Lòng đĩa vẽ tích khá đặc biệt, 2 thuyền lớn, trên đường vượt biển, gặp gió lớn, buồm đã hạ xuống, trên mặt sóng xô dữ dội, có 3 thủy thủ rơi xuống nước, trong đó có 1 người đang bị một con cá khổng lồ đã nuốt đến thắt lưng. Cảnh tượng xám xịt một màu bi ai.

(Còn nữa)