Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

19/08/2008 00:09 6418

Điểm: 0/5 (0 đánh giá)

Tác giả: TS. Phạm Văn Đấu; Phạm Võ Thanh Hà. Sách do nhà xuất bản VHTT ấn hành tại Hà Nội năm 2006, khổ 13 x 19cm, dày 335 trang. Những nền văn hoá cổ được hình thành, phát triển và toả sáng trên đất nước Việt Nam từ buổi bình minh của lịch sử đến thời đại văn minh, đánh dấu bước phát triển của con người trên đất nước Việt Nam trong dòng chảy của lịch sử nhân loại.

Tác giả: TS. Phạm Văn Đấu; Phạm Võ Thanh Hà. Sách do nhà xuất bản VHTT ấn hành tại Hà Nội năm 2006, khổ 13 x 19cm, dày 335 trang.


Những nền văn hoá cổ được hình thành, phát triển và toả sáng trên đất nước Việt Nam từ buổi bình minh của lịch sử đến thời đại văn minh, đánh dấu bước phát triển của con người trên đất nước Việt Nam trong dòng chảy của lịch sử nhân loại.

Từ lâu mỗi chúng ta đều đã có thông tin về các nền văn hoá cổ ở Việt Nam, song thật ra có rất nhiều nền văn hoá tên rất quen thuộc, nhưng lại có rất ít người hiểu biết về nó một cách tường tận (ngoại trừ cán bộ làm công tác chuyên môn). Những khái niệm Sơn Vi, Phùng Nguyên, Sa Huỳnh, Óc Eo… đối với độc giả chỉ là những khái niệm chung chung, mà nếu có lại là những tư liệu chuyên ngành mô tả chi tiết rất khó cho người ngoại đạo nắm được những nét cơ bản của những nền văn hoá này.

Xuất phát từ thực tế này, các tác giả đã biên soạn cuốn sách với mục đích nêu lên một cách ngắn gọn, phổ thông những thông tin cần thiết về một nền văn hoá như: quá trình phát hiện, địa bàn phân bố, đặc trưng văn hoá, đời sống con người…

Các nền văn hoá được nhóm tác giả đề cập từ thời đại đồ đá đến thời đại đồng thau ở Việt Nam, tiêu biểu như: văn hoá Sơn Vi, văn hoá Hoà Bình, văn hoá Bắc Sơn, văn hoá Đa Bút, văn hoá Bàu Tró, văn hoá Hoa Lộc, văn hoá Hạ Long, văn hoá Phùng Nguyên, văn hoá Đồng Đậu, văn hoá Gò Mun, văn hoá Đông Sơn, văn hoá Sa Huỳnh, văn hoá Óc Eo.

Đây là cuốn sách hay, nội dung đề cập ngắn gọn, là tài liệu phổ thông thích hợp với đông đảo bạn đọc quan tâm tới các nền văn hoá khảo cổ ở Việt Nam.

Nhân đây chúng tôi xin cung cấp thêm với bạn đọc khái niệm cơ bản về văn hoá và văn hoá khảo cổ để khi đọc cuốn sách này độc giả có thể hiểu rõ hơn. Hiện tại có rất nhiều quan niệm, quan điểm về vấn đề này, chúng tôi xin nêu ra khái niệm trong Từ điển Bách Khoa Việt Nam:

1. Văn hoá: toàn bộ những hoạt động sáng tạo và những giá trị của nhân dân một nước, một dân tộc về mặt sản xuất vật chất và tinh thần trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Khái niệm văn hoá được hiểu theo nghĩa nhân văn rất rộng. Nguyên Tổng Giám đốc UNESCO, ông Mayo (F.Mayo), đưa ra một khái niệm về văn hoá vừa mang tính khái quát vừa có tính đặc thù: văn hoá bao gồm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục, tập quán, lối sống và lao động. Khái niệm này được cộng đồng quốc tế chấp nhận tại Hội nghị liên chính phủ về các chính sách văn hoá tại Vơnidơ (Venise, 1970).

Văn hoá biểu hiện trong lý tưởng sống, trong các quan niệm về thế giới và nhân sinh, tín ngưỡng, trong lao động và đấu tranh, trong tổ chức đời sống, tạo dựng xã hội, thể hiện lí tưởng thẩm mĩ. Có thể tìm thấy những biểu hiện của văn hoá trong các phương thức và công cụ sản xuất, phương thức sở hữu, các thể chế xã hội, phong tục tập quán, giao tiếp giữa người với người, trong trình độ học vấn và khoa học kỹ thuật, trong trình độ sáng tạo và thưởng thức văn học, nghệ thuật. Vì thế, nhà xã hội học văn hoá Anh Taylor (E.B.Taylor) cho rằng: Văn hoá hoặc văn minh là một chỉnh thể phức hợp bao gồm tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, pháp luật, tập tục và bất kì năng lực, thói quen nào khác mà con người cần có với tư cách là một thành viên của xã hội. Trong khoảng ba thập kỷ nay đã xuất hiện khái niệm kích tấc văn hoá của sự phát triển trong đời sống của các nước. Kích tấc văn hoá không những chỉ những sáng tạo về mặt văn học, nghệ thuật mà còn chỉ chung các nhu cầu của cá nhân và con người và của cộng đồng, trong đó kinh tế và khoa học, kĩ thuật không thể phát triển ngoài bối cảnh văn hoá của một dân tộc. văn hoá của một dân tộc hiểu theo nghĩa căn bản nhất là toàn bộ những cái qua đó một dân tộc tự biểu hiện mình, tự nhận biết mình và giúp các dân tộc khác nhận biết mình. Bởi vậy, văn hoá là nơi thể hiện rõ nhất tinh thần dân tộc, bản sắc dân tộc, đồng thời cũng là nơi thể hiện ý thức và những phương thức tiếp nhận những giá trị của các dân tộc khác theo tinh thần cùng tham dự và cùng chia sẻ.

Từ điển Bách khoa Việt Nam, Tập IV, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005, tr.798

2. Văn hoá khảo cổ: thuật ngữ chỉ một nhóm di tích khảo cổ cùng thời đại, phân bố trong cùng một khu vực và cùng có những đặc trưng văn hoá giống nhau. Thông thường, một văn hoá khảo cổ là thuộc một cộng đồng xã hội nhất định. Mỗi cộng đồng xã hội có một truyền thống văn hoá chung, cho nên chúng có những đặc trưng chung về di tích cũng như di vật. Bộ mặt văn hoá giữa các khu vực khác nhau trong cùng một văn hoá vẫn có những khác biệt nhất định và hình thành nên những loại hình văn hoá địa phương. Chẳng hạn như văn hoá Phùng Nguyên có loại hình Phùng Nguyên và loại hình Gò Bông, văn hoá Đông Sơn có loại hình Đường Cồ, loại hình Đông Sơn và loại hình Làng Vạc….

Có nhiều cách đặt tên cho các văn hoá khảo cổ và loại hình văn hoá. Thông thường, các nhà khảo cổ lấy địa danh tiêu biểu phát hiện đầu tiên để đặt tên. Địa danh có thể là tên tỉnh, tên xã hoặc thôn như văn hoá Asơn [gọi theo tên địa điểm khảo cổ Asơn (Acheule); Pháp] ở châu Âu; văn hoá Chu Khẩu Điếm, văn hoá Đinh Thôn ở Trung Quốc; văn hoá Sơn Vi, văn hoá Hoà Bình, văn hoá Đông Sơn ở Việt Nam. Song cũng có thể là tên di tích như văn hoá Phùng Nguyên, văn hoá Đồng Đậu, văn hoá Gò Mun, hoặc tên một khu vực như văn hoá Bắc Sơn, văn hoá Hạ Long, văn hoá Sa Huỳnh…. Trước đây, đã có lúc người ta lấy một di vật hoặc một đặc trưng điển hình đặt tên cho văn hoá khảo cổ như văn hoá đồ đá nhỏ, văn hoá gốm màu, văn hoá gốm đen, văn hoá cự thạch, văn hoá mộ chum… Cách đặt tên như thế dễ gây ra sự nhầm lẫn và dễ bị hiểu lệch nên gần đây ít được sử dụng. Đối với giai đoạn muộn, người ta còn dùng tộc danh để đặt tên cho văn hoá khảo cổ, như văn hoá Ba Thục, văn hoá Ngô Việt ở Trung Quốc hay văn hoá Chăm ở Việt Nam.

Từ điển Bách khoa Việt Nam, Tập IV, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005, tr.808

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Chia sẻ:

Xổ số miền Bắc