Bảo tàng Lịch sử Quốc gia

16/06/2022 13:16 777

Điểm: 0/5 (0 đánh giá)

Đầu năm 1936, xe xích lô có mặt đầu tiên ở Phnom Pênh (Campuchia) và du nhập vào Sài Gòn ngay sau đó. Tuy nhiên, phải sau 2 năm, xe xích lô mới được lưu thông ở Hà Nội. Xe xích lô, một sáng chế của ông Pierre Morice Coupeaud, là kiểu xe đạp 3 bánh, làm bằng chất liệu nhẹ, có dáng vẻ thanh lịch và tiện nghi nên đã rất thịnh hành những năm sau đó ở Đông Dương.

Đầu năm 1936, chiếc xe xích lô đầu tiên có mặt ở Phnom Pênh và ngay sau đó du nhập vào Sài Gòn. Cùng thời điểm này, vào tháng 4 năm 1936, một số nhà thầu ở Hà Nội cũng đã gửi đơn xin phép cho lưu thông xe xích lô ở Hà Nội, trong đó sớm nhất có thể kể đến nhà thầu Trần Việt Thanh và Lê Hứa. Ngày 20 tháng 4 năm 1936, nhà thầu Trần Việt Thanh ở số 12 Hàng Vôi, Hà Nội gửi Đốc lí Hà Nội đơn xin lưu thông 500 xe xích lô chở khách, kèm theo mẫu thiết kế xe.

 

Mẫu thiết kế xe xích lô gửi kèm theo đơn xin lưu thông xe của nhà thầu Nguyễn Việt Thanh ngày 20 tháng 4 năm 1936. Nguồn: TTLTQG1

Cũng vào tháng 4 năm 1936, nhà thầu Lê Hứa ở số 44 phố Richaud

[1]

 cũng đã có đề nghị xin phép lưu thông 500 xe xích lô. Tuy nhiên, chính quyền thành phố Hà Nội đã từ chối yêu cầu của 2 nhà thầu trên vì lí do thành phố đang có quá nhiều xe cộ nên chưa cho phép lưu thông loại xe mới này.

 

Ảnh xe xích lô ở Pnom Pênh. Nguồn: TTLTQG1

Năm 1937, trong thư trả lời nhà thầu Lê Hứa, chính quyền Hà Nội cho biết đã có chủ trương tăng số lượng xe kéo, bao gồm cả xe xích lô hoạt động tại thành phố.

Tháng 12 năm 1937, Công ti Onmium Indochinois (OMIC) ở số 7 đại lộ Bobillot

[2]

 – Công ti sở hữu nhiều xe kéo tay nhất

[3]

 ở Hà Nội, gửi đơn xin phép lưu thông xe xích lô thay cho một số xe kéo tay đã được cấp phép trước đó. Công ti Omnium indochinois là một công ti công nghiệp và thương mại được thành lập vào năm 1929 ở Hà Nội trên cơ sở sáp nhập các công ti: Công ti chất nổ Pháp ở Viễn Đông, Công ti vận tải Pháp và 2 công ti khai thác xe kéo Verneuil & Gravereaud và Chevance. (Compagnie française d’explosifs en Extrême-Orient, Société française de transports [Boyer], 2 entreprises d’exploitation de pousse-pousse Verneuil & Gravereaud et Chevance & Compagnie). Lúc đó, thành phố đã có chủ trương cho chạy xe xích lô nên yêu cầu công ti OMIC gửi mẫu xe đã được dùng ở các thành phố ở Đông Dương.

Xe xích lô, trong tiếng Pháp là “cyclo pousse” là một sáng chế của ông Coupeaud. Ở Đông Dương, Pnom Pênh là nơi đầu tiên lưu thông xích lô và ngay sau đó, xích lô được du nhập vào Sài Gòn. Xích lô là kiểu xe đạp 3 bánh, được làm bằng chất liệu nhẹ, có dáng vẻ thanh lịch và tiện nghi. Xích lô khác với một loại xe đạp 3 bánh khác

[4]

 cũng xuất hiện thời kì đó là hành khách ngồi phía trước và người đạp xe ở phía sau. Loại xe mới này có vận tốc nhanh hơn xe kéo tay. Các nhà thầu đều đưa ra lí do thuyết phục cho việc đưa vào khai thác loại xe mới này vì đặc điểm và tính chất của nó. Người đi xe này được gọi là “người đi xe đạp” (bicyclistes) chứ không phải “người kéo xe” (tireurs) hay phu xe (coolies de pousse-pousses). Do đó, vấn đề chỉ trích xã hội “người ngựa, ngựa người”

[5]

 sẽ không còn nữa nếu sử dụng loại xe này.

Năm 1938, những chiếc xe xích lô đầu tiên của công ti OMIC được lưu thông tại Hà Nội. OMIC là công ti đầu tiên được khai thác xe xích lô ở Hà Nội. Ban đầu là vài chục chiếc rồi sau tăng lên khoảng 6 chục chiếc xe. Số lượng này tiếp tục tăng lên sau đó. Năm 1940, OMIC đã có 91 chiếc xích lô lưu thông và xin phép thêm 33 chiếc nữa thay cho 33 chiếc xe kéo được phép trước đó. Tổng số xích lô của công ti sau đó là 124 chiếc và tiếp tục hoạt động cho thuê những năm tiếp theo ở Hà Nội.

 

Thư của công ti OMIC gửi Đốc lí Hà Nội xin phép cho lưu thông 33 chiếc xích lô thay cho 33 chiếc xe kéo hạng sang đã được cấp phép. Nguồn: TTLTQG1

Theo thông tin tìm hiểu được đến nay, đến tháng 6 năm 1941, OMIC vẫn là hãng duy nhất sở hữu xe xích lô ở Hà Nội. Trong một bức thư trả lời Công sứ Phúc Yên đề nghị cung cấp thông tin về xe xích lô (mẫu mã, giá cả, nhà cung cấp…), Đốc lí Hà Nội cho biết, vào thời điểm đó [tháng 6/1941], “ở Hà Nội chỉ có Công ti OMIC đang sở hữu xe xích lô cho thuê”.

 

Thư của Đốc lí Hà Nội trả lời Công sứ Phúc Yên. Nguồn: TTLTQG1

Ngày 18 tháng 3 năm 1942

[6]

, thành phố Hà Nội ban hành Nghị định mới quy định về quản lí khai thác xe kéo và xích lô ở Hà Nội. Nghị định có điều khoản quy định về giới hạn số lượng đối với việc cấp phép lưu thông xe cho thuê. Tổng số lượng xe kéo và xích lô được ấn định là 1700 chiếc. Số lượng xe cấp phép cho mỗi cá nhân, doanh nghiệp không dưới 10 xe và không quá 100 xe. Tất cả các giấy phép đã cấp nếu không gia hạn trong thời hạn 30 ngày sẽ không còn giá trị.

Sau quy định mới này ra đời, một số nhà thầu cũng xin phép khai thác xe xích lô ở Hà Nội, trong đó có Hãng xe Lux của ông Nguyễn Cát Tường, hoạ sĩ nổi tiếng với những mẫu áo dài cách tân ở Hà Nội. Từ năm 1942, Hãng Lux của ông Nguyễn Cát Tường ở phố Hàng Da, Hà Nội đã được phép lưu thông 15 chiếc xích lô sản xuất tại Sài Gòn.

 

Ảnh chụp mẫu xe xích lô của Hãng xe Lux. Nguồn: TTLTQG1

Trong quá trình hoạt động, xe xích lô cũng như xe kéo luôn phải kiểm tra và sửa chữa các phần bị hư hỏng để đảm bảo an toàn giao thông. Đến những năm 1945-1946, do tình hình có các biến động chính trị, theo thông tin trong hồ sơ lưu trữ, mặc dù chính quyền vẫn tiếp tục quản lí xe, nhưng việc các nhà thầu báo mất xe và hư hỏng khá nhiều. Việc khám xe, kiểm soát biển số cấp cho 2 loại xe trên không được triệt để. Các nhà thầu gặp nhiều khó khăn nên không khai thác cho thuê xe và trả lại biển số cho chính quyền. Trong số ít ỏi hồ sơ về việc khai thác xích lô ở Hà Nội, chúng tôi hy vọng những tư liệu và hình ảnh trên sẽ cung cấp thêm cho độc giả thông tin về xe xích lô trong giai đoạn này ở Hà Nội.

[1] Nay là phố Quán Sứ

[2]

 Nay là phố Lê Thánh Tông, Hà Nội.

[3]

 Công ti sở hữu và được phép cho chạy thuê 309 chiếc xe kéo tay hạng sang ở Hà Nội ở Hà Nội.

[4]

 Loại xe đạp 3 bánh hay xe lôi, tri-pousse, người đạp xe ở phía trước để kéo hành khách ngồi phía sau như xe kéo tay nhưng là dạng xe đạp.

[5]

 Nghề phu xe được gọi là “nghề người, ngựa”: métier de l’homme-cheval

[6]

 Nghị định sau năm 1943 tăng số lượng xe lên 2500. Số lượng xe quy định cho mỗi doanh nghiệp tối thiểu là 100 xe và tối đa là 600.

Đỗ Hoàng Anh 

https://www.archives.org.vn

Chia sẻ: