Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Giới thiệu
Văn hóa Phùng Nguyên được gọi theo tên di chỉ đầu tiên được phát hiện năm 1959, ở xã Kinh Kệ, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Đây là nền văn hóa thuộc sơ kỳ thời đại Đồ đồng. Điểm độc đáo trong văn hóa Phùng Nguyên đó là hiện vật bằng đá rất phong phú về loại hình như: công cụ lao động, vũ khí, đồ trang sức…cho thấy kỹ thuật chế tác đá đã đạt đến đỉnh cao. Đặc biệt, đồ trang sức được chế tác bằng đá, đá Nephirite, đá ngọc…là phổ biến. Đồ gốm được làm bằng bàn xoay, thường trang trí hoa văn khắc vạch, hoa văn chấm dải. Đã phát hiện những mẩu xỉ đồng.
Văn hóa Đồng Đậu được gọi theo tên di chỉ đầu tiên được phát hiện năm 1962, ở thôn Đồng Đậu, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là sự phát triển tiếp nối của văn hóa Phùng Nguyên. Công cụ đá có số lượng ít và không được trau truốt. Hiện vật bằng xương cũng được phát hiện trong nhiều di chỉ. Đồ gốm với nhiều loại hình và hoa văn phong phú như: hoa văn hình sóng nước, khuông nhạc, đường tròn đồng tâm… Một số công cụ, vũ khí bằng đồng (lưỡi câu, mũi tên, lao…) được phát hiện trong nhiều di tích, cho thấy tính ưu việt của đồ đồng tạo nên năng suất lao động cao hơn đã được cư dân Đồng Đậu dần sử dụng phổ biến hơn.
Văn hóa Gò Mun được gọi theo tên di chỉ đầu tiên được phát hiện năm 1961, ở xã Tú Xã, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ. Văn hóa Gò Mun được hình thành trên nền tảng văn hóa Đồng Đậu trước đó. Công cụ đá giảm dần về số lượng và kỹ thuật chế tác. Thay vào đó, số lượng công cụ đồng dần tăng cao như: lưỡi câu, mũi lao, giáo… cho thấy đồ đồng đã dần trở thành công cụ thiết yếu, quan trọng trong lao động sản xuất. Đồ gốm có tiến bộ vượt bậc, hoa văn trang trí phong phú như: hoa văn chấm cuống rạ, in chấm tròn… Với sự phát triển đồ đồng, cư dân Gò Mun đã từng bước chế ngự thiên nhiên, làm chủ vùng châu thổ sông Hồng, tạo nền tảng cho nền văn hoá Đông Sơn phát triển rực rỡ.