Bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Hà Nội: Tôn trọng cộng đồng!
(HNM) – Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ TP Hà Nội đã chỉ rõ nhiệm vụ “…Thực hiện tốt công tác quản lý, quan tâm đầu tư bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di sản và bản sắc văn hóa; giải quyết hợp lý yêu cầu bảo tồn và phát triển; phát huy có chọn lọc các loại hình văn hóa phi vật thể”. Có thể khẳng định đây là nhiệm vụ hoàn toàn khả thi, khi Thủ đô được đánh giá có nhiều kinh nghiệm, dẫn đầu cả nước trong thực hiện công tác quản lý, bảo tồn phát huy giá trị di sản.
Đoan Môn – Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Vũ Thế Bảo
Trong số 63 tỉnh, thành phố, Hà Nội tự hào là trung tâm hội tụ và tỏa sáng văn hóa với sự giàu có, đa dạng về các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Số lượng di tích được xếp hạng cấp quốc gia ở Hà Nội chiếm hơn 1/4 tổng số di tích cấp quốc gia của cả nước. Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là một trong 8 di sản của Việt Nam được ghi danh trong Danh mục Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Hội Gióng ở Đền Sóc và đền Phù Đổng là một trong 9 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được ghi trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại… Thống kê sơ bộ cho thấy Hà Nội hiện có hơn 5.000 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có hơn 2.000 di tích đã được xếp hạng. Đây là di sản vô cùng to lớn và quý giá, luôn cần được trân trọng, giữ gìn và phát huy. Nhưng, thách thức lớn nhất hiện nay của Hà Nội vẫn là công việc ngăn chặn tình trạng xâm hại làm thay đổi cảnh quan di tích, thay đổi hiện vật gốc, thực hành sai lệch di sản văn hóa phi vật thể, tùy tiện đưa hiện vật mới vào di tích, ngăn chặn nạn ăn cắp cổ vật… Tất cả đòi hỏi phải có sự kết hợp gắn bó mật thiết giữa cộng đồng với các cấp quản lý trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Điều đáng mừng là dù còn một số di tích bị vi phạm trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản, nhưng Hà Nội luôn là địa phương đi đầu trong việc giải quyết hài hòa, hợp lý giữa bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa và phát triển kinh tế – xã hội trong không gian đô thị. Có rất nhiều kinh nghiệm quý được áp dụng trong quá trình thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo di tích ở Hà Nội. Ví dụ như việc xây dựng dự án bảo tồn tại chỗ khu 18 Hoàng Diệu thành “bảo tàng ngoài trời” để phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan du lịch được đánh giá là biện pháp rất hiệu quả, vừa bảo đảm giữ gìn, vừa tạo cơ hội phát huy giá trị di sản. TP Hà Nội cũng rất linh hoạt khi xử lý những vấn đề lớn liên quan đến công tác bảo tồn và phát triển hài hòa các lợi ích xã hội khác, ví như vấn đề bảo tồn đàn Xã Tắc. Việc Hà Nội lắng nghe ý kiến nhiều chiều từ dư luận, tham khảo sự tư vấn của các chuyên gia về di sản trước khi đưa ra giải pháp mở rộng đường đã thể hiện rõ sự cầu thị của các nhà quản lý. Giải pháp thực hiện tư liệu hóa chi tiết và đầy đủ các hố khai quật khu đàn Xã Tắc ở ngã năm Ô Chợ Dừa, đưa những hiện vật có thể di chuyển được về bảo quản, trưng bày trong bảo tàng, sau đó lấp cát theo phương pháp khoa học toàn bộ hố khai quật rồi bàn giao mặt bằng cho chủ dự án thi công đã tạo được sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học. Cách làm này vừa bảo đảm công tác bảo tồn lại không cản trở nhu cầu phát triển đô thị. Ngoài ra, TP Hà Nội đã rất tỉ mỉ, chu đáo trong việc giải quyết các nút giao thông trên đường Văn Cao, Đào Tấn, Cầu Giấy, Đội Cấn sau khi thực hiện đầy đủ, chi tiết việc tư liệu hóa các hố khai quật khảo cổ, đưa toàn bộ tài liệu, hiện vật về lưu trữ, bảo quản tại bảo tàng để phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày phát huy giá trị di tích…
Hà Nội cũng là địa phương đầu tư kinh phí cho việc bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa lớn nhất, cả từ nguồn ngân sách và huy động nguồn lực xã hội hóa. PGS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho biết: “Riêng ở Hà Nội, kinh phí bảo tồn, tôn tạo một số di tích có thể đạt 60-70% từ nguồn xã hội hóa”. Điều đó không chỉ cho thấy việc huy động nguồn lực xã hội trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản ở Hà Nội chiếm tỷ trọng rất lớn, mà còn phần nào cho thấy nhận thức, sự quan tâm của cộng đồng cư dân ở Thủ đô đối với công tác này đã được nâng lên rất nhiều.
Với nhiệm vụ phát huy có chọn lọc các loại hình văn hóa phi vật thể, Hà Nội đã và đang triển khai cách làm đồng bộ, khoa học. Hà Nội đã triển khai công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) từ cuối năm 2013 và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2015. TS Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa – đơn vị đang hỗ trợ tư vấn chuyên môn cho Hà Nội trong công tác kiểm kê DSVHPVT cho biết: “Dự án của Hà Nội đang thực thi đúng mục tiêu là xác định thực trạng và sức sống của DSVHPVT để có biện pháp bảo vệ, giữ gìn di sản nhằm trao truyền trong đời sống. Trong đó, cộng đồng thực sự giữ vai trò quan trọng trong việc nắm giữ các tri thức về DSVHPVT”. Số liệu thống kê tính đến tháng 6-2015 cho thấy, Hà Nội đã triển khai kiểm kê ở 16 huyện, 2 quận. Có 12 quận, huyện đã lập xong bản đồ DSVHPVT. Hơn 100 di sản được đưa vào danh mục ưu tiên bảo vệ, hơn 1.000 di sản được lập phiếu và đưa vào danh mục thống kê, 2 di sản đã được đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia và 6 di sản khác đang được lập hồ sơ. 6 dự án bảo vệ khẩn cấp di sản đang được nghiên cứu và triển khai, góp phần tích cực trong công tác thực thi bảo vệ di sản của Hà Nội và cả nước.
Với những công việc đã và đang tiếp tục được thành phố đầu tư thực hiện một cách đồng bộ, khoa học như đã nêu ở trên cho thấy phần nào không khí hoạt động sôi nổi, mạnh mẽ trong lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Thủ đô; đồng thời những nhiệm vụ của công tác bảo tồn, tôn tạo di tích thực hiện được trong 5 năm gần đây cũng đã tạo niềm tin mạnh mẽ trong nhân dân khi thành phố giải quyết tốt bài toán hài hòa giữa vấn đề bảo tồn và phát triển xã hội.