Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong phát triển Thủ đô – Cổng thông tin Sở Văn Hóa Thể Thao Hà Nội

Tiếp tục Hội thảo khoa học Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, chiều 21/3, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra nhiều xuất, ý kiến liên quan đến bảo tồn và phát triển di sản, văn hóa…

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm phát biểu tại Hội thảo

Bảo tồn và phát huy giá trị di sản vật thể trong Quy hoạch Thủ đô

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội nhận định: Đô thị hóa là quá trình tất yếu và khách quan, song, để phát triển bền vững không thể không quan tâm đến một trong các yêu cầu quan trọng là lấy văn hóa, văn minh đô thị và tạo lập bản sắc làm nền tảng phát triển đô thị.

Mục tiêu này được thể hiện rõ nét trong quy hoạch là bước đi đầu, là định hướng – công cụ quản lý phát triển. Trong quy hoạch đô thị nói chung và nói riêng về quy hoạch Thủ đô – đô thị, lịch sử luôn chú trọng đến bảo tồn, phát huy giá trị di sản đô thị, trong đó, có di sản vật thể. Qua hệ thống quy hoạch đã ban hành từ 1954 đến nay, từ Quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đều sẽ đề cập đến yêu cầu về di sản vật thể. Giai đoạn tới, Quy hoạch Thủ đô đến 2030 tầm nhìn 2045, để xây dựng Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” đã đề cập đến phát triển mạnh mẽ sự nghiệp văn hóa, nguồn lực phát triển mới cho Thủ đô cần chú trọng đến bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, trong đó, có di sản vật thể.

Để thực hiện được mục tiêu, định hướng trên, theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cần tập trung nghiên cứu một số nội dung trọng tâm như: Nhận diện quỹ di sản; Phát huy vai trò, trách nhiệm cộng đồng; Bổ sung hoàn thiện từng bước cơ sở pháp lý…

PGS.TS Đặng Văn Bài đề cập vấn đề liên quan đến bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Thủ đô

Liên quan đến bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Thủ đô, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Nguyên Cục trưởng Cụ Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng, lâu nay, trong giới nghiên cứu vẫn còn tồn tại các luồng ý kiến trái chiều là: Bảo tồn để phát triển hay phát triển để bảo tồn? Phát triển trước hay bảo tồn là tiền đề cho phát triển? Tuy nhiên, thực tế cho thấy phát triển bao giờ cũng phải dựa trên cơ sở khai thác, sử dụng hợp lý các loại tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn…

“Muốn phát triển bền vững phải bảo tồn tài nguyên (thiên nhiên và nhân văn). Bảo tồn phải đi trước một bước hoặc phải song song với phát triển. Do đó, xu hướng chung sẽ là “Bảo tồn để phát triển” hay “Bảo tồn phải phục vụ cho các mục tiêu phát triển”…”, PGS.TS Đặng Văn Bài nêu rõ.

Từ thực tiễn, PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng, Thành phố cần quan tâm xây dựng cơ chế đặc thù. Cụ thể, phát triển mạng lưới bảo tàng ngoài công lập với tư cách là một loại tài nguyên du lịch có tiềm năng; Nghiên cứu và thể nghiệm mô hình hợp tác công – tư trong hoạt động bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững. Ngoài ra, cần đào tạo, nâng cao năng lực cho bộ máy quản lý di sản văn hóa và du lịch của Thành phố để tạo cơ hội thuận lợi nhất cho phát triển công nghiệp văn hóa – mũi nhọn kinh tế; ưu tiên phát triển hình thức du lịch cộng đồng nhằm bảo tồn di sản văn hóa tại cộng đồng…

Khai thác giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long phục vụ phát triển Thủ đô

PGS.TS Tống Trung Tín tham luận về Bảo tồn và khai thác các giá trị của di sản Hoàng thành Thăng Long phục vụ phát triển Thủ đô 

Đi vào các vấn đề cụ thể, PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam có bài tham luận về Bảo tồn và khai thác các giá trị của di sản Hoàng thành Thăng Long phục vụ phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến-Văn Minh-Hiện đại”. Theo PGS.TS Tống Trung Tín, tổng thể, toàn bộ di sản Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội đều thống nhất đáp ứng 3 tiêu chí nổi bật toàn cầu của Di sản Thế giới. Khu di sản là một trung tâm quyền lực quốc gia kéo dài một thiên niên kỷ, không đứt đoạn hiếm có trên thế giới, nơi hiện hữu các giá trị lịch sử-văn hóa lớn có ảnh hưởng và tác động đến lịch sử toàn cầu.

“Tổng thể khu Di sản thế giới Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cũng như các di tích liên quan rất phong phú, đa dạng, độc đáo, nhưng vì nhiều lý do, chúng ta chưa khai thác đúng tầm cỡ của một di sản thế giới”, PGS.TS Tống Trung Tín nêu rõ. Do đó, để phát huy giá trị Hoàng thành Thăng Long và các di tích liên quan để có thể đưa Thủ đô Hà Nội lên vị thế văn hóa và du lịch văn hóa hàng đầu của khu vực và thế giới, PGS.TS Tống Trung Tín đưa ra một số kiến nghị cấp bách.

Cụ thể, cần nghiên cứu tiến đến khôi phục không gian Chính điện Kính Thiên; Xây dựng Bảo tàng tại chỗ các dấu tích Cung điện Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu; Nghiên cứu xây dựng Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long bởi hiện nay, các cuộc khai quật khảo cổ học thu được hàng triệu di vật khảo cổ đa dạng, đẹp, có giá trị cao trong việc phản ánh lịch sử-văn hóa Thăng Long và Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử mà không ở đâu có.

Cùng với đó, nghiên cứu và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của Hoàng thành Thăng Long như nghiên cứu khôi phục nghi thức thiết lễ Đại Triều sau khi đã khôi phục Chính điện Kính Thiên, khôi phục hội đèn Ánh sáng Thăng Long nghìn năm được diễn ra hàng năm tại Hoàng thành Thăng Long- Lễ hội này vốn có từ thời Lý của quốc gia, với ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, quốc gia trường tồn. Ngoài ra, nghiên cứu khôi phục lại các hình thức, lễ hội hoặc trò chơi khác như Hội thề, thi Đình, nghi thức tế lễ đầu Xuân, đá cầu, bơi chải…