Bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội: Cần tăng cường nguồn đầu tư cho văn hoá, đẩy mạnh công tác giáo dục tâm linh
Lễ hội truyền thống có một vị trí rất quan trọng trong đời sống của người Việt. Lễ hội đáp ứng nhu cầu cầu văn hoá, nhu cầu tâm linh, những nhu cầu rất cơ bản của con người, đồng thời cũng là nơi tái hiện mô thức văn hóa cổ xưa của dân tộc.
Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Tổ quốc, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, để bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội, cần phải tăng cường hơn nữa nguồn đầu tư cho văn hoá, đẩy mạnh công tác giáo dục tâm linh và “công chúng chính là những người quyết định sự tồn tại và phát triển của lễ hội”.
PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
– Lễ hội trên cả nước thời gian qua được bảo tồn và phát huy như thế nào? Giá trị nào giúp lễ hội tồn tại và ngày càng phát triển như ngày nay, thưa ông?
Có thể nói từ thời kỳ đổi mới đất nước đến nay, khi chúng ta có chủ trương đổi mới trong tất cả các lĩnh vực, trong đó có văn hóa thì lễ hội cũng có những bước phát triển mới. Sau thời gian tạm gọi là trầm lắng trước đó, lễ hội đã được “tái khởi động” hoặc được công khai thể hiện.
Chẳng hạn có thể kể đến như hội làng Đồng Xâm ở Thái Bình. Đền Đồng Xâm có thờ Triệu Đà (tức Triệu Vũ Đế) nhưng giai đoạn trước đây khi tổ chức lễ hội, người làng chỉ tổ chức dưới danh nghĩa thờ ông Nguyễn Kim Lâu, vị tổ nghề chạm bạc ở nơi này. Sau này đến khi đổi mới, hội làng mới công khai trở lại việc thờ ông Triệu Đà. Hay một số lễ hội khác vốn trước đây bị coi là dâm tục, phải loại bỏ như lễ hội “linh tinh tình phộc” ở Phú Thọ cũng đã được tổ chức trở lại.
Có thể nói kể thời kỳ đất nước đổi mới đã mang đến một bầu không khí mới cho việc tổ chức lễ hội. Hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lễ hội đã được khôi phục và phát triển trở lại. Tất nhiên vẫn có những lễ hội đã bị mai một, bị lãng quên, mất đi vĩnh viễn hoặc không còn thiết chế văn hóa vật thể để tiếp tục tổ chức nhưng nhìn chung, lễ hội thời gian qua đã được bừng lên sức sống mới.
Còn về giá trị của lễ hội thì phải khẳng định, lễ hội “sống lại” và phát triển nghĩa là nó có giá trị. Trước đây ít nhiều chúng ta có sự hiểu sai về lễ hội, thậm chí đã sự ngăn cấm nào đó, cùng với chiến tranh tàn phá hoặc do lịch sử tác động nhưng rồi lễ hội vẫn được “bừng” trở lại. Lễ hội còn giá trị nên người ta mới cần đến nó và giá trị ấy chính là những giá trị nhân văn, nhân bản, giá trị bản sắc của văn hóa dân tộc. Lễ hội đáp ứng nhu cầu cầu văn hoá, nhu cầu tâm linh, những nhu cầu rất cơ bản của con người.
Lễ hội tồn tại trong tâm thức dân gian, trong tâm lý dân tộc, trong tình yêu, niềm tự hào, sức sống dân tộc và thông qua lễ hội đưa đến cho người ta niềm tin để tạo nên sức mạnh cho cá nhân mỗi con người và cho cả cộng đồng.
Hàng ngàn người đổ về dự lễ khai ấn đền Trần diễn ra vào lúc nửa đêm ở Nam Định – Ảnh: Nam Nguyễn
– Ông có thể phân tích cụ thể hơn sự khác nhau giữa lễ hội ngày nay so với trước đây?
Về lý thuyết, lễ hội cũng giống như bất cứ một hiện tượng nào đó, cũng sẽ biến đổi theo thời gian và dẫn tới nhiều sự khác biệt, cả tích cực và tiêu cực.
Về quy mô, lễ hội ngày nay đã khác rất nhiều, nếu như trước đây lễ hội chủ yếu ở quy mô cấp làng, thì bây giờ nó có thể nâng lên không chỉ ở cấp làng mà còn ở cấp vùng, cấp tỉnh, cấp quốc gia. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, thiết chế của lễ hội ngày nay ngày càng khang trang, hiện đại hơn rất nhiều.
Việc tổ chức lễ hội cũng khác đi nhiều khi ngày nay, rất nhiều lễ hội bị ảnh hưởng bởi thị trường, bị thương mại hoá. Hay ngay cả ở người đi lễ hội, nếu trước đây họ đi lễ, dự hội để giác ngộ, với tâm thế thành kính, mục đích hướng thiện thì ngày nay rất nhiều người đi lễ cốt để cầu lợi lộc.
Điều này dẫn đến những hiện tượng phản cảm mà chúng ta đã nói đến rất nhiều những năm qua đó là tính trạng đốt vàng mã quá nhiều, dâng sao giải hạn, rải tiền, nhét tiền vào tay tượng hay tranh cướp ấn, cướp lộc… Đặc biệt một hiện tượng mà tôi đã nhiều lần nhấn mạnh đó là hiện tượng “tham nhũng tâm linh”.
Ngoài ra, các thiết chế phục vụ lễ hội cũng có nhiều thay đổi, cũng phải nói rằng thời gian qua nhiều cơ sở tín ngưỡng, di tích lịch sử được phục dựng, nhiều nơi được xây mới ngày càng to đẹp hơn. Điều này vừa đem lại mặt tích nhưng cũng vừa có ảnh hưởng tiêu cực.
Nói tóm lại, lễ hội ngày nay đã có nhiều sự khác biết so với trước đây, cả về tích cực cũng như tiêu cực, trong đó có những sự biến đổi mà hiện nay chúng ta chưa tổng kết được và nó vẫn đang trên đường biến đổi.
Lễ hội ngày nay đã có nhiều thay đổi so với quá khứ – Ảnh: Nam Nguyễn
– Có nhiều ý kiến cho rằng sự biến đổi đã làm cho lễ hội ngày nay phần nào phai nhạt, mất đi bản sắc vốn có, đặc biệt là ở những năm gần đây, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Hiện tượng này là có, một số lễ hội đã mất dần đi bản sắc vốn có của nó. Chẳng hạn như những hội chọi trâu, lễ chém lợn (ở Ném Thượng)… có gì đó đã mất đi giá trị truyền thống.
Nhiều người đi lễ hội, đi chùa không hiểu hết ý nghĩa của những việc đó. Những người đứng ra tổ chức lễ hội và ngay cả những người lãnh đạo quản lý ở các địa phương có lễ hội đôi khi cũng “cố tình” không quan tâm đến ý nghĩa của lễ hội đó mà chỉ “đẩy” nó lên vì mục đích kinh tế, thương mại… những điều này đã làm mất đi giá trị truyền thống của lễ hội.
Tuy nhiên bên cạnh đó, sự biến đổi cũng mang lại những giá trị mới tích cực như giá trị kinh tế, hay từ có kinh tế làm cho người ta thiện hơn, an tâm hơn để làm giàu rồi từ đó đem của cái giúp đỡ những người khác… Ta vừa phê phán tiêu cực nhưng đồng thời cũng phải thấy được mặt tích cực của vấn đề, thấy được sự biến đổi cũng là thích ứng với yêu cầu hiện tại.
– Vậy giải pháp nào bảo tồn phát huy những giá trị truyền thống, cốt lõi của lễ hội, thưa ông?
Theo tôi, có nhiều phương diện trong vấn đề này. Thứ nhất, cần phải giáo dục văn hóa tâm linh để hiểu đúng về lễ hội. Ví dụ, khi tổ chức lễ hội và khi đi lễ thì phải hiểu lễ hội đó là gì? nội dung của lễ hội đó là gì, đối tượng thờ cúng là ai và đến lễ hội này làm được gì?…
Giống như việc đi chùa là để giác ngộ, để hướng thiện chứ không phải để cầu cúng lợi lộc, chùa không phải là nơi ban phát lợi lộc cho người đến xin. Người ta hướng thiện, giác ngộ thì sẽ nhận được điều tốt đẹp chứ không phải nhét tiền vào tay Phật để cầu xin lợi lộc cho mình, đấy là trái với đạo lý nhà Phật.
Giáo dục văn hóa tâm linh là rất quan trọng nhưng thẳng thắn mà nói việc tổ chức xây dựng của chúng ta đang thiếu điều này. Việc giáo dục văn hóa tâm linh hiện còn rất yếu và chưa bài bản.
Chúng ta phải nhận thức được rằng, giáo dục văn hóa tâm linh không phải chỉ do nhà nước chủ trương mà các đoàn thể và mọi thành viên trong xã hội phải có trách nhiệm. Mặt trận Tổ quốc, hội Người cao tuổi, hội thanh niên, thiếu niên… phải giáo dục cho các thành viên của mình, hay các gia đình cũng phải có trách nhiệm giáo dục cho con cái hiểu về văn hóa tâm linh.
Giáo dục văn hóa tâm linh để hiểu đúng về lễ hội sẽ tránh được những hành vi phản cảm – Ảnh: Nam Nguyễn
Giải pháp thứ hai theo tôi đó là phải tăng cường vai trò của các cơ quan chức năng của nhà nước. Từ Quốc hội, Chính phủ đến Bộ VHTTDL cần đưa ra các đạo luật, các nghị định, thông tư nhiều hơn nữa về tín ngưỡng tôn giáo, về tâm linh để văn hóa lễ hội vào nền nếp, kỷ cương. Bên cạnh đó cũng phải tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, hướng dẫn.
Tôi được biết, nguồn lực đầu tư cho văn hóa hiện còn hạn hẹp, từ con người cho đến nguồn ngân sách, do vậy cần tăng cường đầu tư nguồn lực, nâng cao hơn nữa chất lượng, trình độ nhân lực để đáp ứng yêu cầu hiện nay.
Giải pháp thứ ba đó là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cần tiếp tục nghiên cứu, tìm ra bản chất vấn đề, đặc biệt trước những hiện tượng mới phát sinh để đóng góp ý kiến của mình và có sự định hướng.
Ngoài ra, chúng ta đã hòa nhập với thế giới thì cũng phải nghiên cứu thế giới ứng xử như thế nào và cũng có thể có những điều mình phải tiếp thu, tất nhiên vẫn phải giữ gìn bản sắc văn hóa của chúng ta.
Có một nhà lý luận văn hóa từng khẳng định “không ai có thể làm thay công chúng, bảo họ có thể bảo tồn cái này, từ bỏ cái kia”. Điều quan trọng nhất vẫn là giáo dục công chúng vì suy cho cùng, lễ hội là của công chúng, của cộng đồng, của nhân dân.
– Xin cảm ơn ông!