Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc Lào Cai
09:13 23-11-2021
:1455
Laocaitv.vn – Lào Cai với 25 nhóm, ngành dân tộc anh em cùng sinh sống với rất nhiều những nét văn hóa đặc sắc, tạo nên bức tranh đa dạng sắc màu. Chính vì vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc tỉnh nhà luôn được đặc biệt quan tâm, đầu tư. Đồng bào các dân tộc đã và đang được hưởng thụ những giá trị văn hóa, tinh thần ngày càng phong phú.
Đội văn nghệ thôn Đồng Qua tích cực tập luyện.
Mỗi khi có thời gian rảnh, các thành viên Đội văn nghệ thôn Đồng Qua, xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn lại tập trung tập luyện tại nhà một thành viên của đội. Tuy nhiều thế hệ, nhiều hoàn cảnh, công việc nhưng mọi thành viên đều có cùng chung một sở thích, say mê ca múa các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc Tày. Việc duy trì và sinh hoạt thường xuyên của Đội văn nghệ thôn Đồng Qua đã góp phần bảo tồn, gìn giữ và lưu truyền lại cho thế hệ sau những nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho Nhân dân trong thôn, xã. Chị La Khánh Ly, thành viên đội văn nghệ thôn Đồng Qua, xã Liêm Phú, huyện Văn Bàn bày tỏ: “Tôi tham gia đội văn nghệ để nâng cao đời sống tinh thần, trau dồi, học hỏi những kinh nghiệm từ các ông, các bà truyền lại cho con cháu để phát huy truyền thống dân tộc”.
Thông qua các đề án, chính sách, hoạt động đã tạo chuyển biến lớn trong nhận thức của cán bộ và người dân về tầm quan trọng của bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 1.000 đội, câu lạc bộ văn hóa – văn nghệ. Từ những phong trào, hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi, rộng khắp đã xuất hiện những điển hình văn hóa tiêu biểu, nghệ nhân văn hóa. Toàn tỉnh hiện có 19 nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú, họ là những nhân tố tích cực trong việc truyền tải cũng như hướng dẫn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc tới thế hệ trẻ. “Các điệu xòe then thì có khoảng 12 điệu. Chúng tôi thì rất thích, cũng luôn luôn nhắc là không được bỏ, phải phát triển nó. Nếu nó mất đi thì cũng là mất tất cả. Nhất là con cháu sau này phải hướng dẫn, ôn cho các cháu”, nghệ nhân múa xòe Lâm Văn Lù, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà cho biết.
Nghệ nhân truyền dạy múa xòe cho con cháu.
Với sự tích cực của các cấp, ngành, sự vào cuộc của cả cộng đồng, trên địa bàn tỉnh hiện nay có hơn 50 di tích văn hóa được xếp hạng di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh; hơn 30 lễ hội được duy trì và phục dựng; gần 30 lớp truyền dạy chữ Nôm Dao. Lào Cai còn là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa, với 37 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 2 di sản đại diện nhân loại.
Nghi lễ cấp sắc của người Dao – Di sản văn hóa quốc gia.
Trong công tác bảo tồn văn hóa, chương trình “Mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc, mỗi vùng có đặc sản trở thành hàng hóa” đã giúp nhiều sản phẩm văn hóa của người dân các địa phương xây dựng được thương hiệu, trong đó nhiều mặt hàng đã trở thành sản phẩm hàng hóa nổi tiếng hấp dẫn du khách. Các địa phương xây dựng thành công mô hình du lịch cộng đồng với các điểm du lịch văn hóa đã tạo ra sức hấp dẫn cho các tuyến du lịch, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao trách nhiệm ý thức giữ gìn, bảo tồn văn hóa của chính chủ thể các giá trị văn hóa. Là một du khách đến trải nghiệm du lịch cộng đồng tại xã Y Tý, huyện Bát Xát, anh Tống Đức Trung, phường Lào Cai, thành phố Lào Cai chia sẻ: “Y Tý rất đặc biệt, đặc trưng của người Hà Nhì có nét riêng, nếp sống sinh hoạt của họ rất tuyệt vời, rất thu hút”.
Đánh giá về công tác bảo tồn văn hóa trên địa bàn tỉnh thời gian qua và cho biết những định hướng trong thời gian tới, ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: “Sự lan tỏa trong cộng đồng về bản sắc văn hóa của chúng ta đã trở thành sản phẩm nâng cao đời sống của Nhân dân. Chúng ta đã có những sản phẩm văn hóa đi ra thế giới, và ngoại giao văn hóa sẽ tiếp tục được quan tâm, làm cho văn hóa Lào Cai sinh động hơn, có một sự hội nhập chọn lọc. Chúng ta vừa giảm thiểu nguy cơ mai một văn hóa, chúng ta lại có sự gắn kết phát triển văn hóa trong giai đoạn cách mạng mới”.
Trên con đường hội nhập và phát triển, việc giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc trưng là quan trọng, khẳng định vị trí, vai trò của các dân tộc trên địa bàn Lào Cai, góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bài, ảnh: Thùy Anh