Bảo tồn và phát triển văn hóa Tây Nguyên trong quá trình hội nhập

Bảo tồn và phát triển văn hóa Tây Nguyên trong quá trình hội nhập

Tây Nguyên là một trong những vùng văn hóa lớn của Việt Nam, được hình thành và phát triển từ hàng ngàn năm về trước với những giá trị đa dạng, đặc sắc.

Tây Nguyên còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo

Tây Nguyên còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo

Nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên của Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận. Tài nguyên văn hóa Tây Nguyên cần được bảo tồn, phát triển và nâng tầm trong quá trình hội nhập.

Tài nguyên văn hóa mang giá trị đặc sắc, hiếm có

Các dân tộc thiểu số Tây Nguyên có nền văn hóa bản địa phong phú với văn hóa chữ viết, trang phục, âm nhạc dân gian, văn hóa ẩm thực độc đáo.

Tây Nguyên có nhiều di sản văn hóa vật thể, phi vật thể hết sức quý giá, như: đàn đá, cồng chiêng cùng các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, cộng đồng, tạo nên một kho tàng văn hóa rất riêng. Hiện nay, Tây Nguyên còn lưu giữ được nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, vừa có giá trị lịch sử, vừa có giá trị thẩm mỹ độc đáo, như: nhà rông, nhà dài, đàn đá, tượng nhà mồ, các lễ hội, những bản trường ca, lời nói vần, những làn điệu dân ca đậm đà bản sắc, lưu truyền qua nhiều thế hệ…

Giá trị văn hóa ở Tây nguyên còn được thể hiện ở kinh nghiệm thuần dưỡng voi, những bài thuốc gia truyền chữa bệnh, kỹ thuật đúc đồng để chế tạo ra đàn đá và nhạc khí cồng chiêng; là các nghệ nhân điêu khắc qua các tượng nhà mồ của các dân tộc; là kỹ thuật trang trí dệt hoa văn của các trang phục dân tộc; là tinh thần anh dũng, mưu trí tuyệt vời qua truyền thuyết Đam San, Xing Nhã… cũng như các anh hùng thời nay như anh hùng Núp, anh hùng Nơ Trang Long…

Rừng tự nhiên

Văn hóa Tây Nguyên đều liên quan đến rừng. Rừng tự nhiên ở Tây Nguyên phân bố chủ yếu ở các vùng đồi núi, cũng là vùng sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số, có tập quán sinh kế, văn hóa xã hội truyền thống gắn liền với rừng. Bởi vậy, rừng tự nhiên ở Tây Nguyên gắn với đời sống tâm linh và di sản thiêng liêng. 

Tây Nguyên có tổng diện tích khá lớn (54.641,069 km2), bao gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng. Quy mô dân số của Vùng năm 2020 khoảng 6.211.500 người; dự báo đến năm 2030 đạt khoảng 7.390.600 người.

Tài nguyên rừng, đất rừng không chỉ là nguồn sinh kế đặc biệt của người dân Tây Nguyên, mà còn có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường sinh thái, ổn định xã hội và an ninh quốc phòng của đất nước.

Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Năm 2005, văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO chính thức công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh trong vùng. Chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc Tây Nguyên: Bana, Xêđăng, M’nông, Cơho, Rơmăm, Êđê, Giarai…

Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ.

Cồng chiêng Tây Nguyên có nguồn gốc từ truyền thống văn hóa và lịch sử rất lâu đời. Về cội nguồn, có nhà nghiên cứu cho rằng, cồng chiêng là “hậu duệ” của đàn đá. Từ thuở sơ khai, cồng chiêng được đánh lên để mừng lúa mới, xuống đồng; biểu hiện của tín ngưỡng – là phương tiện giao tiếp với siêu nhiên… Âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm hùng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng người, sống mãi cùng với đất trời và con người Tây Nguyên.

Tất cả các lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu… hay trong một buổi nghe khan, đều phải có tiếng cồng. Tiếng chiêng dài hơn đời người, tiếng chiêng nối liền, kết dính những thế hệ.

Mộc bản triều Nguyễn

Là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận (tháng 7/2009), Mộc bản triều Nguyễn là những văn bản chữ Hán – Nôm được khắc ngược trên gỗ để in ra các sách tại Việt Nam vào thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (tại Đà Lạt, Lâm Đồng) đang bảo quản khối lượng lớn tài liệu mộc bản gồm 34.619 tấm bản gốc với 55.320 mặt khắc. Toàn bộ mộc bản đã được chỉnh lý khoa học, trên 9 chuyên đề như lịch sử, địa lý, quân sự, pháp chế, ngôn ngữ văn tự…

Khu dự trữ sinh quyển Langbiang

Được UNESCO công nhận tháng 6/2015, đây là khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên tại Tây Nguyên và thứ 9 của Việt Nam, nằm ở phía Bắc Lâm Đồng; được đặt tên theo ngọn núi Langbiang, nơi có câu chuyện tình lãng mạn giữa nàng Lang và chàng Biang của người K’Ho – cư dân thiểu số bản địa đã sinh sống ở đây bao đời nay.

Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông

Được UNESCO công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 7/2020, điểm nổi bật nhất của Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông là hệ thống hang động núi lửa dài nhất và đẹp nhất Đông Nam Á, được hình thành từ hoạt động phun trào của núi lửa; có khoảng 65 điểm di sản địa chất, địa mạo, điểm nhấn là hệ thống gần 50 hang động, các miệng núi lửa, thác nước.

Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng

Trải rộng trên diện tích gần 413.512 ha, gồm toàn bộ Vườn quốc gia Kon Ka Kinh, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng và một phần diện tích của 5 huyện (Đắk Đoa, Mang Yang, Kbang, Chư Păh, Đắk Pơ), thị xã An Khê, Khu dự trữ sinh quyển Cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận vào tháng 9/2021. Toàn khu được khoanh vùng thành 3 khu chức năng, gồm hai vùng lõi là Vườn quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.

Khu di tích Cát Tiên

Khu di tích Cát Tiên thuộc địa phận xã Quảng Ngãi và xã Đức Phổ, huyện Cát Tiên (Lâm Đồng). Các học giả nhận định, nơi đây đã trải qua ít nhất 2 giai đoạn phát triển. Giai đoạn sớm với dấu tích di chỉ cư trú và mộ táng là thế kỷ IV – VI sau Công nguyên, hoặc sớm hơn vào khoảng từ thế kỷ III. Giai đoạn muộn từ thế kỷ VII – X sau Công nguyên. Chủ nhân của di tích khảo cổ Cát Tiên là người bản địa, cư trú lâu đời ở vùng Đông Nam Bộ – Nam Tây Nguyên, trong phức hệ nhiều giai đoạn thuộc trung tâm kim khí Đông Nam Bộ, có mối liên hệ mật thiết với thời kỳ Óc Eo – hậu Óc Eo và Văn hóa Chămpa.

Khu di tích khảo cổ Cát Tiên tập trung nhiều di tích kiến trúc đa dạng, thể hiện đầy đủ nhất nghệ thuật kiến trúc chung của các nền văn hóa cổ ở Nam Bộ – Tây Nguyên. Các nhà khoa học bước đầu xác định, đây là một đô thị tôn giáo cổ, được kiến tạo trong giai đoạn lịch sử không thành văn kéo dài từ thế kỷ VII – XI.

Festival Hoa Đà Lạt

Được tổ chức tại TP. Đà Lạt và một số địa phương trong tỉnh Lâm Đồng, Festival Hoa là dịp để trưng bày, triển lãm các loại rau, hoa, cây cảnh của địa phương, nhiều vùng miền trên cả nước và một số quốc gia, thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Festival Hoa còn là hoạt động tôn vinh giá trị của hoa và nghề trồng hoa, kêu gọi đầu tư vào ngành trồng hoa Đà Lạt, cũng như quảng bá hình ảnh, vẻ đẹp của thành phố, văn hóa và con người Đà Lạt.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột

Đây là sự kiện văn hóa du lịch nhằm quảng bá, tôn vinh người trồng, chế biến và kinh doanh cà phê, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung, Tây Nguyên nói riêng, thu hút đầu tư ngành cà phê. Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 – năm 2023 với chủ đề “Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới” sẽ được tổ chức tại Buôn Ma Thuột và một số địa phương trong tỉnh Đắk Lắk từ ngày 10/3 – 14/3/2023.

Phiên chợ sâm Ngọc Linh

Là sự kiện văn hóa du lịch còn mới mẻ ở Tây Nguyên, nhưng Phiên chợ sâm Ngọc Linh hứa hẹn nhiều tiềm năng, có khả năng phát triển quy mô lớn tầm quốc gia và quốc tế trong những năm tới.

Nối tiếp thành công của Phiên chợ sâm Ngọc Linh, các sản phẩm khác gắn với du lịch lần đầu tiên (tháng 4/2022), Phiên chợ lần thứ 2 sẽ được tổ chức từ ngày 3 – 5/2/2023 tại Quảng trường trung tâm huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum).

Giải pháp để bảo tồn và phát triển văn hóa Tây Nguyên

Tây Nguyên là vùng đất rất đa dạng, phong phú với hệ thống các cao nguyên hoang sơ, khí hậu mát mẻ, trong lành, cảnh sắc thiên nhiên đẹp rực rỡ với thác nước, non cao, suối nguồn, hồ nước lớn, nhiều khu bảo tồn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển thế giới…

Đây chính là những tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực với những nét đặc thù riêng, như phát triển lâm nghiệp; cây công nghiệp dài ngày, rau, hoa, quả ôn đới và nhiệt đới; cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc và nuôi cá nước lạnh, công nghiệp khai khoáng, năng lượng tái tạo, đa dạng văn hóa đặc sắc.

Đồng thời, Tây Nguyên cũng là vùng đất giàu tiềm năng du lịch, có thể phát triển các loại hình du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm hệ sinh thái rừng, du lịch văn hóa, du lịch lịch sử – tâm linh, du lịch hội nghị – hội thảo…

Để phát huy giá trị văn hóa Tây Nguyên, trong thời gian tới, cần có giải pháp đồng bộ, tăng cường quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước, con người Tây Nguyên để phát triển du lịch xanh; đa dạng hóa các loại hình du lịch có lợi thế. Đặc biệt, cần có kế hoạch thu hút các nguồn lực để tạo đột phá về công nghiệp văn hóa…

Các địa phương cần tiến hành nhiều giải pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trước hết, tập trung chăm lo công tác giáo dục – đào tạo; phát huy tốt công tác khuyến học, khuyến tài để đào tạo nguồn nhân lực từ các cấp học phổ thông; phát hiện công chức, viên chức trẻ có nhiều triển vọng để đào tạo trình độ chuyên và lý luận; thu hút nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn sâu, có trình độ quản trị giỏi ở các địa phương khác có tâm huyết với quá trình phát triển của vùng Tây Nguyên, đặc biệt là nhân lực về văn hóa để tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa Tây Nguyên theo tiêu chí UNESCO trong tương lai.