Bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số ở Kon Tum, một hành động nhiều mục tiêu
Là thành tố của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum có 7 dân tộc thiểu số cư trú lâu đời, gồm: Xơ Đăng, Ba Nar, Giẻ- Triêng, Gia Rai, B’râu, Rơ Măm và Hrê. Nhờ nỗ lực bảo tồn, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống, đời sống tinh thần của người dân các dân tộc thiểu số trong tỉnh ngày càng phong phú và văn hóa đã trở thành động lực đối với sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như cộng đồng.
Phục dựng lễ hội mừng lúa mới của người Xơ Đăng.
Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum có 372 học sinh, hầu hết là con em dân tộc thiểu số Xơ Đăng. Từ nhiều năm nay Ban Giám hiệu nhà trường đã phối hợp với các nghệ nhân truyền dạy cồng chiêng- xoang cho học sinh. Tham gia đội xoang của trường, em Y Khin, học sinh lớp 11 cho biết: “Chúng em dành thời gian là buổi tối. Buổi tối học chúng em tập ba buổi. Nghệ nhân chỉ xong thì chúng em tập. Chúng em rất vui khi được tập cồng chiêng- xoang cùng nhau”.
Du khách trải nghiệm nghề dệt truyền thống.
Để học sinh có cơ hội trải nghiệm, nhân lên lòng tự hào với văn hóa truyền thống dân tộc mình, Ban Giám hiệu trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Tu Mơ Rông động viên học sinh tham gia các hội thi, hội diễn cồng chiêng, đồng thời tạo điều kiện để các em trải nghiệm thực tế tại lễ hội truyền thống của nhiều dân tộc anh em. Thầy giáo Văn Trọng Lưu, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định hiệu quả của việc đưa cồng chiêng- xoang vào nhà trường: “Việc truyền dạy từ nghệ nhân sang cho học sinh rất là thuận lợi bởi vì họ dạy cho con em của họ, họ dạy trên nền năng khiếu và bản sắc của họ cho nên rất là hiệu quả. Cồng chiêng- xoang trở thành hoạt động thường xuyên của nhà trường nhằm bảo tồn và phát huy giá trị cồng chiêng- xoang, làm nòng cốt để tham gia các lễ hội trên địa bàn”.
Chương trình biểu diễn áo dài và thời trang thổ cẩm Tây Nguyên tại thác Pa Sỹ, huyện Kon Plông cuốn hút du khách.
Với sự định hướng, cổ vũ, đầu tư của các cấp chính quyền và ngành văn hóa, đến nay người dân các dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum đã bảo tồn được 2.500 bộ cồng chiêng; mở hàng trăm lớp truyền dạy cồng chiêng, chỉnh chiêng; những bài chiêng cổ được ký âm, lưu giữ; khôi phục hàng trăm nhà rông; sưu tầm, phục dựng 16 nghi lễ, lễ hội truyền thống; giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đến với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế… Các hoạt động này đã khơi nguồn cảm hứng, nhân lên lòng tự tôn, tự hào dân tộc và trở thành động lực đối với sự phát triển của mỗi cá nhân cũng như cộng đồng. Anh A Uôn, làng Mô Bành 1, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Mình học hỏi những cái đẹp, cái tốt, cái hay bản sắc văn hóa dân tộc để bữa sau mình truyền đạt con cháu của mình tiếp tục phát huy văn hóa dân tộc của người Xơ Đăng mình”.
“Tôi thấy bản sắc văn hóa của người dân tộc tỉnh Kon Tum rất là vui mừng, rất là phấn khởi. Tôi thấy bản sắc rồi sắc mầu của các dân tộc tôi thích lắm. Con người mình đem lại bản sắc văn hóa của dân tộc mình để cùng nhau đóng góp cho huyện, đóng góp cho tỉnh để tỉnh phát triển bản sắc văn hóa của người dân tộc”, nghệ nhân ưu tú A Nuông, làng Kon Chênh, xã Măng Cành, huyện Kon Plông nói.
Với quyết tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ngay trong cuộc sống thường ngày, cùng với thực hiện tốt các Đề án bảo tồn, nhiều đặc sản văn hóa đã trở thành sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm văn hóa bản địa của du khách khi đến với Kon Tum. Định hướng phát triển du lịch xanh bền vững và du lịch văn hóa, những năm gần đây tỉnh Kon Tum chú trọng phát triển mạnh du lịch cộng đồng. Nhiều tour du lịch trải nghiệm văn hóa cồng chiêng, ngành nghề truyền thống, lễ hội cộng đồng như ở làng Kon Kơ Tu, thành phố Kon Tum; Kon Pring, huyện Kon Plông; Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông… đã hình thành.
Ông Phan Văn Hoàng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, cho biết việc bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số là một hành động với nhiều mục tiêu: “Từ yêu thích và đam mê trong việc phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của mình thì chính các nghệ nhân trao truyền lại các di sản văn hóa cho thế hệ trẻ tạo được sự đam mê, yêu thích hơn văn hóa dân tộc của mình. Bên cạnh đó trong hướng phát triển về du lịch trên địa bàn tỉnh thì yếu tố về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số rất cần phát huy giới thiệu, quảng bá cho du khách trong và ngoài nước từ đó phát triển về du lịch”.
Với bản sắc văn hóa độc đáo của 7 dân tộc thiểu số anh em, năm 2022 tỉnh Kon Tum đón 1,1 triệu lượt khách du lịch tăng gấp 3 lần so với năm 2021. Phục hồi mạnh mẽ sau dịch bệnh COVID-19, doanh thu từ ngành kinh tế xanh của tỉnh Kon Tum đạt trên 265 tỷ đồng tăng hơn 3 lần so với năm trước. Tham gia hoạt động kinh doanh du lịch, thu nhập của nhiều cá nhân và cộng đồng ở tỉnh Kon Tum được cải thiện là sự động viên, khích lệ rất lớn trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người dân./.