Bảo vệ trẻ em khỏi những đồ chơi bạo lực dịp Tết trung thu

Giữ lời hứa, sau giờ tan làm, chị Lê Thị Nga ở xã Định Bình, huyện Yên Định đã đưa cậu con trai nhỏ đi mua đồ chơi trung thu. Thay vì để con tự lựa chọn theo sở thích, chị Nga đã tìm hiểu rất kỹ về thị trường hàng hoá năm nay để giúp bé chọn được những món đồ chơi phù hợp với lứa tuổi. Chị Lê Thị Nga, xã Định Bình, huyện Yên Định cho biết chị thường lựa chọn những món đồ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không mang tính chất bạo lực để không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ của trẻ.

Bảo vệ trẻ em khỏi những đồ chơi bạo lực dịp Tết trung thu - Ảnh 2.

Chị Lê Thị Nga thường lựa chọn những món đồ có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không mang tính chất bạo lực cho con.

Tết Trung thu là dịp tiêu thụ lượng lớn đồ chơi trẻ em. Bên cạnh những mặt hàng truyền thống, mang tính giáo dục cho trẻ, không ít người vì lợi nhuận, sẵn sàng kinh doanh cả những hàng cấm, hàng kém chất lượng, nhất là các loại đồ chơi trôi nổi, mang tính chất bạo lực.

Nhằm ngăn chặn tình trạng này, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức ra quân kiểm tra, xử lí vi phạm đối với hộ kinh doanh có dấu hiệu tàng giữ, buôn bán những mặt hàng đồ chơi mang chất bao lực như: đồ chơi hình sung, kiếm, dao… Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết ” nói không với đồ chơi bạo lực”.  Ông Nguyễn Hữu Cảnh, Đội trưởng Đội quản lí số 1, Chi cục Quản lí Thị trường tỉnh Thanh Hoá cũng cho biết thêm: ngoài việc tuyên truyền, đơn vị cũng sẽ xử lí nghiêm đối với các trường hợp vi phạm về buôn bán, kinh doanh đồ chơi trẻ em.

Bảo vệ trẻ em khỏi những đồ chơi bạo lực dịp Tết trung thu - Ảnh 3.

Theo các chuyên gia tâm lý- giáo dục, sử dụng đồ chơi bạo lực sẽ khiến tính cách trẻ em ngày càng trở nên hung hăng, bạo lực hơn, và sâu xa hơn là vấn nạn bạo lực học đường. Do đó, để đảm bảo an toàn cho trẻ, cha mẹ nên lựa chọn các loại đồ chơi có nguồn gốc rõ ràng, mang tính chất trí tuệ, kích thích tư duy cho trẻ. Ngoài ra, nhằm siết chặt công tác quản lý đồ chơi trẻ em, Nghị định 167/2013của Chính phủ cũng nêu rõ người nào cho trẻ em sử dụng các loại đồ chơi nguy hiểm có thể bị xử phạt từ 500.000-1 triệu đồng. Người kinh doanh buôn bán các loại đồ chơi nguy hiểm bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng.

Nguồn: Bản tin Thanh Hóa ngày mới 6.9