“Bất cập” cổng làng hiện nay – Báo Cao Bằng điện tử

Cổng làng từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hoá của làng quê, có ý nghĩa như một sự chào đón của người địa phương dành cho khách, luôn mang đến cảm giác yên bình, thân thương, tạo những giá trị hữu hình vô giá. Nhưng do nhiều nguyên nhân, hiện nay việc xây dựng cổng làng không theo một quy chuẩn với nhiều vấn đề đặt ra.

Cổng làng nhưng không rõ tên làng vì chỉ chú trọng gắn lên danh hiệu “Làng văn hóa”.

Cổng làng hai bên có lũy tre, lại mở ra cánh đồng nhiều gió mát, dân làng thường đến ngồi chơi và nhiều khi cổng làng là nơi giao lưu tình cảm, trao đổi thông tin. Một chiếc cổng bằng gỗ cũ kỹ đã tróc sơn, một cánh hay một chiếc cổng xây bằng gạch rêu phong đã mọc đầy là hình ảnh quen thuộc của làng quê – đặc trưng của mỗi làng quê truyền thống. Đáng buồn là, trong nhịp sống hối hả, xô bồ của cuộc sống hiện đại ngày nay, vẻ đẹp truyền thống của chiếc cổng làng đã bị mai một, thay vào đó là những cổng làng được xây dựng muôn hình vạn trạng theo sở thích do không có quy định cụ thể nào.
Đi qua nhiều xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh hiện nay, rất dễ bắt gặp những chiếc cổng làng xây dựng bằng bê tông, cốt thép có vẻ bề thế, có khi còn được tô điểm bằng những hình vẽ, hoa văn “rồng chầu, hổ phục”, câu đối ở hai bên cho có vẻ cổ kính những nhìn kỹ thì lại thấy lạc lõng, vô hồn vì không mang những giá trị chân, thiện, mỹ vốn có. Ở một số nơi, để có được cổng làng thật “hoành tráng” nên đã vận động người dân đóng góp kinh phí với mức thu không phải là ít để xây những chiếc cổng chào lớn có chi phí lên tới hàng trăm triệu đồng. Không ít cổng làng không mang dáng vẻ thuần Việt, thay vào đó là những nét kiến trúc lai căng khi gắn bảng điện tử với dòng chữ tiếng Anh “well come to…” nhấp nháy chạy suốt ngày đêm thể hiện phô trương đến mức phản cảm…
Đặc biệt, không biết do chưa nhận thức đầy đủ hay biết sai nhưng vẫn “cố tình” làm khi theo lẽ thường trên cổng là để ghi tên địa danh, tên gọi của làng như một cách để giới thiệu tên làng với mọi người, nhưng hiện nay có tình trạng rất nhiều nơi cổng làng, tổ dân phố lại ghi thêm danh hiệu “Làng văn hóa…”, “Khu dân cư văn hóa”… lên cổng, thậm chí, chữ “Làng văn hóa” được khắc thật lớn, tên xóm lại rất nhỏ khiến xa chỉ nhìn thấy chữ “làng văn hóa”, còn thông tin quan trọng là tên xóm trên cổng thì phải đứng dưới cổng nhìn cận mặt mới đọc được. Chưa kể, “làng văn hóa” là một danh hiệu phải được đánh giá, bình bầu đạt hay không đạt hằng năm. Do đó, không có làng nào có thể đạt làng văn hóa liên tục hàng chục năm mà gắn tên lên cổng. Hoặc giả nếu có đạt làng văn hóa liên tục thì cũng không nên mặc định viết lên tên cổng làng vì cổng làng là để nêu tên địa danh: Xóm, xã, huyện, tỉnh. Còn việc gắn thêm “Làng văn hóa” trước tên xóm, tổ dân phố là một nhận thức chưa đúng.
Nguyên nhân khiến cho vấn đề cổng làng hiện tồn tại nhiều bất cập nêu trên do trong các quy định xây dựng xóm, xã nông thôn mới chưa có quy định cụ thể xây dựng cổng làng (trong khi có tiêu chí quy định rất chi tiết về diện tích nhà văn hóa, sân thể thao…); nhận thức người dân chưa thật sự đúng về các quy định, tiêu chí “Làng văn hóa”; ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai và kinh tế thị trường…
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng liên quan đến vấn đề này nên có sự nghiên cứu, xây dựng quy định cơ bản về cổng làng để tránh mỗi nơi một kiểu theo sở thích như hiện nay.

Phúc Khang

Xổ số miền Bắc