Bất kể giá cổ phiếu giảm, Chủ tịch Nguyễn Như So tiếp tục thoái vốn khỏi Dabaco Việt Nam
Bất kể giá cổ phiếu giảm, Chủ tịch Nguyễn Như So tiếp tục thoái vốn khỏi Dabaco Việt Nam
Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã chứng khoán DBC – sàn HOSE) thông qua nhận chuyển nhượng vốn từ ông Nguyễn Như So.
Cụ thể, Công ty dự kiến nhận chuyển nhượng 900.000 cổ phần, trị giá theo mệnh giá 9 tỷ đồng, tương ứng 3,91% vốn điều lệ của CTCP Chế biến thực phẩm Dabaco.
Điểm đáng lưu ý, bên chuyển nhượng là ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Việt Nam.
Ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dabaco Việt Nam.
Trước đó, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT Công ty vừa bán ra 10 triệu cổ phiếu DBC để giảm sở hữu từ 28,3% về còn 24,16% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 2/11.
Nếu tính theo giá đóng cửa ngày 2/11 là 15.900 đồng/cổ phiếu, ước tính ông So đã thu về số tiền lên tới 159 tỷ đồng.
Thêm nữa, hai người con gái của ông So cũng liên tục bán ra cổ phiếu DBC để giảm sở hữu. Cụ thể, ngày 28/7, bà Nguyễn Thị Tân Hòa đã bán 2 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 3,05% về còn 2,23% vốn điều lệ; từ ngày 22/8 đến 23/8, bà Nguyễn Thu Hiền đã bán ra toàn bộ 3 triệu cổ phiếu đăng ký để giảm sở hữu từ 2,39% về còn 1,15% vốn điều lệ.
Như vậy, gia đình ông Nguyễn Như So đã bán ra tổng cộng 15 triệu cổ phiếu DBC, tương ứng 6,2% vốn điều lệ tại Dabaco Việt Nam. Thêm nữa, ông Nguyễn Như So tiếp tục bán thêm vốn cổ phần tại đơn vị khác cho Dabaco Việt Nam để thu tiền mặt.
Những dấu hiệu này đặt ra cho nhà đầu tư những hoài nghi, liệu gia đình ông Nguyễn Như So có đang rút vốn khỏi Dabaco Việt Nam.
Sự khó hiểu của quyết định bán cổ phiếu
Nếu cổ phiếu DBC giao dịch bình thường thì việc bán ra giảm sở hữu sẽ không đáng nói. Tuy nhiên, cổ phiếu DBC vừa trải qua chuỗi bán tháo liên tục. Cụ thể, từ ngày 5/4 đến 15/11, cổ phiếu DBC đã giảm 71,6% giá trị từ 37.140 đồng về 10.550 đồng/cổ phiếu, là một trong các cổ phiếu giảm mạnh nhất sàn HoSE.
Thông thường, bối cảnh cổ phiếu bán tháo, ban lãnh đạo doanh nghiệp sẽ phải trấn an cổ đông, và có hành động mua vào đỡ giá cổ phiếu để phát đi tín hiệu cam kết gắn bó với doanh nghiệp, từ đó giúp cổ đông yên tâm nắm giữ cổ phiếu.
Đơn cử tại Gelex (mã GEX), khi cổ phiếu giảm mạnh từ đầu năm tới nay, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng giám đốc đã mua vào 10 triệu cổ phiếu GEX. Ngoài ra, CTCP Chứng khoán VIX, đơn vị liên quan ông Tuấn cũng mua vào 15 triệu cổ phiếu để đỡ giá và hàng loạt các lãnh đạo khác cũng đồng loạt mua vào cổ phiếu GEX.
Hay đơn cử tại Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã KBC), từ đầu năm tới nay, CTCP Đầu tư Vinatex – Tân Tạo đã mua 10 triệu cổ phiếu KBC; CTCP Tư vấn và Đầu tư Kinh Bắc đã mua 1,5 triệu cổ phiếu KBC và mới đây nhất, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch đăng ký mua thêm 25 triệu cổ phiếu.
Ngược lại, trên sàn không hiếm các lãnh đạo và cổ đông lớn bán đúng đỉnh sau đó cổ phiếu lao dốc. Đơn cử, tận dụng cổ phiếu DIC Corp (mã DIG) tăng nóng cuối năm ngoái, nhóm cổ đông CTCP Kinh doanh Địa ốc Him Lam liên tục bán ra từ cuối năm 2021 đến đầu năm 2022 để giảm sở hữu từ 21,25% về còn 4,99% vốn điều lệ và không còn là cổ đông lớn, sau đó cổ phiếu DIG lao dốc. Cụ thể, từ ngày 11/1 đến ngày 15/11, cổ phiếu DIG giảm 89,7% từ 98.200 đồng về 10.100 đồng/cổ phiếu.
Tương tự, tại Haxaco (mã HAX), trong giai đoạn từ tháng 2 đến tháng 4/2022, ông Đỗ Tiến Dũng (Chủ tịch HĐQT) và vợ là bà Vũ Thị Hạnh đã bán ra 1,46 triệu cổ phiếu, tương ứng 2,56% vốn điều lệ. Sau đó, từ 28/3 đến 15/11, cổ phiếu HAX giảm 61,9% từ 33.560 đồng về 12.800 đồng/cổ phiếu.
Có thể thấy, gia đình ông Nguyễn Như So liên tục bán ra khối lượng lớn cổ phiếu và giảm sở hữu khi cổ phiếu lao dốc đang phát đi tín hiệu kém tích cực đối với cổ đông bên ngoài – những người không nắm rõ thông tin và tình hình tài chính của Công ty như các thành viên gia đình ông Nguyễn Như So.
9 tháng đầu năm lợi nhuận giảm 68,1% và hoàn thành 25% kế hoạch năm
Trong quý III/2022, Dabaco Việt Nam ghi nhận doanh thu đạt 3.566,95 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 206,35 tỷ đồng, tăng 49,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 14,3% về còn 13,6%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 26,4% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 101,36 tỷ đồng lên 485,6 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 5,9%, tương ứng giảm 2,72 tỷ đồng về 43,34 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghệp tăng 7,5%, tương ứng tăng thêm 13,88 tỷ đồng lên 198,09 tỷ đồng; lợi nhuận khác giảm 83,6%, tương ứng giảm 8,66 tỷ đồng về 1,7 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Lũy kế trong 9 tháng đầu năm 2022, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 9.339,14 tỷ đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 229,24 tỷ đồng, giảm 68,1% so với cùng kỳ năm trước.
Xét về cơ cấu doanh thu, trong 9 tháng đầu năm doanh thu kinh doanh bất động sản, xây dựng tăng 264% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 611,8 tỷ đồng lên 843,5 tỷ đồng; doanh thu bán thành phẩm sản xuất tăng 12,7%, tương ứng tăng thêm 946,4 tỷ đồng lên 8.373,9 tỷ đồng; doanh thu thương mại, siêu thị, khách sạn, nhà hàng tăng 1,8% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 7,5 tỷ đồng lên 419,5 tỷ đồng.
Như vậy, doanh thu tăng đột biến trong 9 tháng đầu năm chủ yếu đến từ hoạt động bất động sản.
Năm 2022, Dabaco Việt Nam đặt kế hoạch tổng doanh thu 22.558 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 918 tỷ đồng, lần lượt tăng 12,8% và 10,7% so với thực hiện trong năm 2021. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, Công ty hoàn thành được 25% kế hoạch lợi nhuận và cách rất xa kế hoạch năm.
Xét về dòng tiền, trong 9 tháng đầu năm, Dabaco Việt Nam ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm 21,7 tỷ đồng so với cùng kỳ dương 620,3 tỷ đồng. Ngoài ra, dòng tiền đầu tư âm 816,1 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 876,9 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ.
Như vậy, trong 9 tháng đầu năm, Công ty đã tăng vay nợ để bù đắp dòng tiền kinh doanh thâm hụt và mở rộng đầu tư.
Được biết, từ năm 2012 tới nay, chưa năm nào dòng tiền kinh doanh của Dabaco Việt Nam ghi nhận âm. Năm dòng tiền kinh doanh thấp nhất là năm 2017 khi Công ty ghi nhận dương 81,54 tỷ đồng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 15/11, cổ phiếu DBC giảm 750 đồng về 10.550 đồng/cổ phiếu.