Bên trong ngôi nhà của những nghệ sỹ nổi tiếng – BBC News Tiếng Việt

Bên trong ngôi nhà của những nghệ sỹ nổi tiếng

  • Andrea Marechal Watson
  • BBC Culture

24 tháng 2 2021

Life Meets Art/ Phaidon

Nguồn hình ảnh, Life Meets Art/ Phaidon

Nếu ngôi nhà chúng ta ở phản ánh tính cách của chúng ta, thì ngôi nhà của một nghệ sĩ có thể đặc biệt gây tò mò.

Một cuốn sách mới có tựa đề ‘Cuộc sống giao thoa Nghệ thuật: Bên trong ngôi nhà của những người sáng tạo nhất thế giới’ đã mở ra cánh cửa bước vào bộ sưu tập nội thất của các ngôi nhà, nơi đều từng có lúc nào đó thuộc về các nghệ sĩ, nhà điêu khắc, nhạc sĩ hoặc nhà văn nổi tiếng.

Đi khắp nơi trên thế giới, tác giả Sam Lubell đã chọn 250 trong số những dinh thự ăn ảnh và đáng nhớ nhất mà ông tìm thấy.

Một số chúng giờ đây là bảo tàng chứa tác phẩm của các nghệ sĩ đã sống và thường xuyên làm việc ở đó; những ngôi nhà khác, ta có thể gọi là những nơi di tích.

Kể câu chuyện của chủ nhân

Life Meets Art/ Phaidon

Nguồn hình ảnh, Life Meets Art/ Phaidon

Chụp lại hình ảnh,

Ngôi nhà từ giữa thế kỷ trước của nhà thiết kế, kiến trúc sư người Đan Mạch Finn Juhl mang phong cách hiện một cách ngạc nhiên

Những ngôi nhà này cho ta biết gì về chủ nhân của chúng? Có một điều là chúng không thể hiện hình ảnh thường thấy của “người nghệ sĩ đói rã trong căn gác xép”.

Cuốn sách này, trừ một số ít các trường hợp ngoại lệ, kể về những ngôi nhà được trang trí và có đồ đạc xa hoa, trang nhã và lộng lẫy.

Lubell thừa nhận: “Nếu không thích một nơi nào đó thì nhìn chung là tôi sẽ bỏ qua nó.”

Nhưng sẽ là sai lầm khi nghĩ rằng do chủ đề như thế, cuốn sách này là một bản trích yếu về khiếu thẩm mỹ hay cẩm nang gối đầu giường cho những người trang trí nội thất.

Mặc dù nhiều căn phòng đã được trông coi kỹ lưỡng, nhưng chúng thường vẫn đem lại cảm giác cá nhân; toát ra khí chất của người đã ở đó, cho dù là trong những chiếc dương cầm, tủ sách và bàn viết cũ, hay trong những món đồ cổ và vật dụng cá nhân được sưu tầm.

“Đồ đạc và hiệu ứng cá nhân của nghệ sĩ có thể kể câu chuyện của họ,” Lucy Porten, người trông coi của tổ chức National Trust, nói.

Trong trường hợp căn biệt thự gia đình do kiến trúc sư theo trường phái ly khai Otto Wagner xây dựng, hiệu ứng cá nhân của chủ nhân cuối cùng ở đây chắc chắn kể lại một câu chuyện.

Căn biệt thự này, được coi là không gian Tân Nghệ thuật lớn nhất ở Vienna, ngày nay chứa đầy các tác phẩm nghệ thuật lạc điệu của Ernst Fuchs, người sáng lập trường phái Chủ nghĩa Hiện thực Vi diệu.

Life Meets Art/ Phaidon

Nguồn hình ảnh, Life Meets Art/ Phaidon

Chụp lại hình ảnh,

Tòa villa gia đình do kiến trúc sư Otto Wagner xây dựng nay chứa đầy các tác phẩm nghệ thuật của chủ nhân sau, Ernst Fuchs

Chuyện kể rằng khi còn là một cậu bé không một xu dính túi, Fuchs đã biết đến ngôi nhà và tự nhủ rằng một ngày nào đó cậu sẽ mua nó cho mẹ.

Đến năm 1970, căn biệt thự bỏ hoang này đã đến lúc phải bị phá dỡ và Fuchs đã có thể hoàn thành sở nguyện của mình. Ông đã trùng tu lại ngôi biệt thự theo phong cách pha trộn, và cất đầy trong đó với những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời của ông. Ngày nay nó được gọi là Bảo tàng Ernst Fuchs.

Mặc dù chúng ta rất dễ mặc định rằng các nhạc sĩ, nhà văn và các nghệ sĩ phi thị giác nói chung không để ý đến xung quanh vì đầu của họ chứa đầy những thứ cao xa, chúng ta lại không thể đưa ra những khái quát bao trùm về phong cách sống của họ.

Phản ánh phong cách sáng tác

Dinh thự của Puccini và Tchaikovsky đều là những khu bảo tồn ngăn nắp chứa đầy những món đồ cổ lộng lẫy, nơi họ có thể sáng tác một cách yên bình, trong khi huyền thoại nhạc jazz Louis Armstrong chỉ muốn sống ở khu sôi động.

Bất chấp khối tài sản khổng lồ ông tích lũy được, Armstrong vẫn chọn ở lại khu dân cư lao động, đa sắc tộc ở Queens, New York.

Life Meets Art/ Phaidon

Nguồn hình ảnh, Life Meets Art/ Phaidon

Chụp lại hình ảnh,

Bậc thầy Rubens sống trong một căn nhà trang nhã tại Antwerp

Tâm lý khái quát hóa rằng nhà của các họa sỹ sẽ phản ánh phong cách vẽ của họ cũng sẽ bị bẻ gãy khi ta khám phá các trang trong cuốn ‘Cuộc sống giao thoa Nghệ thuật’.

Peter Paul Rubens vẽ tranh sơn dầu miêu tả một cách điển hình những phụ nữ gợi tình và đôi khi là những cảnh đau khổ. Tuy nhiên, ngôi nhà của ông ở Antwerp, Bỉ, vốn do chính ông thiết kế, lại hoàn toàn vắng bóng những cảnh vẽ như thế.

Mặc dù ngôi nhà đã bị thay đổi nhiều, các yếu tố cơ bản như cửa lớn và chái hiên – dựa trên tỷ lệ thời Phục hưng ở Ý – vẫn y hệt như khi Rubens thiết kế. Tại sao một nghệ sĩ chuyên tâm về tỷ lệ hoàn hảo trong không gian như vậy lại tạo ra nhiều bức tranh hỗn độn và lộn xộn như vậy là một điều bí ẩn.

Ngôi nhà của điêu khắc gia Gustav Vigeland một lần nữa thể hiện thị hiếu có vẻ hoàn toàn đối nghịch với những gì Lubell gọi là các tác phẩm ‘thể xác cuồng nhiệt’ mà nghệ sỹ người Na Uy này đã sáng tác và hiện được trưng bày tại Công viên Vigeland ở Oslo.

Căn nhà và xưởng sáng tác của Vigeland nằm trong một tòa nhà gạch đỏ khắc khổ, do kiến trúc sư Lorentz Ree thiết kế, được những người lớn tuổi trong thành phố xây dựng để trả ơn cho lời hứa hiến tặng bộ sưu tập nghệ thuật của ông.

Life Meets Art/ Phaidon

Nguồn hình ảnh, Life Meets Art/ Phaidon

Có lẽ có động cơ muốn tự trang trí ngôi nhà của riêng mình cho nên Vigeland , vốn chưa bao giờ theo ngành thiết kế nội thất, đã quay ngoắt và tạo ra một loạt bản vẽ màu phấn trang nhã cho mọi món đồ nội thất, từ gối cho đến chân nến và đèn.

Những tâm hồn màu sắc

Nhà viết kịch và nhà thơ người Đức Friedrich von Schiller qua đời chỉ ba năm sau khi ông rốt cuộc cũng mua được nhà riêng.

Năm 1802, ở tuổi 42, Schiller – một tượng đài của Thời Khai sáng và là nhà văn hiện đại xuất chúng – đã cùng gia đình chuyển đến một ngôi nhà màu vàng ở Weimar, để gần với người bạn tốt và người cộng tác là Goethe. Đó là ngôi nhà phố hai tầng xinh xắn với tiêu chuẩn cao bất ngờ đối với một nhà văn thời kỳ đó.

“Giờ đây, cuối cùng tôi đã thực hiện được ước muốn trước đây, đó là sở hữu ngôi nhà của riêng mình,” ông viết cho nhà xuất bản. “Bởi vì bây giờ tôi đã bỏ mọi suy nghĩ phải rời Weimar và tôi nghĩ rằng tôi sẽ sống chết ở đây.” Câu nói đó như đoán trước. Kiệt sức với bệnh tật và công việc không ngừng nghỉ, đáng buồn là Schiller đã qua đời ở đây chỉ 3 năm sau.

Life Meets Art/ Phaidon

Nguồn hình ảnh, Life Meets Art/ Phaidon

Chụp lại hình ảnh,

Kịch tác gia, nhà thơ người Đức Friedrich von Schiller qua đời chỉ ba năm sau khi mua được căn nhà ở Weimar

Trong lời nói đầu về ‘Cuộc sống giao thoa Nghệ thuật’, chúng ta biết Coco Chanel từng nói rằng nội thất là “sự phản chiếu tự nhiên của tâm hồn”.

Một ví dụ điển hình là Biệt thự Santo Sospir ở Saint-Jean-Cap-Ferrat gần Nice, nơi Jean Cocteau sống. Nó thuộc về người bảo trợ của Cocteau là Françine Weisweiller, vốn vào năm 1950 đã mời ông đến ở nghỉ trong một tuần.

Bà không biết ông sẽ ở lại đó trong vòng 11 năm, và đã lấp đầy các bề mặt với các thiết kế chủ yếu lấy cảm hứng từ các chủ đề của thần thoại Hy Lạp.

Ông đã sử dụng một bảng màu hạn chế và gọi các phác thảo là ‘hình xăm’, do đó ngôi nhà này, hiện là di tích quốc gia, được gọi là Biệt thự Xăm trổ.

“Chúng tôi cố gắng chiến thắng tinh thần hủy diệt vốn thống trị thời đại của chúng tôi,” Cocteau nói. “Chúng tôi trang trí những bề mặt mà con người mơ ước phá hủy.”

Life Meets Art/ Phaidon

Nguồn hình ảnh, Life Meets Art/ Phaidon

Chụp lại hình ảnh,

Ngôi nhà ở miền nam nước Pháp nơi Jean Cocteau từng sống được gọi là Biệt thự Xăm trổ

Một ngôi nhà khác thể hiện sống động tâm hồn nhiều màu sắc của vị chủ nhân quý tộc của nó là dinh thự của Ngài Leighton, nghệ sĩ và nhà điêu khắc thời Victoria được biết tiếng với bức tranh Flaming June, hình ảnh một nàng thơ thời Tiền Raphael ngập trong vải lụa màu cam và ngất xỉu vì cái nóng của mùa hè.

Xưởng sáng tác trong nhà

Dinh Leighton ở Holland Park, London, khởi đầu là một cấu trúc bằng gạch đơn giản với trần cao gấp đôi, được xây trên miếng đất mà Leighton đã mua.

Với cánh cửa bí mật, căn nhà từng để những người mẫu vào trong mà không bị những người hàng xóm xét nét thời Victoria nhìn thấy. Nhiều chi tiết mới – lấy cảm hứng từ những chuyến đi của Leighton – sau đó đã được xây thêm.

Cái đáng nhớ nhất là ‘hội trường Ả Rập’, được mô phỏng theo một cung điện từ thế kỷ 12 ở Sicily, với sự kết hợp đặc trưng của gạch ngói Moor và khung họa tiết, phù điêu mạ vàng và hàng cột cổ điển.

Life Meets Art/ Phaidon

Nguồn hình ảnh, Life Meets Art/ Phaidon

Chụp lại hình ảnh,

Leighton House ở London thể hiện phong cách đi lang bạt của Lord Leighton

Để giải quyết vấn đề sương mùa đông, Leighton đã xây thêm một ‘studio mùa đông’ lớn nhằm làm cho ngôi nhà trông giống như một nhà kính được đặt trên những chân trụ.

Chi tiết được xây thêm cuối cùng là ‘phòng lụa’ chất đầy tranh và tác phẩm điêu khắc, một số trong đó là tác phẩm của các nghệ sĩ từ một đạo quân được gọi là Nòng súng Nghệ sĩ – một lực lượng tình nguyện, được thành lập vào năm 1859 bao gồm các họa sĩ, nhạc sĩ, diễn viên và kiến trúc sư – do Leighton chỉ huy trong những năm đầu.

Leighton được thăng lên nam tước vào năm 1896 nhưng chết vì đau tim tại nhà riêng ở Kensington một ngày sau đó, trở thành nhà quý tộc dòng dõi giữ tước hiệu ngắn nhất trong lịch sử nước Anh.

Các xưởng sáng tác được bảo tồn của các nghệ sĩ luôn là thỏi nam châm thu hút khách tham quan, và tuy Dinh Leighton không phải là một địa điểm điển hình, nhưng trong ‘Cuộc sống giao thoa Nghệ thuật’ có đầy những ví dụ khác.

Trong số những nơi nổi tiếng nhất là kho chứa cỏ East Hampton, nơi Jackson Pollock sáng tác những bức tranh nhỏ màu nổi tiếng của ông mà ngày này dấu vết của chúng vẫn còn thấy được trên sàn kho.

“Mọi người luôn bị cuốn hút vào việc nghệ thuật đến từ đâu. Đó là bí ẩn ngay cả đối với nghệ sĩ,” Louisa Buck, phóng viên nghệ thuật đương đại của Art Newspaper, nói với BBC Culture. “Xưởng sáng tác là lò nung kim loại; đó là nơi tất cả quá trình giả kim bắt đầu.”

Đón đầu xu thế

Nhiều ngôi nhà trong ‘Cuộc sống giao thoa Nghệ thuật’ thuộc về thời đại của chúng, nhưng những căn khác có vẻ hiện đại một cách kinh ngạc so với thời đại của chúng.

Một ví dụ nổi bật là ngôi nhà của nhà thiết kế nội thất và kiến trúc sư Đan Mạch Finn Juhl, trông như thể sản phẩm bước ra từ một tạp chí nội thất hiện đại.

Dinh thự với thiết kế mở có màu sắc dịu mát, những chiếc ghế theo trường phái Hiện đại kinh điển và mọi thứ được làm thủ công đón đầu xu hướng nội thất ngày nay đến mức hoàn hảo.

Life Meets Art/ Phaidon

Nguồn hình ảnh, Life Meets Art/ Phaidon

Chụp lại hình ảnh,

The Organic House (Ngôi nhà Hữu cơ) của nhà thiết kế người Mexico Senosiain thể hiện như một mạng lưới các hang động

Trong khi đó, ‘Ngôi nhà Hữu cơ’ của kiến trúc sư kiêm nhà thiết kế đương đại người Mexico Javier Senosiain ở gần Thành phố Mexico có thể đón đầu tương lai của kiến trúc và thiết kế. Ngôi nhà hoàn toàn được lấy cảm hứng từ các hình dạng uốn lượn tự nhiên, chẳng hạn như nấm và vỏ sò.

Với bên ngoài được bao phủ bởi cỏ, hoa và cây bụi, nơi đây có một trong những mái nhà xanh hoàn toàn đầu tiên trên thế giới. Nội thất tương tự như bên trong của một hệ thống hang động. “Đường thẳng là thứ hầu như không tồn tại trong tự nhiên. Mọi thứ thay đổi theo hình xoắn,” Senosiain viết trong sách.

Trong căn nhà của nghệ nhân gốm sứ Kawai Kanjirō ở Kyoto, Nhật Bản, chúng ta sẽ thấy một điện thờ tổ nghề của ông.

Life Meets Art/ Phaidon

Nguồn hình ảnh, Life Meets Art/ Phaidon

Chụp lại hình ảnh,

Nhà của nghệ nhân gốm sứ Kawai Kanjirō ở Kyoto

Kanjirō là một trong những người sáng lập Mingei, một phong trào nghệ thuật dân gian Nhật Bản có điểm tương đồng với phong trào Thủ công và Nghệ thuật.

Làm việc với người anh trai của mình, một kiến trúc sư, ngôi nhà của Kanjirō là sự giao thoa giữa trang trại nông thôn và ngôi nhà thành thị hiện đại, và rõ ràng nó phản ánh niềm đam mê của ông trong việc pha trộn kỹ thuật hiện đại với thủ công truyền thống.

Đằng sau các bức tường là những ví dụ về tất cả những thứ mà Kanjirō và phong trào Mingei ngưỡng mộ ở công việc của người dân thường, khiêm nhường, từ những hình thức hữu cơ đơn giản đến màu đất đai, được sắp đặt và sắp xếp một cách hoàn hảo.

Đó là nét thẩm mỹ nắm bắt được tinh thần của các nhà thiết kế trẻ ngày nay đến hoàn hảo.

Và giống như tất cả ngôi nhà của nghệ sĩ, nó đem đến cái nhìn lý thú về tính khí và mối bận tâm của chủ nhân ngôi nhà.