Bệnh tiểu đường có tới 5 loại khác nhau, không chỉ type 1 và type 2?
Theo một nghiên cứu mới của các nhà khoa học ở Thụy Điển và Phần Lan, bệnh tiểu đường có thể được chia thành 5 loại, thay vì chỉ có tiểu đường type 1 và type 2 như hiện nay:
Nhóm 1 tương ứng với phân loại tiểu đường type 1. Nhóm 4 và 5 giống với tiểu đường type 2. Trong khi đó, nhóm 3 và 4 có thể được coi là những nhóm tiểu đường mới, nằm giữa type 1 và type 2.
Khám phá này được đánh giá là có giá trị, và sẽ ảnh hưởng đến việc chẩn đoán và điều trị tiểu đường trong tương lai. Các nhóm bệnh không có điểm chung di truyền. Nghĩa là chúng thực sự là 5 bệnh tiểu đường tách biệt, vì vậy, có thể nên được điều trị theo các phác đồ khác nhau.
Chẳng hạn, người bệnh tiểu đường thuộc nhóm 3 và 4 có nguy cơ bị biến chứng ở thận và mắt cao hơn những nhóm khác. Họ có thể nên được bảo vệ sớm hơn.
Trong khi đó, độ tuổi mắc các nhóm tiểu đường cũng khác nhau, có 3 nhóm tiểu đường nặng và 2 nhóm tiểu đường nhẹ, có thể dẫn đến các phương pháp phòng ngừa và chữa trị khác nhau cho từng nhóm.
Tiểu đường có tới 5 loại khác nhau, không chỉ type 1 và type 2?
Phân loại tiểu đường hiện nay
Hiện nay, bệnh tiểu đường được phân loại thành 2 nhóm chính:
Type 1 là bệnh tự miễn dịch, thường được chẩn đoán ở trẻ em. Nó xảy ra bởi hệ miễn dịch phá hủy nhầm các tế bào trong tuyến tụy, có trách nhiệm sản xuất insulin cho cơ thể. Khi insulin không được sinh ra, cơ thể không có khả năng điều chỉnh lượng đường trong máu dẫn đến tiểu đường.
Trong khi đó, tiểu đường type 2 thường được coi là một căn bệnh lối sống. Lối sống không lành mạnh có thể làm gián đoạn hoạt động của insulin. Khi cơ thể không tiết đủ insulin, hoặc insulin bị nhờn (không có tác dụng làm giảm đường trong máu nữa), bạn sẽ mắc tiểu đường type 2.
Tương quan, từ 85-90% bệnh nhân tiểu đường hiện nay rơi vào tiểu đường type 2. Số còn lại là tiểu đường type 1 hoặc không được phân loại cụ thể.
Xác định được tới 5 loại bệnh tiểu đường riêng biệt
Trong một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí The Lancet Diabetes and Endocrinology, các nhà khoa học đến từ Trung tâm Đái tháo đường Đại học Lund, Bệnh viện Đại học Skåne (Thụy Điển), và Viện Y học phân tử (Phần Lan) đã phân tích 5 nghiên cứu, liên quan đến 14.775 người trưởng thành được chẩn đoán tiểu đường gần đây.
Các yếu tố quan trọng của bệnh tiểu đường đã được phân tích, từ xét nghiệm thành phần máu, chỉ số BMI cho đến đặc điểm gen và các kháng thể liên quan đến bệnh tự miễn dịch. Kết quả, các nhà khoa học đã phân biệt được tiểu đường ra thành 3 nhóm bệnh nặng và 2 nhóm bệnh nhẹ.
Trong so sánh với phân loại tiểu đường hiện tại, nhóm tiểu đường type 1 được giữ nguyên, trong khi đó, tiểu đường type 2 được chia thành 4 nhóm. Cụ thể như sau:
Nhóm 1: Bệnh tiểu đường dạng tự miễn dịch nặng (SAID), ảnh hưởng đến những người khỏe mạnh từ khi còn trẻ. Cơ thể họ không thể sản xuất ra insulin.
Nhóm 2: Bệnh tiểu đường dạng thiếu insulin nặng (SIDD), tương tự như SAID về những mặt đối tượng ảnh hưởng (những người trẻ khỏe mạnh), nhưng không phải do hệ miễn dịch.
Nhóm 3: Bệnh tiểu đường dạng kháng insulin nặng (SIRD), ảnh hưởng đến những người thừa cân, những người đã kháng insulin nặng.
Nhóm 4: Bệnh tiểu đường nhẹ liên quan đến béo phì (MOD), cũng ảnh hưởng đến người béo phì nhưng có xu hướng phát triển sớm hơn trong cuộc đời. Nó có thể được kiểm soát nếu thay đổi lối sống và sử dụng thuốc metformin.
Nhóm 5: Bệnh tiểu đường nhẹ liên quan đến tuổi tác (MARD), bênh này ảnh hưởng đến người cao tuổi và cũng có thể được quản lý bằng cách thay đổi lối sống và sử dụng metformin. Đây là bệnh tiểu đường hay gặp nhất trong tất cả 5 loại nói trên.
Các tác giả của nghiên cứu nói rằng tất cả 5 loại bệnh tiểu đường được tìm thấy đều khác biệt về mặt di truyền, không có đột biến nào liên quan đến tất cả các loại bệnh. Điều này ủng hộ ý tưởng rằng 5 loại bệnh tiểu đường không phải là các giai đoạn khác nhau của cùng một bệnh.
Điều trị tiểu đường sẽ thay đổi?
Trong nghiên cứu của mình, các nhà khoa học xác nhận nhiều bệnh nhân đã không được điều trị thích hợp. Điều này gợi ý bằng cách phân loại tiểu đường mới, các bệnh nhân có thể được điều trị tốt hơn.
“Đây là bước đầu tiên để điều trị cá nhân hóa bệnh tiểu đường trên từng bệnh nhân, chẩn đoán và phân loại hiện tại bệnh tiểu đường là không đủ, và không thể dự đoán các biến chứng hoặc hướng điều trị trong tương lai”, giáo sư Leif Groop, tác giả chính nghiên cứu đến từ Đại học Lund cho biết.
Chẳng hạn, người bệnh tiểu đường thuộc nhóm 3 và 4 có nguy cơ bị biến chứng ở thận và mắt cao hơn những nhóm khác. Bệnh nhân tiểu đường nhóm 3 theo phân loại mới có khả năng suy thận cao nhất.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, chỉ một nghiên cứu này chưa đủ để dẫn đến những thay đổi trong hướng dẫn điều trị bệnh tiểu đường. Mặc dù có kết quả ấn tượng, nó mới chỉ khảo sát được các nhóm bệnh nhân tiểu đường ở Bắc Âu.
Các nhóm phân loại và các biến chứng liên quan sẽ cần phải được xác minh ở các cộng đồng khác, ví dụ như người Châu Á. Bản thân các tác giả nghiên cứu cũng nói rằng sẽ cần nhiều nghiên cứu ở các cộng đồng khác nhau để kiểm tra những phát hiện của họ.
Tham khảo Webmd, Theguadian, NHS