Bí Mật của Naoko
Lúc ban đầu tôi đọc truyện này vì tác giả là Keigo. Phía sau Nghi can X hay, Bạch dạ hành cũng hay. Nên tôi yên tâm đọc mà ai dè truyện chán quá thể chán. Đọc vài chục trang đầu là biết luôn diễn biến phần còn lại. Tôi đã giở đoạn giữa rồi nhảy cóc đến đoạn kết xem mình có đoán đúng không. Và đúng hết luôn chứ không đùa.
Nghĩ thầm, chẳng lẽ cái truyện nhạt toẹt này mà cũng được khen nhiều thế hay sao. Nghĩ chắc là vì mình nhảy cóc nên bỏ qua phần này, tôi cố gắng đọc lại hết, không bỏ đoạn nào, dù thấy nó rất chán.
Lần đọc này, tôi vẫn thấy nó chán như trước. Những đoạn miêu tả tâm lý nhân vật dài lê thê, nhạt nhẽo và hời hợt, chẳng có cao trào, cũng không có gì cuốn hút hay gây xúc động. Đến đoạn kết, cái đoạn mà được cho là mở nút thắt của truyện ấy, cảm nghĩ của tôi chỉ là: may quá, đọc xong rồi.
Ncl truyện siêuuuuuuuuu chán từ nội dung, nhân vật cho đến cách kể chuyện. Tôi đã bye bye Keigo kể từ sau khi đọc xong Naoko, không có Thánh giá rỗng, Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya hay Hoa mộng ảo gì nữa.
Người Đọc
Tiêu đề: Bí mật của Naoko
Tác giả: Higashino Keigo
Mình biết đến tác giả viết truyện trinh thám Higashino Keigo từ khi tham gia group này và hứa với lòng là sẽ mua đọc thử một cuốn của tác giả. Hôm đi đường sách mình vào tham quan gian hàng sách Nhã Nam thì mình bị ấn tượng bởi cuốn “Bí mật của Naoko” vì bìa sách cảm giác bí ẩn và lôi cuốn. Như vậy, mình mua cuốn sách này.
Khoảnh khắc mình bị ấn tượng bởi bìa sách và mua nó vì sự bí ẩn và sức hấp dẫn với hình của nó thì mình nghĩ mình đã đúng vì nội dung sách thật sự theo kiểu thần bí. Nhân vật chính của chúng ta – Heisuke là một con người sống khiêm nhường và cuộc đời thì đơn giản, nhịp sống cũng chậm rãi, ngày qua ngày vẫn như thế cho đến khi một biến cố xảy ra làm đứt đoạn cái nhịp sống chậm rãi của gã. Đó là khi một lần vợ gã – Naoko và con gái – Monami đi về quê bằng xe khách ( mình có nhớ là Naoko ban đầu có nhiều lựa chọn đi bằng nhiều phương tiện khác nhau nhưng rồi cô chọn, theo mình nhớ, xe khách ) và cả hai gặp tai nạn dẫn đến hồn của Naoko nhập vào thân xác Monami. Khi này Heisuke lẫn người đọc cũng không biết rằng gã đã mất vợ hay con gái khi mà thể xác của con gái nhưng lại chưa đựng linh hồn người mẹ. Truyện thể loại trinh thám nhưng đọc thì không thiên về trinh thám lắm vì lật từng trang sách, ta thấy một cuộc sống đời thường Monami ( hồn Naoko ) và Heisuke, cũng có một số chuyện xảy ra mang tính trinh thám nhưng cũng được giải quyết bình thường. Nói chung mạch truyện diễn biến rất đỗi bình thường. Truyện cũng khai thác nhiều hoàn cảnh của những nhân vật phụ xoay quanh cuộc đời của gia đình nhân vật chính. NHƯNG!!! Thực tế là khi mua cuốn này nhìn bìa sách thì mình chắc là nó không được bình thường như tiểu thuyết lãng mạn có pha các yếu tố thắt nút mở nút rồi ( dù sao cũng là thể loại trinh thám mà ) nên khi đọc thấy bình thường từ phần đầu mình nghi nghi là như có cái bí ẩn, cái không khí, cái kết không hạnh phúc ( theo mình là bad end ) đang bao trùm cả câu chuyện. Và vào khúc cuối khi mà tưởng chừng ( theo truyện ) Naoko biến mất và Monami đã trở lại rồi Monami lấy chồng, đến đây thì cũng đúng rồi và hạnh phúc cho 2 vợ chồng khi mà Monami được trở lại với cuộc sống của cô bé. Tưởng là happy ending rồi NHƯNG nếu không có câu chuyện mà ông lão sửa đồng hồ kể cho Heisuke, câu chuyện này cũng làm mình suy nghĩ lại và có nhiều cảm xúc phức tạp khi đọc kết truyện. ( Mình không nói kết ra sao vì sợ spoil ).
Tóm lại, truyện này khi đọc xong cho chúng ta một số bài học trong cuộc sống như không thể phán xét hoàn cảnh của ai đó khi mà chỉ nhìn qua cuộc sống bề ngoài của họ. Và qua truyện cũng cho ta thấy sự hy sinh của người cha dành cho con và của người chồng dành cho vợ mình thông qua hình ảnh của nhân vật Heisuke và những cảm xúc, trăn trở, khó khăn mà gã đã và đang phải trải qua, đối mặt khi một cuộc sống bình thường, chậm rãi đột ngột thì sóng gió ập tới. Tuy nhiên, tới cái kết thì tuỳ vào mỗi độc giả sẽ cho những cảm nhận khác nhau.
P/S: một điều thú vị là khi mình bất chợt search Naoko trên google thì ra một trong các ý nghĩa là “ obidient child “ tức “ đứa trẻ váng lời “ nên không biết có liên quan đến cuộc đời của Naoko không khi mà lặng lẽ sống cuộc sống ( theo mình thấy ) hơi cam chịu.
Cuốn của Keigo quá nổi tiếng rồi và cũng có quá nhiều đánh giá nên tôi cũng chỉ ngắn gọn là đồng tình với họ.
Ban đầu tôi thấy Keigo hơi bị overrated và thể loại ông ấy viết không phải gu của tôi. Thế nhưng cuốn sách này đã thuyết phục tôi về khả năng của ông ấy.
Với một câu chuyện bình thường, ừ thì có phần hơi ảo như ma tuý đá mà Keigo lại cps thể khai thác có chiều sâu đến vậy. Tâm lý nhân vật được ông khắc hoạ chân thực, nhất là những đoạn miêu tả mâu thuẫn xung đột nội tâm nhân vật, mọi thứ được Keogo dẫn dắt hợp lý để đẩy được đến cao trào.
Bên cạnh đó hàm ý, thông điệp của Keigo gửi đến là sâu sắc, đáng suy ngẫm. Nỗi đau của người cha người chồng khi không biết rằng mình thực sự mất vợ hay mất con trong tai nạn. Khát vọng được làm lại cuộc đời, được sống không hối tiếc. Bức tranh xã hội Nhật rõ ràng với việc người phụ nữ, người vợ bị đóng đinh vai trò ở nhà, họ không còn được là chính mình. Việc được làm lại cuộc đời, được làm một người phụ nữ tự do, độc lập không phụ thuộc vào chồng là mong muốn của nhiều phụ nữ Nhật chứ không chỉ ở Naoko. Thế mới thấy trong một mức độ nào đó, phụ nữ Việt Nam vẫn có phần hơn Nhật Bản vì nhiều người tự chủ công việc, tài chính riêng cho bản thân chứ không phải phụ thuộc.
Ý tưởng của Keigo rất thú vị, không biết những người phụ nữ tầm tuổi Naoko khi đọc cuốn sách này có bắt gặp những cảm giác đó không? Được một lần nữa sống cuộc đời của chính mình, được làm những điều mình muốn mà không nuối tiếc? Nếu có thể, tôi cũng muốn được như Naoko, nhưng là với ai đó chứ không phải với con gái mình.
Yến Thanh
Sau 2 ngày cày cuốc mình đã giải thích được lời giới thiệu từ đầu truyện: là một trong những tác phẩm quan trọng nhất trong sự nghiệp của Higashino Keigo, bậc thầy trinh thám nhật thế kỷ XX.
Tai nạn khủng khiếp xảy ra đối với vợ và con hirasuke, và gã mất đi người vợ yêu quý nhất của mình, còn đứa con gái bé bỏng thì vẫn trong tình trạng hôn mê bất tỉnh. Nhưng chỉ sau một đêm, con gái gã tỉnh lại và một mực xưng mình là Naoko, vợ gã. Dường như linh hồn của Naoko đã nhập vào thể xác con gái, còn Monami thực sự đã chết. Rốt cuộc Hirasuke đã mất vợ hay con gái trong vụ tai nạn ấy?
Bí mật của Naoko- Keigo Higashino
Đầu tiên đọc đến đoạn giới thiệu đó thì mình thấy chẳng có gì, ừ thì đúng chẳng có gì thật. Ko có tên giết người hàng loạt, ko có máu me, cạm bẫy, ko điều tra phá án, tóm đi tóm lại nó là 2 tóm đó là truyện ko thể gắn mác trinh thám.
Nội dung truyện đơn giản, bình dị, cứ đều đều như ăn cơm, uống nước hàng ngày. Kể về cuộc sống thường nhật của 2 bố “con”.
Nhưng ông thành công ở chỗ mỗi lần cho một chút gây nghiện, từng liều nhỏ để rồi người đọc nghiện lúc nào ko hay.
Là một trong số rất ít câu truyện (hoặc có lẽ là cuốn đầu tiên) nửa muốn kết thúc truyện, nửa lại ko muốn. Kết thúc thì người đọc sẽ hiểu hết được nội dung truyện, nhưng kết thúc truyện thì ta sẽ mất đi 1 điều gì đó rất lớn lao.
Đọc xong truyện vẫn thấy có cảm giác tiếc nuối, văng vẳng bên tai. Cảm giác như vẫn còn nghe thấy tiếng gào xé lòng của a giáo trong nghi can X.
Việt Vui Vẻ
í mật của Naoko – Higashino Keigo
Sau khi được một bác trong hội gợi ý, em đã đọc Bí mật của Naoko ngay và luôn, vì tác giả Higashino Keigo là tác giả yêu thích của em.
Có thể nói “Bí mật của Naoko” là tác phẩm trinh thám không? Thực ra em không thể trả lời. Nhưng nếu được quyền xếp loại, thì em xin phép được để “Bí mật của Naoko” vào ngăn “Tiểu thuyết tâm lý lãng mạn”.
Đọc phần đầu, em đã kỳ vọng đây là 1 tác phẩm trinh thám, khi mà nhân vật “tôi” đi tìm hiểu nguyên nhân người lái xe phải làm việc quá sức. Em mong là có một thuyết “âm mưu” ở đây. Nhưng thật tiếc, cuộc đời luôn biết trêu ngươi con người, giờ nhà văn cũng thế, mọi thứ lại kết thúc không phải như em vẫn mơ.
Nói về “Bí mật của Naoko”, summary viết, “Cuộc sống của Hirasuke trôi qua hết sức bình lặng, cho đến một ngày tai nạn giao thông khủng khiếp xảy ra và gã mất đi người vợ yêu quý nhất của mình, còn đứa con gái bé bỏng vẫn trong tình trạng hôn mê bất tỉnh. Nhưng chỉ sau một đêm, con gái gã tỉnh lại và một mực xưng mình là Naoko, vợ gã. Dường như linh hồn của Naoko đã nhập vào thể xác con gái, còn Monami thực sự đã chết. Rốt cuộc Hirasuke đã mất vợ hay con gái trong vụ tai nạn ấy?”
Và câu chuyện đã xảy ra đúng như thế, không có những tình tiết phát triển hơn về “trinh thám” mà đơn giản chỉ là đời sống tâm lý bình thường hàng ngày của các nhân vật.
Kết chuyện hơi bất ngờ nhưng hợp lý và xứng đáng với cả câu chuyện.
Theo em thì với cuốn này, kết chuyện là hay nhất.
Lun Tyt
Bí mật của Naoko – Higashino Keigo
Tôi không cuồng Higashino Keigo. Cũng chẳng hề mê mẩn một tác phẩm nổi tiếng khác đã đọc của ông. Song “Bí mật của Naoko” vẫn tác động lên tôi theo một cách mãnh liệt không ngờ.
Trước khi đọc tôi đã biết rằng đây là một cuốn sách buồn. Nhưng không nghĩ lại buồn nhức nhối, ám ảnh và tuyệt vọng đến vậy.
Nếu bạn đang sống một cuộc sống bình thường, bỗng một ngày biến cố ập đến cướp đi sinh mạng những người thân yêu nhất của bạn, chắc hẳn khi đó bạn sẽ thấy thế giới quanh mình chơi vơi không sự sống, bản thân mình trở nên trống rỗng vô hồn. Có lẽ tôi hiểu được cảm giác này nên càng đồng cảm và thương xót Heisuke hơn – người đàn ông đột ngột bị tai họa giáng xuống: vợ và con gái gặp tai nạn lật xe khách nghiêm trọng. Có lẽ nếu một trong hai người qua đời, hoặc thậm chí là cả hai, thì có lẽ sẽ tốt cho cuộc đời Heisuke, hơn là người vợ sống trong hình hài đứa con chăng?
Việc linh hồn Naoko – người phụ nữ 36 tuổi nương nhờ thân xác con gái Monami 11 tuổi, đã mang đến bao rắc rối và những tình huống trớ trêu. Nhưng ấy mới chỉ là mở đầu cuốn hút bạn đọc. Khi Naoko-Monami trưởng thành theo đúng nghĩa sinh học, cũng là lúc cô dần rời xa Heisuke, bỏ lại anh trong chuỗi ngày cô đơn vô vọng. Tuy nhiên đó là điều tất yếu phải xảy ra. Bởi rào cản về đạo đức, bởi khoảng cách nới rộng do những lựa chọn cùng sự đổi thay. Hai người giống như song song trên một đường thẳng, ở gần bên nhau, sống chung một nhà, nhưng chẳng thể cắt qua cuộc đời nhau nữa. Ngay từ lúc bi kịch bắt đầu, mái ấm gia đình họ, cuộc sống hôn nhân của họ, đã tới hồi cáo chung.
Không thể trách Naoko, bởi lẽ cô đã lựa chọn bước tiếp, cô phải hướng tới tương lai. Vốn dĩ cả hai đã không hề có lối thoát. Có trách thì chỉ trách vòng quay số phận quá nghiệt ngã. Nhưng tại sao tác giả lại chẳng thể cho Heisuke một lối ra khỏi đoạn đường tăm tối?
Higashino Keigo đã viết một câu chuyện lạ kỳ mà cũng chẳng kém phần hiện thực. Cái thực tế trong “Bí mật của Naoko” là những điều thường thấy, hiển hiện, trong mỗi chúng ta, mỗi con người, trong xã hội, nhưng không phải ai cũng nhận ra và hiểu thấu. Để rồi khi tác giả kể với sự ung dung, nhẹ nhàng mà xoáy sâu, cho nỗi niềm thấm dần qua từng con chữ thì mọi thứ mới vỡ tung. Chậm rãi, nhẫn nại, bình thản nhưng cứa vào tim rất sâu, rất lâu và rất đau.
Và với Higashino Keigo, luôn có một bất ngờ dành tặng bạn sau cùng. Nhưng bất ngờ này không dễ chịu chút nào. Mà thật đau đớn. Mặc dù vậy, chuyện có dằn vặt thế nào, kết cục có tàn nhẫn ra sao, thì đối với tôi tác phẩm vẫn đẹp tuyệt vời. Đẹp tựa bầu trời hoàng hôn rạng rỡ lên lần cuối trước khoảnh khắc lụi tàn, như hiện thân cho cách Heisuke dám chấp nhận và từ bỏ, hy sinh cho hạnh phúc người mình yêu.
Có thể “Bí mật của Naoko” không phải là cuốn sách vĩ đại, trở thành kinh điển theo thời gian. Song tôi tin rằng nó sẽ sống mãi trong lòng mỗi người đọc.
Đánh giá: 9/10đ.
Bí mật của Naoko – Higashino Keigo
Lại một tác phẩm ấn tượng khác của Keigo, nhà văn mà tôi ngưỡng mộ nhất.
Mở đầu câu chuyện, một sự kiện khủng khiếp đã xảy đến với Heisuke – người kĩ sư trẻ có một cuộc đời và một mái ấm bình dị: tai nạn giao thông, vợ chết, con hôn mê và có khả năng phải sống đời sống thực vật cả đời. Gia đình nhỏ bé mà anh gầy dựng, cũng là mọi thứ mà anh có, bỗng dưng sụp đổ trong phút chốc, không một lời cảnh báo.
Tôi biết, chắc chắn ai ở trong hoàn cảnh như anh đều phải chịu một cú sốc to lớn, nhưng với tôi, nó chỉ tựa một nỗi buồn man mác, chút đỉnh, đơn giản vì tôi đã biết trước điều đó qua phần giới thiệu tác phẩm rồi. Phần sau câu chuyện là một chuỗi diễn biến nhẹ nhàng, vẫn có những tiết lộ bất ngờ nhưng không mấy kịch tính, thế là tôi dần dần bị tác giả dẫn dắt vào một trạng thái thư giãn, thoải mái, tò mò theo dõi diễn biến câu chuyện, hồi lâu tôi quên mất lời cảnh báo ban đầu: “Đây là một câu chuyện tàn nhẫn”. Đúng vậy, tôi hối hận, hối hận vì đã quên mất, không phải ai khác mà chính Keigo đã viết nên câu chuyện này, tôi đã quên mất tim tôi từng đập nhanh thế nào, lồng ngực tôi từng nặng trĩu thế nào khi gấp Phía sau nghi can X hay Bạch dạ hành lại. Tôi bị tác giả đánh lừa cũng nhiều lần rồi, tôi bị giọng văn ung dung, từ tốn của ông dẫn vào cái thế giới kỳ ảo, phi thực nhưng rất nhẹ nhàng, bình dị không biết bao lần, để rồi khi tin rằng mọi chuyện chỉ đơn giản là vậy, tôi bị tác giả giáng cho một cú quá bất ngờ đến không kịp trở tay, cảm xúc bị đẩy lên đến cực điểm. Trong chớp mắt, thế giới bình dị, kỳ ảo của tiểu thuyết chợt tan biến, thay vào đó là cái thế giới thực tại trần trụi, tàn nhẫn mà xuyên suốt câu chuyện chỉ ngấm ngầm hiện hữu, nay xuất hiện rõ rệt, bao trọn lấy tác phẩm và dằn xé tâm can của người đọc.
Dằn xé tâm can độc giả chính là cái tài của Keigo.
“…Heisuke nhìn vào bóng tối, thầm nghĩ không biết gã vừa mất vợ hay mất con gái”. Đây là một trong những câu nói mở đầu cho chuỗi ngày tăm tối của Heisuke, nhân vật chính của chúng ta. Anh đã mất vợ hay mất con, câu này tôi cũng tự hỏi chính mình. Nếu Heisuke xem Naoko (trong thân xác Monami) là vợ, anh sẽ phải vĩnh viễn xóa đi sự tồn tại của con gái mình ra khỏi tiềm thức, nhưng bản thân anh cũng không thể đối xử với Naoko như với một người vợ được, vì đó vẫn là thân xác của con gái anh, vậy anh được gì? Ngược lại, nếu Heisuke chấp nhận Naoko như con gái mình và đi bước nữa, liệu cuộc sống mới của anh có được suôn sẻ không? Naoko có đủ cao thượng để nhìn cha mình, à không, chồng mình chứ, hằng ngày cười nói, ôm ấp, ngủ với một người phụ nữ khác không phải là mình không? Liệu cô có thể gọi người phụ nữ đó là mẹ không? Tóm lại, tôi đã nghĩ đủ mọi lẽ, dù anh chọn con đường nào, anh cũng sẽ đánh mất cả hai, đó chắc chắn là điều không thể tránh khỏi. Nhưng Keigo, bậc thầy tạo ra những hoàn cảnh trớ trêu, cay đắng, đã quyết định để Heisuke phải nhận cái kết cục tàn nhẫn nhất, đau đớn nhất có thể…
Tình nghĩa vợ chồng và cơ hội sống lại một cuộc đời thứ hai? Sự lựa chọn nào là đúng đắn? Heisuke là người cao thượng hay ích kỷ? Những câu hỏi đó, tự tôi đã có câu trả lời rồi. Và trong tác phẩm này, thực sự tôi không ghét ai cả, vì tất cả mọi thứ diễn ra đều là tất yếu, là tương lai có thể nhìn thấy trước. Tôi đã nghĩ nhiều và nhận thấy, không có một cái kết viên mãn nào cho câu chuyện này. Đúng, tôi thương cho số phận của Heisuke (và nhiều nhân vật khác nữa), nhưng tôi không ghét Naoko, nếu có thì chỉ là trách chị ta đã không chọn một cách thức ít tàn nhẫn hơn, nhưng ai biết được, lẽ ra mọi chuyện đã không diễn biến theo chiều hướng như vậy nếu không có sơ sót vô lý đó, lẽ ra sự thật sẽ mãi mãi được chôn vùi.
Tôi không thích truyện tâm lý Mỹ, vì dù mô tả kỹ tới đâu, có cơ sở khoa học tới đâu, khi đọc nó, tôi hiểu được nhân vật, nhưng vẫn có cảm giác chỉ là người ngoài cuộc, tôi thấy những nhân vật đó cũng khổ đấy, cũng dằn vặt đấy, cũng đấu tranh nội tâm khốc liệt đấy, nhưng tôi không thể liên hệ chúng với bản thân mình. Còn đối với văn học Nhật, điển hình là các tác phẩm của Higashino Keigo, dù không hề có một dòng nào phân tích chi tiết, chuyên sâu về tâm lý nhân vật, thế nhưng đôi khi chỉ bằng một hành động nhỏ của các nhân vật thôi cũng đủ khiến tôi như bị cuốn vào thế giới nội tâm của họ, khiến tôi tự đặt bản thân vào hoàn cảnh của từng nhân vật, khiến tôi nếm trải được phần nào những đau thương, mất mát của họ.
Lúc nào cũng vậy, không chỉ xoay quanh những nhân vật chính, truyện của Keigo còn soi chiếu đến những góc khuất trong số phận con người qua hình ảnh các nhân vật phụ, đặc biệt là những con người bị xã hội lên án. Mỗi khi đọc xong một tác phẩm của Keigo, tôi luôn rút ra một bài học chung: chúng ta không có quyền phán xét ai cả, đơn giản vì chúng ta không thể nào hiểu hết được bản chất của một con người. Cái chúng ta thấy hằng ngày, trên báo đài, trên tivi hay trực tiếp qua những người mà ta gặp gỡ, hết thảy chỉ là bề nổi thôi. Con người là một thực thể phức tạp, nếu bạn nghĩ có thể đánh giá một người cách toàn diện chỉ qua quan sát thì tôi xin cam đoan, bạn đã lầm. Ai đã đọc Naoko rồi, chắc hẳn đều có cùng chung suy nghĩ với tôi, không phải Heisuke là người cao thượng nhất, hy sinh nhiều nhất trong tác phẩm.
Tôi không đánh giá cao Naoko bằng Phía sau nghi can X và Bạch dạ hành, nhưng tôi yêu tác phẩm này.
Bí Mật Của Naoko
Cuộc sống của Hirasuke trôi qua hết sức bình lặng, cho đến một ngày tai nạn khủng khiếp xảy ra, và gã mất đi người vợ yêu quý nhất của mình, còn đứa con gái bé bỏng thì vẫn trong tình trạng hôn mê bất tỉnh. Nhưng chỉ sau một đêm, con gái gã tỉnh lại và một mực xưng mình là Naoko, vợ gã. Dường như linh hồn của Naoko đã nhập vào thể xác con gái, còn Monami thực sự đã chết. Rốt cuộc Hirasuke đã mất vợ hay con gái trong vụ tai nạn ấy ?
Câu chuyện hấp dẫn, đủ để bạn phải lật hết chương này sang chương khác. Hấp dẫn không phải ở chuyện thay xác đổi hồn mà là ở diễn biến khó lường của câu chuyện, người đọc không biết được kết quả khi chưa đọc đến trang cuối cùng.
Dù rằng ở Nhật Bản, tác phẩm này được xếp vào thể loại huyền bí, nhưng đối với độc giả hiện nay với “level” thượng thừa, thì chuyện huyền bí trong truyện này chỉ là tầm thường. Cái làm nên giá trị cho tác phẩm chính là sự nhân văn hiển hiện không chỉ trong từng nhân vật, từng sự kiện mà còn trong từng tình tiết và câu chữ. Diễn biến câu chuyện cứ khiến người xem xúc động – không mãnh liệt, dâng trào mà là một thứ cảm xúc nhẹ nhàng, ngấm ngầm mà day dứt.
Cái kết có hơi sốc nếu bạn quá yêu mến nhân vật Hirasuke, vì bạn sẽ cảm thấy Naoko hơi tàn nhẫn hay đúng hơn là tác giả hơi tàn nhẫn. Riêng với tôi, tôi cứ tự hỏi: sao tác giả không giải quyết vấn đề ngược lại: chính cô gái là tác giả của trò chơi, nhằm giúp bố mình không quá đau đớn trước cái chết của mẹ ? Ồ… tại vì hơi bị ảnh hưởng Guillaume Musso ấy mà… Haha…
Huỳnh Minh Nhựt
“Cuộc sống của Hirasuke trôi qua hết sức bình lặng, cho đến một ngày tai nạn giao thông khủng khiếp xảy ra và gã mất đi người vợ yêu quý nhất của mình, còn đứa con gái bé bỏng vẫn trong tình trạng hôn mê bất tỉnh. Nhưng chỉ sau một đêm, con gái gã tỉnh lại và một mực xưng mình là Naoko, vợ gã. Dường như linh hồn của Naoko đã nhập vào thể xác con gái, còn Monami thực sự đã chết. Rốt cuộc Hirasuke đã mất vợ hay con gái trong vụ tai nạn ấy?”
1. Ưu điểm:
– Cách chọn TÌNH HUỐNG TRUYỆN vô cùng, phải nói là VÔ CÙNG THÔNG MINH. Chọn đề tài là sự hoán đổi linh hồn giữa Naoko và con gái Monami, Keigo dễ dàng tạo nên những mắt xích liên kết giữa 3 chiều Quá khứ – Hiện tại – Tương lai một cách nhuần nhuyễn và k kém phần hợp lý. Về điều này nhiều tác phẩm khác hiện nay còn đang khá lúng túng trong việc thể hiện lại QK. Vì nếu k có QK thì vô cùng khó để thể hiện đúng nội tâm, tâm lý nhân vật, nhưng nếu thể hiện k khéo sẽ trở thành dài dòng, lan man để rồi mất đi cái đắt của tác phẩm.
– Câu chuyện xuyên suốt tác phẩm rất đỗi đời thường, bình dị và thân thuộc. Những lễ nghĩa, phong tục hay tác phong của người Nhật đều đc tái hiện lại trọn vẹn. Tuy những sinh hoạt của Nhật Bản có khác biệt với VN, nhưng có lẽ cùng thuộc khu vực châu Á nên ít nhiều cũng có những nét tương đồng, người đọc k bị quá bỡ ngỡ mà trái ngược, có cảm giác gia đình Sugita chính là gia đình nhỏ của mình.
– Về những phong tục, tập quán, những lễ hội đc dịch giả để nguyên tên tiếng Nhật và sẽ đc giải thích cụ thể bên dưới chú thích.
– Đoạn gặp gỡ giữa 3 người Naoko, Soma và Hirasuke đặc biệt hay, k hổ danh đc chắp bút bởi Keigo.
– Những đoạn văn miêu tả tuyệt vời. Điển hình như lúc bà Negishi sau khi đã trút được hết nỗi lòng mình: “Ôi đúng là có tuyết. Tôi đã cảm thấy thế..! Những hạt tuyết như những cánh hoa màu trắng rơi đang lã chã bên ngoài.” Chà..! Lã chã! Là lã chã cơ đấy! Là tuyết đang rơi, hay chính trời cao kia đag nhỏ lệ? Và, tại sao lại là tuyết chứ không phải là mưa? Vì tuyết thì lạnh buốt tim gan hơn mưa, tuyết lặng lẽ trút xuống như xót thương cho những bi ai nơi trần thế.
– Để lại nhiều câu hỏi k lời giải đáp sau khi đọc xong tác phẩm. Như này có đúng k nhỉ? như vậy nghĩa là sao?… Có lẽ k có nghi vấn, thì k phải là Keigosama!
2. Nhược điểm
– Nhiều chỗ nhầm lẫn giữa tên Naoko và Monami – Soma và Hirasuke. Gây nên nhiều đoạn đọc đến phì cười như này: Hirasuke liếc nhìn Hirasuke…?!
– Mạch truyện kéo dài đến 5 năm trong khi sách in chỉ vỏn vẹn 464 trang (font chữ to, căn khoảng trống quá lố, phải cái Keigo xuống dòng hơi nhiều) nên mỗi năm các sự kiện của gia đình Hirasuke đc điểm lại là chính. Bù lại tác giả rất biết đánh vào tâm lý độc giả để miêu tả tâm lý vợ chồng Naoko kĩ hơn là đi vào kể sự việc (Ưu – Nhược? )
– Còn mắc 1 số lỗi chính tả. Cũng k hẳn là lỗi chính tả, có thể là LỖI ĐÁNH MÁY (Ý nghĩ -> ý nghĩa…)
–> TỔNG KẾT, BMCN là 1 truyện nhẹ nhàng phù hợp vs những bạn mới đọc trinh thám hoặc các bác muốn đổi gió!
Tạ Minh Sơn
Theo ngôn ngữ của bọn ngôn tình thì cuốn này thuộc thể loại “trọng sinh”. Đa số nữ 9 trong ngôn tình sẽ sống lại chính bản thân mình khi còn “con gái”, để từ đó dùng kinh nghiệm sống (thường là tang thương) của bản thân để sống lại một cuộc đời mới không hối tiếc, có thù trả thù, có tình thì trả tình. Còn đối với nữ 9 của bậc thầy Keigo, tình huống đặc biệt cay đắng hơn, bi kịch hơn, nàng đang có cuộc sống bình dị, đạm bạc nhưng hạnh phúc với người chồng hết lòng vì vợ con, thì bị tai nạn giao thông cùng với con gái, và sống lại với thân phận và thể xác của chính con gái mình. Nam 9 không soái ca (đến nỗi chính bản thân gã cũng phải xấu hổ khi nhìn thấy mình khỏa thân trong gương), cũng không tài giỏi, không xuất chúng, mà chỉ là một người đàn ông trung niên ít học, đời thường, cả đời cắm mặt làm lụng mới đủ để nuôi sống gia đình. Tấm lòng người chồng, người cha dung dị mà cao cả toát lên từ một người đàn ông bình thường như vậy.
Nói về nữ 9 trước (vì thú vị hơn): nữ 9 sống lại cuộc đời của con gái mình, trẻ trung, nhưng chững chạc, tháo vát, hiểu biết. Nàng quyết định sống tiếp cuộc sống của con gái một cách trọn vẹn, để tuổi thanh xuân của hai mẹ con không trải qua một cách lãng phí đầy hối tiếc như trước đây bà đã từng. Trong vai một đứa trẻ, nàng học hành tích cực với tư tưởng của một bà mẹ và cũng hoàn thành công việc nội trợ, nấu nướng một cách xuất sắc, đúng chuẩn “con nhà người ta”. Nhưng đã hòa nhập với xã hội, với những đứa trẻ cùng trang lứa, tâm hồn nàng không thể nào mãi là một bà nội trợ tuổi trung niên được. Nhất là khi rất nhiều tên con trai tuổi dậy thì say nắng một cô gái đúng chuẩn “con người ta” như nàng. Chẳng lẽ một cô gái như vậy, lại sống cả đời với một người đàn ông trung niên bụng phệ hay sao?
Nói về nam 9 (dù không được để tên trong tựa đề nhưng nhân vật này mới là nhân vật khiến mình tức thở, khó chịu, dằn vặt khi đọc cuốn này): Chấp nhận với sự thật đau khổ rằng, số phận đã cướp đi một trong hai người quan trọng nhất đời mình, Hirasuke hoang mang không rõ, bây giờ mình là chồng, hay là cha. Vì đã tự hứa với chính mình, rằng phải “chăm sóc cho tâm hồn của vợ và thể xác của con gái”, “gã” đã cố gắng kìm nén mọi tơ tưởng của mình với những người phụ nữ khác. Nhưng cuộc sống vợ chồng đâu thể chỉ đơn giản là sống chung nhà, ăn chung mâm, mà còn một phần quan trọng không kém: đời sống tình dục. Cho dù bên trong thân thể của con gái mình là tâm hồn của người vợ, người chồng, người cha cũng không thể nào làm chuyện đó với con gái ruột của mình. Gã đã phải kìm nén đến độ, khi cô gái điếm làm đủ mọi cách gã cũng không cách nào cương lên nổi. Cho dù cha vợ lẫn cả người vợ của mình cũng lên tiếng bảo gã: “hãy tái giá đi”, gã vẫn một mực: “anh có Naoko rồi”. Và khi Naoko vui sướng với cuộc sống trường lớp hiện tại, còn gã thì ngày càng bị đẩy xa ra khỏi cuộc sống sôi nổi của nàng, gã vẫn nhận định rằng “thế giới” của gã và Naoko là không ai có thể thấu hiểu và xâm phạm. Dù Naoko cười nói với bao nhiêu người, thì giọt nước mắt của nàng chỉ lăn xuống trên vai của Hirasuke, và gã tự nhủ: “trên con đường này, chỉ còn gã là chỗ dựa duy nhất cho Naoko”.
Đến cuối cùng, dù không ai bảo ai, nhưng cả hai người bọn họ đều biết, không thể tiếp tục sống một cuộc sống bế tắc dằn vặt lẫn nhau như thế này mãi được. Naoko cũng muốn thử sống một cuộc sống “vợ chồng thật sự” với chồng mình, nhưng cả hai đều không thể làm được. Rồi cả hai người bọn họ cùng đưa ra một quyết định tàn nhẫn. Đối với Hirasuke, sự “ngược tâm” này lên đến đỉnh điểm. Đối với Naoko, ai biết được nàng hạnh phúc hay không? chiếc nhẫn cưới của nàng cũng giống như hai con búp bê giống hệt nhau treo trong xe của người cha bị mất hai cô con gái song sinh. Đau hay không đau, người ngoài sao có thể phán xét?
Bí mật của Naoko – Higashino Keigo
Heisuke tưởng chừng như đã có tất cả: một công việc ổn định, một ngôi nhà hạnh phúc với người vợ nội trợ giỏi giang Naoko và cô con gái nhỏ Monami. Nhưng biến cố bất ngờ đổ ập xuống, tai nạn giao thông đã cướp Naoko khỏi cuộc dời anh, còn Monami thì không có hy vọng tỉnh lại. Nhưng tất cả chỉ mới là phần mở đầu cho bi kịch mà chính Heisuke và gia đình anh sắp phải đối mặt.
Đó là khi Monami tỉnh dậy và tự nhận mình là Naoko! Con gái anh không thể nào có những thói quen, hành động, lời nói, cử chỉ giống y như mẹ nó được! Dù có bắt chước, nhưng làm thế nào nó biết được chuyện riêng tư giữa hai người, và làm sao nó có thể nấu ăn giỏi như cách Naoko từng làm?…
Sau tai nạn ấy, Heisuke chẳng biết được rốt cục anh đã mất ai: thân xác của Naoko hay linh hồn của Monami? Chỉ biết rằng, giờ đây, anh phải chấp nhận hoàn cảnh trớ trêu này, sống với người vợ thân yêu trong thân thể của đứa con gái bé nhỏ.
Quan hệ giữa hai người nên là gì đây? Là cha – con thì thật khó chấp nhận vì tâm hồn, lý trí, tình cảm của Naoko vẫn tồn tại. Nhưng là vợ – chồng thì Heisuke có đủ can đảm để làm tình với thể xác của con gái mình và vượt qua mặc cảm loạn luân? Làm sao để chế ngự bản năng ham muốn trong con người của Heisuke? Naoko liệu sẽ ra sao khi cô lớn lên từng ngày trong thân xác Monami? Và cả hai sẽ duy trì quan hệ với người thân, bạn bè và xã hội như thế nào? Những cám dỗ bên ngoài liệu có phá vỡ hạnh phúc mong manh còn lại? Và đến một ngày, nếu Monami sống dậy thì cuộc đời ba người sẽ ra sao? Đó là những mâu thuẫn không có lối thoát, cứ âm ỉ lớn lên từng ngày theo thời gian, từ lúc Monami còn là một đứa trẻ cho đến khi trưởng thành.
Song hành đó, sự thật phía sau gia đình của người tài xế gây
ra tai nạn là gì? Và nó có gợi mở cho Heisuke cứu gia đình mình khỏi bi kịch hiện tại hay không?
Càng về cuối truyện, tưởng như một con đường tốt đẹp mở ra cho gia đình Heisuke, mọi thứ rồi sẽ bình yên trở lại, tưởng như đó đã là tất cả những gì mà tác giả muốn gửi gắm tới người đọc. Thì Keigo – người luôn che giấu những cú plot twist bất ngờ cho những trang cuối tác phẩm của mình, một lần nữa đã đánh gục mọi định kiến chủ quan, cảm xúc, suy nghĩ, tình cảm mà độc giả dành cho các nhân vật trong truyện theo cách không thể ngỡ ngàng hơn.
Để rồi, chính Keigo phơi ra cái hiện thực đến tàn khốc mà ta phải đau đớn nhìn lại: sau 9 năm kể từ tai nạn ấy, ai mới là người đau khổ nhất đây? Heisuke hay là Naoko? Có lẽ, chỉ khi đặt mình vào hoàn cảnh của mỗi người, ta mới ít nhiều cảm nhận được nỗi đau của người đó mà thôi. Bởi vì: “Nỗi buồn không phải là những thứ chỉ nhìn thấy bằng mắt”, mà bằng chính trải nghiệm đau thương trong cuộc đời của chúng ta.
P.S: Có hai phiên bản là movie và drama đều của Nhật Bản. Và nhìn hình ảnh của 2 nhân vật vào vai Heisuke, Manomi (Naoko) trong phiên bản drama, thì những khung hình, cảm xúc của truyện như đoạn film lần lượt tua lại trong tâm trí tôi. Nếu có một từ nào đó để gọi tên cảm xúc ấy, chắc có lẽ là “ám ảnh”.
Thường thì người ta sẽ viết ngay ra những cảm nhận của mình sau khi đọc xong một quyển sách, kẻo lại trôi qua mất những cảm xúc ấy. Nhưng có những quyển sách không phải đọc xong là có thể hiểu hết được, cũng như có những quyển sách cảm xúc mà nó mang lại nhiều hơn một sự hứng thú nhất thời, cứ âm ỉ, râm ran đeo bám không ngừng, và cần thời gian để thẩm thấu nhiều hơn. “Bí mật của Naoko” là một quyển sách như vậy.
Bí mật của Naoko
Với tôi, đây không phải một tác phẩm đủ sức hấp dẫn để có thể đọc liền một mạch mà không bị chán. Khi trang sách cuối cùng được lật đến, khi “điều bí mật” của Naoko được bật mí, tức một giọt nước cuối cùng tiếp theo, dù liều lượng không nhiều nhỏ vào câu chuyện, cũng đủ làm tràn ly nước cảm xúc bấy lâu của Heisuke. Tất cả vỡ oà. Đây mới chính là sự sụp đổ thực sự. Nhưng đó tuyệt nhiên chỉ là thứ cảm xúc của nhân vật. Điều mà tôi thấy được là một cái gì đó rất nhẹ nhàng, chưa thể cảm nhận được ngay, giống như vừa bị cắt bởi một thứ vô cùng sắc bén, chỉ thấy đau sau đó mà thôi.
Tôi sẽ không nhìn nhận quyển sách này theo góc nhìn thông thường người ta vẫn hay nhìn nhận. Một khía cạnh khác, gần gũi hơn với bản thân tôi. Đó không phải là nỗi đau của Heisuke sau tai nạn làm mất đi người thân của gã, không phải nỗi dằn vặt không biết gã đã mất đi vợ hay con gái của mình, hay cơn ghen tuông của một người chồng khi thấy vợ mình sống trong thân thể của cô con gái duy nhất, tận hưởng thời thanh xuân với những ước muốn chưa thực hiện được. Không. Những thứ đó chỉ là vẻ bề ngoài của cùng một cốt lõi, một bản chất. Thực chất là, cả hai đã không sống đúng với bản thân mình, với những gì mình muốn và muốn mang lại cho đối phương. Đó mới là nỗi đau ẩn sau tất cả, là thứ chi phối mọi hành động của Heisuke và Naoko.
Truyện có nhiều hình ảnh đẹp, nhiều câu văn tưởng chừng như vô hại nhưng lại có sức sát thương tới người đọc vô cùng. Và tuy so với những tác phẩm khác của Keigo, nó chưa đủ hấp dẫn hay có một cái kết cao trào, nhưng nó đã thật sự là một thế giới đậm chất nhân văn và chan chứa tình người. Câu nói của Heisuke đơn giản mà sao lại tình cảm và đau lòng đến thế “Vì anh có Naoko rồi”.
Đầu truyện người ta trách Heisuke, cuối truyện người ta trách Naoko. Nhưng trong câu chuyện này, không ai đáng trách cả, họ chỉ làm những điều đúng đắn nhất trong hoàn cảnh ấy, hoặc chí ít, họ cho nó là đúng đắn và nên làm. Nếu có trách, thì hãy trách những rào cản khiến họ không thể sống thật với chính mình, sống theo những gì mình muốn. Những rào cản không-thể-vượt-qua. Cũng giống như trong xã hội ngày nay, sống một cuộc đời mình muốn chưa bao giờ là điều dễ dàng.
Bởi vì “Nỗi buồn không phải là những thứ chỉ nhìn thấy bằng mắt”.
Mục lục bài viết
Chia sẻ:
Thích bài này:
Thích
Đang tải…