Bí ẩn các vương triều cổ: Xây đền Taj Mahal bằng tình yêu
Nếu không có mối tình mãnh liệt đầy lãng mạn giữa hoàng đế Shah Jahan với vợ – Mumtaz Mahal, có lẽ nhân loại và Ấn Độ sẽ không có đền Taj Mahal.
Cú chạm mặt định mệnh
Shah Jahan (1592-1666) là vua đế quốc Mogul (Ấn Độ) từ 1628 đến 1658. Trong 30 năm trị vì, ông được mệnh danh là vị hoàng đế tàn bạo, vô độ, bất nhẫn nhưng lại có một tình yêu quá lớn với vợ – Mumtaz Mahal (1593-1631).
Hoàng tử Khurram, người đầy hy vọng kế vị ngai vàng, là con trai của vua Jahangir có nhiều biệt tài: đàn hay, hát giỏi, có khiếu làm thơ, tinh thông võ nghệ… Khurram dù còn nhỏ nhưng nổi tiếng can trường, có công rất lớn giúp vua cha dẹp loạn, đánh bật quân xâm lược. Vua yêu quý hoàng tử nhất trong số các con, đặt cho ông cái tên Shah Jahan (theo tiếng Ba Tư có nghĩa là Chúa tể thế giới).
Bộ phim tài liệu Mystery files: Taj Mahal (Hồ sơ bí ẩn: Đền Taj Mahal) đang chiếu trên kênh National Geographic (Mỹ) kể rằng: Một sáng đầu năm 1607, hội chợ Meena ở Delhi được tổ chức. Tại khu chợ Meena, Khurram bỗng lặng người khi nhìn thấy một cô gái bán lụa, đeo những chuỗi hạt thủy tinh lấp lánh nơi cổ. Vẻ đẹp của cô gái thu hút ngay Khurram. Nàng là Arjumand Banu Begum, tròn 14 tuổi nhưng có sắc đẹp khiến bao chàng trai điêu đứng.
Begum là con vị quan đại thần Abdul Hasan Asaf Khan, anh trai Nur Jahan (hoàng hậu của vua cha Jahangir).
Hôm sau, hoàng tử Khurram lập tức xin cưới Begum. Vua Jahangir đồng ý nhưng buộc phải dời ngày khác cho thuận lịch triều đình nên Khurram mãi tơ tưởng nàng Begum, nằng nặc đòi vua cha cho làm lễ thành hôn dù lúc đó đã có vợ là Akbarabadi Mahal. Năm 1609, Khurram lấy vợ thứ hai – Kandahari Mahal nhưng vẫn cứ thương nhớ Begum. Ngày 10.5.1612, ước mong suốt 5 năm dài của Khurram mới được toại nguyện: trở thành chồng của Begum. Yêu vợ đến nỗi, Khurram đặt cho Begum cái tên Mumtaz Mahal, tiếng Ba Tư có nghĩa người được yêu nhất trong cung điện.
Quá yêu nên vợ qua đời
Năm 1622, Khurram được vua cha tin tưởng tuyệt đối lại trở thành kẻ phản nghịch, âm mưu lật đổ ngai vàng của phụ thân. Cuộc đảo chính nhanh chóng bị dập tắt. Nhưng đến năm 1628, Khurram cũng đoạt được ngai vàng từ vua cha Jahangir. Lên ngôi tại Agra, hoàng đế Shah Jahan tiêu diệt dần những người anh em ruột thịt để thống nhất toàn bộ tiểu lục địa Ấn Độ. Dĩ nhiên Mumtaz Mahal được Jahan sủng ái nhất nhanh chóng lên ngôi hoàng hậu. Nàng không những chăm sóc vua mà còn tư vấn nhiều vấn đề liên quan đến quân sự, kinh tế, chính trị. Triều đại Mogul cũng phát triển thịnh vượng trong thời kỳ này, cho đến một ngày…
Cuối năm 1630, trong lúc thân chinh dẹp những phần tử ly khai, hoàng đế Shah Jahan thuận theo ý vợ cho nàng đi cùng ra trận trong lúc bụng mang dạ chửa đứa con thứ 14. Cô công chúa Gauhara Begum ra đời khỏe mạnh trong khi Hoàng hậu Mumtaz Mahal lại băng hà tại Burhanpur thuộc Deccan (nay là Madhya Pradesh) do sinh khó và kiệt sức vì theo chồng chinh chiến quá lâu. Năm đó là 1631, Mumtaz Mahal chỉ 39 tuổi. Quá đau đớn, chính hoàng đế Shah Jahan phải thốt lên rằng: “Chính tình yêu của ta đã giết chết nàng!”. Ông mất ăn mất ngủ trong nhiều tháng liền, ngồi trầm tư một mình, không màng đến danh lợi. Sử sách Ấn chép rằng chỉ sau một đêm thức trắng vì mất vợ, râu tóc của vua Jahan bạc trắng. Ngày nào ông cũng ra mộ vợ khóc than dù bên mình là hàng ngàn cung tần mỹ nữ.
Lúc hấp hối, hoàng hậu Mumtaz Mahal trăn trối 3 điều với chồng: Xây cho bà ngôi đền. Hằng năm đến ngôi đền thăm bà vào ngày giỗ. Và cuối cùng thay bà nuôi dạy con cái thật tốt. Để tỏ lòng thương nhớ vợ, hoàng đế Shah Jahan ra lệnh xây một ngôi đền thật hùng vĩ, nguy nga tráng lệ. Một năm sau ngôi đền được khởi công tại cố đô Agra (thời gian xây dựng từ 1632 đến 1643), được ông đặt tên là Taj Mahal. Hoàng đế Shah Jahan huy động 22.000 công nhân, thợ đá tài ba, kỹ sư giỏi nhất xứ Ba Tư, châu u để xây dựng đền. Chính tay ông đã chọn những phiến đá quý, kiểu dáng trong số hàng ngàn bản vẽ. Sau cùng, nhóm kiến trúc sư gồm Abd ul-Karim Ma’mur Khan, Makramat Khan và Ustad Ahmad Lahauri được chọn với thiết kế toàn bộ đền bằng đá cẩm thạch trắng, màu mà Mumtaz Mahal rất thích lúc sinh thời.
Tuy nhiên, như một định mệnh của luật nhân quả, hoàng đế Shah Jahan cũng bị các con “dòm ngó” ngai vàng. Aurangzeb là con thứ sáu của Jahan và Mumtaz Mahal xung đột với cha do mâu thuẫn ngày càng trầm trọng vì biết cha ưu ái anh trai trưởng hơn. Bi kịch xảy ra khi Jahan bắt đầu ngã bệnh năm 1658, các con trai tranh đoạt ngôi vua. Cuối cùng Aurangzeb chiến thắng sau khi giết tất cả anh em trai và nhốt vua cha Shah Jahan vào pháo đài Agra. Gần tám năm sau, Jahan qua đời (31.1.1666).
Suốt thời gian bị giam cầm, Shah Jahan không hề oán trách, chỉ cầu xin con mở cửa sổ phòng giam hướng về đền Taj Mahal để có thể ngày đêm ngắm người vợ quá cố. Yêu cầu được Aurangzeb chấp nhận. Thế là bao nhiêu mùa mưa nắng qua đi, Jahan vẫn lặng lẽ ngồi đó, mắt nhìn về ngôi đền Taj Mahal, nhớ lại quãng đời đã qua trong đau đớn tủi nhục. Vì quyền lực ông đã sát hại anh em mình, rồi giờ đây chính con trai lặp lại điều đó. Ông suy sụp dần và mất. Thi thể Jahan được chôn trong đền Taj Mahal, ngay cạnh người vợ ông yêu thương.
Năm tháng trôi qua, hoàng đế Shah Jahan và hoàng hậu Mumtaz Mahal lặng lẽ nằm đó trước bao đổi thay của thế giới. Nhưng giá trị tình yêu vĩnh cửu của hai người để lại cho thế hệ sau vẫn mãi trường tồn.
Đền Taj Mahal được coi là hình mẫu tuyệt vời nhất của kiến trúc Mogul, một phong cách tổng hợp các yếu tố của các kiến trúc Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và cả Hồi giáo. Đền được xây với chi phí 32 triệu rupees vào thế kỷ 17, tương đương hơn 500 triệu USD theo thời giá hiện nay.
Mái vòm bằng đá cẩm thạch trắng của lăng là phần nổi bật nhất. Đền được UNESCO xếp vào danh sách Di sản thế giới năm 1983 và được miêu tả là một “kiệt tác được cả thế giới chiêm ngưỡng trong số các di sản thế giới”.
Đỗ Tuấn