Bí ẩn của não phải – Hành trình của yêu thương – First News – Trí Việt
Mặc cho sự phát triển phi thường của khoa học – kỹ thuật, mãi cho đến gần đây, các nhà khoa học mới khám phá được khả năng của não phải – một bí ẩn nằm ngay trong cơ thể con người. Cuốn sách Bí ẩn của não phải của giáo sư Makoto Shichida đã làm người đọc sửng sốt vì những công bố của ông về “bức màn” não bộ khép kín hàng trăm năm nay.
Ra mắt năm 1984, bộ phim Amadeus của đạo diễn Milos Forman đã để lại những cảm xúc đau đớn trong lòng khán giả khi khắc họa bi kịch cuộc đời của nhà soạn nhạc Mozart. Thế nhưng hơn hết, Amadeus còn đưa khán giả đến một khoảnh khắc thiên tài của nhà soạn nhạc này. Khi được vua Áo yêu cầu nhận xét bản nhạc mới sáng tác của nhạc sĩ cung đình Salieri, Mozart đã không ngần ngại chơi lại bản nhạc ấy và thậm chí còn xúc động hơn cả bản nhạc gốc dù ông chỉ vừa nghe cách đó vài giây.
Trong cuốn sách của mình, giáo sư Makoto Shichida đã cho rằng sai lầm của các bậc phụ huynh và nhiều giáo viên dạy nhạc ngày nay là ép trẻ phải chơi nhạc chính xác theo bản phối, đọc thuộc lòng khuôn nhạc và ghi nhớ các bản hòa âm. Ông khẳng định học nhạc như trên chỉ phát triển được não trái của trẻ mà bỏ qua việc kích hoạt khả năng của não phải – vốn chứa đựng năng lực trực giác, tưởng tượng, ngôn ngữ – và vì vậy cũng bỏ qua khả năng sáng tạo âm nhạc của trẻ. Rõ ràng Mozart đã không cần phải luyện tập bản nhạc của Salieri hàng tháng trời, ông chỉ cần biết cách cảm nhận những thanh âm ấy bằng cả trái tim của mình.
Với những trang viết trong cuốn Bí ẩn của não phải, giáo sư Makoto Shichida đã chứng minh âm nhạc có thể được thẩm thấu bằng khả năng ghi nhớ tức thì cộng với sức tưởng tượng đáng kinh ngạc của não phải thông qua quá trình luyện tập.
“Mọi người thường nghĩ rằng chỉ có não trái mới tác động nhiều đến cuộc sống của con người. Họ tin rằng não trái đóng vai trò như một cơ quan độc lập và chỉ cần năng lực tư duy của não trái thôi đã là quá đủ. Họ không chịu thừa nhận các chức năng của não phải vì chúng không thể hiện qua ngôn ngữ và khó diễn đạt bằng lời.” – Giáo sư Shichida viết.
Cuốn sách của giáo sư Shichida bao gồm những khám phá khoa học mới nhất về não bộ cùng các phương pháp đã được thực chứng trên nhiều cá nhân. Với kết luận từ các báo cáo, khảo sát, Bí ẩn của não phải đem đến cho người đọc những phương pháp học ngoại ngữ mới mẻ bằng việc nắm bắt cơ chế nghe âm thanh.
Xuyên suốt Bí ẩn của não phải (First News phát hành) là những lá thư xúc động được của những người thực hiện phương pháp kích hoạt não phải gửi về cho ông Shichida. Để từ bỏ thói quen chơi nhạc, tư duy, tính toán theo não trái, họ đã vất vả hàng tháng, hàng năm đằng đẵng để tập luyện với những tấm thẻ phát triển trí tưởng tượng. Bí ẩn của não phải của giáo sư Shichida không chỉ là một cuốn sách chứng minh cho năng lực kỳ diệu của não phải mà còn là một ghi nhận cho nỗ lực không ngừng nghỉ của các bậc phụ huynh, những giáo viên tận tâm, kể cả những em nhỏ bị các căn bệnh khiếm khuyết trí tuệ.
Nếu Bí ẩn của não phải tập trung vào những nghiên cứu mới mẻ của giáo sư Shichida thì cuốn sách Giáo dục não phải cũng do ông chấp bút lại là những hướng dẫn cụ thể để phát huy khả năng của vùng não kỳ diệu này. Với quan niệm giáo dục là hành trình đánh thức năng lực tiềm ẩn của trẻ, tác giả đã đem đến cho các bậc phụ huynh những điểm cơ bản trong phương pháp Shichida để giúp trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ, tưởng tượng, tính toán. Qua 8 chương sách, Giáo dục não phải còn giới thiệu những trường hợp đã được kiểm chứng về khả năng ứng dụng của não phải vào cuộc sống. Vì vậy, độc giả cũng có cơ hội để hiểu được những khó khăn trong quá trình rèn luyện não phải lẫn những khả năng chúng đem lại.
Trước đây, mọi người cho rằng phát triển các năng lực trực giác, cảm thụ của não phải là năng khiếu bẩm sinh, thế nhưng, giáo sư Shichida đã chứng minh điều ngược lại: Không có khả năng nào không cần được con người trau dồi, rèn luyện và không có thiên tài nào lại không cần được nuôi dưỡng. Cũng chính vì vậy, hai cuốn sách của giáo sư Shichida còn là một chiếc cầu nối giữa cha mẹ và con cái trong quá trình tìm kiếm năng lực não phải. Đó là một cuộc hành trình dựa trên sự tin tưởng và tình yêu thương dành cho nhau.
Có thể nói, bằng những nghiên cứu và triết lý giáo dục nhân văn của mình, giáo sư Makoto Shichida đã khiến thế giới tương lai trở nên rộng lớn. Một thế giới không dành riêng cho những người có thiên hướng não trái hay một thiểu số thiên hướng não phải mà là một thế giới cộng hưởng giữa tình yêu và trí tuệ.
Nhật Chi