Bí ẩn quanh bức tranh ‘Mona Lisa thứ hai’
Bức tranh giống Mona Lisa được treo tại một căn hộ ở London những năm 1960. Đây có phải là phiên bản đầu tiên của bức họa nổi tiếng?
Năm 2012, tổ chức có tên Quỹ Mona Lisa công bố với thế giới bức tranh tương tự Mona Lisa của Leonardo da Vinci, gọi nó là bức “Mona Lisa cũ” và khẳng định nó cũng do Leonardo vẽ. Vì Mona Lisa là bức tranh nổi tiếng nhất thế giới và Leonardo là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất lịch sử, phát hiện này gây chú ý lớn trong giới hội họa.
Bức “Mona Lisa cũ” được công bố tại Thụy Sĩ năm 2012. Ảnh: AFP.
Quỹ Mona Lisa đưa ra một loạt bằng chứng để chứng minh bức tranh là phiên bản thứ hai, chưa từng được biết đến của bức chân dung lừng danh đang được trưng bày ở bảo tàng Louvre. Tuy nhiên, tổ chức này tuyên bố họ không sở hữu bức tranh mà nó thuộc về một tập đoàn quốc tế giấu tên.
Tuy nhiên, tại nam London, Andrew và Karen Gilbert có một câu chuyện khác: họ sở hữu 25% bức “Mona Lisa cũ”. Khi họ liên lạc với Quỹ Mona Lisa, tổ chức này phản hồi rằng họ không biết gì về nhà Gilbert. “Chúng tôi không thể tìm ra chủ sở hữu là ai, không ai nói cho chúng tôi bất cứ điều gì, chúng tôi không biết làm thế nào để khởi động thủ tục tố tụng”, Karen nói.
Mona Lisa là bức tranh chân dung vào thế kỷ 16 được Leonardo da Vinci vẽ bằng sơn dầu trên một tấm gỗ dương tại Florence, Italy. Khuôn mặt nàng Mona Lisa trong tranh khiến người ta không thể đoán định rằng nàng có đang cười hay không, khiến tác phẩm này là đề tài tranh luận của nhiều nhà phân tích.
Trong khi đó, bức “Mona Lisa cũ” cũng là trung tâm của các bí ẩn liên quan đến thiên đường thuế ở Caribe, két giữ đồ của ngân hàng Thụy Sĩ, một tập đoàn quốc tế và “Sherlock Holmes của giới hội họa”.
Liệu bức “Mona Lisa cũ” này có đúng là tác phẩm của Leonardo?
“Tôi hoài nghi về điều đó nhưng rất tò mò”, giáo sư Jean-Pierre Isbouts, từ Đại học Fielding ở California, Mỹ, nói. Ông được Quỹ Mona Lisa đưa đến Thụy Sĩ để giám định bức tranh.
“Tôi bước vào khu vực két giữ đồ của ngân hàng Thụy Sĩ, ở đó rất lạnh và tôi đã dành khoảng hai giờ để ngắm bức tranh. Nhưng thực ra chỉ sau 5 phút tôi đã nhận ra đây là tác phẩm của Leonardo”.
Ông tin bức chân dung là tranh thật không chỉ vì nét vẽ mà còn vì bằng chứng lịch sử. “Giorgio Vasari, người viết tiểu sử về Leonardo thế kỷ 16, viết rõ rằng Leonardo đã vẽ Mona Lisa trong 4 năm nhưng sau đó để nó dang dở”.
Việc này phù hợp với sự xuất hiện của “Mona Lisa cũ” – phiên bản có phần nền không hoàn chỉnh, không giống bức chân dung nổi tiếng tại Louvre. Giáo sư Isbouts cũng chỉ ra các ghi chép lịch sử đề cập đến việc Leonardo vẽ bức họa Mona Lisa cho hai khách hàng khác nhau, làm tăng khả năng ông đã vẽ hai bức chân dung riêng biệt.
So sánh giữa bức “Mona Lisa cũ” và bức tranh nổi tiếng được trưng bày tại bảo tàng Lourve. Ảnh: AFP.
Giáo sư Isbouts nói thêm rằng các thử nghiệm khoa học cũng củng cố lập luận này. “Kết quả giám định khoa học cho thấy tranh này đúng là được vẽ từ đầu thế kỷ 16, nó chắc chắn là tác phẩm của Leonardo vì bố cục giống hệt bức Mona Lisa ở Louvre. Các biểu đồ kỹ thuật số màu sắc được sử dụng cho thấy cách vẽ của hai bức tranh giống hệt nhau”.
Nhưng không phải ai cũng có chung quan điểm, trong đó có Martin Kemp, giáo sư danh dự về lịch sử hội họa tại Đại học Oxford. Ông không đồng ý quan điểm rằng các ghi chép lịch sử cho thấy hai bức Mona Lisa đã được vẽ. Theo ông, người viết tiểu sử Vasari đã không nắm được đầy đủ thông tin.
Thay vào đó, giáo sư Kemp cho rằng Leonardo chưa bao giờ trao bức chân dung cho khách hàng đầu tiên mà chỉ trao cho người thứ hai. Ông không loại trừ khả năng bức tranh mà Quỹ Mona Lisa công bố là tác phẩm của Leonardo nhưng ông thấy không có bằng chứng thuyết phục chứng minh điều đó. Theo ông, kết quả kiểm tra hồng ngoại cho thấy cách vẽ của hai bức tranh giống nhau nhưng đây là “kiểu vẽ khi bạn đang sao chép một thứ gì đó chứ không phải sáng tạo ra”.
Điều mà những người ủng hộ giả thuyết “Mona Lisa cũ” là tác phẩm của Leonardo da Vinci cần làm là giải thích bức tranh đến từ đâu.
Nó đột nhiên xuất hiện vào năm 1913, khi nhà sưu tập và kinh doanh tranh Anh Hugh Blaker mua nó từ một trang viên ở Somerset. Giáo sư Robert Meyrick của Đại học Aberystwyth, người nghiên cứu về cuộc đời của những người buôn tranh nói: “Blaker tin rằng anh ta đã tìm được món hời”. Tuy nhiên, Blaker cuối cùng không bán lại được nó cho ai.
Sau khi Blaker qua đời, bức tranh đến tay một người buôn tranh lập dị tên là Henry Pulitzer. Ông tin rằng “Mona Lisa cũ” còn ấn tượng hơn so với tác phẩm ở Louvre. Tuy nhiên, Pulitzer cần trợ giúp để thuyết phục thế giới rằng cả hai đều do Leonardo vẽ.
“Ông ấy tiêu tốn rất nhiều tiền để quảng bá, vì ông ấy muốn chứng minh rằng đó thực sự là tranh của Leonardo da Vinci”, Andrew Gilbert nói.
Gia đình anh quen biết Pulitzer, họ đã mua và cũng bán lại tranh cho ông này. Họ cho BBC xem một loạt tài liệu cho thấy gia đình đã mua 25% bức tranh “Mona Lisa cũ” vào năm 1964 và cung cấp ảnh cho thấy tranh này được treo trên lò sưởi căn hộ ở London của Pulitzer. Khoảng một thập kỷ sau, Pulitzer đã cất bức chân dung trong két giữ đồ của ngân hàng Thụy Sĩ. Sau khi ông qua đời, bức tranh đến tay tập đoàn quốc tế giấu tên năm 2008.
Quỹ Mona Lisa kịch liệt phản đối tuyên bố của nhà Gilbert. Chủ tịch quỹ nói hồi tháng 7 rằng lời của họ “vô căn cứ và không hợp lý”.
Bức “Mona Lisa cũ” được treo tại căn hộ của Pulitzer những năm 1960. Ảnh: Gia đình Gilbert.
Tuy nhiên, gia đình tiếp tục theo đuổi vấn đề này và nhờ cậy “Sherlock Holmes của giới hội họa”, biệt danh của Christopher Marinello, CEO công ty tư nhân Art Recovery International cung cấp dịch vụ thẩm định, giải quyết tranh chấp và phục hồi tranh. Nhờ Marinello, nhà Gilbert đã bắt đầu các thủ tục pháp lý chống lại Quỹ Mona Lisa ở Italy trong khi bức tranh được triển lãm ở Florence. Tuy nhiên, cả Marinello và nhà Gilbert đều không chắc chắn rằng liệu “Mona Lisa cũ” có đúng là tác phẩm của Leonardo hay không.
Khi phiên tòa diễn ra vào tuần trước, luật sư của nhà Gilbert, Jac Protti, nói rằng đây là “vụ án rắc rối và thú vị nhất tôi từng tham gia”.
Nỗ lực của nhà Gilbert đã đem về một số kết quả. Karen Gilbert cho biết Quỹ Mona Lisa tuyên bố trước mặt thẩm phán rằng Mona Lisa Inc ở Anguilla, lãnh thổ hải ngoại của Anh ở Caribe, là chủ sở hữu của bức tranh”. Đây là lần đầu tiên quỹ này tiết lộ chủ sở hữu của bức tranh.
Mặc dù không có gì cho thấy tổ chức này hay tập đoàn quốc tế có bất kỳ hành động sai trái nào, Anguilla được biết đến là một “thiên đường thuế” (quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà không đánh thuế hoặc lấy thuế rất thấp) với cách kinh doanh kín đáo.
Luật sư của Quỹ Mona Lisa, Marco Parducci, nói rằng tuyên bố của Gilbert cho thấy chúng bị thúc đẩy bởi “lợi ích kinh tế và mong muốn phá hoại quỹ”. Phiên tòa tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng ba năm sau.
Leonardo, người qua đời 500 năm trước, sẽ nghĩ gì nếu biết về những rắc rối xoay quanh bức tranh “Mona Lisa cũ”?
“Ông ấy sẽ vô cùng hài lòng. Ông ấy quan tâm đến sự nổi tiếng”, giáo sư Kemp vừa cười vừa nói”. “Leonardo có thể không thích một số lập luận ngớ ngẩn, nhưng thực tế rằng tên của ông ấy là cái tên được biết đến nhiều nhất trong lịch sử văn hóa? Ông ấy sẽ rất hài lòng”, Kemp nói thêm.
Phương Vũ (Theo BBC)