Bí ẩn thuật thôi miên khiến tâm trí bị điều khiển

(PLO) -Được bác sĩ Anton Mesmer người Áo phát hiện trong thế kỷ 18, “Thôi miên” được định nghĩa là “trạng thái thăng thiền giống giấc ngủ, tạo ra do những ám thị của nhà thôi miên được đối tượng chấp nhận”. Năm 1842, bác sĩ James Braid người Scotland đã đưa ra thuật ngữ này với tiếng Hy Lạp có nghĩa là giấc ngủ.

Bản chất của thôi miên

Từ xưa, các thầy tu Ai Cập và Do Thái đã dùng một biện pháp kỳ lạ để dẫn dụ người dân trong những buổi cầu nguyện cũng như chữa bệnh. Họ sử dụng một kỹ thuật ám thị người nghe bằng lời cầu xin thần linh phù trợ và các câu phù chú, ẩn dụ.

Thế kỷ 15, một tu sĩ ở Roma đã tìm cách lý giải hiện tượng này mà không dùng lý luận mang màu sắc thần giáo. Ông ta đã thực hiện một thí nghiệm nổi tiếng là để một con gà mái nằm ngửa trên tấm gỗ và luôn nhìn vào mắt của con gà. Một lúc sau, con gà nằm yên, giống như đang ngủ và muốn đánh thức nó thì phải tác động nhẹ lên người con vật.

Các thực nghiệm tương tự còn được làm với nhiều loài động vật như bò sát, cá, ếch, côn trùng… Khi những con vật thí nghiệm được đặt vào một tư thế khác thường, nó rơi vào trạng thái tĩnh, giả vờ chết, hay còn gọi là hiện tượng bị thôi miên.

Trong tự nhiên, nhiều khi động vật cũng tự rơi vào trạng thái đó khi chúng cảm thấy nguy hiểm, ví dụ như chuột giả chết khi bị mèo bắt. 

Người ta cho rằng, con người khi đứng trước một nguy cơ bất ngờ và dễ sợ hãi thường có biểu hiện đứng nguyên tư thế giống ở động vật, kèm theo cứng cơ, run người, lồi mắt… Đó có thể coi là một nghiên cứu đầu tiên về thôi miên dưới góc độ khoa học. 

Về thực chất, sau gần hai thế kỷ khảo sát, giới khoa học vẫn chưa đạt được sự nhất trí trong vấn đề lý giải chính xác thôi miên là gì. Có ý kiến cho rằng đó là khả năng ám thị và sự tưởng tượng. Nó là mối quan hệ trực tiếp giữa sự tưởng tượng và khả năng bị một nhà thôi miên ám thị.

Vì thế có người xem thôi miên chỉ là sự đóng kịch. Hơn nữa đáp ứng đối với thôi miên phụ thuộc vào hành vi thời niên thiếu của người chịu ám thị. Nếu lúc nhỏ thường bị phạt nặng, khi lớn lên nhiều khả năng bạn sẽ dễ dàng tuân theo những ám thị từ một nhà thôi miên.

Trong những thí nghiệm mới của mình, Michael Posner – Giáo sư thần kinh học tại Đại học Oregon (Mỹ) – và các đồng sự đã ghi lại những thay đổi trong quá trình xử lý thông tin của não người. Thường thì thông tin mà cơ thể nhận được sẽ được chuyển đến vùng cảm giác sơ cấp trong não, để từ đó lại được chuyển lên những vùng chức năng cao hơn, nơi diễn dịch thông tin.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, điều đáng ngạc nhiên là lượng thông tin chuyển xuống nhiều gấp 10 lần lượng thông tin chuyển lên, cũng có nghĩa là những gì con người nhìn, nghe thấy và tin vào là dựa trên quá trình xử lý thông tin từ trên xuống.

Các dữ liệu ở mức xử lý sơ cấp có thể bị ghi đè lên phụ thuộc vào các kết quả diễn dịch thông tin của trung tâm xử lý thông tin cao nhất. Mô hình xử lý thông tin này cũng giải thích vì sao thôi miên, với bản chất là tạo ra một quá trình xử lý thông tin từ trên xuống, có thể gây ra ám thị mạnh mẽ. 

Hay một số nghiên cứu gần đây từ tiến sĩ Stephen Kosslyn – nhà thần kinh học tại Đại học Harvard về các hình ảnh của não cũng chỉ ra cơ chế tương tự.

Theo ông, con người nghĩ rằng các hình ảnh, âm thanh từ thế giới bên ngoài tạo ra sự thật, nhưng não lại xây dựng ngân hàng dữ liệu của nó dựa trên kinh nghiệm từ quá khứ. Sự thú vị của thôi miên là ở chỗ nó tạo ra thông tin sai lệch: “Chúng ta tưởng tượng ra điều gì đó khác biệt, và nó trở thành ‘sự thật'” – Spiegel nói.

Bí ẩn thuật thôi miên khiến tâm trí bị điều khiển ảnh 1

Bí mật của thôi miên

Thôi miên là một môn “nghệ thuật” kì lạ mà tại đó, người bị thôi miên sẽ ở trong trạng thái dễ bị điều khiển. Trên thực tế, có một số người được coi là dễ bị “điều khiển” hơn số còn lại. Một nhà tâm lí học tại Đại học Stanford (Mỹ) sau khi tiến hành nghiên cứu và đưa ra kết luận, 10-15% người lớn rất dễ bị thôi miên, tỉ lệ này là 80-85% với những trẻ dưới 12 tuổi (lứa tuổi mà chu trình xử lí của não chưa hoàn chỉnh). Trong khi đó, khoảng 20% người lớn rất khó bị thôi miên.

Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu và khẳng định, một số người dễ bị thôi miên hơn người khác. Họ cũng đạt hiệu quả tốt hơn, đưa ra được những thông tin chính xác, đầy đủ hơn trong mỗi lần bị thôi miên. 

Một điều có thể làm nhiều người ngạc nhiên đó chính là không cần phải có một nhà thôi miên để rơi vào trạng thái kì lạ này. Bởi nhiều người còn có khả năng tự thôi miên chính bản thân mình do đạt được sự tập trung và thư giãn ở mức cao hơn người thường.

Đây được gọi là hiện tượng điều khiển tự động, hay về cơ bản chính là tự thôi miên. Điều này cho phép sử dụng tiềm thức để ảnh hưởng đến những hành vi của chính mình theo cách mà nhận thức không thể thực hiện được. 

Không chỉ vậy, một bí mật khác được  biết đến là nhiều người cho rằng, sau khi bị thôi miên, họ sẽ quên hết những điều đã làm hay hành động xảy ra trong thời gian này. Nhưng sự thật là, điều này chỉ xảy ra khi đối tượng bị thôi miên muốn quên quãng thời gian này đi mà thôi. Những kí ức trong lúc bị thôi miên hoàn toàn có thể gợi lại bằng các tín hiệu đúng khi người bị thôi miên bằng vô thức đã chặn chúng lại. Thôi miên cũng thường được sử dụng như một nỗ lực nhằm lấy lại những kí ức bị dồn nén. 

Bên cạnh đó, sự tự kiểm soát trong thôi miên có lẽ là một trong những bí ẩn lớn nhất về thôi miên. Bởi những việc làm trong thời gian này đều do nhà thôi miên điều khiển tuy nhiên, như đã nói ở trên, thôi miên là một trạng thái mang tính “hướng dẫn” và có những người dễ bị thôi miên hơn số còn lại. Trở thành một nhà trị liệu giỏi là điều đầu tiên nhà thôi miên cần.

Theo đó, họ sẽ tạo niềm tin bằng cách nói chuyện và không để lộ rằng đang chủ động nắm thế “điều khiển”. Tất cả những gì đạt được khi thôi miên đều là hành động tự nguyện. Tuy nhiên, dù cho bị thôi miên, không ai có thể yêu cầu, điều khiển những việc mà thông thường bản thân không muốn làm. 

Và trái với ý nghĩ của nhiều người, người bị thôi miên không thực sự ngủ khi bị thôi miên. Trong quá trình thôi miên, không những không bị kiểm soát hành động mà đôi khi lại hoàn toàn tỉnh táo. Lý do là bởi thôi miên về căn bản là một trạng thái tự nhiên.

Lúc này, người bị thôi miên hoàn toàn có thể nghe được toàn bộ những điều nhà thôi miên nói nếu thực sự muốn và cố gắng lắng nghe. Tuy nhiên, thường thì nhận thức của người bị thôi miên sẽ hướng vào bên trong mà không phải là thế giới bên ngoài. Chính vì vậy mà cơ thể sẽ lắng nghe một cách vô thức trong khi tâm trí thực sự có thể lang thang ở bất cứ đâu.

Thôi miên có thể có tiềm năng ứng dụng mạnh mẽ. Tuy nhiên, lợi ích thực sự lại phụ thuộc vào từng cá thể. Với những ai nhạy cảm và tin tưởng vào thôi miên, nó có thể mang lại nhiều lợi ích. Còn với đa số mọi người chưa từng biết đến thôi miên, dường như nó chỉ là câu chuyện lúc trà dư tửu hậu mà thôi.