Bí ẩn truyền thuyết Samurai Nhật Bản có thể bạn chưa biết
Gắn liền với tinh thần võ sĩ đạo, samurai trở thành biểu tượng của Nhật Bản. Lịch sử và truyền thuyết samurai – vì thế, rất phức tạp và có sức hấp dẫn lớn đối với những người yêu xứ sở hoa anh đào. Với bài viết này, hãy cùng tìm hiểu những bí ẩn có thể bạn chưa biết về samurai Nhật Bản nhé!
Truyền thuyết samurai : Cuộc báo thù của 47 lãng nhân
Là niềm tự hào của dân tộc Nhật, đến nay người, một trong những câu chuyện nổi tiếng còn được lưu truyền để chứng minh cho các đức tính của Samurai là ‘truyền thuyết 47 lãng nhân’.
Vào năm 1701 tại Nhật Bản, Thiên hoàng cai trị ở Kyoto nhưng thực quyền nằm trong tay đại tướng quân Tokugawa Tsunayoshi tại Edo. Để tỏ ý kính trọng Thiên hoàng, tướng quân Tokugawa đã dâng tặng cống vật tới Kyoto vào dịp tết, ngược lại thiên hoàng cũng ra lệnh cho khâm sai đến Edo.
Một năm nọ, nhiệm vụ đón tiếp khâm sai được Đại tướng quân giao cho hai vị lãnh chúa Asano Naganori của tỉnh Harima, thành Ako và lãnh chúa tỉnh Sendai là Munehare Date.
Vì hai vị lãnh chúa nhận nhiệm vụ còn khá trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp đãi khâm sai, nên đại tướng quân đã cử thêm Yoshinaka Kira – một vị đại quan lớn tuổi đến để hỗ trợ cho hai lãnh chúa về các lễ nghi đón tiếp. Thế nhưng vị quan này lại là một kẻ tham lam, ông ta luôn đòi hỏi hai vị lãnh chúa trẻ phải hối lộ cho mình những món quà giá trị để được yên ổn.
Ban đầu, vì không đạt được mục đích nên Kira luôn tìm cách gây khó dễ. Ông ta liên tục lăng mạ và sỉ nhục cả hai lãnh chúa. Lãnh chúa Date nổi giận trước, ông toan giết chết Kira, nhưng may mắn được can ngăn. Trái ngược với lãnh chúa Date, lãnh chúa Asano lại không chịu nịnh bợ, ông chẳng những từ chối yêu cầu vô lý của Kira mà còn thẳng thẳng thắn mắng chửi tên tham quan.
Giọt nước tràn ly, sau 2 tháng ấm ức trước thái độ ngạo mạn của tên quan, lãnh chúa Asano đã rút gươm toan chém tên tham quan, nhưng kết quả chỉ làm hắn bị thương nhẹ. Mục đích trừ khử tên tham quan của lãnh chúa Asano chẳng những không đạt được mà còn khiến ông bị đại tướng quân Tokugawa trừng phạt. Vị lãnh chúa trẻ tuổi được ban cái chết danh dự, phải thực hiện nghi thức seppuku (tự mổ bụng), còn tên Kira tham lam bình an vô sự.
Sau khi lãnh chúa Asano qua đời, các binh sĩ dưới quyền ông, đều trở thành các lãng nhân (những võ sĩ tự do phiêu bạt). Cảm thấy bất bình trước cái chết của chủ nhân, các thuộc hạ thân tín của Asano đã dâng thỉnh cầu cho đại tướng quân nhằm giúp lấy lại danh dự cho dòng họ Asano cũng như để em trái Asano là Daigaku kế vị lãnh chúa. Tuy nhiên, yêu cầu này bị từ chối.
Khi lính triều đình đến lấy lại thành Ako thì phần lớn binh sĩ trong thành đã rời đi, chỉ còn lại một thân tín tên Oishi Kuranosuke và 59 võ sĩ khác ở lại đến tận lúc bị đuổi khỏi thành. Nhóm lãng nhân căm thù tên tham quan Kira nên đã quyết lập kế hoạch ám sát hắn để trả thù cho chủ.
Sau hai năm ẩn thân, chờ đợi cơ hội, nhóm lãng nhân nhận được tin Kira sẽ tổ chức một bữa tiệc mà không có sự phòng bị. Họ lập tức lên kế hoạch báo thù. Oishi Kuranosuke chỉ cho phép 46 lãng nhân đi cùng mình, 13 người còn lại được lệnh trở về nhà.
Vào ngày tổ chức yến tiệc, nhóm lãng nhân chia thành từng nhóm để lẻn vào phủ. Cuộc chiến đẫm máu giữa 47 lãng nhân với 61 binh sĩ của Kira diễn ra trong khoảng 1 giờ rưỡi với chiến thắng thuộc về các lãng nhân.
Tên Kira bị bắt khi đang cố ẩn nấp ở góc nhà kho. Nhóm lãng nhân đã cho Kira cơ hội được bảo toàn danh dự như lãnh chúa Asano bằng cách thực hiện seppuku, nhưng vì tên tham quan quá nhút nhát nên hắn không dám làm vậy. Cuối cùng các lãng nhân đã chặt đầu Kira và đem đến tế vong hồn lãnh chúa Asano.
Cuộc báo thù thành công, 47 lãng nhân không chạy trốn và chủ động đến báo tin cho Đại tướng quân, bằng lòng nhận mọi hình phạt. Dù rất cảm động trước tấm lòng trung thành của họ, nhưng để răn đe cũng như bảo vệ luật pháp, đại tướng quân đã tha tội cho một người và cho phép 46 người còn lại làm nghi thức seppuku để tôn vinh tinh thần samurai chân chính của họ. 46 lãng nhân sau đó được an táng ở gần mộ của lãnh chúa Asano nằm trong chùa Tuyền Nhạc Tự, hiện là đền Senkakuji ở Tokyo.
Về nữ chiến binh huyền thoại của samurai Nhật Bản
Tuy phần nhiều các samurai khét tiếng nhất trong lịch sử Nhật Bản đều là nam giới, vẫn có những người phụ nữ vượt qua nhiều chuẩn mực xã hội và trở thành những nữ chiến binh chết chóc. Một ví dụ điển hình là Tomoe Gozen – nữ samurai khét tiếng vào khoảng thế kỷ 12
Câu chuyện về cuộc đời Tomoe Gozen vẫn còn nhiều bí ẩn, nhưng theo nhiều ghi chép lịch sử, bà xinh đẹp tuyệt trần lại tinh thông võ nghệ. Điều thực sự ấn tượng về huyền thoại Tomoe Gozen là bà không chỉ là một nữ samurai, mà còn là một chiến binh ưu tú và tàn bạo, khiến bao chiến binh khác phải khiếp sợ.
Nhật Bản thời Tomoe Gozen
Những samurai đầu tiên xuất hiện từ thế kỷ 8, nhưng phải đến thế kỷ 11 thì họ mới thực sự giành được quyền lực. Họ trở thành những chiến binh trung thành với các lãnh chúa (daimyo) lúc này vẫn liên tục xung đột để tranh giành quyền lực. Khoảng năm 1600, samurai mới được công nhận là một tầng lớp xã hội và được hưởng một số đặc quyền, bao gồm quyền được mang hai thanh kiếm bên mình.
Đa số samurai đều là nam giới, bởi cũng như xã hội phương Tây lúc bấy giờ, phụ nữ trong xã hội Nhật Bản xưa đều được mặc định chỉ lấy chồng, sinh con và chăm lo gia đình trong khi người chồng ra chiến trường. Nhưng vợ của các samurai lại là ngoại lệ. Những người phụ nữ này vừa có học thức vừa đảm việc nhà, lại vừa có sức mạnh bảo vệ được gia đình. Một số người còn thường giấu những thanh gươm nhỏ trong lớp áo.
Từ trước khi samurai được công nhận trong xã hội thì đã có những người phụ nữ miệt mài tập luyện gươm đao để bảo vệ gia đình mình khỏi các thế lực xâm lăng. Họ được biết đến dưới cái tên Onna-bugeisha, có nghĩa là “nữ chiến binh”
Onna-bugeisha thường sử dụng những loại vũ khí như kaiken (gươm nhỏ thường chi dành cho samurai) và naginata (thanh kiếm với phần cán dài và lưỡi kiếm cong dài). Thanh kiếm naginata trở thành một biểu tượng gắn liền với onna-bugeisha, vừa là vũ khí vừa là dấu hiệu cho biết họ thuộc tầng lớp chiến binh. Những người con gái thuộc dòng dõi samurai thường mang một thanh naginata về nhà chồng, xem như của hồi môn.
Và trong số những nữ chiến binh này có Tomoe Gozen.
Nữ chiến binh sức địch nghìn quân
Tuy Tomoe Gozen là một trong số ít nữ chiến binh nổi tiếng nhất Nhật Bản, những câu chuyện về bà đa phần là dựa trên truyền thuyết chứ không phải sự thật lịch sử.
Cũng không chắc rằng đây là tên thật của bà vì lúc bấy giờ, việc dùng tên thật để gọi phụ nữ được xem là khiếm nhã. “Tomoe” có thể ám chỉ hoa văn của miếng giáp trên vai bà, và “Gozen” là một kính ngữ cổ dùng để tôn xưng những người phụ nữ có địa vị.
Một trong những nguồn thông tin chính về Tomoe là Heike monogatari (Truyện kể Heike) – một tư liệu lịch sử, tổng hợp những câu dân ca, truyện kể, và nhiều văn bản khác nhau để tạo nên một thiên sử thi hoành tráng vào khoảng năm 1240.
Truyện kể về cuộc chiến giữa hai dòng họ Taira, còn được biết dưới cái tên Heike, và dòng họ Minamoto. Tomoe khi đó là samurai dưới quyền Minamoto no Yoshinaka – một viên tướng thuộc nhà Minamoto.
Tương truyền rằng mẹ Tomoe từng là vú nuôi của viên tướng này, và Tomoe từ một người chị em nuôi đã trở thành một trong những tướng lĩnh trung thành nhất của ông. Tùy vào những tài liệu lịch sử khác nhau thì sau này bà còn trở thành vợ hoặc thê thiếp của Yoshinaka. Tomoe đã trực tiếp chỉ huy đến 1.000 binh lính trong đội quân của tướng Yoshinaka.
Thực chất thì Tomoe không hẳn là một onna-bugeisha mà là một onna-musha – từ dùng để chỉ những người phụ nữ trực tiếp ra chiến trường chứ không chỉ bảo vệ nhà cửa gia đình. Và bà không phải là người duy nhất, vì các bằng chứng khảo cổ cho thấy phụ nữ chiếm tỉ lệ không hề nhỏ trong quân đội Nhật Bản lúc bấy giờ.
Theo truyện kể Heike: Tomoe cực kỳ xinh đẹp, với mái tóc đen dài và nước da trắng trẻo. Bà còn giỏi cưỡi ngựa, tất cả những con ngựa bất kham, hung dữ hoặc địa hình hiểm trở đều không làm bà nao núng.. Bà múa kiếm giương cung, sức địch nghìn quân, chọi cả quỷ thần.
Tuy được lấy tên đặt cho một thanh kiếm naginata, nhưng tương truyền rằng Tomoe thường hạ địch thủ bằng katana – loại kiếm dài, thẳng thường chỉ được samurai nam sử dụng.
Chiến công lịch sử của Tomoe
Tuy tướng Yoshinaka lập được nhiều chiến công trong Cuộc chiến Genpei (1180 – 1185) chống lại nhà Taira, nhưng vinh quang cộng với tài lãnh đạo kém của ông đã khiến ông bị chính gia tộc Minamoto quay lưng. Năm 1184, quân đội của ông bị tàn sát và khi tháo chạy khỏi thủ đô Kyoto, Yoshinaka chỉ còn 5, 6 chiến binh bên mình, trong số đó có Tomoe.
Trong đợt rút lui đô, Tomoe đã chạm trán với hai tướng quân địch lừng danh. Viên tướng đầu tiên, Hatakeyama Shigetada, bị Tomoe đánh bại liểng xiểng, đến nỗi phải tháo chạy để không bị ô uế thanh danh vì chết dưới tay một phụ nữ. Người thứ hai, Uchida Ieyoshi thì bị Tomoe chém đầu.
Một phiên bản khác của câu chuyện này lại kể rằng khi Yoshinaka, Tomoe, và những chiến binh còn lại chuẩn bị tấn công quân đội của Minamoto no Yorimoto – anh họ của Yoshinaka trong Trận Awazu (1184), Yoshinaka đã hét lên bảo Tomoe hãy chạy ngay đi. Có lẽ ông muốn bà bỏ chạy để thực hiện lễ nghi tự sát danh dự, hoặc đơn giản là không muốn mình phải chết trước mắt một người phụ nữ.
Bất chấp mọi lý do, Tomoe đã từ chối bỏ chạy. Theo Truyện kể Heike, bà muốn giết được một “địch thủ xứng đáng” cuối cùng vì danh dự của Yoshinaka. Không rõ địch thủ xấu số này là ai, mỗi tư liệu kể một khác, nhưng tương truyền rằng khi một toán quân địch đến gần, Tomoe cưỡi ngựa xông thẳng đến, tóm lấy tên thủ lĩnh và chém đầu hắn ngay trên yên ngựa.
Di sản văn hóa
Cũng như phần lớn cuộc đời Tomoe, câu chuyện về bà sau trận đánh cuối cùng vẫn là một ẩn số.
Có truyện kể rằng bà đã sống sót sau trận chiến, lúc 28 tuổi, và sau này trở thành một nhà sư cho đến khi qua đời ở tuổi 90. Còn theo Truyện kể Heike thì bà bị tướng Wada Yoshimori đánh bại và bị bắt làm thiếp của ông ta. Lại có một truyện khác kể rằng Tomoe đã giết sạch kẻ thù của tướng quân Yoshinaka để báo thù và mang thủ cấp của ông trầm mình xuống biển để không ai có thể mạo phạm.
Tuy thực hư số phận nữ samurai danh tiếng chưa rõ ràng nhưng lòng quả cảm và sự tàn bạo của bà đã khắc sâu dấu ấn trong nền văn hóa dân gian Nhật Bản. Một vở kịch Noh về Tomoe đã được xây dựng, và là một trong 18 vở kịch về chiến binh samurai trong tổng số 200 vở kịch Noh từ thế kỷ 15. Tên tuổi bà còn được vinh danh trong lễ hội Jidai được tổ chức vào ngày 22/10 hằng năm tại Kyoto.
Trên đây là một số truyền thuyết về samurai Nhật Bản. Hi vọng với phần chia sẻ này, bạn đã có thể tìm hiểu thêm về đất nước Nhật Bản nói chung và tinh thần võ sĩ đạo – biểu tượng của “đất nước mặt trời mọc” nói riêng.
TƯ VẤN XKLĐ NHẬT BẢN 24/7
HỖ TRỢ TƯ VẤN TRỰC TUYẾN VÀ THỦ TỤC ĐĂNG KÝ THAM GIA
HOTLINE: 091.858.2233 (Hỗ trợ tư vấn 24/7 qua: Call, Message, Zalo, SMS)
Nếu không tiện nói chuyện qua điện thoại hoặc nhắn tin ngay lúc này, bạn có thể YÊU CẦU GỌI LẠI bằng việc nhập số điện thoại vào form bên dưới để được cán bộ tư vấn của công ty liên lạc hỗ trợ.