Bí mật an ninh mạng – Phần XII

Trong khi bản báo cáo được phép phổ biến chủ yếu là thông tin cũ, tôi [Snowden] thấy nó đáng chú ý ở một vài khía cạnh. Tôi nhớ mình đã sửng sốt ngay lập tức bởi cái giọng điện dân-chúng-phản-đối-quá rất lạ lùng, không tính tới nhiều chỗ lắt léo với logic và ngôn ngữ. Trong nội dung, bản báo cáo đưa ra các lập luận pháp lý củng cố cho đủ thứ chương trình của NSA – hiếm khi nêu tên, và hầu như không bao giờ mô tả – tôi không thể không chú ý đến một điều là không có nhà hành pháp nào, những người thực tế đã cho phép các chương trình này, đồng ý cho các tổng thanh tra hội kiến. Từ Phó Tổng thống Dick Cheney và luật sư David Addington đến Bộ trưởng Tư pháp John Ashcroft và luật sư John Yoo của Bộ Tư pháp, gần như mọi tay cỡ bự đều từ chối hợp tác với chính các văn phòng chịu trách nhiệm buộc tội Cộng đồng IC, và các tổng thanh tra không thể ép họ hợp tác, bởi vì đây không phải là một cuộc điều tra chính thức để lấy lời khai. Tôi không thể diễn dịch sự vắng mặt của họ trong hồ sơ này theo cách nào khác hơn là một hành động phi pháp.

Một khía cạnh khác của văn bản này đã khiến tôi thắc mắc vì nó hay nhắc đi nhắc lại một cách mơ hồ đến các “Hoạt Động Tình Báo Khác” (viết hoa trong báo cáo) mà chúng không có “nguyên tắc pháp lý khả thi” hoặc “cơ sở pháp lý” nào ngoài tuyên bố của Tổng thống Bush về quyền thực thi trong thời chiến, một thời chiến không có hồi kết. Tất nhiên, các đề cập này không hề có mô tả để biết những “Hoạt Động” ấy thực sự là gì, nhưng quá trình suy luận đã xác định ngay đó là việc giám sát trong nước không cần lệnh tòa án, bởi nó gần như là hoạt động tình báo duy nhất không nằm trong các khuôn khổ pháp lý khác nhau đã hình thành sau chương trình PSP.

Càng đọc, tôi chắc chắn rằng không có điều gì được tiết lộ trong báo cáo này hoàn toàn biện minh được cho các mưu mô pháp lý liên quan, chứ đừng nói đến chuyện Thứ trưởng Tư pháp James Comey và sau đó là giám đốc FBI Robert Mueller hăm dọa sẽ từ chức nếu một số khía cạnh của PSP được phê duyệt cho phép trở lại. Tôi cũng không nhận thấy bất cứ giải thích đầy đủ nào về những rủi ro giáng xuống những đồng nghiệp trong NSA – những nhân viên lớn tuổi hơn tôi nhiều, với hàng chục năm kinh nghiệm – và những nhân viên Bộ Tư pháp, những người đã liên lạc với báo chí và bày tỏ nghi ngại về việc lạm dụng trong nhiều phương diện của Chương trình PSP. Nếu họ dám đánh liều với sự nghiệp, gia đình và cuộc sống của họ thì phải có điều gì đó nghiêm trọng hơn nhiều so với việc nghe lén điện thoại không có lệnh tòa án đã trở thành tin trang nhất.

Lòng nghi ngờ đã khiến tôi tìm kiếm phiên bản mật của báo cáo này, và ngay cả khi thực tế cho thấy là một phiên bản như vậy dường như không hề tồn tại, tôi vẫn không bớt hoài nghi một chút nào. Tôi không hiểu được. Nếu phiên bản mật chỉ là một hồ sơ ghi lại những tội lỗi trong quá khứ, thì lẽ ra đó có thể dễ dàng truy cập. Nhưng không thấy đâu cả. Tôi tự hỏi liệu mình có nhìn lầm chỗ không. Sau một thời gian lùng sục khắp nơi mà vẫn không tìm ra, tôi quyết định bỏ qua. Cuộc sống có nhiều việc chi phối và tôi còn công việc phải làm. Khi bạn được yêu cầu phải đưa ra những đề nghị về cách giữ cho các nhân viên IC và trợ thủ của IC không bị Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc phát hiện và xử tử, thì thật khó mà nhớ được bạn đã truy tìm trên mạng điều gì vào tuần trước.

Mãi về sau, rất lâu sau khi tôi đã quên chuyện bản báo cáo của các Tổng thanh tra bị thất lạc, cái phiên bản mật ấy lại nhảy lên màn hình máy tính của tôi, cứ như để chứng minh cho câu châm ngôn xưa là cách tốt nhất đểtìm ra thứ gì đó là không tìm kiếm nữa. Khi phiên bản mật hiện ra, tôi hiểu ngay tại sao tôi trước đây đã không may mắn tìm thấy nó: không thể thấy được, ngay cả những người đứng đầu các cơ quan cũng không thể thấy. Nó được lưu vào trong ngăn Thông tin Kiểm soát Đặc biệt (Exceptionally Controlled Information – ECI), một nhóm hồ sơ phân loại cực kỳ hiếm, chỉ được sử dụng để đảm bảo rằng một điều gì đó sẽ được giấu kín, ngay cả những người được chứng nhận an ninh tối mật cũng không thấy được. Do vai trò công việc, tôi đã quen với hầu hết các hồ sơ loại ECI tại NSA, nhưng không phải cái này. Chỉ định phân loại đầy đủ của báo cáo này là TOP SECRET//STLW//HCS//COMINT//ORCON/NOFORN, có thể diễn dịch là: cùng lắm chỉ có vài chục người trên thế giới được phép đọc hồ sơ này.

Chắc chắn tôi không nằm trong số đó rồi. Một sự nhầm lẫn đã khiến báo cáo ấy lọt vào mắt tôi: có ai trong văn phòng Tổng thanh tra của NSA đã để lại một bản dự thảo trên một hệ thống mà tôi, với tư cách là quản trị hệ thống, có quyền truy cập. Mã chỉ định STLW của tài liệu này, điều tôi không biết, hóa ra lại trùng với một mã cảnh báo trên hệ thống của tôi: STLW (storage low security) là nhãn biểu thị một loại tài liệu không được phép lưu trữ trên các ổ đĩa bảo mật thấp. Các ổ đĩa ấy liên tục được dò quét xem có bất kỳ nhãn biểu thị nào như vậy xuất hiện hay không, và ngay khi phát hiện ra, tôi sẽ được báo động để tôi có thể quyết định xóa tài liệu đó khỏi hệ thống bằng cách nào tốt nhất. Nhưng trước khi xóa, tôi phải tự mình kiểm tra tập tin vi phạm, chỉ để xác nhận rằng lệnh dò tìm mã cảnh báo này đã không tình cờ báo động sai. Thông thường tôi chỉ cần nhìn thoáng qua một cái là xong. Nhưng lần này, ngay khi tôi mở tài liệu ấy ra và đọc tiêu đề, tôi biết mình sẽ đọc hết toàn bộ.

Trong đó là tất cả những gì không xuất hiện trong phiên bản phổ biến công khai. Trong đó là tất cả những gì không có trên những trang báo tôi đọc, và không thừa nhận trong các thủ tục tố tụng tại tòa án mà tôi theo dõi: một tường trình đầy đủ về các chương trình giám sát bí mật nhất của NSA, và các chỉ thị của cơ quan này cùng các chủ trương của Bộ Tư pháp, đã được sử dụng để phá luật và chống lại HIến pháp Hoa Kỳ. Sau khi đọc phiên bản này, tôi có thể hiểu tại sao chưa từng có nhân viên IC nào rò rỉ nó cho các nhà báo, và không có thẩm phán nào có thể buộc chính phủ trình nó ra tại tòa án công khai. Tài liệu này được xếp loại bí mật đến mức bất kỳ ai truy cập vào đó mà không phải là quản trị hệ thống thì sẽ bị nhận biết ngay lập tức. Và các hoạt động mà báo cáo này phác họa ra lại có tính chất phạm pháp sâu sắc đến mức không có chính phủ nào cho phép nó được công bố mà không hiệu chỉnh lại.

Tôi lập tức nhận ra một vấn đề: rõ ràng là phiên bản công khai mà tôi đã quen thuộc lại không phải là một văn bản biên tập lại của báo cáo tuyệt mật như thông lệ. Trái lại, phiên bản công khai là một tài liệu hoàn toàn khác, mà nếu so với bản gốc tuyệt mật sẽ thấy ngay đó là một sự dối trá hoàn toàn và được dàn dựng kỹ lưỡng. Sự tráo trở này thật đáng kinh ngạc, nhất là khi tôi đã bỏ ra nhiều tháng trởi để khử lặp các hồ sơ. Thường thì khi bạn làm việc với hai phiên bản của cùng một tài liệu, sự khác biệt rất là nhỏ nhặt, một vài dấu phẩy ở đây, một vài từ ở kia. Nhưng điều duy nhất mà hai bản báo cáo cụ thể này có điểm chung chỉ là cái tiêu đề.

Trong khi phiên bản công khai chỉ đơn thuần nói đến việc NSA được lệnh tăng cường tiến hành thu thập thông tin tình báo sau ngày 11/9, phiên bản tuyệt mật đã nêu rõ tính chất và quy mô của sự tăng cường đó. Chỉ thị lịch sử của NSA về cơ bản đã thay đổi từ thu thập thông tin liên lạc có mục tiêu sang “thu thập đại trà” – một uyển ngữ mà cơ quan này dùng để nói về việc do thám toàn bộ. Và trong khi phiên bản công khai cố tình mập mờ về sự thay đổi này, biện hộ cho việc mở rộng giám sát bằng cách lấy bóng ma khủng bố ra hù dọa công chúng, phiên bản tuyệt mật lại nêu cụ thể những thay đổi, chứng minh rằng đây là hệ quả tất yếu chính đáng của khả năng công nghệ phát triển.

Phần của Tổng thanh tra NSA trong báo cáo tuyệt mật đã nêu ra cái gọi là “khoảng cách thu thập”, lưu ý rằng các đạo luật giám sát hiện có (đặc biệt là Đạo luật Giám sát Tình báo Nước ngoài) có từ năm 1978, thời điểm mà hầu hết các tín hiệu liên lạc đều truyền qua sóng radio hoặc đường dây điện thoại, thay vì cáp quang và vệ tinh. Về cốt lõi, cơ quan này lập luận rằng vận tốc và khối lượng thông tin liên lạc đương thời đã vượt xa cả nhịp độ lẫn quy mô của luật pháp Mỹ – không có tòa án nào, thậm chí là tòa án bí mật, có thể cấp lệnh cho phép theo dõi có mục tiêu đủ nhanh để theo kịp – và một thế giới toàn cầu thực sự thì cần phải có một cơ quan tình báo toàn cầu thực sự. Tất cả những điều này đã xác định, theo logic của NSA, sự cần thiết của việcthu thập thông tin liên lạc đại trà qua Internet. Mã danh cho sáng kiến thu thập đại trà này lại trùng với cái mã cảnh báo trên hệ thống của tôi: STLW ở đây lại là từ viết tắt của STELLARWIND. Hóa ra là thành phần quan trọng duy nhất của Chương trình PSP lâu nay vẫn tiếp tục bí mật hoạt động, và thậm chí còn phát triển hơn, sau khi các thành phần còn lại của chương trình này đã được công khai trên báo chí.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Nguồn tham khảo: Edward Snowden – Bị theo dõi, bí mật an ninh mạng – NXB ĐN 2020.

Advertisement

Share this:

Thích bài này:

Thích

Đang tải…