‘Bí mật của gió’ – mối tình giữa người và ma ở vùng Đà Lạt mộng mơ

Bộ phim “Bí mật của gió” xoay quanh câu chuyện tình đầu nhiều vụng dại, va vấp giữa một nữ sinh cấp III với hồn ma bí ẩn.

review phim Bi mat cua gio anh 1

Năm 2010, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình gây tiếng vang với Cánh đồng bất tận – tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết của Nguyễn Ngọc Tư. Tới năm 2015, anh tiếp tục đưa nội dung tiểu thuyết Quyên của tác giả Nguyễn Văn Thọ lên màn ảnh rộng.

Sau 5 năm, Nguyễn Phan Quang Bình thực hiện Bí mật của gió với kịch bản gốc không dựa trên nguyên tác có sẵn. Tác phẩm không theo đuổi những chủ đề gai góc hay thân phận bé mọn của con người, mà tập trung vào câu chuyện tình yêu tuổi mới lớn giữa bối cảnh Đà Lạt nên thơ.

Tấm áo thanh xuân rực rỡ của Đà Lạt

Nhân vật chính trong Bí mật của gió là Linh (Khả Ngân). Gia đình Linh vừa chuyển từ quê lên Đà Lạt để bắt đầu cuộc sống mới. Họ dọn tới sống trong một căn biệt thự cũ được bán với cái giá rẻ bất ngờ.

review phim Bi mat cua gio anh 2

Bí mật của gió khai thác câu chuyện giữa một nữ sinh cấp III và hồn ma trong ngôi nhà cô đang ở.

Người hàng xóm đầu tiên Linh gặp là An (Hoàng Yến Chibi). Cô bạn với sở thích tìm hiểu bùa phép và những câu chuyện tâm linh tiết lộ ngôi nhà gia đình Linh đang sống bị ám bởi hồn ma tên Phong (Quốc Anh). Nó sẽ phá phách, dọa nạt và xua đuổi người mới tới để độc chiếm ngôi nhà.

Hồn ma tên Phong trạc tuổi Linh. Anh không còn nhớ gì về cuộc đời trước kia, nên mãi mãi bị trói buộc với ngôi nhà. Linh là người duy nhất có thể thấy Phong. Cô lập giao kèo sẽ giúp Phong tìm lại ký ức. Đổi lại, anh phải từ bỏ những trò trêu chọc, phá phách người sống trong ngôi nhà.

Nếu Bí mật của gió không dời lịch chiếu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong mùa phim Tết 2020, khán giả sẽ được thưởng thức hai bộ phim cùng lấy Đà Lạt làm bối cảnh. Đôi mắt âm dương với vai chính do “hoa hậu hài” Thu Trang đảm nhận và Bí mật của gió đều xoay quanh những hồn ma ám ảnh người sống giữa xứ thông reo.

Đà Lạt xuất hiện trong bộ phim của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình với những con dốc vắng người thắm sắc hoa và san sát mái nhà cũ, ngôi trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt gợi lại khung trời xưa cũ, hồ Suối Vàng và cây thông cô đơn (nơi yêu thích của các lứa đôi sắp chia lìa trên màn ảnh Việt), hay nhà ga Đà Lạt với chuyến tàu chỉ chạy trên một tuyến duy nhất.

Những danh thắng xuất hiện trong Bí mật của gió ít nhiều đều mang theo thông điệp gắn với nội dung phim. Đà Lạt làm bối cảnh cho câu chuyện “tình người duyên ma là lá la” giữa Linh và Phong, không phải là mảnh đất bàng bạc một nỗi sầu thương mà rực rỡ thanh xuân, giống như chính trái tim và tâm hồn các nhân vật.

Công thức xây dựng nhân vật quen thuộc

Bí mật của gió đưa lên màn ảnh dàn nhân vật và đã trở thành công thức cho dòng phim tuổi mới lớn: nữ chính lạc lõng giữa môi trường mới, nam chính bí ẩn, một tình huống éo le ươm mầm cho mối tình đầu.

Linh có ngoại hình kém thu hút so với bạn bè đồng trang lứa. Cô gái tài năng nhưng thiếu tự tin để thể hiện điều đó. Cô cũng gặp khó khăn trong việc tìm tiếng nói chung với bố mẹ, qua đó châm ngòi cho những mâu thuẫn gia đình kinh điển.

review phim Bi mat cua gio anh 3

Sau hình ảnh trưởng thành trong 100 ngày bên em và Hậu duệ mặt trời, Khả Ngân hóa thân thành thiếu nữ trong Bí mật của gió.

Trong Bí mật của gió, vai chính của Khả Ngân khá an toàn bởi khán giả đã quen thuộc với kiểu nhân vật này. Chuyển biến trong tâm lý Linh, từ sự vô lo vô nghĩ có phần ích kỷ của đứa con một được nuông chiều tới chỗ phạm sai lầm sau cơn phấn khích vì được chú ý, rồi vụn vỡ khi nhận ra sai lầm… được thể hiện khá mượt mà.

Phong đã chết một cách bí ẩn và đang ám ngôi nhà nơi Linh sinh sống. Anh vừa là bất ngờ thú vị, lại vừa là hình mẫu bạch mã hoàng tử cũ mòn thường được đính kèm với nữ chính “Lọ Lem” trong những câu chuyện diễm tình.

Anh khó tính kiểu “ông cụ non”, dễ bị cuốn theo sự trẻ con của Linh, dẫn tới những màn đấu khẩu ồn ào ở đầu phim. Nhưng sau tất cả, Phong vẫn là thiên thần hộ mệnh tận tụy, luôn âm thầm dõi theo và bảo vệ Linh.

Nét đặc sắc của Phong không hẳn ở chỗ anh là một hồn ma. Số phận anh gắn liền với một giai đoạn đầy biến động. Phong là con trai út, người đàn ông cuối cùng trong một gia đình theo binh nghiệp. Anh chết vào ngày giải phóng Đà Lạt. Đó là cái chết lặng lẽ không ai biết, cũng chẳng ai hay.

Nhân vật My của Yu Dương gây tiếc nuối vì bị đặt sai vị trí. My được mặc định vị trí “ong chúa” của trường trung học. Nhưng tất nhiên, đằng sau ánh hào quang ấy là gánh nặng của trách nhiệm, kỳ vọng từ những người xung quanh và nét tự ti tất yếu của cô gái yêu thầm chàng hot boy đa tài, nổi tiếng nhất trường.

My là đối trọng với Linh trong “drama trường học”. Linh vô tư bao nhiêu, thì My toan tính bấy nhiêu. Sự toan tính không hẳn nhằm mục đích trục lợi, mà giống như cách cô nữ sinh xoay xở để giữ chiếc mặt nạ hoàn hảo không rơi xuống.

Trong Bí mật của gió, My nhạt nhòa, như chính tác phong tưởng đanh đá, kiêu kỳ nhưng thực ra lại yếu ớt, lạc lõng của cô trên màn ảnh. Nét đẹp mơ màng của Yu Dương cùng cách nói nhỏ nhẹ của nữ diễn viên càng khiến nhân vật My trở nên yếu ớt.

Tình yêu thừa thãi

Kịch bản Bí mật của gió vừa có cuộc sống học đường phức tạp như Mean Girls (2004), lại vừa phảng phất nét kỳ bí của Secret (2007). Tuy nhiên, khi kết hợp vụ bắt nạt học đường với câu chuyện tình yêu vượt qua ranh giới của sự sống và cái chết, bộ phim trở nên trúc trắc, thiếu trước thừa sau.

review phim Bi mat cua gio anh 4

An của Hoàng Yến Chibi mang lại không khí lạc quan, trẻ trung cho bộ phim.

Linh và Phong tung hứng khá ăn ý ở nửa đầu phim trên tư cách bạn bè. Hai thiếu niên trưởng thành trong những bối cảnh lịch sử hoàn toàn khác biệt và tạo ra một cặp so sánh thú vị.

Phong nghe nhạc giao hưởng, thích đọc sách, trong khi Linh mê ngủ, thích những bài nhạc thời thượng ồn ào. Phong điềm đạm, Linh bộp chộp. Phong đã chết, Linh đang sống… Bất chấp biết bao khác biệt ấy, họ đều là những thiếu niên cứng đầu, khao khát một người bạn cùng tuổi để chia sẻ bức bối tuổi mới lớn đang chất chứa trong lòng.

Chính vì thế, khán giả khó đồng cảm khi quan hệ giữa hai người tiến triển thành tình yêu. Vấn đề không chỉ nằm ở việc giữa Quốc Anh và Khả Ngân thiếu tương tác cảm xúc, mà còn vì kịch bản phim chưa tạo ra đủ không gian để tình yêu đâm chồi.

Sự gấp gáp trong cốt truyện khiến tình yêu giữa Linh và Phong như nảy sinh từ thế đối đầu lúc mới gặp thay vì phát triển từ sự thấu hiểu, đồng cảm và chia sẻ.

Từ đầu phim, vấn đề của Linh đã luôn là sự chia sẻ. Cô không có ai để chia sẻ tâm tư, và không biết cách chia sẻ với khó khăn của người khác. Thay vì dẫn dắt nhân vật đến với đáp án của vấn đề tuổi mới lớn, Bí mật của gió “tặng” cho Linh một người tình.

Do mải mê đuổi theo cuộc tình ấy, bộ phim vô tình khiến Linh “mất điểm” ba lần: cướp sân khấu quan trọng của My, làm lộ thư tình của bạn và chưa bao giờ thực sự ân hận về hành động đó.

Phim cũng phí phạm mạch truyện về nhân vật An (Hoàng Yến Chibi). Khán giả chỉ được biết An là nạn nhân đầu tiên của trò bắt nạt trong trường qua lời tâm sự ở cuối phim. Còn lại, phim để khán giả “nhìn nhạc hiệu đoán chương trình” thông qua bộ dạng và hành xử khác thường của nhân vật.

Khác với My hay Phong, An là người duy nhất (sau bố mẹ) mến Linh sau lần đầu gặp mặt. Việc Linh sống trong căn nhà ma ám chỉ là cái cớ để An bị thu hút. Từ sau đó, mọi hành động của An đều cho thấy cô thực sự mở lòng, trân trọng và muốn làm bạn với Linh.

Nhưng vì Bí mật của gió được xây dựng từ góc nhìn của Linh, nên sự xuất hiện của An trở thành phiền phức và không giúp ích nhiều cho lối phát triển của câu chuyện.

Trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu năm, đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình tiết lộ Bí mật của gió tiêu tốn 20 tỷ đồng để sản xuất. Phim cũng đánh dấu lần hợp tác giữa nhà làm phim với con gái Linh Đan trong vai trò đạo diễn hình ảnh.

Bất chấp cốt truyện có phần lộn xộn và dàn nhân vật cũ kỹ, Bí mật của gió vẫn mang đến cho người xem nhiều khoảnh khắc cảm động về tình yêu thương gia đình và chuyển biến thú vị trong tâm lý tuổi mới lớn trên nền khung cảnh Đà Lạt nên thơ.