Bí mật quân sự được bán giá rẻ trên mạng
Các nhà nghiên cứu Đức vừa mua một thiết bị ghi chép dữ liệu sinh trắc học của hàng ngàn người, từng thuộc về quân đội Mỹ trước khi được bán trên trang đấu giá trực tuyến eBay, với giá 68 USD (khoảng 1,6 triệu đồng).
Mua dữ liệu quân sự… dễ như mua rau
Cách đây một thập niên, gần TP.Kandahar ở miền nam Afghanistan, quân đội Mỹ lần cuối sử dụng một trong những thiết bị SEEK II, dùng quét vân tay và đồng tử của mắt. Sau đó, lính Mỹ tắt thiết bị và cất đi. Đến tháng 8.2022, ông Matthias Marx, một nhà nghiên cứu an ninh người Đức, mua lại thiết bị trên với giá 68 USD trên eBay, chỉ bằng 50% mức giá niêm yết là 149,95 USD. Trong quá trình nghiên cứu, ông Marx bất ngờ phát hiện thông tin của 2.632 cá nhân trên thẻ nhớ thiết bị, bao gồm tên, quốc tịch, ảnh chân dung, ảnh quét vân tay và đồng tử mắt, theo bài báo trên tờ The New York Times.
Một điểm thu thập thông tin cá nhân do lực lượng Mỹ vận hành ở biên giới Afghanistan và Pakistan năm 2011. AFP
Từ vùng chiến sự đến hoạt động đấu giá thiết bị của chính phủ, bán hàng trên eBay, không một quan chức nào của Lầu Năm Góc nghĩ đến việc rút thẻ nhớ khỏi thiết bị SEEK II hiện thuộc về chuyên gia Đức.
“Không thể nào tin được cách xử lý vô trách nhiệm đối với công nghệ có độ rủi ro cao như thế”, báo Mỹ dẫn lời nhà nghiên cứu. Nhóm của ông Marx bị sốc trước thực tế phũ phàng: Nhà sản xuất và những người dùng quân sự trước đó chẳng màng quan tâm khả năng các thiết bị đã qua sử dụng với đầy đủ dữ liệu có thể lâm vào tình trạng bị rao bán trên mạng.
Theo The New York Times, đa số thông tin trên thiết bị SEEK II là của các nghi phạm khủng bố hoặc những cá nhân bị quân đội Mỹ truy nã. Tuy nhiên, số còn lại là thông tin dân thường bị kiểm tra tại các chốt chặn ở Trung Đông, và thậm chí cả những người hỗ trợ chính phủ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố tại khu vực. Tất cả những thông tin đó đều có thể được sử dụng trong trường hợp cần tìm kiếm một cá nhân cụ thể, làm cho thiết bị và dữ liệu đi kèm đặc biệt nguy hiểm trong trường hợp rơi vào tay kẻ xấu.
Nguy cơ đến mức nào
Chuyên gia Marx và các đồng sự thuộc Câu lạc bộ Máy Chaos (CCC), tự xưng là hiệp hội tin tặc lớn nhất châu Âu, đã mua SEEK II cùng với 5 thiết bị thu hoạch dữ liệu sinh trắc học từ eBay. Trong quá trình nghiên cứu, chuyên gia Marx vẫn bất ngờ trước mức độ nguy cơ mà những thiết bị thu thập dữ liệu có thể mang đến. CCC mua được một thiết bị SEEK II từng được sử dụng lần cuối cùng ở Jordan vào năm 2013 đến nay vẫn lưu trữ dữ liệu của không ít binh sĩ Mỹ từng tham gia diễn tập tại nước này.
Chỉ mua hộp nhưng được giao cả súng trường M16
Hộp chứa đầy súng trường M16 trong vụ ở Houston tháng 9.2022. ACB16
Hồi tháng 9, Đài ABC13 đưa tin hai vợ chồng ở TP.Houston (bang Texas) đã tá hỏa khi phát hiện ít nhất 12 khẩu súng trường M16 bên trong 108 hộp chứa súng mua từ website chính phủ.
Theo họ, mỗi khẩu súng mang theo nhãn ghi đầy đủ thông tin về đơn vị, danh tính quân nhân từng sử dụng trước đó. Hai vợ chồng thường xuyên kinh doanh bằng cách mua các phụ kiện quân sự qua sử dụng từ các trang của chính phủ trước khi bán lại trên eBay để kiếm chênh lệch. Đến nay vẫn chưa có thông tin giải thích tại sao có súng thật bên trong lô hàng lẽ ra chỉ toàn hộp rỗng.
Việc bán thiết bị điện chứa thông tin cá nhân hoặc dữ liệu có thể nhận dạng một người là điều vi phạm chính sách của eBay, The New York Times dẫn lời một người phát ngôn của hãng công nghệ Mỹ quản lý eBay.
Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều thiết bị công nghệ sinh học quân sự vẫn đang được rao bán trên eBay. Hồi tháng 8, từng có trường hợp tin tặc bán thông tin chứa các bản thiết kế nhiều vũ khí được các thành viên NATO viện trợ cho Ukraine. Nhóm tin tặc, hoạt động trên các diễn đàn tiếng Anh và tiếng Nga, chào bán 50 GB dữ liệu với giá 15 Bitcoin (hơn 510 triệu đồng). Nhà thầu Hệ thống tên lửa MBDA (trụ sở tại Pháp) thừa nhận dữ liệu của mình nằm trong số thông tin được tin tặc rao bán.
Cơ quan Hậu cần quốc phòng trực thuộc Lầu Năm Góc cho biết những thiết bị như SEEK II cần phải được phá hủy ngay sau lần cuối sử dụng, nhưng vẫn chưa rõ bằng cách nào chúng lại được rao bán trên mạng như thế, theo trang Gizmodo. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, những vụ mua bán như thế này sẽ mang đến hậu quả khó lường trong tương lai.
Theo Thụy Miên/TNO