Bí quyết nào giúp Thái Lan bỏ xa Việt Nam về đón khách quốc tế?
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), cho biết Việt Nam đã mở cửa hoạt động du lịch từ ngày 15-3-2022, được Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở nhất thế giới. Việt Nam có cơ hội rất lớn để thúc đẩy du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế nhưng lại để tuột mất cơ hội đó và mất nguồn doanh thu đáng kể từ du khách quốc tế mang lại. Việt Nam chỉ đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2022, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đón 5 triệu lượt.
Tại sao Việt Nam là một trong những điểm đến du lịch được tìm kiếm nhiều nhất trên một số trang web về du lịch, trong năm vừa qua du lịch Việt Nam xuất sắc giành được 16 hạng mục giải thưởng hàng đầu thế giới nhưng chưa đạt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế?
Trong khi đó, nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Singapore đã vượt qua chỉ tiêu của họ. Thậm chí, Việt Nam còn đứng cuối bảng xếp hạng Chỉ số phục hồi du lịch quốc tế của khu vực Đông Nam Á sau COVID-19.
TP HCM là một trong những điểm đến thu hút đông khách quốc tế
Cụ thể, tại hội nghị về thúc đẩy thu hút khách quốc tế vào Việt Nam ngày 21-12 vừa qua, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, cho hay ngành du lịch Thái Lan vừa làm lễ tưng bừng đánh dấu cột mốc đạt mục tiêu thu hút 10 triệu lượt du khách nước ngoài trong năm 2022. Với 10 triệu lượt du khách này đã chi khoảng 500 tỉ Baht (khoảng 14,4 tỉ USD), trung bình 50.000 Baht (tương đương 1.442 USD) mỗi người trong chuyến thăm xứ sở chùa vàng.
Tương tự là Singapore, từ chính sách chống dịch nghiêm ngặt đã nhanh chóng “xoay chiều” bằng cách nới lỏng quy định nhập cảnh, số lượng du khách quốc tế đến đảo quốc tăng đáng kể và đang hướng đến con số 6 triệu lượt. Việt Nam mặc dù là một trong những quốc gia mở cửa sớm nhất nhưng lại chỉ đón được khoảng 3,5 triệu lượt khách quốc tế, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đón 5 triệu khách quốc tế và tạo ra tổng thu khoảng 4,5 tỉ USD.
“Nếu lấy Thái Lan, quốc gia láng giếng có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, có thể thấy họ đã triển khai nhiều chính sách hết sức táo bạo, quyết liệt để đẩy sớm quá trình phục hồi du lịch” – ông Lê Hồng Hà nói.
Theo báo Bangkok Post, Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan đang lên kế hoạch trình nội các phê duyệt trong tháng 11 một khoản ngân sách trị giá 8,7 tỉ Baht (0,24 tỉ USD) để thúc đẩy ngành công nghiệp du lịch, trong nỗ lực nhằm đạt mục tiêu thu hút từ 18-20 triệu lượt du khách tới Thái Lan trong năm 2023.
“Đặc biệt, kể từ ngày 1-10, Thái Lan đã cho phép kéo dài thời gian lưu trú từ 30 ngày lên 45 ngày đối với khách du lịch từ các quốc gia/vùng lãnh thổ được miễn thị thực và từ 15 ngày lên 30 ngày đối với khách du lịch đủ điều kiện nhận thị thực khi đến. Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cũng đang lên kế hoạch xin sự chấp thuận của nội các để miễn thị thực cho tất cả du khách châu Âu” – CEO của Vietnam Airlines dẫn chứng.
Trong khi đó, Việt Nam muốn nhiều du khách đến nhưng ông Hoàng Nhân Chính cho rằng “visa làm cho họ nản lòng và không muốn đến Việt Nam, chọn đi du lịch đến các nước khác trong khu vực mà họ không cần xin cấp visa”. Nhìn sang ngay bên cạnh, Thái Lan miễn visa du lịch cho 65 quốc gia, vùng lãnh thổ, còn Việt Nam chỉ miễn cho 24 nước và vùng lãnh thổ. Thái Lan cho phép du khách lưu trú từ 30 ngày đến 45 ngày, thậm chí 90 ngày và được ra vào nhiều lần, còn Việt Nam phần lớn chỉ cho phép khách lưu trú 15 ngày và ra vào một lần.
Theo ông Hoàng Nhân Chính, visa điện tử của Việt Nam cũng bất tiện hơn, trong khi đó cơ chế cấp visa tại cửa khẩu chưa thực chất. Khách đến vẫn phải xin phê duyệt trước, không phải cứ đến rồi xin cấp visa trực tiếp ở cửa khẩu như một số nước khác. Do đó, việc cần làm đầu tiên là cánh cửa để du khách đến phải được mở rộng bằng một chính sách visa tương tự như Thái Lan. Visa là khó khăn lớn nhất, là vấn đề nan giải nhất hiện nay của ngành du lịch và hàng không Việt Nam.