Biển báo cấm vượt và những điều cần biết rõ

Trang Hà (T/H)

  –  

Thứ ba, 06/09/2022 18:55 (GMT+7)

Hiện nay, theo Quy chuẩn QCVN 41:2019/BGTVT, biển báo cấm vượt gồm 02 loại biển là: Biển báo P.125 “Cấm vượt” và biển báo P.126 “Cấm xe ôtô tải vượt”.

Do thuộc nhóm biển báo cấm nên các biển này mang một số đặc trưng như biển hình tròn, viền màu đỏ, nền màu trắng và biểu thị các điều cấm mà người tham gia giao thông không được phép vi phạm. Cụ thể:

Biển báo P.125 “Cấm vượt”

 Biển báo P.125 “Cấm vượt”.

Biển báo P.125 được nhận diện với viền đỏ, nền trắng, bên trong có hình vẽ hai chiếc ôtô con đặt cạnh nhau (01 chiếc màu đen và 01 chiếc màu đỏ).

Biển này được dùng để cấm các loại xe cơ giới vượt nhau trên đoạn đường có cắm biển này.

Biển báo cấm vượt có hiệu lực cấm đối với tất cả các loại xe cơ giới vượt nhau. Tuy nhiên có ngoại lệ là cho phép vượt xe máy 02 bánh, xe gắn máy.

Biển báo P.125 chỉ hết hiệu lực cấm khi có biển báo DP.133 “Hết cấm vượt” hoặc đến vị trí đặt biển báo DP.135 “Hết tất cả các lệnh cấm”.

Biển báo P.126 “Cấm xe ôtô tải vượt”

 Biển báo P.126 “Cấm xe ôtô tải vượt”.

Biển báo P.126 được nhận diện với viền đỏ, nền trắng, bên trong có hình vẽ 01 chiếc ôtô tải màu đỏ đặt cạnh nhau 01 chiếc ôtô con màu đen.

Biển này được dùng để cấm các loại ôtô tải vượt xe cơ giới khác trên đoạn đường có cắm biển này.

Biển có hiệu lực cấm đối với các loại ôtô tải có khối lượng chuyên chở (theo giấy đăng kiểm) lớn hơn 3.500 kg (kể cả các xe được ưu tiên) vượt xe cơ giới khác.

Tuy nhiên vẫn cho phép xe tải được phép vượt xe máy 02 bánh và xe gắn máy, đồng thời các loại xe cơ giới khác ngoài xe tải cũng được phép vượt nhau và vượt ôtô tải.

Biển cấm vượt xe tải hết hiệu lực cấm khi có biển số DP.133 “Hết cấm vượt” hoặc đến vị trí đặt biển số DP.135 “Hết tất cả các lệnh cấm”.