Bình Định: Thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2023
UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành kế hoạch số 65/KH-UBND về thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ năm 2023 trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đặt ra mục tiêu duy trì kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của tỉnh đã đạt được trong năm 2022 và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ ở các độ tuổi trong năm 2023.
Cụ thể, toàn tỉnh Bình Định đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2; đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. Kế hoạch nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp chính gồm: Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; Nâng cao chất lượng giáo dục; công tác điều tra và cập nhật dữ liệu; công tác kiểm tra, công nhận phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Giao Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bình Định chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch. Chỉ đạo các Phòng GD&ĐT tham mưu cho UBND các huyện, thị xã, thành phố điều tra, thống kê, lập hồ sơ phổ cập giáo dục cấp xã và thực hiện tự kiểm tra; báo cáo Sở GD&ĐT kiểm tra, trình UBND tỉnh Bình Định xem xét, công nhận các địa phương đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Sở Nội vụ phối hợp với Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, điều chỉnh vị trí việc làm, số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục công lập theo hướng dẫn của Trung ương để thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền; vận động, giáo dục thanh niên trong độ tuổi tham gia học nghề. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các trường THCS, THPT thực hiện tuyên truyền, hướng nghiệp cho học sinh.
Gian nan đường đến trường của học sinh miền núi Bình Định. Ảnh: Báo Dân tộc và phát triển
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở GD&ĐT và Hội Nhà báo tỉnh Bình Định chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh, Phòng Văn hóa – Thông tin, Trung tâm Văn hoá Thông tin – Thể thao các huyện, thị xã, thành phố, hệ thống truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về Kế hoạch phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Tỉnh Đoàn chỉ đạo cho Đoàn thanh niên ở cấp huyện, phối hợp với chính quyền cơ sở làm tốt công tác nắm chắc số lượng đoàn viên và thanh, thiếu niên trong độ tuổi; tổ chức các hoạt động phù hợp, thiết thực để động viên, cảm hóa những đoàn viên có biểu hiện thiếu tích cực trong học tập; thường xuyên vận động số đoàn viên, đội viên đã bỏ học giữa chừng đến trường, ra lớp.
Hội LHPN tỉnh Bình Định chỉ đạo các cấp hội Phụ nữ tiếp tục vận động hội viên, phụ nữ cho con đi học đúng độ tuổi, không để con bỏ học; gắn với công tác chăm sóc và nuôi dạy con.
Hội Khuyến học tỉnh Bình Định chỉ đạo các cấp Hội trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ công tác giáo dục. Theo dõi, nắm bắt tình hình học tập của học sinh ở khu phố, thôn, xóm để phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan có biện pháp ngăn chặn học sinh bỏ học giữa chừng và huy động học sinh bỏ học trở lại học tập.
UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Chỉ đạo Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt chức năng tham mưu về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại địa phương. Chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc tổ chức vận động, huy động các nguồn lực xã hội về vật chất cho những đối tượng trong độ tuổi phổ cập có hoàn cảnh khó khăn đủ điều kiện tiếp tục học tập.