Bình Định bảo tồn di tích tháp Chăm gắn với phát triển du lịch

Bình Định là vùng đất lưu giữ rất nhiều di sản văn hóa Champa vô giá. Bên cạnh giá trị độc đáo của các công trình kiến trúc đền tháp, ở Bình Định còn có nhiều tác phẩm điêu khắc đá và đất nung hiếm quý. Có thể nói, hệ thống di tích văn hóa Champa ở Bình Định chứa đựng những giá trị lịch sử, kiến trúc nghệ thuật rất có giá trị, là nguồn tài nguyên du lịch di sản văn hóa mang phong cách vùng miền độc đáo.

Hơn 1.000 năm về trước, Bình Định đã được các quốc vương Champa chọn làm đất kinh kỳ. Một thời kỳ vàng son của vương quốc Champa đã để lại trên vùng đất này những di sản vô giá. Dấu tích thành quách và đặc biệt là những ngọn tháp rêu phong đã đứng trước những thử thách của thời gian qua nhiều thế kỷ. Toàn tỉnh Bình Định hiện nay còn lại 8 cụm tháp Chăm với tổng số 14 tháp, phân bố ở các địa phương là TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn và các huyện Tuy Phước, Tây Sơn, Phù Cát.

Kiến trúc đền tháp Chăm Bình Định có quy mô lớn, còn khá nguyên vẹn, mang phong cách kiến trúc độc đáo của thời kỳ Vijaya. Số lượng tháp Chăm nhiều, loại hình đa dạng, quy mô hoành tráng. Tất cả các tháp đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia. Trong đó, tháp Dương Long (huyện Tây Sơn) được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Riêng tháp Hòn Chuông (huyện Phù Cát) là một trong 22 điểm thuộc di tích Khu căn cứ Núi Bà đã được xếp hạng di tích quốc gia năm 1994.

Bình Định bảo tồn di tích tháp Chăm gắn với phát triển du lịch -0
Kiến trúc độc đáo của tháp Bánh Ít.

Khác với tháp Chăm ở các tỉnh, thành phía Nam, các tháp Chăm ở Bình Định hiện nay không còn gắn với các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng của người Chăm. Tuy nhiên, hằng năm, cộng đồng người Chăm ở các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận thường tổ chức hành hương đến các tháp Chăm ở Bình Định như tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước), tháp Đôi (TP Quy Nhơn), tháp Cánh Tiên (thị xã An Nhơn) và thực hiện các nghi lễ cúng thần linh của họ.

Tháp Đôi ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn có niên đại thế kỷ XII – XIII, là một cụm gồm 2 tháp, được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1980. Đây là một trong hai kiến trúc chịu ảnh hưởng văn hoá Khmer đậm nét nhất ở Bình Định, thể hiện ở hình dáng kiến trúc, trang trí kiến trúc và việc sử dụng vật liệu đá vào kiến trúc khá nhiều. Ngôi tháp có hình dáng độc đáo, khác biệt với các ngôi tháp Chăm hiện còn. Mỗi ngày, tháp Đôi thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan, chiêm bái.

Nhằm góp phần phục hồi không gian tâm linh cho di tích, phục vụ khách tham quan, nghiên cứu, những năm qua, Bình Định đã thực hiện gia cố, chống sập và thực hiện tu bổ một số vị trí của tháp bị hư hỏng. Năm 2008, Sở Văn hoá và Thể thao, Bảo tàng tỉnh Bình Định đã phục chế tượng thờ Linga -Yoni trong lòng tháp dựa trên cơ sở bản vẽ, kích thước của kiến trúc sư người Pháp đầu thế kỷ XX. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh Bình Định còn xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động, chương trình biểu diễn nghệ thuật Chăm tại di tích vào thời gian quy định trong tuần; tăng cường quản bá, kết nối du lịch đến các điểm di tích lịch sử – văn hoá, danh lam thắng cảnh TP Quy Nhơn và các địa phương lân cận…

Ông Bùi Tĩnh, Giám đốc Bảo tàng Bình Định cho biết, thực tế cho thấy việc gắn kết du lịch với bảo tàng, di tích tháp Chăm hiện nay là việc làm cần thiết để thu hút khách du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh, văn hóa dân tộc và phát huy các giá trị của bảo tàng, di tích, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế. Nhận thức rõ tiềm năng của du lịch văn hóa Bình Định, trong nhiều năm qua ngành du lịch cùng với ngành văn hoá đã triển khai các tour du lịch tham quan một số di tích tháp Chăm trên địa bàn tỉnh, tiêu biểu là tour tham quan tháp Đôi, tháp Bánh Ít, tháp Cánh Tiên, tháp Dương Long,…

Bảo tàng tỉnh Bình Định còn đưa vào vận hành website của bảo tàng cung cấp khá đầy đủ thông tin về các điểm đến di tích tháp Chăm. Tỉnh Bình Định cũng đã gắn mã QR code hỗ trợ thuyết minh bằng văn bản và clip tại 7 cụm tháp Chăm gồm: Tháp Đôi, Bánh Ít, Bình Lâm (huyện Tuy Phước), Cánh Tiên, Dương Long, Phú Lốc (thị xã An Nhơn), Thủ Thiện (huyện Tây Sơn). Khách du lịch chỉ cần dùng điện thoại quét mã QR code này có thể đọc thông tin, xem hình ảnh và clip để nghe giới thiệu khái quát về Vương quốc Champa và tháp Chăm ở Bình Định. Thông tin được số hóa này cũng giới thiệu đầy đủ tượng thờ Linga – Yoni, về niên đại và phong cách kiến trúc, chức năng tôn giáo các tháp Chăm.

Các tour du lịch đến các di sản văn hóa Champa ở Bình Định đang được khai thác tuy nhiên vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được đánh thức. Ngành văn hoá cùng các ngành chức năng tỉnh Bình Định đang triển khai nhiều phương án khai thác, phục vụ hiệu quả hơn nữa cho phát triển du lịch. Vừa gắn kết, vừa bảo tồn, vừa phát huy được giá trị của các di sản văn hóa.

Ông Huỳnh Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Bình Định cho biết, hiện Sở đang phối hợp cùng với Sở Du lịch tỉnh Bình Định đề xuất các sản phẩm du lịch phục vụ du khách khi đến các tháp Chăm, nhất là sản phẩm du lịch ban đêm; tổ chức các tour đưa du khách về các tháp Chăm cũng như các di tích văn hóa – lịch sử của tỉnh…, qua đó phát huy hơn nữa giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch.

“Đối với công tác bảo vệ, quản lý, trùng tu, đây là công việc rất là khó khăn, mang tính đặc thù của các công trình về văn hoá trên địa bàn tỉnh. Vì tính đặc thù cho nên trong thời gian tới chúng tôi sẽ tranh thủ ý kiến của các chuyên gia cũng như ý kiến của các cơ quan trực thuộc bộ, đặc biệt là Cục Di sản văn hóa để làm sao chúng ta triển khai các công tác trùng tu, xây dựng bảo quản phát huy giá trị nhưng đúng với Luật Di sản văn hóa và các văn bản quy định của pháp luật”, ông Lợi cho hay.