Bình Dương có thêm một Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia | Văn hóa | Vietnam+ (VietnamPlus)
Lễ công bố di sản phi vật thể quốc gia “Lễ hội Kỳ yên Đình Tân An”. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)
Ngày 21/7, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương phối hợp với Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Dầu Một tổ chức công bố “Lễ hội Kỳ yên đình Tân An” ra đời cách đây 200 năm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Như vậy, tính đến nay, tỉnh Bình Dương có 4 Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia gồm”Nghề sơn mài Tương Bình Hiệp,” “Nghề gốm Bình Dương,” “Võ lâm Tân Khánh Bà Trà” và “Lễ hội Kỳ yên đình Tân An.”
“Lễ hội Kỳ yên đình Tân An” ra đời cùng với quá trình khai hoang mở đất lập làng của lưu dân người Việt trên vùng đất này vào đầu thế kỷ 19. Đình Tân An hiện tọa lạc tại khu phố 1, phường Tân An, thành phố Thủ Dầu Một.
[Đồng Tháp: Xếp hạng quốc gia di tích kiến trúc đình Tân Nhuận Đông]
Lễ hội diễn ra trong ba ngày từ 14 đến 16/11 (Âm lịch) là dịp trăng sáng để bà con thuận tiện vui chơi, đi lại. Đây cũng là dịp thủy triều dâng cao và theo quan niệm của nhân dân đó là điềm của mùa màng bội thu, vạn vật tốt tươi, tiền của dồi dào…
“Lễ hội kỳ yên đình Tân An” được duy trì nhằm tưởng nhớ bậc tiền bối đã có công khai phá lập nên xóm làng, những vị có công với đất nước trong việc mở mang bờ cõi và cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.
Thông qua lễ hội, người dân địa phương thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm trong công tác chung của làng xã. Trải qua hơn 200 năm hình thành và phát triển, với bao thăng trầm lịch sử, các nghi lễ cúng tại đình Tân An được người dân địa phương duy trì đúng tục lệ xưa.
Đình Tân An được xây dựng trên vùng đất Bình Dương mang đậm phong cách kiến trúc, mỹ thuật của một ngôi đình Nam Bộ xưa, còn bảo tồn được phần lớn nếp sinh hoạt văn hóa và nghi thức thờ cúng truyền thống của đình làng Việt Nam.
Đình Tân An có phong cách kiến trúc độc đáo. Đình là di tích lịch sử – văn hóa, nơi còn lưu giữ được Sắc phong của vua Tự Đức. Trong những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đình Tân An là nơi diễn ra nhiều hoạt động cách mạng của địa phương./.