Bình Dương phát huy nguồn lực văn hóa trong quá trình xây dựng và phát triển
Được biết đến không chỉ là một trong những tỉnh công nghiệp nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với tốc độ tăng trưởng kinh tế và tổng sản phẩm trên địa bàn thuộc tốp đầu cả nước, Bình Dương còn là vùng đất có hệ thống di tích lịch sử, văn hóa rất phong phú và đa dạng, với nhiều loại hình như lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, khảo cổ… Tiêu biểu như di chỉ Cù Lao Rùa, Mỹ Lộc, Dốc Chùa (Tân Uyên), di chỉ Bà Lụa (Thủ Dầu Một), Vịnh Bà Kỳ (Bến Cát)…
Bên cạnh đó, nới đây còn có lễ hội đặc sắc như lễ hội cúng đình, chùa, miếu, tổ nghề, dòng họ. Những làng nghề thủ công truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc như làng nghề điêu khắc gỗ, làng nghề làm đồ gốm, làng nghề tranh sơn mài với nhiều sản phẩm đã tham gia các hội chợ quốc tế và xuất khẩu ra thị trường một số nước.
Đặc biệt, ngày 2/11/2021 – Ngày Di sản văn hóa Việt Nam – Bình Dương đã tổ chức lễ đón nhận danh hiệu bảo vật quốc gia và di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đối với bảo vật quốc gia “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” và di sản văn hóa phi vật thể là “Nghề gốm Bình Dương” và “Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà”.
Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh.
Với nguồn lực văn hóa phong phú, độc đáo, Bình Dương luôn coi trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, phát huy nguồn lực văn hóa trong quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh.
Thời gian qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng, ban hành một số chủ trương, chính sách nhằm đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Đồng thời đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với đặc điểm văn hóa và thực tiễn phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Điển hình như tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 1706/2001/QĐ-BVHTT về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh đến năm 2020; Quyết định số 11/2007/QĐ-UBND về Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa – thông tin tỉnh Bình Dương giai đoạn 2006 – 2010 (điều chỉnh) và định hướng đến năm 2020, Quyết định số 5979/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt Đề án Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, Chương trình hành động số 88-CTHĐ/TU của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước…
Trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử – văn hóa, tỉnh đã thực hiện hiệu quả Luật Di sản văn hóa theo quy chế phân cấp rõ ràng, cụ thể, chủ động về quản lý, đầu tư, khai thác sử dụng di tích.
Nổi bật như Bình Dương thực hiện thí điểm thành lập ban quản lý di tích cấp huyện bằng hình thức quản lý tự chủ và một số mô hình quản lý di tích trực thuộc phòng văn hóa và thông tin. Tất cả di tích xếp hạng cấp tỉnh đều được thành lập ban, tổ quản lý di tích phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, tạo mô hình quản lý di tích đặc thù và hiệu quả.
Bình Dương cũng chú trọng hoạt động khai thác, sử dụng và phát huy giá trị di tích với nhiều hình thức đa dạng, như nghiên cứu sưu tầm hiện vật, phim tư liệu, in ấn giới thiệu các ấn phẩm, trưng bày (cố định, chuyên đề) và triển lãm lưu động… Gắn kết các di tích văn hóa với các hoạt động du lịch và hoạt động giáo dục lịch sử truyền thống của địa phương cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Qua đó, vừa thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, vừa bồi đắp những phẩm chất tốt đẹp, tình yêu, lòng tự hào về quê hương, đất nước và khát vọng phát triển quê hương cho mỗi người dân tỉnh Bình Dương.
Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương tiếp tục thực hiện hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, đề xuất xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di tích tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để làm cơ sở thực hiện nâng cao chất lượng hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di tích, góp phần hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Lập hồ sơ đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia một số di sản trên địa bàn tỉnh. Hoạt động sưu tầm và tổ chức các lễ hội được thực hiện theo đúng quy định.
Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Bình Dương chú trọng phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Từ năm 2017 đến năm 2020, các ngành này đã có bước khởi sắc. Nhiều sản phẩm và dịch vụ văn hóa phong phú đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về số lượng, chất lượng, thỏa mãn nhu cầu văn hóa ngày càng cao và đa dạng của nhân dân. Trong giai đoạn 2021 – 2030, Bình Dương phấn đấu tăng doanh thu của các ngành công nghiệp văn hóa, đóng góp từ 1,5% – 2% trong tổng GRDP của tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đội ngũ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ trên lĩnh vực văn hóa. Có chế độ đãi ngộ đối với một số lĩnh vực đặc thù để thu hút các chuyên gia về làm việc.
Đồng thời, dành một khoản kinh phí thích đáng để đầu tư vào công nghệ, phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và công nghệ tiên tiến nhằm tạo ra những sản phẩm văn hóa có chất lượng phục vụ nhu cầu xã hội.
Có thể nói, với việc phát triển những giá trị trên, thời gian qua, tỉnh Bình Dương luôn là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế, đời sống nhân dân ngày càng được nâng lên.
Thái Sơn