Bình Thuận – vùng đất giàu bản sắc văn hóa – Bài 1: Hội tụ và lan tỏa
Bảo tồn, phát huy vốn quý văn hóa, coi đây là nền tảng tinh thần, động lực đột phá cho phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có phát triển du lịch – ngành kinh tế tổng hợp là hướng đi đã và đang được Bình Thuận thực hiện hiệu quả, góp phần định vị thương hiệu du lịch của địa phương.
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Bình Thuận (1992-2022), phóng viên TTXVN thực hiện chùm 2 bài viết về vùng đất giàu bản sắc văn hóa này.
Du khách tham quan Tháp Chăm Pô Sah Inư, thành phố Phan Thiết. Ảnh minh họa: Nguyễn Thanh/TTXVN
Bài 1: Hội tụ và lan tỏa
Với vị trí địa lý ở ven biển, liền kề vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ngoài việc sở hữu nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng với những bãi biển phong cảnh hữu tình, đồi cát trải dài được mệnh danh là “tiểu sa mạc” độc đáo, Bình Thuận còn là nơi hội tụ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, mang đậm dấu ấn của cộng đồng dân cư ở thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi và 8 huyện trong tỉnh.
* Đa dạng di sản
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận Bùi Thế Nhân, hiện nay tại các địa phương trong tỉnh có tới trên 70 di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, trong đó có 28 di tích, danh thắng quốc gia và 4 di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Khu di tích trường Dục Thanh ở thành phố Phan Thiết – một trong rất nhiều Di tích văn hóa – lịch sử cấp quốc gia ở Bình Thuận được xây dựng từ năm 1907. Dưới mái trường này, năm 1910, thầy giáo Nguyễn Tất Thành (tên gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc đó) đã từng dạy học trước khi vào Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh) và ra đi tìm đường cứu nước.
Cùng ở thành phố Phan Thiết còn có dinh Vạn Thủy Tú – Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia mang dấu ấn văn hóa đặc trưng của cư dân vùng biển duyên hải miền Trung. Tại di tích này còn lưu giữ bộ xương cá voi dài tới 22 mét, là nơi được nhiều du khách ưa thích khám phá, tìm hiểu đời sống, phong tục, tập quán của người dân làng chài, đến tham quan.
Bên cạnh đó còn có quần thể tháp Chăm Pô Sah Inư – Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia tọa lạc trên đồi Bà Nài, được xây dựng cuối thế kỷ VIII, đầu thế kỷ IX, thờ thần Shiva và công chúa Pô Sah Inư.
Nhiều người dân ở Bình Thuận tự hào cho biết: Quần thể tháp Chăm này là di tích thu hút du khách bởi vẻ đẹp cổ kính thể hiện qua từng đường nét kiến trúc với những viên gạch đỏ liên kết một cách chắc chắn. Đến nay, người ta vẫn chưa tìm ra chính xác loại chất gắn kết những viên gạch này. Ngoài ra, di tích này còn gắn liền với giai thoại tình yêu lãng mạn giữa nàng công chúa Po Sah Inư và chàng Po Sahaniempar, làm tăng thêm vẻ huyền bí, linh thiêng của di tích, thu hút du khách thập phương đến tham quan.
Trong khi đó, tại thị xã La Gi, dinh Thầy Thím được biết đến là một Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia gắn với câu chuyện mang màu sắc huyền thoại về một vị đạo sĩ giàu lòng nhân ái, giúp đỡ dân làng những lúc khó khăn. Tại huyện Hàm Thuận Nam cũng có Di tích Quốc gia chùa núi Tà Cú tọa lạc trên sườn phía Nam núi, được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, có dáng vẻ cổ kính, đường nét kiến trúc tinh xảo hiếm có.
Ở độ cao khoảng 475 mét so với mặt nước biển, ngôi chùa thu hút nhiều du khách tới vãn cảnh, chiêm bái những lớp mái cong cao vút lên như lưỡi đao cùng lưỡng long chầu nguyệt được chạm khắc tài tình và tìm hiểu truyền thuyết về vị Tổ sư Trần Hữu Đức – một nhà sư đức độ đã sáng lập ra ngôi chùa.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Minh, không chỉ sở hữu nhiều di tích lịch sử – văn hóa, Bình Thuận còn là địa phương có nhiều lễ hội dân gian làng nghề truyền thống đậm bản sắc văn hóa của từng cộng đồng dân cư nơi sản sinh ra di sản.
Chẳng hạn như: Lễ hội dinh Thầy Thím gắn liền với Di tích lịch sử văn hóa quốc gia dinh Thầy Thím; diễn ra vào trung tuần tháng 9 Âm lịch hàng năm và đã trở thành lễ hội truyền thống đặc sắc, tiêu biểu không chỉ của cộng đồng người dân địa phương, mà còn của người dân nhiều tỉnh, thành phố lân cận ở khu vực phía Nam.
Hay Di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Katê của đồng bào Chăm – lễ hội dân gian có từ lâu đời và đặc sắc nhất của người Chăm theo đạo Bàlamôn ở Bình Thuận, diễn ra ngày 1/7 hàng năm theo lịch của người Chăm (thường vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 Dương lịch). Lễ hội mang ý nghĩa tưởng nhớ đến các vị thần và cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng thuận lợi, lứa đôi hòa hợp, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở.
* Bảo tồn, lan tỏa giá trị