Bịt lỗ hổng đấu thầu thiết bị y tế

Nhiều kẽ hở trong quy định

Hàng loạt vụ việc vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại bệnh viện thời gian vừa qua bên cạnh nguyên nhân chủ quan xuất phát từ lòng tham thì còn cho thấy những kẽ hở chính sách tạo điều kiện cho các đối tượng lợi dụng. Theo đó, Luật Đấu thầu dù đã có hướng dẫn với các thông tư, nghị định, tuy nhiên còn mang tính chất chung chung, chưa có hướng dẫn chi tiết cho từng hạng mục cụ thể nên ranh giới giữa đúng và sai rất mong manh.

Một số chuyên gia y tế cho rằng, trang thiết bị y tế khác với các loại hàng hóa thông dụng khác. Đây là loại hàng hóa đặc thù, đòi hỏi tính chuyên môn cao và liên quan đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, cho đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật rõ ràng và cụ thể để mua sắm mặt hàng này. Bên cạnh đó, thông tin, quy trình lựa chọn nhà đầu tư thiết bị, vật tư y tế theo hình thức xã hội hóa chưa được công khai, minh bạch, nhiều nơi không tổ chức lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh; giá cả phó mặc cho nhà cung cấp, đơn vị thẩm định giá. Từ đó tạo ra kẽ hở cho các bên dễ dàng bắt tay nâng khống giá để trục lợi, lạm thu của người bệnh.

Còn phải nhắc đến lỗ hổng trong việc quản lý nhập khẩu trang thiết bị y tế. Thực tế có hiện tượng các nhà nhập khẩu kê khai với cơ quan hải quan giá thấp để giảm thuế nhập khẩu, sau đó tìm cách nâng giá bằng việc mua bán lòng vòng. Chưa kể, hệ thống quản lý các bệnh viện công ở nước ta hiện tồn tại nhiều vấn đề, đặc biệt trong công tác tổ chức và các quy định liên quan đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế.

Nguyên nhân lớn nhất khiến công tác đấu thầu thiết bị y tế còn nhiều bất cập là do hình thức chỉ định thầu. Quy định tại Điều 22, Luật Đấu thầu 2013 nêu rõ, chỉ định thầu áp dụng trong các trường hợp cần nhanh, khẩn cấp. Tuy nhiên, việc thực hiện chỉ định thầu lại không phải chịu bất cứ điều kiện, ràng buộc nào như phải có quyết định đầu tư được phê duyệt, kế hoạch lựa chọn nhà thầu được phê duyệt, phải có tên trong cơ sở dữ liệu về nhà thầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu… Đây chính là kẽ hở lớn để các đối tượng xấu lợi dụng, điển hình là vụ việc Công ty CP công nghệ Việt Á “thổi giá” bộ xét nghiệm Covid-19 khi bán cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) và các cơ sở y tế khác tại các tỉnh, thành phố, qua đó thu về gần 4.000 tỷ đồng. Hay như vụ án xảy ra tại CDC Hà Nội khiến nhiều cán bộ y tế bị khởi tố.

Vấn đề đặt ra là, vì sao trong các vụ án này, các đối tượng lại có thể dễ dàng qua mặt các cơ quan chức năng như vậy.

Qua tìm hiểu phóng viên được biết quy định tại Luật Giá 2012 cho thấy, pháp luật đã trao quyền cho doanh nghiệp có chức năng thẩm định giá quá lớn, như được quyền cung cấp dịch vụ thẩm định giá, nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng, hoạt động theo nguyên tắc độc lập về chuyên môn nghiệp vụ và chỉ chịu trách nhiệm trước khách hàng về tính chính xác, trung thực, khách quan của kết quả thẩm định giá.

Quyền lớn, song cơ chế giám sát lại yếu khi không hề có quy định cơ quan nào, cấp nào có quyền hậu kiểm kết quả thẩm định của doanh nghiệp; giám sát, kiểm tra quy trình thực hiện của thẩm định viên có bảo đảm theo luật định; hoặc hỗ trợ tạo điều kiện cho thẩm định viên hoạt động độc lập về chuyên môn, không chịu sự chi phối hay sức ép từ bất cứ bên nào. Từ đó dẫn đến tình trạng doanh nghiệp thẩm định muốn định giá cao thì thẩm định viên tô hồng tài sản, thay đổi số liệu để định giá cao tài sản đó, còn nếu muốn định giá thấp thì phớt lờ các lợi thế của tài sản như thương hiệu, giấy phép. Chỉ đến khi vụ việc bị cáo giác, Thanh tra, Kiểm toán nhà nước vào cuộc thì dư luận, cơ quan chủ quản mới biết số liệu, kết quả thẩm định giá là “khống”.

Cần minh bạch về giá

Nhằm bịt kẽ hở trong công tác đấu thầu thiết bị y tế, nhiều chuyên gia kiến nghị, cần phải cân nhắc những nội dung bất cập trong quy định về chỉ định thầu tại Điều 22 Luật Đấu thầu 2013. Cùng với đó, xem xét sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật làm hạn chế sự lạm quyền của thẩm định viên và các tổ chức hoạt động về thẩm định giá theo hướng muốn nâng khống cũng không nâng được. Đồng thời bổ sung quy định chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn đào tạo, tuyển dụng và cấp giấy phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thẩm định giá; chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân hành nghề thẩm định giá; công khai những trường hợp vi phạm.

Về phía Bộ Y tế, ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế cho hay, việc khai trương Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế là một trong nhiều giải pháp quan trọng để hạn chế những bất cập tồn tại liên quan việc đấu thầu thiết bị y tế. Theo đó, đại diện của chủ sở hữu thiết bị y tế (hãng, văn phòng đại diện, công ty được chủ sở hữu ủy quyền) sẽ công khai giá, cấu hình thiết bị y tế… trên cổng thông tin này. Từ đó tiến tới công khai, minh bạch giá trúng thầu các gói thầu thiết bị y tế cho các cơ sở y tế tham khảo, lập dự toán, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng trong việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế.

Mặt khác, theo ông Lợi, việc bổ sung các dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa vào phạm vi điều chỉnh tại Nghị định 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư (có hiệu lực thi hành từ ngày 20/4/2020) cũng được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh đấu thầu cạnh tranh, hạn chế tình trạng khép kín. Điều này cũng tạo thuận lợi cho hoạt động giám sát, từ đó nâng cao hiệu quả của hình thức đầu tư xã hội hóa, bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ.