Bitcoin không phải là tiền?
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm về công nghệ blockchain và tiền điện tử tổ chức sáng nay (30/10) tại Hà Nội, ông Lê Huy Hòa – nhà sáng lập cộng đồng Bitcoin Việt Nam bày tỏ quan điểm rằng ông không coi Bitcoin là tiền vì nó không do chính phủ phát hành.
Hiện Bitcoin chưa phải là phương tiện thanh toán hợp pháp ở Việt Nam (Ảnh minh họa: Euronews)
Ông Hòa đánh giá, blockchain – công nghệ nền tảng tạo ra tiền mã hóa, trong đó có Bitcoin – đã tạo ra xu hướng và bước ngoặt trong thanh toán và công nghệ.
Tuy nhiên, theo nhà sáng lập cộng đồng Bitcoin Việt Nam, rất khó để có thể miêu tả về tiền số cho người khác hiểu. Như tả mùi sầu riêng cho người anh điêng, chỉ có thể là trải nghiệm thì mới hiểu.
“Giải thích về tiền số khó như miêu tả mùi sầu riêng cho người Anh-điêng, chỉ có thể là trải nghiệm thì mới hiểu được”, ông Hòa cho biết.
Cho rằng tiền số là tài nguyên hữu hạn trên không gian số, dựa trên cơ sở giao tiếp ngang hàng, ông Lê Huy Hòa nhận định, Bitcoin vẫn còn khiếm khuyết và có thể tiếp tục được hoàn thiện trong tương lai.
Theo ông Đặng Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân), không nên coi Bitcoin là “tiền ảo”, mà nên gọi nó là tiền mã hóa hay tiền mật mã.
Ông Tuấn phân tích: Bản chất của tiền tệ là hàng hóa đặc biệt, được chấp nhận chung và rộng rãi trong thanh toán. Do đó, ông Tuấn cho rằng, điều rất quan trọng của tiền tệ, đó là ai được phát hành? và lưu hành đồng tiền đó như thế nào? Đồng tiền danh nghĩa đó đổi được bao nhiêu hàng hóa cụ thể?
TS. Đặng Anh Tuấn cũng nêu thực tế: Bitcoin hiện nay đã vượt xa những bong bóng khác cộng lại bởi giá của nó biến động khôn lường trong năm qua. Chỉ trong vòng 2 tháng, giá Bitcoin tăng giá hơn 20 lần, nhưng đến nay đã giảm gần 1 nửa. Vì vậy, theo ông Tuấn, đầu tư vào đồng tiền mã hóa này không ít rủi ro.
Ông Trần Văn Nam – Trưởng khoa Luật (Đại học Kinh tế Quốc dân) khẳng định, Bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Tuy nhiên, nhà nước đang có động thái để đưa các quan hệ xã hội vào hệ thống pháp luật. Thủ tướng đã yêu cầu xây dựng khung pháp lý để quản lý và xử lý tiền ảo và các tài sản ảo. Khung pháp lý này do Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính phối hợp xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 8/2018.
Một số điều điện để hàng hóa được coi là tiền tệ:
Là thước đo giá trị, là phương tiện trao đổi, phương tiện tích lũy và phương tiện thanh toán
Thuận lợi trong việc sản xuất ra hàng loạt và dễ dàng trong việc xác định giá trị.
Được chấp nhận rộng rãi.
Có thể chia nhỏ và sử dụng lâu dài mà không bị hư hỏng, dễ vận chuyển
Có tính đồng nhất: các đồng tiền có cùng mệnh giá phải có sức mua ngang nhau…/.
Mục lục bài viết
Sàn tiền ảo Nhật Bản sẽ trả 425 triệu USD cho khách hàng bị hack
VOV.VN – Coincheck, một sàn giao dịch tiền điện tử của Nhật Bản cho biết sẽ thanh toán cho 260.000 khách hàng bị thiệt hại trong vụ hack.
Bộ Tư pháp lưu ý người dân thận trọng khi giao dịch tiền ảo
VOV.VN -Tiền ảo là loại tài sản chưa được cơ quan Nhà nước quản lý nên người dân khi thực hiện giao dịch liên quan đến tiền ảo cần thận trọng, cân nhắc.
TS.Nguyễn Đức Thành: Tiền ảo sẽ thay đổi thế giới
Theo TS, Nguyễn Đức Thành, thế giới đang bị cuốn theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, blockchain và tiền ảo là thành tựu sáng chói nhất trong cuộc cách mạng này