Bitcoin tăng giá nhưng người Việt không còn hứng thú
Dù bắt đầu đảo chiều và tăng trưởng vài ngày gần đây, Bitcoin vẫn để lại sự ám ảnh cho nhà đầu tư khi đã bốc hơi hơn 70% giá trị kể từ mức đỉnh lịch sử.
Ngày 26/10, Bitcoin chính thức lấy lại mốc 20.000 USD sau gần một tháng ngụp lặn dưới ngưỡng. Có thời điểm đồng tiền số lớn nhất thế giới chạm mốc 21.000 USD, đẩy vốn hóa thị trường lên 400 tỷ USD, trước khi điều chỉnh xuống phạm vi ổn định quanh 20.700 USD/đồng.
Dữ liệu từ CoinMarketCap cho thấy kể từ ngày 26/10, thanh khoản của Bitcoin tăng đột biến, dao động trung bình quanh ngưỡng 50 tỷ USD/ngày. Khối lượng này gấp 2, thậm chí gấp 3 giai đoạn đầu tháng 10.
Song, một số nhà đầu tư tại thị trường Việt Nam vẫn tỏ ra hờ hững trước tín hiệu tích cực này. Trên thực tế, với việc phạm vi giao dịch của Bitcoin vẫn không thể bứt phá quá mốc mốc 25.000 USD kể từ đợt lao dốc hồi giữa tháng 6, các nhà đầu tư có lý do để cảm thấy vậy.
Không khí ảm đạm
Thị trường tiền mã hóa nhìn chung đã “bớt sợ hãi”. Chỉ số đo lường tâm lý Fear & Greed đã nâng lên 34 điểm, cải thiện hơn 10 điểm so với giai đoạn trước đó.
Tuy nhiên khi được hỏi, Trung Hiếu – nhà đầu tư tại Hà Nội – cho biết cảm giác sợ hãi đã biến mất từ vài tháng trước. “Tôi không sợ, cũng không thấy chán nản. Rất khó để xác định cảm xúc hiện tại ra sao vì từ lâu rồi tôi không còn nhắc đến tiền mã hóa nữa”, Hiếu tâm sự.
Phải sau 3 lần nhập thử mật khẩu, nhà đầu tư này mới có thể truy cập vào ứng dụng giao dịch. Nếu là cách đây 5 tháng trước, ứng dụng giao dịch này luôn luôn hiển thị ở chế độ màn hình chờ.
“Mọi thứ vẫn vậy, tài khoản của tôi biến động loanh quanh ngưỡng 500 USD. Trước tôi bỏ vào đây đâu đó gần 5.000 USD, tức giờ đã giảm khoảng 10 lần. Thi thoảng lắm tôi mới vào ứng dụng để kiểm tra số dư và mang coin/token đi gửi tiết kiệm”, anh nói.
Bitcoin tăng giá nhưng không đáng là bao so với giá trị đã mất. Ảnh: CoinMarketCap.
Tham gia đầu tư khi thị trường diễn biến sôi động nhất, Hiếu không ngờ khoản đầu tư sau hơn một năm chỉ còn khoảng 10% so đỉnh điểm.
Dù hoàn toàn tuân theo quy tắc chỉ đầu tư vào nhóm coin top, được quảng bá là nhiều tiềm năng, an toàn, hầu hết danh mục của anh đều lỗ 80-90%. Vì vậy, việc giá Bitcoin tiến lên gần mốc 21.000 USD với Hiếu không phải tin vui.
Hiện ưu tiên của nhà đầu tư này là bảo vệ tài khoản, ngừng rót tiền để trung bình giá hay mở rộng danh mục cho đến khi thị trường xác lập xu hướng cụ thể.
Thị trường từng mất 3 năm mới có thể phục hồi và chứng kiến một cơn sốt mới. Với bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm có thể thời gian để tiền mã hóa bùng nổ trở lại sẽ còn lâu hơn nữa, trừ khi xuất hiện một bước ngoặt có lợi cho thị trường
Hoàng Long, nhà đầu tư tiền mã hóa tại Hà Nội
Tương tự, Hoàng Long – 28 tuổi, nhà đầu tư khác tại Hà Nội – cho rằng thị trường tiền mã hóa đang bước vào chu kỳ ngủ đông. Do đó, hành động mở rộng khoản đầu tư hay giảm thiệt hại bằng cách trung bình giá chưa hẳn là ý hay.
Việc Bitcoin đi ngang suốt thời gian qua bất chấp diễn biến tiêu cực của kinh tế vĩ mô có thể là chỉ báo cho thấy thị trường đã tạo đáy. Dẫu vậy, với một loại tài sản mang tính rủi ro cao như tiền mã hóa, nhà đầu tư này cho rằng bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra.
Xác nhận với Zing, một đại lý giao dịch stablecoin cũng cho biết dù Bitcoin tăng trở lại, số lượng khách hàng có nhu cầu quy đổi stablecoin vẫn rất ảm đạm. Trên thực tế, tình trạng này đã kéo dài từ khoảng giữa tháng 9.
“Số khách mua stablecoin ngày càng ít hơn bên có nhu cầu bán. Khối lượng mua stablecoin trung bình mỗi khách cũng không cao như trước”, vị này tiết lộ.
Bitcoin đang bước vào giai đoạn quan trọng
Theo dữ liệu phân tích mạng lưới từ GlassNode, số lượng địa chỉ ví Bitcoin mới đang có xu hướng tăng dần. Bình quân mỗi ngày mạng lưới của Bitcoin đón nhận trên 400.000 địa chỉ mới, tăng 6% so với giai đoạn giữa tháng 7, thời điểm số lượng ví Bitcoin mới thấp nhất trong một năm qua.
Song, tốc độ tăng trưởng của các địa chỉ ví có số dư khác 0 đã bắt đầu chậm lại từ tháng 8. Điều này cho thấy các nhà đầu tư đang đẩy mạnh sử dụng hết số dư trong ví.
Bên cạnh đó, việc khối lượng giao dịch trong mạng Bitcoin chạm đáy thấp nhất kể từ tháng 7/2021 cho thấy giới đầu tư đang tỏ ra hờ hững với đồng tiền số hàng đầu thế giới. Khối lượng giao dịch mỗi ngày trong mạng lưới Bitcoin chỉ đạt trên 5 tỷ USD, thấp hơn 5 lần so với mức cao nhất trong năm qua.
Theo một báo cáo của Morgan Stanley, có khoảng 78% lượng Bitcoin không được giao dịch trong vòng 6 tháng qua và con số này vẫn tiếp tục tăng . Mặt khác, 22% lượng Bitcoin còn lại do các nhà đầu tư ngắn hạn nắm giữ.
Bitcoin không còn hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư. Ảnh: SCMP.
Kể từ đầu năm, Bitcoin đã ghi nhận 3 quý sụt giảm liên tiếp. Riêng quý II, giá trị Bitcoin giảm khoảng 56,2% so với quý I. Bitcoin trong quý III diễn biến tương đối êm đềm khi chỉ giảm 2,5%.
Bước sang quý IV, diễn biến của Bitcoin khá suôn sẻ với mức tăng 7,8% tính đến gần hết tháng 10. Trong quá khứ, quý IV là giai đoạn được nhà đầu tư kỳ vọng nhất khi đồng tiền số thường xuyên tăng trưởng mạnh.
Tính riêng quý IV/2013 đến nay, Bitcoin ghi nhận 7 quý tăng và chỉ 3 quý giảm. Quý IV của hai năm gần nhất là 2020 và 2021, Bitcoin tăng lần lượt 5,45% và 168%.
Một yếu tố tích cực khác theo công ty phân tích Kaiko là mối tương quan giữa Bitcoin và các chỉ số chứng khoán Mỹ như S&P 500 và Nasdaq 100 đang được nới rộng.
“Mức độ biến động của Bitcoin đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm. Thị trường chứng khoán đã biến động trong vài tháng qua do lạm phát cao, đồng USD tăng giá, lãi suất tăng, xung đột và khủng hoảng năng lượng. Nhưng dữ liệu chỉ ra thị trường tiền mã hóa không còn phản ứng mạnh mẽ với những biến động vĩ mô như hồi đầu năm”, Clara Medalie, Trưởng bộ phận Nghiên cứu tại Kaiko, nhận xét.
Ngoài ra, việc lạm phát tại Mỹ thấp hơn dự đoán có thể khiến cơ quan quản lý Mỹ nhẹ tay hơn chính sách tiền tệ thời gian tới.
Ngày 2/11, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang và Cục Dự trữ Liên bang sẽ tiến hành nhóm họp để công bố mức điều chỉnh lãi suất mới cũng như đánh giá về tình hình lạm phát. Đây có thể là yếu tố quyết định diễn biến của Bitcoin trong thời gian tới.
Tác giả: Minh Khánh