Bitcoin tăng lại mức 24,400 USD, Nhiều Altcoin tăng 50-100%
Đây là Series “Weekly Insights”, được viết để tổng kết những sự kiện diễn ra trong tuần thông qua những hình ảnh Infographic, cung cấp những Insight trong thị trường một cách trực quan nhất cho người đọc.
Kiến thức trọng tâm:
- Bitcoin tăng lên lại mức 24.400 USD, nhiều altcoin tăng 50-100% khiến nhiều nhà đầu tư tăng cao kì vọng vào thị trường trong thời gian tới.
- Fed tăng lãi suất 0,75% lần thứ hai, trong khi chỉ số tiêu dùng tại Trung Quốc giảm mạnh – những tín hiệu xấu cho kinh tế vĩ mô dài hạn trong thời gian tới.
- Ethereum Merge sắp ra mắt với nhiều rủi ro kĩ thuật tiềm ẩn, hệ sinh thái Solana và Avalanche giảm mạnh về nhiều chỉ số quan trọng trong vài tháng qua.
- Thị trường huy động vốn vẫn rất sôi động trong 7 ngày qua, mặc dù con số không được tốt như tuần trước đó.
Mục lục bài viết
Tổng quan về thị trường trong tuần 30/2022
Market có vẻ lạc quan sau khi FED tiếp tục nâng mức lãi suất lên 0.75%. Bitcoin đã tăng lên mức 24,400 USD, nhiều altcoin tăng 50-100% khiến nhiều nhà đầu tư tiếp tục FOMO.
Tình hình hiện tại khá tốt cho thị trường, dự kiến tuần tới có thể BTC về lại vùng 28,000 USD. Nhiều token giá đã x3 từ đáy gần nhất, và có thể sẽ tiếp tục tăng 1 đoạn nữa trước khi thoái lui vùng tích lũy.
Thông tin vĩ mô & Crypto
Chỉ số niềm tin tiêu dùng tại Trung Quốc giảm mạnh
Chỉ số niềm tin tiêu dùng thể hiện mức độ lạc quan về nền kinh tế, về thu nhập, và mức độ chi tiêu của người dân. Tại Trung Quốc, chỉ số này sụp giảm nghiêm trọng vào tháng 7/2022.
Một trong những nguyên nhân có thể gây nên tình trạng này có thể do một số ngân hàng ở Hà Nam, Trung Quốc đã đóng băng tài sản, không cho người dân rút tiền với lý do bảo trì hệ thống. Theo nhiều nguồn tin, số tiền gửi bị đóng băng có giá trị ít nhất 178 triệu USD, ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn khách hàng.
FED tăng lãi suất thêm 0.75% lần thứ 2
Với việc Mỹ đang trải qua thời kỳ lạm phát tồi tệ nhất trong gần 40 năm, vào ngày 27/7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã công bố tăng lãi suất thêm 0.75% nhằm thu tiền mặt về ngân hàng, giảm tình trạng lạm phát.
Hiện mức lãi suất đang ở mức khoảng 2.25% – 2.5%, mức cao nhất kể từ tháng 12/2018. Nhiều nhà kinh tế học dự đoán lãi suất sẽ tăng lên khoảng 3.25% – 3.5% vào cuối 2022.
Việc tăng lãi suất của Fed tạo ra sự biến động trong thị trường chứng khoán cũng như crypto. Theo Ngân hàng Hoa Kỳ, lãi suất dự kiến tăng khiến thu nhập tương lai có xu hướng giảm, và các nhà đầu tư ít háo hức về việc giá cổ phiếu sẽ tăng trong tương lai. Ngoài ra, lãi suất cao còn làm chậm nền kinh tế, giảm doanh thu của các công ty, và có khả năng gây tổn hại đến tăng trưởng và giá các loại cổ phiếu.
Tỉ lệ lạm phát của Mỹ theo từng năm. Nguồn: CNN Business
Phản ứng sự việc, thị trường crypto đã tăng sau khi Fed tăng lãi suất 0.25% vào tháng 2/2022 nhưng lại có xu hướng liên tục giảm kể từ lúc Fed tăng lãi suất vào tháng 3/2022.
Tuy nhiên, sau khi Fed tăng lãi suất vào tháng 7/2022, thị trường crypto có phản ứng khá tích cực. Cụ thể, giá Bitcoin đã tăng khoảng 15% từ 21,100 USD lên 24,400 USD.
Tỉ lệ phần trăm Stablecoin trong Smart money và giá Bitcoin
Dưới đây là bảng so sánh sự tương quan giữa stablecoin trong smart money với giá của Bitcoin, theo Nansen. Theo đó, khi giá của Bitcoin tăng thì tỉ lệ stablecoin mà các smart money nắm giữ nằm ở mức thấp. Khi giá của Bitcoin giảm thì tỉ lệ stablecoin của các smart money tăng lên.
Có thể thấy các dấu hiệu chốt lời khi giá Bitcoin giảm thì tỉ lệ stablecoin của các smart money tăng lên và dấu hiệu gom hàng khi giá Bitcoin chuẩn bị tăng thì tỉ lệ stablecoin mà smart money nắm giữ lại giảm xuống. Từ đó các nhà đầu tư có thể theo dõi dòng tiền và góp phần đưa ra quyết định cho bản thân.
Ngoài ra, hiện số stablecoin trong ví Smart Money giảm nhưng Bitcoin vẫn không tăng, điều này ám chỉ khả năng cao người dùng đã cash out ra tiền mặt.
Ngoài tin tức Vĩ mô và thị trường Crypto ra, Weekly Insights còn cập nhật cho các bạn về thị trường DeFi, thị trường gọi vốn cùng nhiều Insights khác. Mời bạn xem qua video chuyển thể dưới đây nhé!
Những tin tức nổi bật trong các DeFi Category tuần 30
Stablecoin GHO của Aave
Tuần trước, Aave đã đề xuất biểu quyết trên AaveDAO về việc cho phép mint GHO trên Ethereum Market V2 của Aave Protocol. Hiện tại, tỉ lệ biểu quyết “Chấp thuận” đang chiếm số đông và nếu đề nghị này được thông qua, GHO sẽ chính thức lên biểu quyết on-chain. Sau khi được chấp thuận on-chain, GHO sẽ trải qua thêm 2 bước trước khi chính thức ra mắt.
Keep3r Fixed Forex
Trong tuần qua, Keep3r fixed forex đã đề xuất Curve DAO cho phép whitelist địa chỉ Treasury của keep3r để có thể lock CRV và có quyền biểu quyết mà không cần phải tạo wrap curve như Convex. Hiện Keep3r fixed forex đang muốn đẩy mạnh thanh khoản của các non-USD stablecoin trên Curve thông qua emission CRV.
Hiện đề xuất này đang được thảo luận và chưa có poll biểu quyết on-chain chính thức.
Synthetix V3
Bên cạnh Fixed Forex đẩy mạnh về non-USD stablecoin thì Synthetix đang muốn đẩy mạnh về synthetic assets khi chuẩn bị launch V3, với permissionless asset creation và veSNX tokenomics.
Cross-Chain
Sau khi Sushi sử dụng công nghệ của Stargate để ra mắt cross-chain AMM và Radiant Lending protocol thì mảng cross-chain nhận được nhiều sự chú ý. Trong đó:
- Các giải pháp về cross-chain cạnh tranh trong đề xuất Uniswap về việc sử dụng công nghệ cross-chain để quản trị
- Synapse ra mắt Optimistic Rollup với Generalized Cross-chain Messaging Protocol.
Những tin tức nổi bật trong các hệ sinh thái tuần 30
Hệ sinh thái Ethereum
Cập nhật tiến trình hoạt động của The Merge
Ngày 28/7, các nhà phát triển của Ethereum đã xác nhận thời gian dự kiến sẽ tiến hành merge trên mạng Goerli Testnet. Đây là lần test cuối cùng trước khi Ethereum Merge chính thức diễn ra trên mainnet với thời gian dự kiến là vào tháng 9/2022.
Nhiều rủi ro về vấn đề kỹ thuật khi The Merge sắp đến gần đã khiến các nhà đầu tư đã lo lắng và tìm đường hedge để giảm thiểu rủi ro. Sự tăng trưởng của ETC thời gian vừa rồi là một trong những lựa chọn đó, khi các nhà phát triển ETC suy nghĩ về việc fork ETH một lần nữa để giữ lại ETH POW. Trong trường hợp The Merge thành công, thị trường vẫn có sự lựa chọn ETH POW hoặc ETH POS.
Cùng lúc đó, Optimism cũng được chú ý khi ETH merge đang đến gần vì hiện chỉ có Optimism là Rollups thành công nhất với sự hỗ trợ của Vitalik Buterin. Thời gian sắp tới, 1 số giải pháp L2 như ZK Rollup (như zk Sync) và Validium (như StarkNet)… sẽ giúp Ethereum mở rộng nhanh hơn. Đây cũng là thách thức cho các Alt-L1 khác như Aptos, Sui, Solana… trong thời gian tới.
Tìm hiểu thêm: Nguồn gốc, Bối cảnh & Hiểu lầm về The Merge
Hệ sinh thái Solana
Hầu hết các nhà phát triển trên Solana đã chuyển sang Aptos hoặc Sui để xây dựng dự án. Khi nhìn vào TVL, YTD đã giảm từ 12 tỷ USD về 2.5 tỷ USD. Dự án Magic Eden chỉ có khối lượng giao dịch từ 2-3 triệu USD mỗi ngày.
Các giao thức khác của Solana cũng gặp vấn đề về bảo mật khi Wormhole bị hack 300 triệu USD, Cashio bị hack 60 triệu USD, Crema bị hack 8 triệu USD và Nirvana bị hack 3.5 triệu USD.
Với những dữ kiện như vậy, hệ sinh thái Solana đang ở trong thị trường gấu tương như Ethereum năm 2018 khi trend ICO đi qua. Giao thức nào có thể tồn tại qua đoạn này (dự đoán vào năm sau) có thể trở thành một trong những dự án chủ chốt trong hệ sinh thái Solana.
Hệ sinh thái Avalanche
Sau khi narrative “subnets” cho gaming không thành công (DFK & Swimmer), hiện tại Avalanche đang khá chật vật với việc phát triển hệ sinh thái. Nhìn vào những giao thức hàng đầu trên Avalanche đều là những giao thức Multi-chain như Aave, Curve. Hai giao thức native là TraderJoe và Platypus đều đang có các chỉ số không tốt.
Platypus: Stablecoin AMM kém phát triển
Thanh khoản của Platypus đã giảm từ 700 triệu USD về 200 triệu USD, trong khi khối lượng giao dịch giảm mạnh hơn từ 140 triệu USD về 4 triệu USD mỗi ngày.
TraderJoe cũng không khá hơn khi TVL giảm từ 860 triệu USD về 213 triệu USD, khối lượng giao dịch mỗi ngày giảm từ 340 triệu USD về còn 27 triệu USD mỗi ngày.
Thị trường gọi vốn tuần 30
Thị trường gọi vốn kém sôi động hơn trong tuần này, với số tiền huy động được là 409 triệu đô, thấp hơn đáng kể so với tuần trước (số tiền huy động được trong tuần trước là 600 triệu đô). Số lượng thương vụ trong tuần này (32 thương vụ) cũng thấp hơn so với tuần trước (53 thương vụ).
Trong mảng các dự án DeFi, chỉ có 4 thương vụ trong tuần này, trong khi có 8 thương vụ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và 12 trong mảng GameFi & NFT & Metaverse. Rõ ràng thị trường đang chú ý nhiều hơn đến các danh mục như GameFi & NFT & Metaverse, Cơ sở hạ tầng, trong khi ít quan tâm hơn đến các dự án DeFi.
Trong phần sau của bài viết, thông tin về sự tương quan giữa số lượng thương vụ và giá BTC trong 4 năm qua sẽ được phân tích, đồng thời phân tích những thông tin chi tiết về thị trường gọi vốn trong 7 ngày qua.
Tương quan giữa số lượng thương vụ gọi vốn và giá BTC trong 4 năm qua
Mặc dù giá BTC biến động lên xuống không ngừng trong 4 năm qua, nhưng số lượng thương vụ đầu tư từ một số VC lớn nhất trong thị trường luôn gia tăng. Các thương vụ ngày càng dày đặc trong H2 2021 và H1 2022, ngay cả khi giá BTC có xu hướng giảm mạnh trong sáu tháng gần đây.
Số tiền mà các VC lớn đầu tư vào thị trường tiền điện tử ngày càng tăng lên và không có dấu hiệu giảm xuống, chứng tỏ rằng thị trường tiền điện tử đang phát triển tốt trong vài năm qua.
Sàn KuCoin gọi vốn 10 triệu USD trong vòng Strategic
Sàn giao dịch Kucoin là sàn giao dịch tập trung được thành lập vào năm 2014. Đây là một trong những sàn CEX đến từ Trung Quốc, bên cạnh Binance và Huobi. So với các sàn giao dịch khác, Kucoin cũng có đầy đủ các tính năng từ giao dịch Spot, giao dịch phái sinh, đến nhiều tính năng phụ khác như xổ số, đặt cược, v.v.
Nhà đầu tư duy nhất trong thương vụ này là SIG. Đây là một công ty công nghệ và thương mại tư nhân. SIG bao gồm một số đơn vị trực thuộc chuyên kinh doanh và đầu tư độc quyền vào cổ phiếu, cổ phần tư nhân và đầu tư mạo hiểm.
Nguồn vốn sẽ được sử dụng để nâng cấp cơ sở hạ tầng cho KuCoin, mở rộng các loại hình kinh doanh và tuyển dụng nhân viên mới. Bên cạnh đó, KuCoin cũng sẽ sử dụng nó để tìm và đầu tư vào các công ty khởi nghiệp tiền điện tử đầy hứa hẹn trên hệ sinh thái KCC của KuCoin.
Tuy nhiên, số tiền thu được từ thương vụ này không lớn đối với Kucoin. Vì SIG là một công ty lớn, lợi ích chính cho Kucoin trong thương vụ này (bên cạnh số tiền 10 triệu đô) có thể là mối quan hệ với những người đứng sau quỹ SIG.
Hashflow (HFT) gọi vốn 25 triệu USD Series A
Hashflow là một DEX cho phép người dùng giao dịch nhiều token. Hashflow cũng cung cấp dịch vụ crosschain bridge với ưu điểm là tốc độ xử lý nhanh, không bị khai thác MEV và phí gas thấp.
Hashflow hứa hẹn mang đến một tiêu chuẩn mới trong giao dịch DeFi với nhiều ưu điểm vượt trội như phí thấp, không trượt giá, giải pháp MEV… Tuần trước, Hashflow đã huy động thành công 25 triệu USD ở mức định giá 400 triệu USD.
Jump Crypto, Electric Capital, Dragonfly Capital đã tham gia vào vòng này cùng với nhiều VC khác. Số vốn sẽ được sử dụng để phát triển sản phẩm, mở rộng nguồn nhân lực và khách hàng.
Vào năm 2022, thị trường gọi vốn trong mảng DeFi rất không có nhiều thương vụ đáng kể, nhất là trong thời gian thị trường ngập sắc đỏ trong 6 tháng qua. Thương vụ này là một thương vụ lớn trong mảng DeFi, bởi thương vụ có sự tham gia của nhiều VCs lớn, giúp Hashflow nổi bật trong mảng DeFi ở thời điểm hiện tại.
Tổng kết
Khi thị trường có sự tăng trưởng ngắn hạn, cơ hội đầu tư đang xuất hiện ở nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, xu hướng dài hạn của thị trường vẫn đang là đi xuống, do kinh tế vĩ mô không ủng hộ sự tăng trưởng dài hạn (do Fed tăng lãi suất và nhiều yếu tố khác). Nhà đầu tư nên cẩn thận với các khoản đầu tư của mình trong giai đoạn này, vì dự kiến thị trường sẽ có những biến động lớn trong vài tuần tới.