Blockchain có thể tạo ra những mô hình kinh doanh mới thành công cho DN Việt Nam
Công nghệ chuối khối (blockchain) có thể sẽ là một trong những chìa khóa chính để doanh nghiệp (DN) có thể mở ra những hướng đi mới này.
“Giải nỗi oan” đánh đồng blockchain với tiền ảo
Công nghệ blockchain lần đầu tiên được hai nhà toán học Stuart Haber và W. Scott Stornetta đưa ra vào năm 1991. Sau đó, tiền điện tử bitcoin xuất hiện vào năm 2009. Tiền ảo Bitcoin liên quan chặt chẽ đến công nghệ blockchain vì được lưu vào cuốn sổ cái phân tán trong mạng ngang hàng, thông qua công nghệ blockchain. Bitcoin tạo ra cơn sốt mạnh mẽ trên toàn thế giới và vì thế, hầu như khi nói đến blockchain, người ta hay nghĩ nhiều đến bitcoin cũng như thị trường tiền ảo (cryptocurrency). Tuy vậy, blockchain không chỉ có tác dụng với tiền điện tử mà còn được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác.
Theo ông Huy Nguyễn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), đồng sáng lập kiêm Giám đốc Công nghệ tại KardiaChain Foundation, không có gì khó hiểu khi nói tới blockchain, người ta sẽ dễ dàng nghĩ đó chỉ là một dạng tiền ảo, bitcoin, hay là một cái gì đó liên quan đến tài chính ảo. Bởi vì, công nghệ blockchain có sản phẩm chủ đạo đầu tiên là một sản phẩm về tài chính, đó là bitcoin.
Là một trong những chuyên gia về blockchain và là chuyên gia tư vấn của FPT Digital, ông Lê Huy Hoàng cũng cho rằng sau gần 15 năm hình thành và phát triển, có thể nói blockchain vẫn là “một công nghệ của tương lai”. Phần lớn người dùng thông thường vẫn nghĩ blockchain là tiền điện tử. Việc ứng dụng blockchain vào thực tế vẫn chưa được như kỳ vọng. Có đến vài ngàn, thậm chí vài chục ngàn dự án, ý tưởng nhưng để đi đến cuối con đường và trở thành một sản phẩm thiết thực, có thể áp dụng trong thực tế, thì chưa có nhiều.
“Theo tôi, vấn đề nằm ở chỗ các DN vẫn chưa quy tụ được nhiều nhân tài về blockchain, chưa phát triển ra một sản phẩm, giải pháp blockchain có tính thực tiễn, từ đó có thể giúp các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách nhận thức rõ hơn về công nghệ này”.
Ông Huy Nguyễn: chưa phát triển ra một sản phẩm, giải pháp blockchain có tính thực tiễn
Xây dựng nền văn hóa thử nghiệm để ứng dụng blockchain
Mới đây, DxTalks tập 9 với chủ đề “Blockchain và tính ứng dụng trong DN và cộng đồng” đã được FPT Digital sản xuất và phát hành. Chương trình có sự tham gia của các khách mời là ông Huy Nguyễn, Phó chủ tịch VBA; ông Đặng Khánh Hưng, Giám đốc Nghiên cứu FPT Blockchain Lab; ông Lê Huy Hoàng, chuyên gia tư vấn FPT Digital và người dẫn chương trình ông Vương Quân Ngọc, Giám đốc Tư vấn CĐS FPT Digital.
Là chuyên gia tư vấn CĐS, ông Lê Huy Hoàng cho biết dựa trên kinh nghiệm tư vấn về các nền tảng công nghệ của FPT Digital, blockchain hay các công nghệ mới khác đều phải thực hiện từng bước một. Đầu tiên là phải xác định được một ứng dụng thực tế (use case), sau đó sẽ lên kế hoạch và triển khai thí điểm. Nếu thất bại, đó sẽ là một thất bại tương đối nhanh và rẻ, còn nếu thành công, “use case” sẽ được nhân rộng.
Và điều quan trọng là blockchain vẫn là câu chuyện còn rất mới. Vì vậy, để blockchain có những “use case” thì DN cần xây dựng một nền văn hóa thử nghiệm, sẵn sàng thay đổi, thậm chí, trong trường hợp xấu nhất bị thất bại, vẫn phải sẵn sàng thử nghiệm.
“Thử nghiệm một công nghệ mới, DN phải xác định có khả năng bị sai và thất bại. Tuy nhiên, khi xây dựng một lộ trình thử nghiệm dài và tiếp cận từng bước một, nếu trường hợp thất bại ở một bước nào đó, DN có thể sửa sai, hoặc suy nghĩ lại để tìm ra một “use case” mới”, chuyên gia tư vấn của FPT Digital nói.
Theo các chuyên gia, khi tạo ra những mô hình kinh doanh mới, sẽ có những tình huống “quick win” (thắng nhanh) hoặc “quick fail” (thua nhanh). Nhưng rõ ràng, các mô hình thử nghiệm luôn luôn tạo ra những giá trị mới, thậm chí là những giá trị đột phá.
Blockchain có thể tạo ra những mô hình kinh doanh mới
Theo ông Vương Quân Ngọc, Giám đốc tư vấn CĐS của FPT Digital, một trong những góc nhìn lớn nhất của CĐS, đó là CĐS không chỉ là số hóa hay ứng dụng các công nghệ số, mà CĐS là DN phải thực sự có thể tạo ra những đột biến.
“Tôi nghĩ rằng một hướng đi mới hoàn toàn, một mô hình kinh doanh mới, hay thậm chí thành một nền kinh tế mới là một trong những mục tiêu mà CĐS đang hướng đến. Và tôi nghĩ rằng blockchain có thể sẽ là một trong những chìa khóa chính để DN có thể mở ra hướng đi này. Đặc biệt, blockchain đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, đây là một tín hiệu tốt cho chiến lược CĐS ở Việt Nam”, ông Ngọc nói.
Rõ ràng blockchain không chỉ là một công nghệ số để DN nghiên cứu, ứng dụng trong quá trình CĐS nhằm cải tiến, tăng tốc hay tăng tính vận hành liên tục cho DN, mà blockchain thực sự có thể tạo ra những mô hình kinh doanh mới, những cơ hội mới. Các công ty ở trong bất cứ ngành nghề nào đều hoàn toàn cũng có thể ứng dụng công nghệ này.
Dưới góc độ của một công ty tư vấn về CĐS, FPT Digital sẽ vận dụng những kinh nghiệm về chuyên môn đối với từng ngành nghề cũng như từng nền tảng công nghệ số để giúp khách hàng rút gọn thời gian xây dựng bài toán, xác định được tình huống phù hợp khi sử dụng blockchain./.