Bỏ 3 báo giá trong mua sắm thiết bị y tế: Không áp dụng đại trà
–
Thứ ba, 14/03/2023 16:53 (GMT+7)
Sau 10 ngày, Nghị quyết 30 được ban hành, nhiều vấn đề liên quan đến thiếu thuốc, trang thiết bị y tế đã dần được tháo gỡ, các bệnh viện đang trong quá trình triển khai việc đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế, phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Thùy Linh
Không phải trang thiết bị y tế nào cũng được bỏ 3 báo giá
Hầu hết các bệnh viện cho rằng, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã giải quyết được 70 – 80% việc mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế cho các đơn vị. Thế nhưng, dù đã bỏ quy định phải có 3 báo giá, chỉ cần 1 báo giá, thì một số đơn vị vẫn còn lo ngại.
Có ý kiến còn lo ngại, nếu đấu thầu chỉ 1 báo giá thì có rơi vào tình huống chỉ định thầu, vi phạm Luật Đấu thầu hay không? Liệu đây có phải là cản trở khiến các bệnh viện vẫn còn e dè trong mua sắm đấu thầu hay không?
Chia sẻ với phóng viên Lao Động, một lãnh đạo bệnh viện tuyến Trung ương cho rằng: Chuyện chấp thuận 1 báo giá là tùy vào loại trang thiết bị, máy móc, không phải mặt hàng nào cũng chỉ có 1 báo giá.
“Câu chuyện chấp thuận 1 báo giá để giải quyết các trường hợp đặc biệt chỉ có 1 nhà phân phối hoặc 1 hãng độc quyền, không phải áp dụng đại trà cho tất cả các sản phẩm. Nghị quyết 30 trong trường hợp này chỉ áp dụng cho các trường hợp đặc biệt.
Như vậy, các bệnh viện có thể mua sắm mà không sợ vi phạm Luật Đấu thầu”- lãnh đạo bệnh viện này nói.
Hơn nữa, vị này cũng cho hay, các nhà cung cấp, bên chủ đầu tư “cứ làm đàng hoàng thì sẽ không sợ”, làm công khai minh bạch, không “vướng” vào các chuyện đút lót, hối lộ… thì có thể yên tâm mà làm.
“Chúng tôi có máy cộng hưởng từ bị hỏng 1 cái bóng, mà bóng đó chỉ có 1 đơn vị cung cấp, vậy thì lấy đâu ra 3 báo giá?
Thứ nhất, có những thiết bị máy móc chỉ có một đơn vị cung cấp thôi, nếu yêu cầu 3 báo giá thì chỉ có “bịa” ra mới có thể có đủ 3 báo giá.
Thứ 2, đó là những chiếc máy lần đầu tiên được đưa vào Việt Nam, và cũng chỉ có một hãng sản xuất thôi hoặc các loại máy độc quyền, chỉ có 1 đơn vị phân phối thì không thể có 3 báo giá để so sánh”- thêm một lãnh đạo bệnh viện phân tích.
Thời gian qua, vướng mắc thiếu trang thiết bị xoay quanh câu chuyện “3 báo giá” không chỉ xảy ra ở một bệnh viện.
Đơn cử, Bệnh viện Bạch Mai thiếu máy xạ trị để điều trị cho bệnh nhân ung thư nhưng mấy năm nay bệnh viện không thể mua được vì loại máy này chỉ có 2 đơn vị phân phối, không thể lấy được 3 báo giá mà chỉ có tối đa 2 báo giá.
Hiện nay nhiều vướng mắc tại Bệnh viện Bạch Mai đang trong quá trình được tháo gỡ, đặc biệt là vấn đề thiếu hóa chất xét nghiệm, hiện có những gói thầu đang được tiến hành đến công đoạn phát hành hồ sơ đang chuẩn bị mở thầu, doanh nghiệp vào là sẽ có hóa chất để xét nghiệm, chẩn đoán cho bệnh nhân.
“Không phải các bệnh viện e dè mà Nghị quyết cho phép làm thì các bệnh viện mới có thể làm được. Khi được bảo hiểm y tế thanh toán thì bệnh viện mới có thể triển khai được”- đại diện bệnh viện này nói.
Cần nhanh chóng sửa đổi các thông tư, quy định, luật liên quan
Trước đó, TS.BS Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, quy định mới đã tháo gỡ được khó khăn khi chỉ cần 1 báo giá, nhưng liệu công ty có báo giá sát với giá nhập khẩu hay không.
Ông Báu đặt vấn đề, cách lấy báo giá như thế nào để sau này không bị quy kết về giá, giá nhập về công ty có quyền được lời bao nhiêu phần trăm?
Ngoài ra, trong việc sửa chữa trang thiết bị y tế lớn, giá trị cao bị hư hỏng, phải có trong kế hoạch trung hạn 5 năm. Sau đó phải làm báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, trình cấp có thẩm quyền thông qua HĐND theo quy định của luật Đầu tư công và nghị định hướng dẫn luật. Việc này có bị vướng luật hay không, Nghị quyết 30 chưa đề cập.
Theo ông Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Nghị định số 07/NĐ-CP và Nghị quyết 30/NĐ-CP mới chỉ là giải pháp cấp bách.
Ông Giang cho rằng, về lâu dài, các bộ, ban, ngành cần xây dựng văn bản pháp quy có tính chất căn cơ trong công tác mua sắm đấu thầu, sửa đổi các thông tư, nghị định cũ, xây mới quy định về đấu thầu.
Với ngành Y tế, theo Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, các cơ quan liên quan cần tiếp tục xây dựng văn bản pháp quy thuận lợi cho mua sắm mang tính chất chuyên ngành chứ không áp dụng mua sắm thuốc hóa chất vật tư, thiết bị như mua sắm hàng hóa thông thường.
Còn Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ kiến nghị, cùng với việc ban hành Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ban, ngành liên quan sớm ban hành Thông tư, Nghị định về vấn đề quản lý mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, thiết bị một cách căn cơ mới giải quyết về lâu dài tình trạng thiếu thuốc, vật tư, hóa chất.
Điều này giúp các bệnh viện có hành lang pháp lý chuẩn để mua sắm trang thiết bị vật tư, quản lý, đấu thầu một cách công khai, minh bạch đúng quy định pháp luật.
“Nếu có những văn bản pháp quy rõ ràng, công khai minh bạch, các bệnh viện sẽ hoạt động “trơn tru”. Khi nghị quyết ban hành, bệnh viện sẽ thực hiện đúng nghị quyết, không lợi dụng việc tháo gỡ của nghị định để vụ lợi mà phải tuân thủ đúng pháp luật”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định.